Mới cập nhật

PGS.TS Đàm Đức Vượng – Vẹn Nguyên Một Tình Yêu Dành Cho Khoa Học


Minh Tú


 PGS.TS Đàm Đức Vượng

(UNESCO trong cuốn sách: “Typical Face of Global Integration – Gương mặt tiêu biểu hội nhập toàn cầu”, đăng bài viết của tác giả Minh Tú: “PGS,TS Đàm Đức Vượng – Vẹn nguyên một tình yêu dành cho khoa học”. Chúng tôi xin trân trọng giới thiệu bài viết này
Văn phòng Viện Khoa học Nghiên cứu Nhân tài Nhân lực – ISSTH)

Cuộc đời là những dòng chảy bất tận qua đi không trở lại, có những thứ thỏa mãn cũng có những thứ tiếc nuối làm người ta phải suy ngẫm. Nhà khoa học ấy đã cống hiến hơn nửa cuộc đời cho sự nghiệp nghiên cứu khoa học lịch sử - xã hội của đất nước. Tuy đã lui về “ở ẩn” nhưng trong trái tim ông lúc nào cũng đau đáu nỗi niềm với khoa học đúng như hai câu thơ mà ông yêu thích: “Dù phải đi lại từ đầu, tôi sẽ theo trọn con đường ấy...”. Ông chính là PGS.TS Đàm Đức Vượng - Viện trưởng, Viện Khoa học Nghiên cứu Nhân tài Nhân lực.
Hành trang tuổi thanh xuân!

PGS.TS Đàm Đức Vượng sinh ngày 24/4/1942 tại xã Trực Chính, huyện Trực Ninh, tỉnh Nam Định – một vùng đất địa linh nhân kiệt. Tuổi thơ của cậu học trò Đàm Đức Vượng đã trải qua những năm tháng đất nước còn nghèo khó và ngập tràn khói lửa của chiến tranh. Nhưng cậu học trò ấy luôn khát khao được đi học để chống lại “giặc dốt” như lời Bác Hồ kính yêu đã từng nói. Tốt nghiệp cấp ba, nghe theo tiếng gọi thiêng liêng của tổ quốc, ông đã hăng hái lên đường ra trận. Ở trong quân ngũ, ngoài nhiệm vụ chiến đấu, tập luyện, ông còn đam mê viết báo. Những bài báo của ông được đăng tải trong các chương trình Phát thanh Quân đội Nhân dân, Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài Truyền thanh Hà Nội, Báo Hà Nội mới, ...Sau 4 năm ở chiến trường, do sức khỏe không bảo đảm nên ông phải xuất ngũ trở về với cuộc sống thường ngày. Có lẽ tình yêu văn học xuất hiện sớm trong ông từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, chính vì vậy sau khi trở về ông đăng ký thi đại học và trúng tuyển vào khoa ngữ văn.
Sau khi tốt nghiệp với tấm bằng loại giỏi, năm 1980 ông là nghiên cứu sinh Trường Chuyên khoa Lịch sử Đảng thuộc Ban nghiên cứu Lịch sử Đảng Trung ương. Sau 4 năm làm nghiên cứu sinh chuyên ngành Lịch sử Đảng ông đã được cấp giấy chứng nhận tốt nghiệp loại xuất sắc. Sau đó, ông xin vào Viện Sử học để làm luận án Phó Tiến sĩ. Sau những năm học tập và nghiên cứu tại đây, dưới sự dìu dắt của GS. Văn Tạo, Viện trưởng Viện Sử học lúc đó, ông đã bảo vệ thành công đề tài “Nguyễn Ái Quốc (Hồ Chí Minh) từ chủ nghĩa yêu nước đến chủ nghĩa Mác – Lênin” vào năm 1986 và được Nhà nước phong hàm PGS Sử học năm 1992.
Với năng lực công tác vượt trội, ông đã đảm nhiệm nhiều chức vụ chủ chốt như: Nguyên chuyên viên nghiên cứu Ban nghiên cứu Lịch sử Đảng Trung ương; Nguyên chuyên viên cao cấp Ban Tổ chức Trung ương; Nguyên Bí thư thứ nhất Đại sứ quán Việt Nam tại Cộng hòa Sec và Slovakia; Nguyên Phó Viện trưởng Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng; Nguyên Vụ trưởng Ban Cán sự Đảng ngoài nước; Nguyên Chánh Văn phòng, Vụ trưởng, Thư kí khoa học chuyên trách Hội đồng Lý luận Trung ương; ... Dù ở bất kỳ cương vị nào, ông vẫn luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao và đạt được nhiều thành tích đáng kể.
Thành quả từ niềm đam mê cống hiến

