PGS,TS ĐÀM ĐỨC VƯỢNG TRẢ LỜI PHỎNG VẤN HÃNG PHIM TÀI LIỆU TRUNG ƯƠNG VỀ LƯƠNG KHÁNH THIỆN
NLP: Xin ông cho biết vài nét
về cuộc đời hoạt động cách mạng của đồng chí Lương Khánh Thiện?
PGS,TS Đàm Đức Vượng:
Đồng chí Lương Khánh Thiện là một nhà
cách mạng chuyên nghiệp thời dựng Đảng; sinh năm 1903, trong mọt gia đình nông
dân ở thôn Mễ Trang, xã Liêm Chính, huyện Thanh Liêm, Hà Nam.
Năm 22 tuổi (1925), sau
khi đỗ bằng tiểu học, Anh vào học Trường Kỹ nghệ thực hành Hải Phòng. Ở đây,
Anh thường được các bạn kể cho nghe về những nhà yêu nước hồi đầu thế kỷ XX,
như Hoàng Hoa Thám, Nguyễn Thiện Thuật, Phan Bội Châu,…
Tháng 11 năm 1925, nhà cầm
quyền Đông Pháp tại Hải Phòng bắt nhân dân và học sinh tại Hải Phòng đi đón
Toàn quyền Đông Dương Varen nhân dịp ông ta xuống Đồ Sơn để nghỉ. Lương Khánh
Thiện vận động anh em học sinh Trường Kỹ nghệ thực hành Hải Phòng viết đơn đòi
ân xá cho cụ Phan Bội Châu, một chí sĩ yêu nước lúc ấy đang bị nhà cầm quyền
Đông Pháp giam cầm. Đơn đã được trao tận
tay cho Varen. Varen nhận đơn và hứa sẽ giải quyết. Xe của Varen đi khuất, Giám
đốc Trường Kỹ nghệ thực hành Hải Phòng quát mắng, đe dọa anh em. Từ đây, mật
thám Pháp bắt đầu theo dõi những người đưa đơn, trong đó có Lương Khánh Thiện.
Lương Khánh Thiện cùng một số học sinh bị đuổi ra khỏi Trường. Trong những ngày
bị đuổi ra khỏi Trường, Lương Khánh Thiện sống lang thang trên đất Hải Phòng
mất khoảng gần một năm.
Năm 1926, Lương Khánh
Thiện rời Hải Phòng về Nam Định, xin vào làm việc tại nhà máy Sợi (còn gọi là
nhà máy Dệt Nam Định). Tại đây, Anh đã cùng một số anh em công nhân lập ra Hội
Tương tế để giúp đỡ lẫn nhau trong lúc túng thiếu khó khăn.
Hoạt động sôi nổi trong
phong trào công nhân nhà máy Sợi Nam Định, Anh được kết nạp vào Hội Việt Nam
Cách mạng Thanh niên của Nam Định vào năm 1927. Đánh hơi thấy Anh hoạt động yêu
nước và cách mạng, mật thám Pháp tiếp tục theo dõi Anh và Anh bị đuổi ra khỏi
nhà máy Sợi Nam Định.
Lương Khánh Thiện lang
thang trên đất Thành Nam mất mấy tháng, đến năm 1928, Anh quyết định trở lại
Hải Phòng để tiếp tục hoạt động cách mạng.
Tại Hải Phòng, Lương Khánh
Thiện được gặp nhà hoạt động nổi tiếng trong phong trào công nhân, lúc ấy đang
là Bí thư Thành ủy Hải Phòng của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên. Nguyễn Đức
Cảnh đã giác ngộ cách mạng cho Lương Khánh Thiện và khuyên Anh nên đi “Vô sản
hóa”. Phong trào Vô sản hóa lúc bấy giờ kêu gọi thanh niên yêu nước hãy tự cải
tạo mình bằng việc đi lao động tại các nhà máy, công trường, qua đó mà tự rèn
luyện mình. Nghe theo lời khuyên của Nguyễn Đức Cảnh, Lương Khánh Thiện xin đi
Vô sản hóa tại nhà máy Sợi Hải Phòng.
Năm 1929, Đông Dương Cộng
sản Đảng, một tổ chức tiền thân của Đảng Cộng sản Việt Nam ở Bắc Kỳ, được thành
lập. Lương Khánh Thiện xin gia nhập Đảng. Khi Đảng Cộng sản Việt Nam được thành
lập vào đầu năm 1930, Anh trở thành đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam.
Trong những ngày hoạt động
tại Hải Phòng lần thứ hai, Lương Khánh Thiện càng hăng hái tham gia các phong
trào yêu nước và cách mạng của Hải Phòng như xây dựng các tổ chức, đoàn thể yêu
nước và cách mạng tại Hải Phòng, liên kết chặt chẽ giữa phong trào công nhân
với phong trào yêu nước của Hải Phòng. Những hoạt động của Anh vẫn không qua
được mạng lưới theo dõi rất chặt chẽ của mật thám Pháp. Họ ghi tên Anh vào sổ
đen, kết tội Anh và lại bị đuổi ra khỏi nhà máy.
