Mới cập nhật

Cuộc sống quanh ta: Cho cậu thanh niên 10 đồng, 21 năm sau, người phụ nữ được báo ơn hậu hĩnh

Nhưng bà Đới đã nhất quyết không nhận món quà vật chất to lớn ấy. Câu chuyện xảy ra hơn 2 thập kỷ về trước đã khiến những người biết chuyện đều cảm động...



Vào một ngày tháng 5 năm 2013, quán mỳ nhỏ của bà chủ Đới Hạnh Phân tại thành phố Lâm Hải (Đài Châu, Chiết Giang) bỗng nhận được cuộc gọi từ số lạ.

Người đàn ông trung niên trong điện thoại nói với bà Đới bằng giọng hồ hởi:
"Chị ơi, cuối cùng em cũng tìm được chị rồi! Em chính là cậu bé nhỏ tuổi nhất được chị cưu mạng hơn 20 năm về trước…"

Lật giở lại những trang ký ức cách đây hơn 2 thập kỷ, bà Đới rất nhanh đã nhớ ra người đàn ông ấy. Năm đó, cậu bé tên Hà Vinh Phong thân hình đen nhẻm gầy gò, đôi chân rớm máu đã từng đến nhà bà tá túc.
Cuộc trò chuyện qua điện thoại của hai người kéo dài hơn 10 phút, chủ yếu đều là Hà Vinh Phong xúc động giải thích.

Bà Đới vừa nghe vừa rơi lệ. Bởi ân tình được cậu thiếu niên năm xưa ghi lòng tạc dạ tới 21 năm qua thực làm cho Đới Hạnh Phân vô cùng cảm động.
Không lâu sau đó, Hà Vinh Phong đưa vợ từ Thẩm Dương tới Lâm Hải, tặng cho ân nhân của mình một tờ chi phiếu trị giá 1 triệu NDT (xấp xỉ 3,6 tỉ VNĐ). Nhưng Đới Hạnh Phân từ chối không nhận.

Ông Hà không còn cách nào khác, lúc gần đi liền bí mật bỏ ra 100 ngàn NDT mua thuốc bổ, lẳng lặng để lại nhà bà Đới. Nào ngờ mấy ngày sau, Đới Hạnh Phân cùng chồng tới Thẩm Dương, đem món quà ấy gửi lại cho người tặng.
Liệu rằng 21 năm trước đã xảy ra chuyện gì mà khiến cho hai người ấy nhớ mãi không quên cho tới bây giờ?

Cuộc hội ngộ của ông Hà Vinh Phong và bà Đới Hạnh Phân tại quán mỳ của nhà họ Đới. (Ảnh: Nguồn Baidu).
.
Một bữa ăn đổi lấy cả đời ân nghĩa

Tránh nạn

Năm 1993, cậu thiếu niên Hà Vinh Phong khi ấy mới 17 tuổi, đang sinh sống cùng gia đình ở thôn Nguyên Phong, xã Nghi Cư, huyện Dậu Dương, Trùng Khánh. Nguồn sống của cả gia đình phụ thuộc hết vào nghề buôn bán thịt lợn của cha cậu.
Trớ trêu thay, sau một đêm bị trộm đột nhập, nhà họ Hà phải đeo trên lưng số tiền nợ hơn 100.000 tệ cho người bán lợn. Kể từ ngày ấy, gia đình Hà Vinh Phong thường xuyên có người cầm dao tới đòi nợ.

Cha cậu không còn cách nào khác, buộc phải đi xa trốn nợ. Chủ nợ liền tìm mọi cách ngược đãi mẹ Hà Vinh Phong.
Cậu thiếu niên họ Hà không muốn mẹ chịu khổ, cương quyết nghỉ học. Mẹ cậu vì muốn con thoát cảnh nợ nần nên đã để Hà Vinh Phong đi xa tìm việc.

Bấy giờ, Hà Vinh Phong cùng bạn học Đinh Lạp và một người bạn khác định tới Hoàng Nham (Chiết Giang) để nhờ chị Đinh Lạp tìm việc.
Nào ngờ khi tới Hàng Châu, tiền bạc của cả ba người đều bị trộm sạch. Họ không còn cách nào khác, chỉ có thể đi ăn xin trên con đường xa xôi từ Hàng Châu tới Hoàng Nham.

