Mới cập nhật

Chặng đường mười năm hoạt động của viện khoa học nghiên cứu nhân tài nhân lực - issth

logo - issthViện Khoa học nghiên cứu Nhân tài Nhân lực (viết tắt là Viện Nhân tài Nhân lực - ISSTH) được thành lập ngày 17-11-2006, theo Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động khoa học và công nghệ, số A.579 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Việt Nam.

Giấy chứng nhận (cấp lại) đăng ký (mới) hoạt động khoa học và công nghệ của Viện, vẫn số A.579, ngày 2-8-2010 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Việt Nam.

Ngày 16-7-2010, Viện chuyển sang trực thuộc Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam (VUSTA), theo Quyết định số 427/QĐ/LHH của Chủ tịch Đoàn Chủ tịch Hội đồng Trung ương Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam.

Quyết định số 428/QĐ/LHH, ngày 16-7-2010 của Đoàn Chủ tịch Hội đồng Trung ương Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam, phê duyệt bản Điều lệ của Viện (kèm theo bản Điều lệ của Viện).

Giấy chứng nhận đăng ký thuế của Viện do Bộ Tài chính Việt Nam cấp ngày 21-1-2008.

Giấy chứng nhận đăng ký mẫu dấu của Viện, số 2019/ĐKM, Cục Cảnh sát Bộ Công an Việt Nam cấp ngày 21-12-2006. Khi Viện đổi sang trực thuộc Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam, thì bên Bộ Công an cấp lại mẫu dấu mới, số 3729/10/ĐKMD, ngày 16-8-2010.

Quyết định cấp Giấy phép thiết lập Trang tin Điện tử trên Internet cho Viện Khoa học nghiên cứu Nhân tài Nhân lực (ISSTH), số 115/GP/BC, ngày 30-3-2007, do Cục Báo chí - Xuất bản, Bộ Văn hóa - Thông tin Việt Nam cấp.

Quyết định số 04/GP-TTĐT, ngày 13-1-2016 của Cục trưởng Cục Phát thanh - Truyền hình và Thông tin Điện tử, Bộ Thông tin và Truyền thông Việt Nam cấp, về việc cấp Giấy phép (cấp lại) thiết lập Trang Thông tin Điện tử tổng hợp trên mạng cho Viện Khoa học nghiên cứu Nhân tài Nhân lực (ISSTH) với thời gian sử dụng là 10 năm.

Quyết định số 430/QĐ/LHH, ngày 16-7-2010 của Đoàn Chủ tịch Hội đồng Trung ương Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam, bổ nhiệm phó giáo sư, tiến sĩ Đàm Đức Vượng (Đức Vượng) giữ chức Viện trưởng Viện Khoa học nghiên cứu Nhân tài Nhân lực.

Và các văn bản pháp quy khác.

Tính đến năm 2016, Viện đã có 10 năm hoạt động rất có kết quả (17-11-2006-17-11-2016). Trong 10 năm hoạt động, Viện đã có những thành tích nổi bật như sau:

1. Thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của Viện, nghiên cứu và tổng kết về nguồn nhân lực chất lượng cao:

Chức năng, nhiệm vụ chủ yếu của Viện có thể tóm tắt là góp phần nghiên cứu và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đào tạo, bồi dưỡng, giới thiệu sử dụng nhân tài, hiền tài, phục vụ công cuộc đổi mới và sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Viện đã thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ này kể từ khi thành lập Viện.

Về nghiên cứu nguồn nhân lực chất lượng cao, tuy vấn đề này chưa có đề tài riêng, chuyên sâu, nhưng Viện lại có nhiều chuyên đề, nhiều bài viết, báo cáo khoa học đã được đăng tải trên các báo, tạp chí ở trong nước và ngoài nước, qua các cuộc hội thảo chuyên sâu, Viện đã tổng kết rút ra những vấn đề thiết thực về xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao và trọng dụng nhân tài:

