Chúng ta thiếu loại người tài nào?
Chúng
ta không thiếu người tài ở các lĩnh vực khác nhau, nhưng những “nhà tổ
chức” thực hiện việc “tổ chức” những người tài đó lại để cùng nhìn về
một hướng thì lại quá ít.
Thiếu người tài đặc biệt
Ở
Việt Nam hiện nay quá ít những người vừa có tầm bao quát đủ rộng vừa có
khả năng tổ chức thực hiện trong thực tiễn. Có người có nhiều ý tưởng
hay, nhưng không biết phải làm thế nào hiện thực hóa nó, có người lại
chỉ biết thừa hành như là các kỹ thuật viên theo kiểu chỉ đâu đánh đấy
mà không biết đầu quân vào đâu.
Người
có tài, có năng lực dễ thấy ở nhiều lĩnh vực khác nhau, nhưng được coi
là tài năng đặc biệt phục vụ trong bộ máy công quyền và cả ở trong các
tập đoàn kinh tế lớn đòi hỏi một vài phẩm chất rất khác. Cách nay vài
năm, một trường đại học lớn ở TP.HCM có mời về một số chuyên gia được
quảng bá là “cực tài” ở một vài lĩnh vực khác nhau, nhưng rồi cuộc “hôn
phối” sớm chấm dứt.
Một vài người có tài, nhưng
họ không chơi được với ai, và ngược lại không ai chơi với họ. Họ nhận
được đề tài khủng, được đầu tư lớn, nhưng ôm một mình, không chia sẻ
quyền lợi và cả kiến thức cho ai, họ tự toả sáng một mình, chưa kể một
vài người tài năng chừng mực nhưng nổ quá, khiến cho các đồng nghiệp tẩy
chay, kết cục là không còn ai trụ lại được.
Dường như lời nhận xét rằng người Việt Nam không có truyền thống làm việc nhóm cho lợi ích kinh tế là chí lý!
Một
bác sĩ xuất chúng, một chuyên gia công nghệ thông tin siêu hạng, một
nghệ sĩ biểu diễn nổi tiếng, một vận động viên thể thao đỉnh cao, thậm
chí là một bác học được giải Nobel đầu quân cho TP. HCM là điều tốt, họ
sẽ phát huy trong lĩnh vực hẹp của mình (giả định là mọi chuyện hanh
thông) nhưng thực tế cho thấy một bác sĩ giỏi chưa chắc đã làm thay đổi
được đơn vị (bệnh viện, khoa) nơi anh ta làm việc, chưa kể hoàn cảnh làm
hỏng anh ta, hoặc anh ta làm hỏng cái tổ chức đó.
Trong
bối cảnh hiện nay, TP.HCM (và nhiều quốc gia nghèo trên thế giới) cần
những người có tài năng đặc biệt trong lĩnh vực “tổ chức”. Họ là “nhà tổ chức”
thực thụ, tài năng. Họ là những người giỏi chuyên môn (tất nhiên rồi,
nhưng không hẳn là người thuộc top đầu) nhưng điều quan trọng nhất là họ
có khả năng tập hợp xung quanh mình những người tài, rất tài, và tài
năng hơn cả mình nữa, lập thành một ê kíp mạnh (nhóm, đội, trường phái).
Cá nhân đó có ảnh hưởng lớn không chỉ trong
nước và quốc tế, đủ tầm thu hút được những người xuất sắc trong lĩnh vực
của mình, thu hút được các nguồn lực (con người, vật chất, tài chính,
thiết bị, công nghệ) để thực hiện được những dự án, kế hoạch lớn, có thể
tạo ra sự đột biến hay đổi mới trong một một lĩnh vực hay toàn bộ cho
một địa phương.
Nhà tổ chức giỏi là người có
khả năng phát kiến ra ý tưởng mới, biết tìm hướng đi cho nó sao đúng qui
trình pháp lý, biết bày binh bố trận, biết tìm kiếm nguồn lực tài
chính, lôi kéo mọi người phù hợp vào cuộc chơi, biết tìm kiếm sự hỗ trợ
từ các phía (chính quyền, nhà tài trợ, đối tác) đồng thời tổ chức triển
khai từ A đến Z để hiện thức hoá ý tưởng đó trong thực tế, kể cả việc
thương mại hóa kết quả nghiên cứu.
GS. Trần
Thanh Vân, không hẳn là nhà vật lý xuất sắc nhất, nhưng theo tôi, ông là
nhà tổ chức khoa học xuất sắc ở Việt Nam hiện nay. Với ảnh hưởng, uy
tín và tài năng của mình, ông đã tổ chức thành công Trung tâm Quốc tế
khoa học và giáo dục liên ngành Qui Nhơn (ICISE) nổi tiếng toàn thế giới
với một cơ ngơi bề thế trên diện tích 20ha, có đầy đủ không gian làm
việc cho hàng trăm nhà khoa học như hội trường, phòng làm việc, thư
viện, khách sạn, công viên, quán cà phê,…
Nơi
đây đã tổ chức được 14 lần “Gặp gỡ Việt Nam”, thu hút hàng nghìn nhà
khoa học nổi tiếng thế giới, rất nhiều trong số họ là những nhà khoa học
đoạt giải Nobel. Họ không chỉ tự bỏ mọi chi phí cho mỗi lần đến Qui
Nhơn mà còn đóng góp kiến thức, uy tín và cả tài chính cùng GS. Trần
Thanh Vân thực hiện dự án của mình.