Ba cậu thiếu niên ấy uống gió dầm sương, ăn xin trên đường suốt mười mấy ngày. Chân của Hà Vinh Phong còn bị người ta chém, tập tễnh lê bước.
Liên tục bốn, năm ngày trời, họ thậm chí chẳng có lấy một thứ gì bỏ vào bụng. Những cơn đói cùng sự mệt mỏi giày vò khiến vết thương trên chân Hà Vinh Phong nhanh chóng kết mủ.
Nhưng điều đả kích ba cậu thiếu niên ấy hơn cả chính là vết thương trong lòng họ. Bởi mỗi lần tới đâu ăn xin, người dân nơi ấy đều nhìn các cậu như kẻ gian, chẳng ai nói với họ tới nửa lời.

Gặp quý nhân


Ông chủ Hà luôn tin rằng, cuộc gặp gỡ với bà Đới trong những năm tháng khó khăn nhất cuộc đời chính là niềm may mắn mà ông trời ban cho. (Ảnh: Nguồn Baidu).
.
Đi cầu thực tới ngày thứ 13, Hà Vinh Phong cùng bạn bè tới địa phận huyện Tiên Cư (Thái Châu, Chiết Giang).

Lúc này, cậu thiếu niên họ Hà đã phát sốt vì vết thương trở nặng, thậm chí không thể cất bước đi được nữa. Thấy sắc trời đã dần tối, người bạn Đinh Lạp đánh liều gõ cửa một ngôi nhà ở đầu thôn.
Khi đó, có một cô gái xinh đẹp khoảng 23, 24 tuổi ra mở cửa cho họ. Cô gái ấy không ai khác chính là Đới Hạnh Phân. Bấy giờ, Đinh Lạp thều thào nói: "Chị ơi, chúng em đã ba ngày liền không có gì ăn rồi…"

Không do dự thêm một giây phút nào, Đới Hạnh Phân lập tức cho 3 cậu thiếu niên vào nhà. Cha mẹ cô cũng nhiệt tình tiếp đãi, nấu cho họ một bữa tối thịnh soạn.
Đới Hạnh Phân và mẹ cho Hà Vinh Phong uống thuốc hạ sốt và xử lý vết thương giúp cậu.
Khi ấy, Đới Hạnh Phân nói: "Chị ở bên ngoài làm công đã mấy năm, thấy rằng chỉ cần thành thực, giữ chữ tín, có tiếng tốt thì không lo không có cửa kiếm tiền".

Rạng sáng ngày thứ hai, Đới Hạnh Phân giúp ba cậu thiếu niên tìm việc làm nhưng không mấy khả quan. Nhóm người của Hà Vinh Phong không còn cách nào khác, đành giữ nguyên kế hoạch tới Hoàng Nham.

Khi sắp rời đi, Đới Hạnh Phân đưa vào tay ba cậu thiếu niên một bọc chuối tiêu, một túi bánh bao, lại cho mỗi người 10 nhân dân tệ (người Trung Quốc cũng gọi là 10 đồng).
Cảm động trước tấm lòng của người chị ấy, Hà Vinh Phong nén nước mắt nói:
"Chị, sau này em tìm được công việc nhất định sẽ viết thư báo về và gửi tiền lại cho chị".
"Tiền không cần trả, khi nào đến nơi nhớ báo tin bình an là được. Các em chỉ cần nhớ, nhất định phải luôn là một người hiền lành, biết giữ chữ tín".

Chia tay chị Đới, ba cậu thiếu niên ngồi xe tới Hoàng Nham. Thế nhưng chị của Đinh Lạp cũng không tìm được việc cho họ ở nơi này. Sau cùng, Hà Vinh Phong tới Thiên Tân rồi lưu lạc đến Thẩm Dương tìm việc.