Một là: Phải xác định cho rõ nguồn nhân lực là tài nguyên quý giá nhất của Việt Nam trong công cuộc đổi mới và phát triển đất nước. Một đất nước rất ít tài nguyên thiên nhiên như ở Việt Nam, cần phải lấy nguồn nhân lực làm nguồn tài nguyên thay thế, gọi là tài nguyên nguồn nhân lực, hoặc tài nguyên con người. Muốn vậy, phải làm cho mọi người thấy rõ vai trò và trách nhiệm đào tạo và sử dụng nhân lực, biến thách thức và chất lượng nhân lực thành lợi thế cạnh tranh trên phương diện toàn cầu. Đây là nhiệm vụ của toàn xã hội, mang tính xã hội; là trách nhiệm của các cấp lãnh đạo, quản lý, của nhà trường, của doanh nghiệp, của gia đình cũng như của bản thân mỗi người lao động. "Đây chính là thể hiện quan điểm phát triển con người, phát triển kinh tế - xã hội vì con người và do con người, là một trong những nội dung cơ bản của phát triển bền vững".

Hai là: Mở cuộc vận động sâu rộng trong toàn xã hội về nhân lực Việt Nam phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Phát động phong trào thi đua yêu nước tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, góp phần giúp cho mọi người hiểu rõ về các chính sách phát triển nhân lực. Vận động các doanh nghiệp tham gia đào tạo nhân lực để sử dụng với chất lượng ngày càng cao.

Ba là: Xây dựng hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về nhân lực, việc làm, giáo dục, đào tạo, chính sách tiền lương, khen thưởng, đãi ngộ; chính sách trọng dụng chuyên gia, tham mưu, kỹ sư, tổng công trình sư, nhà thiết kế, tạo mẫu, phát minh, gọi chung là nhân tài, chính sách về môi trường, điều kiện, phương tiện làm việc; chính sách việc làm, thu nhập, bảo hiểm, bảo trợ xã hội; chính sách cho các cơ quan khoa học bán công lập, ngoài công lập. Tổ chức tốt việc thực hiện các chính sách đó. Cải cách chế độ tiền lương cho đội ngũ giáo viên, giảng viên, có chế độ ưu đãi cho người học.

Bốn là: Đổi mới quản lý nhà nước về phát triển nhân lực; hoàn thiện bộ máy quản lý phát triển nhân lực nhằm nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả quản lý nhân lực; đổi mới phương pháp giáo dục, quản lý nhân lực, thấu tình đạt lý, nhìn rõ đúng sai, kịp thời rút kinh nghiệm về quản lý nhân lực. Tổ chức bộ máy quản lý nhân lực từ trung ương đến địa phương. Nhân sự cho bộ máy này phải là những chuyên gia giỏi về nghiên cứu nhân tài, nhân lực trong và ngoài biên chế nhà nước. Làm rõ chức năng, nhiệm vụ của bộ máy này là tư vấn, tham mưu, đề xuất, thu thập, phân tích các số liệu về nguồn lực ở tất cả các ngành, các cấp.

Năm là: Tiến hành điều tra, khảo sát thường xuyên về nhân lực và chất lượng nhân lực ở tất cả các ngành, các cấp, địa phương và cả nước; bảo đảm cân đối cung cầu nhân lực để phát triển kinh tế - xã hội trong phạm vi cả nước và trong từng ngành, từng cấp.

Sáu là: Đổi mới đào tạo và dạy nghề theo hướng hiện đại, phù hợp với hoàn cảnh Việt Nam, đáp ứng nhu cầu phát triển của đất nước và hội nhập quốc tế, chủ yếu là hội nhập kinh tế quốc tế.

Bảy là: Đổi mới quản lý nhà nước về đào tạo và dạy nghề từ trung ương đến địa phương; tổ chức hợp lý hệ thống cấp bậc đào tạo; thực hiện phân cấp quản lý đào tạo giữa bộ, ngành, địa phương; quy hoạch lại mạng lưới các trường đại học, cao đẳng, trung cấp nghề, trung tâm dạy nghề. Khuyến khích thành lập các trường đại học, cao đẳng tư thục, bên cạnh những trường công lập, tại các nơi có điều kiện, góp phần đẩy nhanh số lượng và chất lượng nguồn nhân lực được đào tạo.

Tám là: Đổi mới cách xây dựng nền giáo dục, đào tạo, phục vụ nhu cầu xã hội; thực hiện đúng yêu cầu học để làm việc, giúp nước, giúp dân; xây dựng cơ sở đào tạo theo hướng đào tạo đến đâu sử dụng đến đó; đào tạo theo chiều sâu thay cho đào tạo dàn trải.

