Mới cập nhật

Nhân dịp xuân mới đã về

MỜI CÁC BẠN THƯỞNG THỨC NHỮNG BÀI THƠ VIẾT VỀ CÁC NHÀ VĂN HÓA (NHÀ THƠ)

Bạn đọc thân mến,
Trong những năm công tác ở nước ngoài, tôi đã sáng tác được 5 tập thơ (đã xuất bản). Tập thơ thứ sáu đang chuẩn bị xuất bản. Trong những bài thơ tôi đã sáng tác, có nhiều bài viết về các nhà văn hóa của Việt Nam và thế giới, trong đó có các nhà thơ Việt Nam.
Nhân dịp xuân mới Quý Mão - 2023 đang về, tôi xin tự giới thiệu một số bài thơ của tôi viết về các nhà văn hóa (nhà thơ) của Việt Nam mà tôi đã sáng tác trong thời gian công tác ở nước ngoài.

Giáo sư, Tiến sĩ sử học, Cử nhân Ngữ văn Đàm Đức Vượng


 Nguyễn Gia Thiều tức Ôn Như Hầu

Nỗi lòng người cung nữ qua “Cung oán ngâm khúc” của Nguyễn Gia Thiều

“Ngày sáu khắc tin mong nhạn vắng
Đêm năm canh tiếng lắng chuông rền.
Lạnh lùng thay giấc cô miên
Màn đêm tịch mịch bóng đèn thâm u”.

Nguyễn Gia Thiều thấu lòng cung nữ
Phận hồng nhan nhiều dữ ít lành.
Thâm cung chốn ấy lạnh tanh
Quạ kêu quang quác một mình mình lo.

Chốn phồn hoa so đo nhiều thứ
Nơi sinh thành mệt lử tấm thân.
Vào ra nhòm ngó mấy lần
Vẫn không thấy bóng quân vương đi vào.

Nhiều lúc muốn “phá rào” mà thoát
Nhưng ác thay lính gác bốn bề
Chán chường mặt mũi ủ ê
Càng hy vọng lắm càng tê tái nhiều.

Trần gian ơi bao điều trông thấy
Chốn thâm cung biết mấy buồn vui.
Đắng cay chua chát ngọt bùi
Thâm cung bí sử chôn vùi giai nhân.

Nguyễn Gia Thiều người nhìn thấu rõ
Chốn tà cung vò võ năm canh.
Ông thương cho kiếp mỏng manh
Oán đời làm héo bao cành hoa xuân!

Praha, Séc, Đêm 27-7-2001
------

Lời Tác giả: Nguyễn Gia Thiều là một trong số các nhà thơ Việt Nam mà tôi rất ngưỡng mộ. Tôi đã đọc tập thơ “Cung oán ngâm khúc” của ông không biết bao nhiêu lần. Mỗi lần đọc là một lần hứng thú. Vào đêm 27-7-2001, tại thủ đô Praha, Cộng hòa Séc, tôi đang nằm suy ngẫm sự đời, bỗng nhớ đến “Cung oán ngâm khúc” của Nguyễn Gia Thiều, liền bật dậy làm bài thơ Nỗi lòng người cung nữ qua “Cung oán ngâm khúc” của Nguyễn Gia Thiều. Tôi viết bài thơ này theo thể song thất lục bát, một thể thơ mà Nguyễn Gia Thiều đã trình bày trong “Cung oán ngâm khúc”, cố gắng phản ánh đúng thân phận người cung nữ ở chốn cung đình. Rất tiếc là tôi không mang theo tập thơ “Cung oán ngâm khúc” sang Praha, cho nên, khi làm bài thơ này, tôi hoàn toàn dựa vào trí nhớ.
Nguyễn Gia Thiều (Ôn Như Hầu - 1741-1798), người làng Liễu Ngạn, tổng Liễu Lâm, huyện Siêu Loại, phủ Thuận Thành (nay là huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Giang. Ông sinh trưởng trong một gia đình đại quý tộc lâu đời. Thân phụ là Nguyễn Gia Ngô, một võ quan cao cấp trong triều. Thân mẫu là Trịnh Thị Ngọc Tuân, tức quận chúa Quỳnh Liên, con gái chúa Trịnh Cương. Vì gia đình bên ngoại thuộc họ nhà Chúa, cho nên Nguyễn Gia Thiều từ bé đã được vào học trong Phủ Chúa. Ông rất thông minh, học rộng, biết nhiều, tinh thông âm nhạc, hội họa, kiến trúc, trang trí.

