Mới cập nhật

Bài tổng hợp: “CHÂN THÀNH VÀ THẬT LÒNG CHƯA CHẮC ĐÃ CÓ KẾT QUẢ TỐT. NHƯNG CHÂN THÀNH VÀ THẬT LÒNG ĐỂ KHÔNG BAO GIỜ PHẢI HỐI TIẾC”



Ai cũng biết rằng, đức tính chân thành và thật lòng luôn là nền tảng trong mọi mối quan hệ của con người, giữa con người và công việc, giữa con người và thiên nhiên. Có chân thành, có thật lòng sẽ luôn mang lại những điều tốt đẹp nhất. Tuy nhiên, trong cuộc sống, đôi khi chân thành và thật lòng không đem lại kết quả tốt, nhưng liệu mỗi chúng ta trước khi nói, trước khi hành động, chúng ta có nghĩ đến chân thành và thật lòng trong mọi việc không? Rất khó để xác định cụ thể vấn đề này, song mỗi chúng ta có quyền lựa chọn chúng. Chắc chắn có nhiều người đồng ý với câu nói rằng, đôi khi một lời nói dối đem lại kết quả tốt bất ngờ. Nhưng liệu người nói dối đó có cảm thấy day dứt lương tâm không, có cảm thấy phải hối tiếc hay không? Điều này chỉ chính bản thân người đó mới có câu trả lời thỏa đáng.
Trong cuộc đời mỗi người, con đường đi không chỉ trải hoa hồng, điều đó có nghĩa chúng ta luôn phải sẵn sàng đón nhận những điều không tốt, không may xảy đến. Và có rất nhiều việc mà khi đã xảy ra, chúng ta vẫn than thở “giá như”, “giá mà như thế”. Đấy là khi chúng ta bắt đầu thấy hối tiếc. Vậy làm gì để không cảm thấy hối tiếc, tiếc nuối? Đây là câu hỏi mà không dễ có câu trả lời. 
Rất nhiều người cảm thấy mình đang lạc lõng giữa cuộc đời và không biết làm gì để cuộc sống trở nên tốt đẹp hơn. Thời gian cứ thế trôi qua mà không quan tâm về việc sẵn sàng thay đổi chính mình chưa? Cũng chính vì thế chúng ta hãy học cách sống không hối tiếc, vì chúng ta chỉ có một cuộc sống thôi. Có một vài câu chuyện đáng để ngẫm nghĩ. Đầu tiên là câu chuyện về nhà sư phạm Martha Berry, người Mỹ, đã thành lập một trường học cho trẻ em miền núi thuộc vùng đất nghèo ở Bắc Georgia. Cha mẹ của những đứa trẻ này không thể chi trả tiền học phí cho chúng. Việc giữ vững khả năng tài chính của ngôi trường là điều hết sức khó khăn trong những ngày đầu hoạt động và bà luôn cần tiền để tiến hành công việc của mình. Cuối cùng, bà sắp xếp được một cuộc gặp với Henry Ford, người sáng lập công ty Ford Motor và đề nghị ông hỗ trợ một khoản tiền vừa phải, sau khi giải thích những công việc cần phải làm cho ngôi trường. Nhưng Henry Ford đã khước từ lời đề nghị đó. Bà Berry nói: “Vậy thì ông có thể tặng cho chúng tôi một giạ lạc chứ?”. (1 giạ lạc tương đương với 20 đến 22 kg). Lời đề nghị khác thường đã làm cho Henry ngạc nhiên tới mức ông quyết định ủng hộ một số tiền. Berry đã giúp các học sinh của mình trồng lạc cho tới khi tích góp được một khoản tiền kha khá. Sau đó, bà trả lại khoản tiền vay từ Henry để ông thấy bà và các học sinh của mình đã làm sinh sôi nảy nở số tiền hỗ trợ ít ỏi từ ông thế nào. Điều này đã gây ấn tượng mạnh đến mức cuối cùng ông đã ủng hộ tiền để mua đủ máy kéo, trang thiết bị nông nghiệp giúp nông trại trường học của Berry có thể tự trang trải chi phí. Ông nói “Lòng chân thành và cách thức làm tuyệt vời của Berry cùng với những trẻ em nghèo đã không khỏi gây ấn tượng với tôi”.