GS Vân thực
sự là một nhà tổ chức lớn, một thủ lĩnh tài ba. Nếu TP.HCM thu hút được
dăm người như vậy ở các lĩnh vực như y tế, giáo dục, công nghệ thông
tin, công nghiệp công nghệ cao thì tự khắc sẽ hình thành nên mạng lưới
những người tài, người có năng lực, những người có khả năng sáng tạo ở
các cấp độ khác nhau.
Phải biết dụng tài
Những doanh nghiệp lớn đều có trong tay vài ba nhà tổ chức giỏi. Họ chính là hạt nhân quyết định sự tồn vong của doanh nghiệp, do vậy họ luôn là hàng hiếm trên thị trường quốc tế và trở thành mục tiêu của hoạt động “săn đầu người”
TS Nguyễn Minh Hòa (ảnh TLNDH)
Câu hỏi là: Các cấp quản lý hành chính và quản lý nhà nước như phường, quận và các sở ngành có cần người tài và người tài đặc biệt? Thực tế ở Đà Nẵng cho thấy hầu hết các thạc sĩ, tiến sĩ học bài bản ở nước ngoài về làm việc ở các cơ quan này một thời gian rồi bỏ việc, chấp nhận đền bù chi phí đào tạo.
Thực tế cho thấy nhiều
công việc ở các đơn vị này không cần đến người có bằng cấp cao, bởi bộ
máy đó nó hoạt động theo chức năng, quy chế, qui định có sẵn theo luật
định, không cần phải sáng tạo hay đổi mới, một người học trung cấp cũng
là đủ để hoàn thành tốt nhiều công việc ở phường hay quận. Những người
có năng lực rất dễ bị qui cho là “phá đám” khi đưa ra những sáng kiến
làm thay đổi một qui trình đã có.
Do vậy mà nơi
thu nạp người tài năng và tài đặc biệt trước hết là các trường đại học
và viện nghiên cứu, còn với cơ quan công quyền thì thường là ở các bộ
phận và vị trí đóng vai trò “tham mưu”. Với một quốc gia, cũng như thành
phố, bộ phận và cá nhân đảm nhiệm là tham mưu đóng một vai trò vô cùng
quan trọng, bởi họ là người tham gia trực tiếp vào việc nghiên cứu ban
hành các chính sách mới, ra các quyết sách, các quyết định quan trọng
liên quan đến quốc kế dân sinh.
Nhà tham mưu
giỏi không chỉ là người tài ba, nhìn xa trông rộng mà còn phải có phẩm
chất của nhà “phản biện”, chứ không phải mỗi khi lãnh đạo cao nhất đưa
ra một ý tưởng là các vị lãnh đạo cấp dưới đón nhận, tung hô, tán tụng,
không ai cãi, không ai nói lại, cho dù khá nhiều những ý tưởng mới đó
chưa chín, mới lóe lên. “Vua là con trời”, nhưng họ cũng cần có một
“nghị gián đại phu” bên cạnh để can gián vua tránh sai lầm đáng tiếc.
Trong
xã hội hiện đại, bên cạnh thị trưởng, hội đồng thành phố bao giờ cũng
có hội đồng cố vấn đóng vai trò tham mưu. Bên cạnh Tổng thống Mỹ có hàng
chục cố vấn danh tiếng là vậy. Nhìn sang Singapore, chúng ta sẽ thấy
các đời lãnh đạo đều thu hút những người cực tài từ các quốc gia khác
nhau vào bộ máy tham mưu cho chính phủ (60% thành viên trong bộ máy tham
mưu của ông Lý Quang Diệu là người nước ngoài); ngoài ra chính phủ
khuyến khích các trường đại học các doanh nghiệp, công ty thu hút người
tài thông qua các chính sách về thu nhập, đào tạo, nhập cư, sở hữu bất
động sản,…
Lịch sử đã cho thấy có không ít chính
quyền sụp đổ, có quá nhiều vị lãnh đạo thân bại danh liệt chỉ vì những
người tham thì nhiều mà mưu thì ít diễn.
Việc
“chiêu hiền, đãi sĩ”, thu hút người tài không chỉ dành cho bộ máy công
quyền mà còn cho toàn thể xã hội. Các doanh nghiệp, tổ chức xã hội cũng
cần và trọng dụng người tài. Những doanh nghiệp lớn đều có trong tay vài
ba nhà tổ chức giỏi. Họ chính là hạt nhân quyết định sự tồn vong của
doanh nghiệp, do vậy họ luôn là hàng hiếm trên thị trường quốc tế và trở
thành mục tiêu của hoạt động “săn đầu người”.
Mới
đây Tập đoàn Vingroup thành lập 4 đơn vị nghiên cứu lớn nhằm thu hút
các nhà khoa học trong và ngoài nước cho thấy một tín hiệu tốt là các
doanh nghiệp tư nhân đã xúc tiến mạnh mẽ để thu hút người tài vào khu
vực ngoài nhà nước.
Nguyễn Trãi từng nói rằng:
“Tuy mạnh yếu có lúc khác nhau, song hào kiệt đời nào cũng có”; vấn đề
là ở chỗ có tìm ra người tài và biết sử dụng người tài hay không thì cần
phải có người thực tài và hơn hết là một tấm lòng cầu hiền.
TS. Nguyễn Minh Hòa