Cảm tạ ân tình

Dù nhiều năm tháng đã qua đi, nhưng ký ức về người chị họ Đới đã từng cưu mang mình chưa bao giờ phai nhạt trong ký ức của Hà Vinh Phong. (Ảnh: Nguồn Baidu).
.
Lăn lộn ở Thẩm Dương suốt 10 năm trời, Hà Vinh Phong từ một cậu bé ăn mày đã trở thành một người làm công, sau làm người nhận thầu, cuối cùng thành một ông chủ sở hữu tới mấy nhà máy.
Giờ đây, nhắc tới cái tên Hà Vinh Phong, người dân nơi đây sẽ nhớ ngay tới một triệu phú giàu có với gia sản bạc triệu.

Mà "chìa khóa" giúp ông chủ Hà có được sự thành công như ngày hôm nay, không gì khác ngoài câu nói của Đới Hạnh Phân căn dặn trước lúc chia ly: "Thành thực, giữ chữ tín, có tiếng tăm tốt mới có thể kiếm được tiền".

Hà Vinh Phong luôn tin rằng, câu nói ấy giống như một lời cảm hóa, một câu thần chú đem lại sự may mắn cho cuộc đời của ông.
Sau khi sắp xếp được công việc, ông chủ Hà bắt đầu dành hết thời gian và tâm sức của mình để tìm lại người chị họ Đới năm xưa.

Thế nhưng vì Đới Hạnh Phân đi làm công bên ngoài, năm xưa lại nói chuyện với họ bằng chất giọng địa phương nên Hà Vinh Phong đã nghe nhầm tên của bà thành "Đới Tín Phân".
Vì thế, những lá thư ông viết trong mười mấy năm trời hầu hết đều giống như mò kim đáy bể, có nhiều bức còn bị trả lại vì không tìm được người nhận.

Tháng 3/2013, một người bạn làm ăn của ông chủ Hà khi về thăm quê hương ở Tiên Cư, Chiết Giang đã giúp ông tìm lại được người ân nhân họ Đới năm nào.
Để báo đáp ân tình, Hà Vinh Phong muốn tặng lại cho Đới Hạnh Phân ngân phiếu 1 triệu NDT, nhưng bà Đới nhẹ nhàng từ chối.

Đới Hạnh Phân nói rằng, chuyện năm ấy bà làm là một việc rất bình thường, không đáng để nhắc tới: "Một triệu nhân dân tệ quả thực có thể thay đổi cuộc sống của tôi bây giờ. Nhưng tấm lòng tri ân 21 năm của cậu ấy so với tiền bạc lại càng thêm trân quý.
Cảm tình giữa con người với con người không phải chỉ dùng vật chất mới có thể duy trì, mà quan trọng là cần tấm lòng. Một người làm ăn nhỏ như chị sống như bây giờ đã rất tốt rồi. Cậu giỏi lắm! Chị mừng cho cậu! Như vậy là đủ rôi!"

Đó chính là những chia sẻ của bà Đới Hạnh Phân khi nhắc tới câu chuyện trả nghĩa của ông chủ Hà Vinh Phong.
Sau khi biết được câu chuyện này, cô con gái lớn đang đi thực tập ở bên ngoài của bà Đới cũng nhắn tin về cho mẹ: "Mẹ ơi! Mẹ thật tuyệt! Con tự hào vì mẹ!"

Câu chuyện giúp người không cần hồi báo của Đới Hạnh Nhân nhanh chóng được các phương tiện truyền thông đăng tải và nhận được vô số lời tán dương.
Cũng có một số người không khỏi thắc mắc, 21 năm về trước là khoảng thời gian chẳng mấy ai dư dả. Vậy vì sao bà Đới có thể sẵn sàng coi việc giúp người làm niềm vui như vậy?

Người phụ nữ họ Đới với trái tim Bồ Tát

Câu chuyện dạy con của nhà họ Đới


Sinh ra và lớn lên trong một gia đình không mấy khá giả, nhưng bà Đới luôn được cha mẹ nhắc nhở, răn dạy phải sống lương thiện, nhân nghĩa. (Ảnh: Nguồn Baidu).
.
Nhà họ Đới trước kia có 5 anh chị em, bà Đới Hạnh Phân là cô con gái thứ tư.
Khi còn nhỏ, vì gia đình quá nghèo khó, 1 nhà lại có tới 7 miệng ăn, nên Đới gia thường xuyên thiếu ăn thiếu mặc.