Chín là: Xây dựng hệ thống quốc gia để kiểm tra, đánh giá chất lượng giáo dục và đào tạo; xử lý việc thực hiện quy hoạch phát triển nhân lực trên phạm vi cả nước, bảo đảm phát triển hài hòa, cân đối.

Mười là: Bảo đảm và huy động nguồn vốn cho phát triển nhân lực trên phạm vi cả nước; đẩy mạnh xã hội hóa để tăng cường các nguồn vốn cho phát triển nhân lực.

Mười một là: Nâng cao hơn nữa đến chất lượng con người. Chất lượng con người, trước hết, phải tính đến chất lượng sinh con. Ngành y tế phải có những quy định cụ thể về chất lượng sinh con như kiểm tra sức khỏe, bệnh tật, tính di truyền và vợ chồng quan hệ để sinh con,... trước khi chính quyền cấp giấy đăng ký giá thú. Hiện nay, tại Việt Nam, đang có tình trạng đẻ vô tội vạ, đẻ không tính toán, cân nhắc, nhất là ở nông thôn, làm cho những đứa con sinh ra bị còi cọc, không phát triển được trí tuệ. Thậm chí có những người bị nhiễm chất độc da cam mà vẫn đẻ ra những đứa con dị tật. Có người tính rằng, tại Việt Nam, cứ 10 đứa trẻ sinh ra, có 1 đứa trẻ bị dị tật bẩm sinh. Vì vậy, phải tăng cường chất lượng hoạt động của các cơ quan chức năng. Khi có chất lượng con người, phải tính đến chất lượng cuộc sống, có nghĩa là phải nuôi dưỡng về vật chất và tinh thần của con người sinh ra, bảo đảm cho họ có thể lực dồi dào, trí tuệ minh mẫn. Xây dựng chất lượng con người phải có sự gắn kết với chất lượng cuộc sống xã hội; có sự gắn kết chặt chẽ giữa xã hội - nhà trường - gia đình để tạo ra nguồn nhân lực chất lượng cao trong tương lai.

Mười hai là: Nhà nước xây dựng chiến lược nguồn nhân lực gắn với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; xác định thật rõ xây dựng nguồn nhân lực là trách nhiệm của các nhà hoạch định chính sách và tổ chức thực hiện chính sách, trách nhiệm của cả hệ thống chính trị.

Mười ba là: Nhà nước xây dựng chiến lược nguồn nhân lực gắn với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; xác định thật rõ xây dựng nguồn nhân lực là trách nhiệm của các nhà hoạch định chính sách và tổ chức thực hiện chính sách, trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, của các ngành, các cấp.

Mười bốn là: Phải có cả một hệ thống cơ chế thật thông thoáng để khai thác, phát hiện, bồi dưỡng, đào tạo và trọng dụng nhân tài. Nếu chúng ta cứ bằng lòng với cơ chế hiện nay, thì không bao giờ có những nhân tài xuất hiện, vì mọi cái đều ràng buộc như vòng kim cô, người tài không thoát ra được. Vì vậy, phải có cơ chế tự chủ, tự hành động, vượt qua tất cả rào cản để tiến nhanh trên con đường nhân tài.

Mười năm là: Đẩy mạnh hợp tác quốc tế để phát triển nguồn nhân lực và chuyển giao công nghệ hiện đại về Việt Nam. Chọn ra những người có thiên hướng bác học, gửi đi đào tạo ở nước ngoài bằng nguồn kinh phí của nhà nước.

Mười sáu là: Sau mỗi một giai đoạn triển khai, Nhà nước cần tổng kết về lý luận và thực tiễn về nguồn nhân lực ở Việt Nam, đánh giá đúng mặt được, mặt chưa được, kịp thời rút ra những kinh nghiệm, trên cơ sở đó mà phát huy mặt tốt, khắc phục mặt chưa tốt.
Chính phủ và các cơ quan chức năng phải có chính sách, biện pháp kết hợp thật tốt giữa đào tạo và sử dụng trong tổng thể phát triển kinh tế của đất nước, đáp ứng có hiệu quả nguồn lao động có chất lượng cao cho yêu cầu phát triển của nền kinh tế.

