Mới cập nhật

Câu chuyện xã hội: Từ không thể thành có thể



Một người lính sau khi rời quân ngũ liền gọi điện cho mẹ ở quê nhà. Anh nói rằng anh có một người bạn muốn cùng anh về thăm gia đình. Mẹ anh nghe điện thoại, vui vẻ nhận lời và muốn chào đón con trai cùng người bạn.

Thế nhưng, người lính lại nói rằng, bạn anh là một thương binh, bị cụt cả hai chân, không thể đi lại được, gia đình sẽ phải chăm sóc người bạn ấy nếu cậu ta đến nhà. Người mẹ yêu quý con trai mình, tất nhiên sẽ không từ chối đề nghị của con. Bà nói: “Con cứ đưa cậu ấy đến đây, mẹ có thể chăm sóc cậu ấy trong thời gian cậu ấy ở chơi nhà mình”.

Người lính lại nói: “Không đâu mẹ, anh ấy sẽ ở lại nhà chúng ta, chúng ta sẽ chăm sóc anh ấy suốt đời”. Nghe đến đây, người mẹ suy nghĩ rồi trả lời con trai rằng, họ chưa đủ điều kiện kinh tế để chăm sóc một người tật nguyền, hơn nữa, gia đình họ còn có cuộc sống riêng, không thể chăm sóc cho một người mất khả năng làm việc và đi lại như vậy được. Chính vì thế, người mẹ khuyên con nên trở về, để người bạn cụt chân ở lại để cậu ta tự lo cho cuộc sống của mình.

Người lính nói với mẹ rằng anh đã hiểu rồi cúp máy. Mấy ngày sau, người mẹ nhận được điện thoại báo tin con trai bà đã chết. Bà không thể ngờ rằng vừa mới mấy ngày trước đây con trai bà còn nói chuyện điện thoại và hẹn vài ngày nữa sẽ về nhà. Cảnh sát cho biết, người lính này đã tự sát bằng cách nhảy từ ban công của một tòa nhà xuống.

“Con tôi không tự sát, nó mới rời quân ngũ, sắp về nhà”. Người mẹ gào lên trong khi người ta đưa bà vào nhận xác con mình. Trước mặt bà là khuôn mặt thân quen của người con trai yêu dấu, nhưng phía bên dưới, người lính này đã cụt mất đôi chân. Một đồng đội nói: “Anh ấy bị trúng bom cụt mất hai chân nên được giải ngũ”.

Người mẹ hiểu ra câu chuyện mà con trai bà nói trong điện thoại. Anh muốn biết bà có thể tiếp nhận và chăm sóc một người tật nguyền như anh không. Vô tình câu trả lời của bà đã khiến anh hiểu rằng, anh chỉ là gánh nặng cho gia đình mình. Anh đã tự sát.

Những giọt nước mắt ân hận của người mẹ rơi xuống, nhưng tất cả đã quá muộn màng.

Đừng bao giờ đối xử phân biệt với người khác. Nếu mỗi người chúng ta đều có thể dành sự bao dung và nhân ái cho những người xa lạ như cho chính người thân của mình, thì thế giới này sẽ tốt đẹp biết bao.

Bởi vì với sự bao dung, độ lượng và nhẫn nại chúng ta sẽ đủ sức mài mòn bất kỳ hòn đá vô tri vô giác nào để trở thành một viên ngọc lung linh tỏa sáng, đủ sức biến điều không thể thành có thể.

Theo trang web của EVN