Thơ của Nguyễn Gia Thiều viết bằng chữ Hán, có tập “Ôn Như”; viết bằng chữ Nôm, có tập “Cung oán ngâm khúc”. Ngoài ra, Ông còn có nhiều bài thơ khác. Tổng cộng, Ông viết khoảng bốn tập thơ. Ông đã chứng kiến những cảnh đau lòng diễn ra trong Phủ Chúa, nhất là thân phận của các cung nữ. Trong “Cung oán ngâm khúc”, Ông đã giáng đòn nặng vào chế độ cung nữ và bọn vua chúa ăn chơi trác táng. Thơ Nguyễn Gia Thiều là một bầu tâm sự thất vọng về cái xã hội đương thời và cảm thấy cuộc đời không có lối thoát, mặc dù được sống trong nhung lụa.

Thơ của Nguyễn Gia Thiều rất điêu luyện, chọn lọc, khúc chiết, tính từng chữ để viết theo lối đối ngẫu, song thất lục bát, nhưng vẫn giữ được cái vẻ lịch sự của thơ. Vì vậy, có người gọi thơ của Ông là “thơ cung đình”.

 

 

 Bà chúa thơ Nôm Hồ Xuân Hương

Đêm Praha
Nghĩ về thơ Hồ Xuân Hương



Thâm thúy thơ đời Hồ Xuân Hương
Chao ôi độc đáo giữa thời thường
Tình đời chát chúa trong ngôn sắc
Lồ lộ mà đâu có buông tuồng.

Xuân phát tình tràn mối tơ vương
Đàn bà có mấy bậc văn chương
Xuân Hương là chất đời sâu thẳm
Phơi cái hồng nhan với nước non.

Chỉ một lỗ thôi hỏm hòm hom
Đã làm ngây ngất cánh đàn ông
Đứng bên miệng hố nhìn xuống hố
Mắt thèm nhưng sức đã già tom.

Quân tử gật gù đứng lom khom
Tai to mặt lớn cũng ghé nhòm
Khi thấy le te con cá diếc
Phau phau trắng nõn lại thèm thòm.

Một lũ lăng xăng đến dở dom
Chạy đi chạy lại vẻ lon ton
Khi thấy cỏ gà bờ lau lách
Cũng xuýt xoa rằng nó hỏn hon.

Chốn ấy đào nguyên suối đã thông
Xin mời quân tử xuống khai dòng
Chỉ mong quân tử đừng lên mặt
Chớ có bày trò tạo hóa công!

Praha, Séc, Đêm 26-8-2001
------

Lời Tác giả: Tại châu Âu, tôi thấy có một số người Việt Nam đọc thơ của Hồ Xuân Hương. Họ đọc trong những buổi bình thơ và trong những lúc ngồi bán hàng vắng khách.Riêng tôi cũng đã nghiên cứu thơ Hồ Xuân Hương một cách nghiêm túc. Sự nghiêm túc này đã thể hiện trong bài thơ của tôi: Đêm Praha - Nghĩ về thơ Hồ Xuân Hương. Phỏng theo kiểu thơ Hồ Xuân Hương mà tôi viết ra bài thơ này.
Hồ Xuân Hương sinh năm nào, chưa xác định được. Nhưng có thể bà sinh vào cuối triều Tây Sơn, đầu triều Nguyễn, tức là vào khoảng cuối thế kỷ XVIII, đầu thế kỷ XIX. Nhà nghiên cứu và thầy giáo Nguyễn Lộc cho rằng, bà quê Nghệ An, nhưng sống ở Hải Dương, có thời gian sống ở vùng Tây Hồ, Thăng Long thành,...
Hồ Xuân Hương là nữ thi sĩ danh tiếng của Việt Nam, với đường nét thơ mang sắc thái riêng biệt rõ rệt. Thơ của bà chủ yếu viết bằng chữ nôm, có một số bài viết bằng chữ Hán. Sáng tác của bà chủ yếu nêu số phận riêng tư của người phụ nữ gắn với sự bất công xã hội. Bà rất thông cảm với nỗi đau khổ, thiệt thòi của người phụ nữ trong xã hội phong kiến. Bà ý thức rất rõ giá trị và vai trò của người phụ nữ. Họ đẹp cả về “dung, công, ngôn, hạnh” và tài năng. Có điều là xã hội đương thời xem thường vai trò của họ, không chấp nhận họ, nên họ không phát huy được phẩm chất và tài năng của mình. Bà tha thiết có một tổ ấm gia đình, nhưng số phận lại long đong, hết làm lẽ người này, lại đi làm lẽ người khác. Bà rất buồn vì những người đàn ông đến với bà, thường không phải là những hạng đàn ông đích thực, mà người thì nói ngọng, người thì già nua, “hết hơi”, “thở gấp” khi lên giường với bà, người thì bủn xỉn, keo kiệt, người thì thiếu văn hóa,... Những người này đã được bà phản ánh một cách khôi hài, châm biếm vào thơ.
Nghệ thuật trình diễn thơ của bà hết sức độc đáo. Viết theo lối úp úp, mở mở, tưởng là trong, nhưng hóa ra lại là đục, bảo là đục, nhưng lại là trong. Nghệ thuật đả kích cánh đàn ông hiếu sắc đã bị bà giáng một đòn đau điếng trong thơ. Âm thanh, màu sắc trong thơ đều gắn với hồn thơ trào phúng.
Thơ Hồ Xuân Hương là thơ mang nặng thân phận cuộc đời người phụ nữ và thân phận đó đã được thể hiện trong những vần thơ ai oán của bà.