Có một lần, Đới Hạnh Phân vì quá đói bụng, thấy ruộng nhà hàng xóm có măng tre liền hái trộm đem về. Mẹ bà biết được đã vô cùng tức giận, bắt bà trả lại. "Tôi còn nhớ rất rõ, khi ấy tôi vừa khóc, vừa ngậm ngùi đem măng tre trả về".

Mặc dù gia cảnh nghèo khó, nhưng mẹ của Đới Hạnh Phân đã từng cưu mang một lúc 4 người ăn mày trong suốt 4 tháng trời. Khi ấy, bốn người hành khất ban ngày đi xin cơm, buổi tối lại về nhà họ Đới, nằm trên chiếu rơm, đắp rơm rạ mà ngủ.

Mẹ bà thường xuyên ân cần hỏi họ: "Mọi người hôm nay đã ăn no chưa? Ngủ có bị lạnh hay không?"
Mẹ luôn nhắc nhở cho các anh chị em trong gia đình họ Đới một điều rằng, dù đối phương là người nghèo khó hay nhỏ yếu cũng không được coi thường hay gây khó dễ cho họ.

Viên ngọc sáng giữa chốn hồng trần

Trước kia, Đới Hạnh Phân từng có giai đoạn làm thuê ở Sơn Đông. Bà từng trải qua đủ mọi công việc, từ thu mua phế liệu cho tới bán dương mai, mỗi lần làm một nghề đều trải qua rất nhiều chuyện cay đắng.

Có lần, bà Đới một mình đi tới bệnh viện huyện để thu mua đồ phế liệu. Khi ấy, thầy thuốc ở đó vô cùng kinh ngạc mà hỏi bà: "Cô đi một mình ư? Từ trước tới nay tôi chưa từng thấy phụ nữ nào làm công việc nặng nhọc này".

Trong ký ức của con gái Đới Tư Mộng, những năm tháng thu mua phế liệu, mẹ của cô đã phải chịu rất nhiều khổ cực. "Khi ấy, mẹ rất gầy, vẫn thường một mình gánh tới 20, 30 cân phế liệu, nặng tới nỗi bước cũng liêu xiêu".

Thế nhưng, dù công việc có vất vả tới đâu, cuộc sống có khó khăn thế nào, nhân cách cao đẹp của bà Đới vẫn như một viên ngọc sáng giữa dòng đời đầy những vất vả.
Lấy việc giúp người làm niềm vui

Bà Đới (ở giữa) là một người phụ nữ nhân từ và ấm áp trong mắt mọi người. (Ảnh: Nguồn Baidu).
.
Cô Trần Đức Dung, người làm thuê cho quán mỳ của Bà Đới chia sẻ rằng, câu chuyện bà giúp cậu thiếu niên Hà Vinh Phong năm xưa không đem lại cho cô quá nhiều sự bất ngờ.
"Chị Đới vốn là người rất tốt. Có một lần tay tôi bị đau, mà hôm đó nhà chị cũng có việc. Nhưng chị Đới vẫn cho tôi tan ca sớm, còn mình thì ở lại rửa chén".
Chị dâu của bà Đới là bà Từ Quế Vân cũng khen ngợi: "Em chồng tôi trước nay làm việc nhanh nhẹn, thẳng thắn, rất dễ trò chuyện".
"Đới Hạnh Phân luôn quan tâm tới mọi người. Chỉ cần biết bạn gặp khó khăn, nhất định cậu ấy sẽ hỏi thăm và tìm cách giúp đỡ". – Bà Vương Trà chia sẻ với phóng viên khi nhắc tới người bạn lâu năm Đới Hạnh Phân.

Dù là khách hàng, người thân, bạn bè hay người xa lạ, tất cả họ đều cảm nhận được sự ấm áp toát ra từ trái tim nhân hậu của người phụ nữ này.
Để cảm tạ ân tình của Đới Hạnh Phân năm nào, triệu phú Hà Vinh Phong đã quyết định viết tặng cho bà một cuốn sách để ghi lại những câu chuyện về người phụ nữ nhân hậu ấy.

Về phần Đới Hạnh Phân, mỗi khi nhắc tới câu chuyện cưu mang ông chủ Hoàng, bà vẫn luôn nói rằng, kỳ thực những việc làm của bà năm ấy chẳng đáng là bao…
Soha