2. Tham gia vào việc hoạch định đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước về xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao:

Các nhà khoa học của Viện đã có một số đóng góp vào việc soạn thảo một số dự thảo nghị quyết của Đảng và chính sách của Nhà nước, như đóng góp ý kiến xây dựng dự thảo Nghị quyết Hội nghị Trung ương 7, khóa X, về xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Sau khi ban hành Nghị quyết này và cũng là để triển khai và cụ thể hóa Nghị quyết, Viện trưởng Đàm Đức Vượng đã làm Chủ nhiệm đề tài cấp nhà nước "Xây dựng đội ngũ trí thức Việt Nam giai đoạn 2011-2020" (Mã số: KX.04.16/06-10).

Trong quá trình làm đề tài này, đồng chí Viện trưởng đã viết hẳn một văn bản góp ý với Bộ Giáo dục và Đào tạo (thời kỳ giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Thiện Nhân làm Bộ trưởng) về nâng cao chất lượng giáo dục đại học và đề nghị đổi thuật ngữ "cải cách giáo dục" bằng thuật ngữ "đổi mới giáo dục".

Đồng chí Viện trưởng đã có bản Báo cáo khoa học đóng góp ý kiến vào dự thảo Báo cáo chính trị trình Đại hội XII của Đảng (sẽ họp vào đầu năm 2016) tại Hội thảo khoa học: "Nghiên cứu mối quan hệ giữa kinh tế và văn hóa trong điều kiện hội nhập quốc tế ở Việt Nam hiện nay", do Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức tại Hà Nội, ngày 26-11-2015.

Bản thân đồng chí Viện trưởng là thành viên trong Ban Biên tập Tổng kết 20 năm đổi mới (1986-2006) của Hội đồng Lý luận Trung ương.

3. Làm các đề tài cấp nhà nước và cấp quốc tế:

Viện đã thực hiện xuất sắc 2 đề tài cấp nhà nước và 2 đề tài cấp quốc tế:

- Đề tài độc lập cấp nhà nước: "Xây dựng và tổ chức thực hiện các nghị quyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng - Thực trạng và giải pháp" (Mã số: ĐTĐL-2005/16), do đồng chí Viện trưởng Đàm Đức Vượng làm Chủ nhiệm đề tài. Đề tài đã nghiệm thu, đạt loại xuất sắc (93/100 điểm), đã được xã hội hóa bằng việc gửi tới các cơ quan trung ương để tham khảo và cũng đã xuất bản thành sách. Đây là một đề tài lớn, quy mô, tầm vóc.

Đề tài đã trình bày một cách có hệ thống về bối cảnh ra đời và giá trị lý luận và thực tiễn của các nghị quyết Trung ương Đảng các khóa.

- Đề tài cấp nhà nước: "Xây dựng đội ngũ trí thức Việt Nam giai đoạn 2011-2020" (Mã số:KX.04.16/06-10), do Viện trưởng Đàm Đức Vượng làm Chủ nhiệm. Đề tài đã nghiệm thu đạt loại xuất sắc (96/100 điểm) và cũng đã được xã hội hóa bằng việc gửi tới các cơ quan đảng, nhà nước và các cơ quan khoa học để tham khảo, đồng thời cũng đã in thành sách.

Phải nói rằng, đây là một đề tài mang tính quy mô và tính hệ thống rất cao về tầng lớp (đội ngũ) trí thức Việt Nam từ khi thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam; trí thức hoạt động trong các lĩnh vực của đời sống xã hội; những bài học rút ra về xây dựng đội ngũ trí thức Việt Nam trong giai đoạn mới.

- Đề tài cấp quốc tế: "Hồi ký quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào - Lào - Việt Nam" (3 tập, mỗi tập khoảng 500 trang), do Viện trưởng Đàm Đức Vượng làm Chủ nhiệm (Trưởng Ban biên soạn), theo quyết định của Ban Tuyên giáo Trung ương. Đề tài đã được nghiệm thu (10/11 phiếu xếp loại xuất sắc, 1/11 phiếu xếp loại khá) và cũng đã được xã hội hóa bằng việc xuất bản thành sách phát hành rộng rãi ở Việt Nam và Lào (in bằng 3 thứ tiếng: Việt, Lào, Anh), NXB Chính trị quốc gia Sự thật xuất bản, Hà Nội, 2011).

