Mới cập nhật

Văn hóa ứng xử


Với người Việt Nam, khái niệm “người có văn hóa” được sử dụng như một tính từ dùng để chỉ những hành vi, cử chỉ của cá nhân phù hợp với đạo đức, thuần phong mỹ tục và văn minh khoa học. Người có văn hóa không hoàn toàn đồng nghĩa với học hàm học vị. Do đó, có những người học hàm học vị cao vẫn bị đánh giá là thiếu văn hóa, và có người học chưa hết cấp tiểu học lại được coi là có văn hóa.

Ứng xử có văn hóa hay không của một con người, hay tổ chức được bộc lộ ra trước một hoàn cảnh, tình huống cư xử. Vì vậy, từ xưa, cha ông ta đã có câu tục ngữ: “học ăn, học nói, học gói, học mở”.
Ai cũng tưởng rằng, đã là con người thì sinh ra đã biết khóc đòi bú, đòi ăn, hà cớ gì phải học? Nhưng với người Việt, ăn phải biết trông nồi, ngồi phải biết trông hướng.

Những người là con cháu, ít tuổi phải ngồi đầu nồi mà xới cơm cho bậc cha chú, người cao tuổi và khi ăn phải biết nồi còn nhiều hay ít mà chìa bát xin ăn thêm hay nhường nhịn nhau.
Việc nói cũng cần học. Tục ngữ có câu “lời nói không mất tiền mua, lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”. Từ những việc đơn giản “học ăn, học nói”, con người còn phải “học gói, học mở”, nghĩa là học để biết cách sắp xếp công việc, cách làm cái gì trước, cái gì sau, rồi khéo léo trong công việc, cách đối nhân xử thế trong cuộc sống hàng ngày. 

Trong khi văn hóa ứng xử được đem ra ứng dụng nhiều trong đời sống xã hội thì tại các trường học lại ít khi đào tạo kỹ năng này. Người ta học văn hóa ứng xử do tự thân là nhiều. Và thường là do môi trường sống của bản thân tác động đến, như tục ngữ nói “gần mực thì đen, gần đèn thì sáng”. 

Đầu năm nay, những hành vi cử chỉ về ứng xử văn hóa khi chào đón đội tuyển bóng đá U23 đã gây ồn ào dư luận.
Ban đầu việc Công ty Cổ phần hàng không Vietjet tài trợ chuyến bay VJ7269  cho đội tuyển U23 Việt Nam từ Thường Châu (Trung Quốc) về Nội Bài (Việt Nam) nhận được sự cổ vũ vui mừng của dư luận.
Khi máy bay hạ cánh, các cổ động viên càng vui mừng khi thấy trên thân máy bay dòng chữ “Tôi yêu Tổ quốc tôi”.
Nhưng rồi, tất cả đã bị sốc khi trên mạng xã hội ngập tràn những hình ảnh và clip phản cảm về những  cô gái  “chân dài” mặc bikini uốn éo đi lại và chụp ảnh với các cầu thủ và huấn luyện viên.
Các cô gái “chân dài” có thể “lý luận” là họ được thuê, nhưng nếu họ biết giữ hình ảnh mình chắc sẽ không nhận “hợp đồng” này.  Bộ VHTTDL đề nghị Cục Hàng không xử lý.
Và chiều ngày 30/1, Cục Hàng không đã ra quyết định xử phạt Công ty cổ phần hàng không Vietjet 40 triệu đồng do không xin phép khi biểu diễn trên chuyên cơ chở đội bóng U23 Việt Nam từ Thường Châu về Hà Nội.

Còn với cá nhân tiếp viên trưởng chuyến bay VJ7269 bị phạt 4 triệu đồng vì đã có hành vi vi phạm không báo cáo kịp thời cho cơ trưởng chuyến bay theo Nghị định số 147/2013/NĐ-CP của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hàng không dân dụng.

Giá như, Vietjet thay vì màn múa phản cảm bằng việc tài trợ tiếp cho đội tuyển U23 một bữa ăn thịnh soạn, sau đó tạo điều kiện để các cầu thủ nghỉ ngơi một chút cho lại sức thì có phải tốt hơn không để đến nỗi, sau đó mấy tiếng đồng hồ các chàng trai trẻ ra sân vận động giao lưu khi chưa kịp ăn uống. Nghe lời bộc bạch của cầu thủ Xuân Trường tại sân Mỹ Đình sau đó mà thấy thương.
Rồi khi đội tuyển U23 diễu hành từ sân bay Nội Bài về trung tâm thủ đô Hà Nội lại xuất hiện hành vi khiến dư luận xôn xao.

Đó là việc ông Nguyễn Lân Trung xuất hiện ở vị trí hàng đầu trên tầng 2 chiếc xe buýt dẫn đầu diễu hành.
Có những thời điểm ông Trung còn đứng lên trước, che cả vị trí của HLV trưởng Park Hang-seo để hò reo, vẫy tay với người hâm mộ đang chào đón những người đã lập lên kỳ tích tự hào. Dư luận cho rằng ông Trung “tranh công”.
Thực tế, ai cũng biết, ông Trung không phải là cầu thủ bóng đá, không ghi bàn, nên không có việc tranh công gì ở đây. Và hành vi của ông Trung còn khiến báo chí đặt câu hỏi xem ông có được phân công lên tầng 2 cổ vũ hay không?

Ông Nguyễn Xuân Gụ - Phó Chủ tịch phụ trách truyền thông của Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF), khẳng định không phân công, trong khi đó tại buổi họp báo tại trụ sở VFF chiều ngày 29/1, ông Lê Hoài Anh, Tổng Thư ký VFF, lại cho rằng ông Trung làm đúng chức trách nhiệm vụ của mình.

Tất nhiên, hành vi này của ông Trung không vi phạm quy định pháp lý hay quy chế gì. Chỉ tiếc là ông ông “sơ ý” đứng không trông hướng khiến dư luận thấy chướng mà thôi.
Cũng cần phải bàn đến việc tổ chức đón rước đội tuyển U23 thiếu khoa học và không tính hết được các phương án. Chỉ một đoạn đường hơn 20km từ sân bay Nội Bài về Ba Đình mà đi hết 5 giờ đồng hồ (từ 13h30 đến 18h30).

Việc vỡ kế hoạch này kéo theo bao phiền toái như truyền hình trực tiếp kéo dài gần 10 tiếng đồng hồ (cho đến chương trình gala tại sân vận động Mỹ Đình).
Và chưa bao giờ một sự kiện trong nước mà Thủ tướng phải đợi đến 5 tiếng đồng hồ. Khó có thể trách đám đông cổ động viên đã ùa ra đường khi các phương án giao thông không được lên kế hoạch chu đáo. 

Cuối cùng là việc chụp ảnh lưu niệm trước trụ sở Văn phòng Chính phủ. Lẽ ra, một số vị quan chức nên nhường vị trí cho các cầu thủ đứng hàng trên, cạnh Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam còn mình đứng trên bậc sau hàng hai thì đẹp biết bao. Vì đây là cuộc tiếp đón của Thủ tướng đối với đội tuyển bóng đá và HLV Park Hang-seo.

Để kết thúc bài viết, xin mượn mấy câu thơ của cụ Nguyễn Công Trứ trong bài “Trong trần mấy mặt làng chơi” để nói văn hóa ứng xử như một cuộc chơi trong đời sống rất nghệ thuật: “Thôi thôi chơi cũng là chơi vậy; Biết mùi chơi chưa dễ mấy người”.    

Từ Khôi