 Tản Đà

Thơ Bác Tản Đà

“Muốn ăn rau sắng chùa Hương
Tiền đò ngại tốn con đường ngại xa.
Mình đi ta ở lại nhà
Cái dưa thì khú cái cà thì thâm”.

(Thơ Tản Đà)


Khi men đến độ ngà ngà
Đem thơ của bác Tản Đà ra ngâm.
Càng ngâm càng rõ nhân tâm
Tiếng lòng rung động khôn cầm tình ta.
Khí thiêng núi Tản sông Đà
Đã sinh ra bác Tản Đà với thơ.
Rung rinh hoa lá đung đưa
Trăm hoa đua nở vẫn thua Tản Đà.
Hồn thơ óng ánh mượt mà
Tình thơ lai láng sao mà đáng yêu.
Ánh dương rồi đến bóng chiều
Trăng thanh gió mát mỹ miều chất thơ.
Ở đời đâu tính hơn thua
Thơ Tản Đà thấy đời chưa mấy người.
Đẹp như ánh mắt em cười
Tươi như em đứng đợi người em thương.
Muốn ăn rau sắng chùa Hương
Túi tiền trống rỗng mà đường lại xa.
Đành thôi phải ở lại nhà
Chịu ăn cơm hẩm, dưa cà, muối rang.
Vậy mà vẫn quý nước non
Bởi còn non nước đời còn sinh linh.
Thơm tho cái nghĩa cái tình
Cái nhân cái đức lòng mình chứa chan.
Mặc cho bão biển mưa ngàn
Chẳng lay được gốc chẳng tàn được thơ.
Vì thơ của bác Tản Đà
Đã lan tỏa khắp quan hà mấy mươi.
Đêm Praha đọc thơ người
Mà lòng cảm thấy cuộc đời nên thơ!

Praha, Séc, Đêm 1-9-2001

------

Lời Tác giả: Qua quan sát, tôi thấy ở nước ngoài, một số người Việt Nam đã tìm đọc thơ Tản Đà. Riêng tôi cũng rất có cảm tình với thơ Tản Đà, nhất là thơ lục bát, Ông viết khá hay. Trước thiện cảm ấy, từ Praha, Cộng hòa Séc, tôi làm bài thơ: Thơ bác Tản Đà để kỷ niệm về một thời đọc thơ Tản Đà. Bài thơ này, tôi phỏng theo nhịp điệu thơ Tản Đà mà viết ra.
Tản Đà (tên khai sinh là Nguyễn Khắc Hiếu), sinh ngày 8-5-1888 và mất ngày 7-6-1939. Quê quán làng Khê Thượng, huyện Bất Bạt, tỉnh Sơn Tây (nay thuộc huyện Ba Vì, Hà Nội). Sinh trưởng trong một gia đình phong kiến, Tản Đà là con bà Lưu Thị Hiền (còn có tên là Nghiêm), người vợ thứ ba của ông Nguyễn Danh Kế, một quan lại cao cấp. Bà Hiền là người tài sắc, giỏi văn thơ. Tản Đà đã xuất bản được nhiều tập thơ và văn có giá trị, gồm nhiều thể loại như thơ, tiểu thuyết, luận thuyết, truyện ký, thơ dịch,... Nét đặc sắc trong thơ của Tàn Đà là rất phóng khoáng, phong lưu, tài tử, hài hước, đượm chất ca dao, trữ tình, nổi lên như một nhà thơ xuất sắc trong làng văn thơ Việt Nam thời kỳ trước Cách mạng tháng Tám.