- Đề tài cấp quốc tế: "Văn kiện quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào - Lào - Việt Nam" (5 tập, mỗi tập khoảng 700 trang), do đồng chí Viện trưởng Đàm Đức Vượng làm Chủ nhiệm (Trưởng Ban biên soạn), theo quyết định của Ban Tuyên giáo Trung ương . Đề tài đã được nghiệm thu, đạt loại xuất sắc (11/11 phiếu xếp loại xuất sắc) và cũng đã được xã hội hóa bằng việc xuất bản thành sách phát hành rộng rãi ở Việt Nam và Lào (in bằng 3 thứ tiếng: Việt, Lào, Anh), NXB Chính trị quốc gia Sự thật xuất bản, Hà Nội, 2012.

Tuy các đề tài trên, Cơ quan chủ trì không phải là Viện, nhưng đồng chí Viện trưởng Đàm Đức Vượng lúc này đã thôi không làm Chánh Văn phòng, Vụ trưởng, Thư ký Khoa học chuyên trách Hội đồng Lý luận Trung ương nữa mà chuyển sang làm cộng tác viên thường xuyên cho Hội đồng, lại được chỉ định làm Chủ nhiệm các đề tài trên, cho nên vẫn được tính vào thành tích của Viện.

4. Xuất bản sách:

Từ năm 2012 đến năm 2015, đồng chí Viện trưởng Đàm Đức Vượng đã biên soạn và xuất bản được các cuốn sách có giá trị, được dư luận xã hội đánh giá rất tốt:

- Hồ Chí Minh đào tạo cán bộ và trọng dụng nhân tài, Nxb Chính trị quốc gia -Sự thật, Hà Nội, 2010.

- Xây dựng đội ngũ trí thức Việt Nam giai đoạn 2011-2020 (Mã số: KX.04.16/06-10), xã hội hóa thành cuốn sách: "Thực trạng và giải pháp xây dựng đội ngũ trí thức Việt Nam trong sự nghiệp đổi mới đất nước", Nxb Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2014.

- Một số vấn đề về trí thức và nhân tài, NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2012.

- Một số vấn đề lý luận và thực tiễn ở Việt Nam thời kỳ mới, NXB Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2013.

- Việt Nam từ thời kỳ bao cấp đến thời kỳ đổi mới, NXB Chính trị quốc gia -Sự thật, Hà Nội, 2014.

- Những dấu ấn lịch sử về Hồ Chí Minh và Đảng do Người sáng lập, NXB Thông tin truyền thông, Hà Nội, 2015. - V.v..

Có những bộ sách viết về Lào đã được khen thưởng lớn:

- Cay xỏn Phôm vi hản - Tiểu sử và sự nghiệp, Nxb Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội của PGS,TS, Viện trưởng Đàm Đức Vượng, đã được Chủ tịch nước Lào tặng thưởng Huân chương Lao động Hạng nhì.

- Bộ Văn kiện quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào (5 tập) và bộ Hồi ký quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào (3 tập), do PGS,TS, Viện trưởng Đàm Đức Vượng Chủ biên, Nxb Chính trị quốc gia - Sự Thật, Việt Nam, 2012, đã được Thủ tướng Lào và Thủ tướng Việt Nam tặng Bằng khen

5. Viết các chuyên đề:

- Từ năm 2012 đến năm 2015, các nhà khoa học của Viện đã viết được trên 100 chuyên đề cho các dự án dự thảo nghị quyết của Đảng và cho các đề tài cấp nhà nước và cấp ban đảng trung ương, trong đó có nhiều chuyên đề về xây dựng con người, xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao, về nhân tài, hiền tài, về giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ. Mỗi chuyên đề bình quân là 20 trang, tổng cộng là 2.000 nghìn trang in.

6. Các bài nghiên cứu đã được đăng trên các báo và tạp chí:

- Từ năm 2012 đến năm 2015, các nhà khoa học của Viện đã viết được gần 300 bài nghiên cứu đã được đăng trên các báo và tạp chí trong nước và ngoài nước, góp phần phục vụ cho công tác tuyên truyền về nhân tài, nhân lực.

7. Đào tạo:

- Từ năm 2007 đến năm 2015, các nhà khoa học của Viện đã hướng dẫn thành công, bảo vệ luận án cho 25 tiến sĩ và luận văn cho 28 thạc sĩ; đã giới thiệu đi làm nghiên cứu sinh nước ngoài được 26 người.

