Mới cập nhật

Vì sao người nổi tiếng thường tự tử

Jane Powell, Giám đốc tổ chức từ thiện CALM (Anh) nhận định: "Đúng là họ được ngưỡng mộ, yêu thương và giỏi giang nhưng lại rất khắt khe với bản thân". 
Cứ 40 giây lại có một người trên thế giới tự kết thúc mạng sống và tỷ lệ này không ngừng tăng lên, CNN đưa tin. Đặc biệt, tự tử rất phổ biến trong giới nghệ sĩ, những cá nhân vốn được coi là tài năng, giàu có và sở hữu cuộc sống trong mơ.

Trao đổi với CNN, bác sĩ tâm thần Charles Raison tại Los Angeles (Mỹ) cho rằng tự tử là "một lời kêu cứu", "một cách trừng phạt những người gây đau khổ" và "phương thức kiểm soát hình hình". Theo ông, con người chủ yếu tự tử bởi 3 lý do: thất vọng vì tương lai trước mắt không còn hy vọng, hay thấy ở bệnh nhân ung thư giai đoạn cuối; bệnh tâm thần đưa đến suy nghĩ mình phải chết vì một lý do nào đó như tâm thần phần liệt và cuối cùng là trầm cảm. 

vi-sao-nguoi-noi-tieng-thuong-tu-tu
Diễn viên Robin Williams tự tử vào năm 2014 khiến cả thế giới bàng hoàng. Ảnh: eonline.
Trầm cảm được coi như nỗi đau khủng khiếp nhất nhân loại phải chịu đựng. Khi một người bị trầm cảm, cả thế giới trở nên đen tối. Họ tìm đến tự tử bởi đó là lối thoát, nhất là khi phương pháp điều trị trầm cảm còn hạn chế và người bệnh thường giấu giếm gia đình, bạn bè. 

Giới nghệ sĩ hay những người thành công nói chung thường theo đuổi chủ nghĩa hoàn hảo, không ngừng cố gắng để đạt đến những tiêu chuẩn mới. Họ khát khao tình yêu, sự mến mộ của cộng đồng nhưng ít khi nhận đủ những điều đó. Nhà tâm lý học Hwang Sang-min tại Đại học Yonsei (Hàn Quốc) nhận xét các ngôi sao sống phụ thuộc vào độ nổi tiếng nên rất dễ hành động dại dột khi không còn có thể tiếp tục trưng ra bộ mặt tốt đẹp. Vì một sự việc nào đó, họ bị đánh giá, trở thành thất bại trong mắt đám đông và nhanh chóng suy sụp, tin rằng những lời cay nghiệt ấy là sự thật.

vi-sao-nguoi-noi-tieng-thuong-tu-tu-1
Ngày 1/4, diễn viên Pratyusha Banerjee nổi tiếng qua bộ phim "Cô dâu 8 tuổi" tự sát khi mới 25 tuổi. Ảnh: shortday.
 
Một khi đã rơi vào trầm cảm, người nổi tiếng càng gặp nguy hiểm bởi họ ít khi nhận được sự giúp đỡ. "Đã có những ý kiến phản hồi rằng họ không được bác sĩ chăm sóc tận tình chỉ vì ăn mặc đẹp và có vẻ ổn", Powell giải thích. Đối với làng giải trí châu Á, tìm gặp chuyên gia tư vấn vẫn bị coi là điều cấm kỵ nên họ buộc phải tự chống chọi với vấn đề của mình.

Ngoài ra, tờ Chosun dẫn lời một số chuyên gia chỉ ra bắt chước cũng là nguyên nhân dẫn đến sự gia tăng các ca tự tử trong giới nghệ sĩ. Ở Hàn Quốc, từ sau cái chết của nữ diễn viên Lee Eun-ju vào năm 2005, tỷ lệ người thuộc showbiz ra đi bằng phương thức tương tự nhiều lên rõ rệt. 
Cái chết của các ngôi sao chính là lời khẳng định tiền, thành công chưa chắc đã đảm bảo cho cuộc sống hạnh phúc. Tự tử là tội ác của sự cô đơn và chính tài năng lại thường đi cùng cô độc. Dù thế nào, những con người như thế đáng được cảm thông hơn là trách móc. Giống như Robin Williams, ông ra đi không phải vì buông thả, thiếu trách nhiệm, hèn nhát mà đó là hành động tuyệt vọng của một nhân cách hiểu rõ mình không thể giành chiến thắng trong cuộc chiến này.

Minh Nguyên