Mới cập nhật

Câu chuyện văn hóa: Lời chào

Ngõ 29A nơi gia đình tôi ở chỉ có chưa đến chục ngôi nhà. Vợ chồng tôi duy nhất là cán bộ đã nghỉ hưu, còn hầu hết các hộ đều đang là công chức và kinh doanh tự do. Trình độ học vấn của họ cũng chẳng có gì là cao, ấy thế mà cuộc sống của ngõ này thật ấm áp, hài hòa, nhẹ nhõm. Lời chào là phong cách rất tự nhiên của ngõ:
– Cháu chào ông bà ạ, cháu đến trường đây.
– Cháu chào bác, chào chú.
– Con chào mẹ…

Ngày nào cũng vậy, không khí của ngõ thật rộn rã như tiếng hót vui của bầy chim trước bình minh. Mà thực sự đâu chỉ là lời chào của con trẻ, bởi vì cùng với lời chào là nụ cười tươi tắn của bố hoặc mẹ chúng. Sáng sáng tôi dậy sớm quét sân mà tâm hồn thư thái lạ.

Buổi trưa, thấy tôi lúi húi ngoài vườn. Các cháu đi làm về, chào hỏi:
– Ông làm vườn ạ.
– Rau ông mới trồng có tươi không?
– Ông bà đã nấu cơm chưa.
– Hôm nay nắng quá ông nhỉ…
Lời chào thật phong phú và đa dạng. Tôi đáp lại họ cũng nhiệt thành và không quên dặn: chưa kịp mua rau thì qua vườn ông mà hái nhé…
Chiều về, lời chào mới thật là xúc động. Trẻ con sau một ngày vắng ngõ, vắng nhà, về chào và khoe tíu tít:
– Ông ạ, bà ạ.
– Cháu đã về ông ơi.
– Cháu hôm nay được phiếu bé ngoan nhé!
– Ông bà ơi, hôm nay cháu được điểm 10.
 
Còn người lớn thì chào hỏi rất tự nhiên:
– Ông ngồi chơi ạ. Hôm nay ông có đi bộ không…? Bà chuẩn bị cơm chiều chưa…
Những lời chào từ ngày nọ qua ngày kia dù có lặp lại nhưng không bao giờ vô nghĩa. Lời chào như những giọt mật, tích tụ lại thành sự ngọt ngào, nơi ngõ nhỏ, giúp quên đi những vất vả, lo âu.
 
Một lần tôi kể chuyện này cho người bạn ở xa đến chơi thì ông ta cười có vẻ lạ lùng:
– Thế ư. Ở phố tôi, mọi người còn mải mê kiếm sống. Người ta thì giờ đâu để ý đến lời chào. Họ còn không biết ai làm nghề gì. Mà chào mãi làm gì, nó cũng nhàm.
– Ấy chết. Lời chào cao hơn mâm cỗ, cụ ạ.
– Ôi dào, hàng xóm với nhau có gì phải chào. Phố tôi có người có học hẳn hoi, chửi mắng vợ con vô lý, bị ông chú mắng cho. Hắn tức còn chẳng thèm chào cả ông chú ruột nữa ấy. Cuộc sống ở chỗ tôi là tranh nhau mua bán, thị trường mà, ai cũng sợ mình nghèo hơn kẻ khác. Chỉ chào nhau khi cần đến công việc thôi, cụ ạ. Nếu chỗ cụ có thật việc chào hỏi như thế thì thật là hiếm có trong cuộc sống bây giờ. Khu chung cư kiểu mẫu gần chỗ tôi ở cũng không được như vậy.
 
Chiêu ngụm trà đặc, dừng một lát như để tĩnh tâm, bạn tôi mới buồn buồn thổ lộ:
– Kinh tế thị trường làm mất đi nhiều điều tốt ông ạ. Tuy nhiên, cũng may, lời chào vẫn luôn được hệ thống giáo dục của chúng ta coi trọng và chú trọng phát triển trong thế hệ trẻ. Tôi làm công tác khuyến học, cho nên có đôi lần đến thăm một số trường mầm non, tiểu học và trung học cơ sở, được chan hòa trong không khí vui chơi của các cháu cùng những lời chào, thật là xúc động. Nếu người lớn chúng ta ở mỗi khu dân cư, chòm xóm biết khơi dạy và duy trì được phong cách chào hỏi này thì thật đáng quý biết bao.
 
Tôi cười, tự hào:
– Vâng. Lời chào là văn hóa truyền thống Việt cụ ạ. Tôi yêu nơi tôi sống vì những lời chào hỏi giản dị, mộc mạc này mà thôi. Ở đây tôi cảm thấy ngày nào cũng thoải mái, dễ chịu như được uống một liều thuốc bổ vậy.

Nguyễn Đình Tân