Tính đến nay, PGS.TS Đàm Đức Vượng đã viết riêng được 20 cuốn sách đã được xuất bản; viết chung được 12 cuốn sách đã được xuất bản; chủ biên 6 cuốn sách đã được xuất bản. Tiêu biểu phải kể tới một số tác phẩm như: “Phong trào đấu tranh cách mạng của công nhân cao su miền Đông Nam Bộ”, Nxb Lao động, Hà Nội, năm 1982; “Nguyễn Đức Cảnh người lãnh đạo đầu tiên của Tổng Công hội đỏ Bắc Kỳ”, Nxb Lao động, Hà Nội, năm 1985; “Quá trình hình thành tư tưởng yêu nước của Hồ Chí Minh”, Nxb Chính trị quốc gia – Sự thật, Hà Nội, năm 1993; “Trần Phú Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng” (tái bản nhiều lần), Nxb Chính trị quốc gia – Sự thật, Hà Nội, 1994; “Hồ Chí Minh với vấn đề đào tạo cán bộ”, Nxb Chính trị quốc gia – Sự thật, Hà Nội, năm 1995; “Hà Huy Tập Tổng Bí thư của Đảng”, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hà Tĩnh xuất bản năm 2000; “Tổng Bí thư Trường Chinh”, Nxb Chính trị quốc gia – Sự thật, Hà Nội, năm 2007; “Góp phần tìm hiểu một số vấn đề lý luận và thực tiễn của cách mạng Việt Nam”, Nxb Chính trị quốc gia – Sự thật, Hà Nội, 2006; “Xây dựng và tổ chức thực hiện các nghị quyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng – Thực trạng và giải pháp”, Nxb Chính trị quốc gia – Sự thật, Hà Nội, 2008; “Hồ Chí Minh đào tạo cán bộ và trọng dụng nhân tài”, Nxb Chính trị quốc gia – Sự thật, Hà Nội, 2010;“Việt Nam từ thời kỳ bao cấp đến thời kỳ đổi mới”, Nxb Chính trị quốc gia – Sự thật, Hà Nội, 2014; “Những dấu ấn lịch sử về Đảng và Hồ Chí Minh do Người sáng lập”, Nxb Thông tin và Truyền thông, Hà Nội, 2015 (tái bản 2016); “Lịch sử Viện Khoa học Nghiên cứu Nhân tài Nhân lực – Mười năm hoạt động”, Nxb Thông tin và Truyền thông, Hà Nội, 2016”; “Lịch sử Việt Nam gắn liền với lịch sử dòng họ Việt Nam”, Nxb Thanh niên, Hà Nội, 2018…
Đặc biệt, PGS.TS Đàm Đức Vượng còn là chuyên gia Việt Nam tại Lào, ông vinh dự là người đầu tiên của Việt Nam và nước ngoài viết sách về Tổng Bí thư của Đảng Lào với tác phẩm “Cayxỏn Phômvihản Tiểu sử và sự nghiệp” do Nhà xuất bản Chính trị quốc gia – Sự thật xuất bản tháng 10 năm 2008, gồm 334 trang. Nội dung cuốn sách nói về vai trò to lớn, sự lãnh đạo sáng suốt, sự chỉ đạo kịp thời, kiên quyết của Tổng Bí thư Cayxỏn Phômvihản trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân đế quốc xâm lược, giành thắng lợi, cũng như trong công cuộc bảo vệ, xây dựng và đổi mới đất nước ở Lào do Đồng chí khởi xướng. Có thể nói, đây là công trình nghiên cứu khoa học, công phu, nghiêm túc, cung cấp nhiều tư liệu quý để bạn đọc có dịp hiểu rõ hơn về Người bạn lớn của nhân dân ta…
Không những vậy, ông còn viết 10 tập kỷ yếu, 500 bài báo, báo cáo khoa học và hơn 100 bài nghiên cứu in trong các tạp chí trong nước và nước ngoài… Ngoài ra, PGS.TS Đàm Đức Vượng cũng không ngừng nỗ lực, tích cực tham gia công tác nghiên cứu khoa học. Ông đã chủ nhiệm 2 đề tài cấp Nhà nước là: “Xây dựng đội ngũ trí thức Việt Nam giai đoạn 2011 – 2020”  “ Xây dựng và tổ chức thực hiện các nghị quyết Ban chấp hành Trung ương Đảng – Thực trạng và giải pháp”, cả 2 đều được nghiệm thu và đạt kết quả xuất sắc. Đặc biệt, ông còn là tác giả của 2 đề tài cấp Quốc tế đó là: “Hồi ký quan hệ đặc biệt Việt Nam – Lào, Lào – Việt Nam”, gồm 3 tập, mỗi tập khoảng 700 trang và đề tài “Văn kiện quan hệ đặc biệt Việt Nam – Lào, Lào – Việt Nam”, gồm 5 tập, mỗi tập khoảng 700 trang. Cả hai đề tài quốc tế này cũng đều được nghiệm thu và đạt loại xuất sắc, về sau được Nhà xuất bản Chính trị quốc gia xuất bản, in ra cả 3 thứ tiếng : Việt, Lào, Anh.
Song song với đó, ông cũng chú trọng tới công tác hướng dẫn nghiên cứu sinh, tính đến nay ông đã hướng dẫn và bảo vệ thành công 3 luận án Tiến sĩ, 3 luận văn Thạc sĩ cho các nghiên cứu sinh; tham gia hơn 50 Hội đồng chấm thi luận án Tiến sĩ, 15 Hội đồng chấm luận văn Thạc sĩ và 20 Hội đồng nghiệm thu đề tài khoa học cấp Nhà nước. Có thể nói, đây là một trong những thành công của sự nghiệp “lái đò” cao cả mà không phải ai cũng có thể làm được.