Sau cuộc biểu tình ngày
1-5-1930 tại Hải Phòng, Lương Khánh Thiện bị địch bắt. Trong những ngày bị giam
tại nhà lao Hải Phòng, Anh bị cai ngục tra tấn dã man, nhưng Anh kiên quyết
không khai báo, do đó, tổ chức quần chúng yêu nước và tổ chức đảng ở Hải Phòng
đều không bị lộ. Tại nhà lao Hải Phòng, Lương Khánh Thiện tổ chức huấn luyện
chính trị, dạy văn hóa cho anh em, ổn định chỗ ăn, chỗ ở cho anh em trong nhà
lao, đồng thời, bí mật bắt được mối liên lạc với tổ chức đảng ở bên ngoài.
Sau 7 tháng giam cầm, nhà
cầm quyền Pháp đưa Lương Khánh Thiện cùng một số đồng chí khác bị đưa ra xử tại
Hội đồng Đề hình Kiến An. Lương Khánh Thiện bị kết án khổ sai chung thân.
Lương Khánh Thiện bị đưa
lên giam tại nhà tù Hỏa Lò, Hà Nội và đến cuối năm 1930, Anh bị đày ra giam tại
nhà tù Côn Đảo. Tại nhà lao Hải Phòng, nhà tù Hà Nội, nhà tù Côn Đảo, Lương
Khánh Thiện đều bí mật tham gia hoạt động, tổ chức hội cứu tế nhằm giúp đỡ, an
ủi nhau trong những ngày sống nơi tù ngục. Anh ra sức góp phần xây dựng chi bộ
đảng trong nhà tù Côn Đảo.
Trước phong trào mạnh mẽ
của nhân dân ta đòi thả từ chính trị ở Đông Dương và được sự ủng hộ của Mặt
trận Bình dân Pháp, tháng 6-1936, Lương Khánh Thiện và một số tù nhân cộng sản
được ra tù, trở về đất liền hoạt động.
Về đến Hà Nội, Lương Khánh
Thiện liên lạc với Đảng và tiếp tục hoạt động. Cuối năm 1936, trong cuộc Hội
nghị Xứ ủy Bắc Kỳ mở rộng, Anh được bầu vào Xứ ủy. Được Đảng phân công hoạt
động bí mật, Anh âm thầm, lặng lẽ đi vào các xóm thợ, làng xã tổ chức ra các
hội ái hữu và nghiệp đoàn và Đoàn Thanh niên dân chủ.
Từ đầu năm 1937 đến năm
1939, Lương Khánh Thiện lần lượt làm Bí thư Thành ủy Hà Nội, Bí thư Thành ủy
Hải Phòng và Bí thư Lâm thời Xứ ủy Bắc Kỳ Đảng Cộng sản Đông Dương.
Năm 1938, Lương Khánh Thiện
trực tiếp lãnh đạo công nhân nhà máy xe lửa Gia Lâm đấu tranh.
Đầu năm 1940, Lương Khánh
Thiện được Đảng phân công về phụ trách Khu B gồm Hải Phòng, Kiến An, Quảng Yên,
Hòn Gai, Hải Dương, Hưng Yên.
Lương Khánh Thiện bị mật
thám Pháp bắt lại vào cuối năm 1940.Nhà cầm quyền Đông Pháp hết tra tấn lại dụ dỗ, nhưng trước sau Anh vẫn không hề khai báo. Anh nghĩ mình “chết vinh còn hơn sống nhục”, rồi chỉ thẳng vào mặt kẻ thù: “Chúng mày muốn làm gì thì làm, đừng hòng cậy răng tao lấy nửa lời”.
Cuối cùng, nhà cầm quyền
Đông Pháp đã kết án tử hình Lương Khánh Thiện.
Ngày 1-9-1941, tại trường
bắn Kiến An, trước họng súng quân thù, Lương Khánh Thiện hô lớn:
- Cách mạng Việt Nam thành
công muôn năm!
NLP: Xin ông cho một vài nhận
xét về nhân vật Lương Khánh Thiện?
PGS,TS
Đàm Đức Vượng:
- Đó là một con người
trung thành tuyệt đối với lý tưởng cách mạng; suốt đời tận tụy với Đảng, với
dân.
- Đó là một con người có
quan điểm quần chúng rõ ràng, tìm thấy sức mạnh và khả năng trong phong trào
nhân dân, phong trào yêu nước và cách mạng.
- Đó là một con người biết
kết nối phong trào, tổ chức phong trào và tổ chức ra các tổ chức và có khả năng
dẫn dắt phong trào đi đến thắng lợi.
- Đó là một con người có
sức chịu đựng, sự xông xáo, dám đi vào những nơi khó khăn để rồi biến khó khăn
thành thuận lợi.
- Đó là một nhà yêu nước
và cách mạng chân chính của cách mạng Việt Nam.
- Đó là tấm gương sáng ngời
trong hoạt động đã đưa Lương Khánh Thiện trở thành nhà yêu nước và cách mạng
chân chính.
Tất cả những cái đó đã tạo
thành phẩm chất cách mạng của Lương Khánh Thiện.
Con người ấy mãi mãi đi vào
lịch sử của cách mạng Việt Nam!