Đó là một câu chuyện tuyệt vời về lòng chân thành. Câu chuyện cho thấy, chúng ta có thể đạt được những mục tiêu của mình trong cuộc sống bằng nhiều cách, nhưng thể hiện sự chân thành và thật lòng là đã được phần lớn trong mỗi một mục tiêu rồi. Nếu làm như vậy, ta sẽ không phải hối tiếc.Có một câu chuyện khác cũng khá thú vị. 
“Cô giáo ra đề kiểm tra “Hãy tả buổi làm việc ban đêm của ba em”. Cậu con trai được điểm 8 về khoe với ba, kể lại cho ba nghe chuyện ở lớp vì sao cậu đạt điểm cao nhất trong khi bạn Sơn học giỏi văn nhất lớp lại bị điểm 0. Người cha hỏi con tả ra sao thì được biết rằng vì cha không làm việc ban đêm nên con trai đã tưởng tượng cha như bác hàng xóm vẫn hay làm ca đêm. Người cha ngạc nhiên khi nghe con kể vậy, rồi hỏi bạn Sơn tả gì thì người con cho biết là, Sơn để giấy trắng do bạn ấy không có ba nên không biết tả gì. Nghe xong câu chuyện, người cha xúc động nói: “Cậu bạn của con thật đáng khen”. Thấy vậy, cậu con trai không phục và nói: “Nếu là con, con sẽ tả ba của đứa khác, không bao giờ chịu bị 0 điểm”.Người cha liền giải thích: “Con đã nhầm, bạn Sơn bị 0 điểm, đó là một nỗi đau. Nhưng đối với con, đó là một bài học, bài học về sự trung thực, về sự chân thành. Sáng tạo trong trường hợp này đồng nghĩa là bịa đặt. Giữa những dòng chữ bịa đặt và trang giấy trắng, bạn Sơn của con đã đúng. Cậu ấy đã để lại trang giấy trắng trung thực trong bài viết”.Như vậy là đức tính chân thật trong trường hợp của Sơn không mang lại kết quả học tập tốt nhưng lại có ý nghĩa sâu sắc về bài học làm người. Ở ngoài xã hội hiện nay, liệu có bao nhiêu học sinh, những tương lai của đất nước, chịu bị điểm 0 để khẳng định mình là người thật lòng và chân thành.Trong cuộc sống, để nhanh chóng đạt được mục đích, một số người đã tìm cách làm đẹp lòng người khác bằng mọi cách, kể cả sự dối trá và lối sống hai mặt... Sự chân thành bao giờ cũng là điều được ưa chuộng nhất trong cuộc sống. Người ta cho rằng một sự thật xấu xí còn hơn một điều dối trá tốt đẹp. Người có lối sống chân thành bao giờ cũng tạo một sức hấp dẫn với người khác, bởi bản chất con người là luôn hướng về sự thật, về chân lý. Người chân thành luôn tạo ra sự tin cậy quanh họ, là chỗ dựa tinh thần ấm áp của bạn bè, người thân. Sự chân thành được thể hiện không chỉ trong lời nói mà nó phải được bắt rễ sâu xa từ trong một tấm lòng thành, với tình cảm thực sự thì mới có sức thuyết phục. Sự chân thành luôn mang lại cảm giác thỏa mãn, lòng tự trọng và một tinh thần phấn chấn. Trước khi bắt tay làm việc gì, chúng ta hãy tự mình kiểm tra mức độ chân thành của bản thân. Vì sự chân thành là một trong những đức tính khó chứng minh nhất trước người khác cho nên chúng ta hãy luôn tự nhủ rằng, “chân thành và thật lòng để không bao giờ phải hối tiếc”./.

Quỳnh Nga tổng hợp