Không những là một nhà khoa học có kiến thức uyên bác mà PGS.TS Đàm Đức Vượng còn được biết đến với tư cách một nhà thơ đa tài. Có thể kể tới 6 tác phẩm thơ đã được xuất bản của ông như: “Quê hương và Tình yêu” ; “Nhân tình thế thái” được in trên tạp chí “Quê hương” xuất bản ở Praha, Séc năm 2002; “Tình đời”, Nxb Thanh niên, Hà Nội, năm 2006; “Con người và cuộc đời”, thơ triết lý, Nxb Văn học Hà Nội, năm 2009; “Tâm tình” (502 trang) được NXB Văn học in năm 2014; “Tình yêu và cuộc sống” là tập thơ thứ 6 của ông sẽ được xuất bản vào năm 2018.
Ông còn bỏ nhiều thời gian và công sức để nghiên cứu về lĩnh vực lý số, và đã cho xuất bản cuốn sách “Khoa học về lý số” góp phần lý giải những hiện tượng tự nhiên của con người mà tới nay chưa một khoa học nào có thể chứng minh rõ ràng được.

Với những đóng góp lớn của mình, PGS. TS Đàm Đức Vượng đã được Đảng, Nhà nước tặng thưởng nhiều Bằng khen, Huân, Huy chương cao quý như: Huân chương Kháng chiến chống Mỹ, cứu nước Hạng nhì do Chủ tịch nước trao tặng; Huân chương Lao động Hạng nhì do Chủ tịch nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào tặng, vì đã có công hoàn thành xuất sắc công trình nghiên cứu khoa học về Chủ tịch Cayxỏn Phômvihản; Huân chương Lao động Hạng nhì, Hạng ba của Chủ tịch nước trao tặng; Huy chương chiến sĩ vẻ vang do Thủ tướng Chính phủ Việt Nam trao tặng; Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ Việt Nam tặng, vì đã hoàn thành tích xuất sắc công trình nghiên cứu khoa học với cương vị Trưởng Ban Biên soạn bộ (5 tập) “Văn kiện quan hệ đặc biệt Việt Nam – Lào, Lào – Việt Nam”Bằng khen của Thủ tướng Lào; 13 năm đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua, Huy hiệu 55 năm tuổi Đảng và nhiều bằng khen, kỷ niệm chương cao quý khác...

Thay lời kết ...
Giờ đây, hạnh phúc đối với ông chính là tiếp tục cống hiến hiết sức mình cho ngành khoa học xã hội và góp phần đào tạo nên nhiều thế hệ nhân tài cho đất nước. Đúng như con đường và giấc mơ ông đã chọn, con đường ấy ông vẫn sẽ tiếp tục bước đi. Tuổi thanh xuân, những năm tháng chiến tranh cũng đã trôi qua, nhưng trong ánh mắt ông vẫn ánh lên một giấc mơ cống hiến. Bóng chiều tà phủ dần trên mái tóc, thế nhưng trái tim ông vẫn hắt lên những tia hi vọng, vạt nắng cuối chiều vẫn lấp lánh một niềm tin phấn đấu…