Mới cập nhật

“Tồn tại hoặc không tồn tại”

Kính tặng linh hồn nhà đại văn hào người Anh gốc Ý Sếchxpia

 

 

Hamlet (1)

 

“Tồn tại hoặc không tồn tại”
Một câu hỏi lớn của đại văn
Sếchxpia một đời trăn trở
Còn thế hệ sau thì nhận chân.

Đời người tồn tại được mấy khi
Sớm nắng chiều mưa cũng chỉ vì
Tồn tại hay là không tồn tại
Buồn lòng nghĩ tới cõi vô vi.

Cái gì tồn tại thì tồn tại
Cái gì mất đi sẽ mất đi
Có cái mất đi lại tồn tại
Có cái tồn tại lại mất đi.

Không có gì tồn tại vĩnh hằng
Đó là quy luật của tự nhiên
Có chăng một tấm lòng cao cả
Tồn tại trên đời không thể quên.

Luân Đôn - Praha, tháng 7-2001
Đức Vượng.
---------------------------
Lời Tác giả: Trong thời gian công tác ở châu Âu, tôi đã ít nhất bốn lần đến Luân Đôn. Có lần, tôi đi ô tô qua đường hầm dưới đáy biển Măngsơ, từ thủ đô Paris của nước Pháp đến thủ đô Luân Đôn của nước Anh. Những lần đến Luân Đôn, tôi nhận ra một điều là hệ thống giao thông của thành phố này cực kỳ hiện đại. Một lần, tôi nghỉ trọ tại một khách sạn gần sân bay Luân Đôn. Đứng trên tầng cao, nhìn ra sân bay, tôi thấy suốt ngày đêm, cứ một chiếc máy bay hạ cánh, lại một chiếc máy bay cất cánh. Như vậy, trong một ngày, đêm, sân bay Luân Đôn, phải có đến hàng trăm chiếc máy bay lên, xuống. Đường tàu điện ngầm, tôi thấy còn hơn cả trận đồ bát quái, nhiều tầng đến nỗi vào mà không biết lối ra. Xe buýt (2 tầng), taxi chạy suốt ngày đêm, Trên tay, lúc nào cũng có tấm bản đồ Luân Đôn, liên tục xem bản đồ, nhưng tôi vẫn bị lạc, phải hỏi thăm nhiều người đi đường mới trở về được khách sạn nơi mình ở. Vào những ngày đầu tháng 7-2001, tôi có dịp trở lại Luân Đôn. Lần này, may mắn làm sao, tình cờ, tôi gặp được anh Đức, nghiên cứu sinh Việt Nam học tại Luân Đôn, đưa tôi đi thăm Luân Đôn. Anh Đức sống ở Luân Đôn nhiều năm, rất thông thạo tiếng Anh. Khi đi qua một phố, anh Đức chỉ cho tôi một ngôi nhà và nói rằng, ngôi nhà này, xưa kia, đại văn hào Sếchxpia đã từng ở. Rất tiếc, hôm ấy, tôi lại không ghi tên phố và ngôi nhà. Đã nhiều năm nay, tôi không gặp lại anh Đức, cho nên không hỏi lại Anh địa chỉ của ngôi nhà. Sau khi đi qua ngôi nhà của Sếchxpia, tôi nhớ đến Sếchxpia, bắt đầu suy nghĩ về Ông và nung nấu làm bài thơ về Ông. W.Sếchxpia (William Shakespeare), đại văn hào người Anh (có tài liệu viết tổ tiên Ông là người Ý), sinh năm 1564 và mất năm 1616, tại thành phố Xtơrátphớt Ôn Êvơn. Thân phụ là Giôn Sếchxpia, một thương nhân. Ngay từ thời niên thiếu, Sếchxpia đã gắn bó với sân khấu, làm người nhắc vở, cuối cùng trở thành một người viết kịch lừng danh. Ông là tác giả của những tác phẩm sân khấu nổi tiếng: “Ôtenlô”, “Rômêô và Giuliét”, “Đêm thứ 12”, “Mácbét”, “Vua Lia”, “Hămlét”,
…Có tài liệu cho rằng, không phải tất cả các vở kịch của Sếchxpia đều là của Sếchxpia. Tuy nhiên, ý kiến này đều không có cơ sở xác thực để chứng minh. Sếchxpia là một nhà soạn kịch tầm cỡ không chỉ của nước Anh, châu Âu mà còn của thế giới, một đại văn hào tiêu biểu cho nền văn học thời đại phục hưng ở nước Anh và châu Âu. Ông sống vào giai đoạn quá độ từ chế độ phong kiến sang chế độ tư bản ở châu Âu. Các tác phẩm của Ông phản ánh giai đoạn cuối của xã hội phong kiến và giai đoạn đầu của xã hội tư bản.

C.Mác và Ph.Ăngghen đánh giá cao tư duy và tài năng viết kịch của Sếchxpia. Ông là một trong số những nhà văn, nhà thơ được C.Mác yêu thích.

Trong số các vở kịch nổi tiếng của Sếchxpia có vở kịch “Hămlét”. Trong vở kịch này, có ghi câu nói nổi tiếng của Sếchxpia: “To be or not to be” (Tồn tại hoặc không tồn tại). Tôi dựa vào câu nói này mà viết bài thơ Tồn tại hoặc không tồn tại. Đây là câu triết lý hết sức sâu sắc, nó có liên quan đến vấn đề tư duy và ý thức của con người. Xét theo nghĩa thông thường, tồn tại là hình ảnh về con người vẫn còn đọng trong tâm tưởng, ký ức mọi người. Trên thực tế, có người đang sống ở đời, nhưng vẫn bị người đời xa lánh, vì người đó sống vô đạo đức, chỉ biết mình, ích kỷ, hẹp hòi, dìm người tài, sử dụng người cơ hội, bất tài, sống quen với quyền lực, bổng lộc, ban phát, coi nhẹ tình cảm. Ngược lại, có những người đã mất, nhưng vẫn để lại tình cảm lưu luyến của những người đang sống, vì những người này, sinh thời, họ sống tốt, sống đẹp, sống có văn hóa, sống cao thượng, trung thực, sống thoáng, sống cho mình và sống cho mọi người. Cán cân cuộc đời công bằng lắm, dư luận xã hội công bằng lắm, nó phản ánh rất rõ vấn đề nhân quả. Thế hệ sau nhận ra chân lý của thế hệ trước. Sếchxpia biết rõ điều đó, cho nên đã có câu nói nổi tiếng: “Tồn tại hoặc không tồn tại”