8. Các hoạt động từ thiện:

- Ngoài công tác nghiên cứu khoa học, Viện còn thường xuyên làm công tác xã hội từ thiện như giúp đỡ các sinh viên nghèo học giỏi ở các tỉnh miền núi, vùng sâu, vùng xa.

9. Thành tích trong các hoạt động của Trang tin Điện tử trên Internet của Viện:

Trang tin Điện tử trên Internet: nhantainhanluc.com của Viện khoa học nghiên cứu Nhân tài Nhân lực hoạt động theo Giấy phép số 115/GP-BC, ngày 30-3-2007 của Cục Báo chí - Xuất bản, Bộ Văn hóa - Thông tin cấp; sau đó là Giấy phép số 04/GP-TTĐT, ngày 13-1-2016 của Cục Phát thanh - Truyền hình và Thông tin điện tử, Bộ Thông tin và Truyền thông Việt Nam cấp.

Nội dung phong phú, góp phần tích cực vào việc tuyên truyền đường lối, chính sách kính tế - xã hội của Đảng và Nhà nước; hướng vào việc xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao, nhất là tuyên truyền về những nhân tài, hiền tài, về giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ, văn hóa và xã hội... Nhiều nội dung phục vụ cho công tác nghiên cứu khoa học và công tác chuyên môn về nhân tài, nhân lực.

Ngày 13-1-2015, tổ chức Website (Google) quốc tế thông báo về Trang tin Điện tử Tổng hợp của Viện Khoa học nghiên cứu Nhân tài Nhân lực (ISSTH): "Website: www. nhantainhanluc.com của Viện Khoa học nghiên cứu Nhân tài Nhân lực (Việt Nam) có đuôi sử dụng là: com; đã đăng ký hoạt động được 7 năm, 7 tháng 2 ngày. Website: www. nhantainhanluc.com có thứ hạng lưu lượng truy cập toàn cầu cùng với 6.440.832 trang Website khác và thứ hạng Google là 1/10. Theo máy tìm kiếm Google, đây là Website có thứ hạng 1/10. Website đang được báo cáo là an toàn, nên bạn an toàn khi truy cập. Số lượng xem trong mỗi ngày bình quân là 910".

Trang tin Điện tử Tổng hợp của Viện Khoa học nghiên cứu Nhân tài Nhân lực (ISSTH) xuát bản bằng 2 thứ tiếng: Việt và Anh. Riêng tiếng Anh thì phải bấm vào Language và máy tự động dịch từ tiếng Việt sang tiếng Anh. Tuy nhiên, độ chính xác của máy dịch chỉ vào khoảng 70%.

Sau này, nếu có kinh phí để làm, Website sẽ có hẳn một Trang tiếng Việt và một trang tiếng Anh. Như vậy, độ chính xác mới có thể bảo đảm tương đối.

Như vậy, Trang tin Điện tử Tổng hợp của Viện ISSTH đã được quốc tế hóa.

10. Các hoạt động khác:

- Các nhà khoa học, cán bộ, nhân viên của Viện đoàn kết, làm việc tự giác với tinh thần trách nhiệm cao; không vi phạm chính sách; thực hiện chế độ làm việc theo khoán sản phẩm.

- Viện thực chế độ nộp thuế cho nhà nước rất nghiêm túc, nộp lệ phí cho Liên hiệp Hội đúng kỳ hạn, không để tồn đọng.

Đến đây, Viện đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của mình trong 10 năm hoạt động.

Mọi mặt hoạt động của Viện đã được thể hiện đầy đủ trong cuốn sách: "Lịch sử Viện Khoa học nghiên cứu Nhân tài Nhân lực - mười năm hoạt động" (2006-2016), do PGS,TS, Viện trưởng Đàm Đức Vượng làm Chủ biên

Tuy nhiên, trải qua 10 năm hoạt động, vấn đề tài chính luôn luôn nổi cộm khi phải tự lo, tự trang trải; có chi nhưng không có thu, tất cả đều trông vào một người đóng góp. Viện sẽ gặp rất nhiều khó khăn về tài chính nếu cứ tiếp tục hoạt động như hiện nay. Vì vậy, đã đến lúc Viện phải tính đến việc giải thể..

PGS,TS Đàm Đức Vượng
Viện trưởng Viện Khoa học nghiên cứu Nhân tài Nhân lực - ISSTH