Mới cập nhật

PHAN TRỌNG TUỆ - NHÀ HOẠT ĐỘNG CÁCH MẠNG BỀN BỈ VÀ KIÊN TRUNG

Đi lên từ miền quê cách mạng:
Phan Trọng Tuệ là một vị tướng tài của Quân đội Nhân dân Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải, Phó Thủ tướng Chính phủ,… Ông là hậu duệ dòng dõi của Tiến sĩ Phan Huy Ích quê Hà Tĩnh, làm quan dưới Triều Vua Lê Trung Hưng. Phan Huy Ích thân sinh ra Phan Huy Chú một nhà sử học nổi tiếng Triều Nguyễn. Phan Huy Ích sau đó chuyển từ miền quê Hà Tĩnh sang định cư tại thôn Đa Phúc, xã Sài Sơn, huyện Quốc Oai, tỉnh Hà Tây (nay là Hà Nội). Từ đó, Sài Sơn, Quốc Oai, Hà Nội trở thành quê hương của Phan Trọng Tuệ. Ông thân sinh ra Phan Trọng Tuệ là Phan Trọng Định di cư sang sinh sống tại Lào khoảng đầu thế kỷ XX và Phan Trọng Tuệ sinh ra tại Viêng Chăn, Lào vào ngày 7-7-1917, năm nổ ra cuộc Cách mạng tháng Mười Nga.


Vùng Hà Đông – Sơn Tây – Hà Nội (gọi chung là Hà Nội) là một miền quê có truyền thống cách mạng ngay từ khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời. Phan Trọng Tuệ đi lên và trưởng thành từ miền quê cách mạng đó. Phan Trọng Tuệ tham gia các hoạt động yêu nước khá sớm, từ sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời. Năm 1934, Ông được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương. Năm 1935, Ông tham gia chỉ huy cuộc mít tinh phản đối thực dân Pháp xâm lược Việt Nam, cho nên đã bị nhà cầm quyền Đông Pháp bắt giam trong 4 tháng. Ra tù, Ông nhanh chóng liên lạc với các đồng chí của mình, khôi phục các tổ chức cơ sở cách mạng. Tháng 8-1936, “Tổ đảng viên cộng sản Đa Phúc” được thành lập bí mật tại nhà Phan Trọng Tuệ với ba thành viên chủ chốt là Phan Trọng Tuệ, Nguyễn Văn Thọ, Đào Văn Tiễu. Tổ đảng viên cộng sản Đa Phúc vừa ra đời đã hăng hái hoạt động, vận động và giác ngộ quần chúng, trang bị cho quần chúng tinh thần yêu nước và cách mạng. Năm 1937, Ông trực tiếp Phụ trách Chi bộ Đảng xã Sài Sơn và có mối liên lạc với Thành ủy Hà Nội. Hoạt động trong Đảng đến năm 1939-1940, Ông được cử làm Bí thư Tỉnh ủy Sơn Tây và Hà Đông; đồng thời, được Đảng phân công theo dõi tình hình ở Hà Nội – Hà Đông – Sơn Tây. Năm 1941, Ông là Bí thư Tỉnh ủy Hà Đông, Phụ trách cụm Liên Tỉnh ủy Hà Nội, Hà Đông, Sơn Tây, Hà Nam. Cuối năm 1941, Ông được bầu làm Xứ ủy viên Xứ ủy Bắc Kỳ, Phụ trách công tác binh vận của Xứ ủy. Tháng 9-1943, Ông lại bị thực dân Pháp bắt trong lúc đang công tác tại địa phận Hà Nam và giam tại nhà tù Hỏa Lò, Hà Nội; bị tòa án thực dân kết án 27 năm tù và đày đi giam tại Côn Đảo. Tại Côn Đảo, Ông tham gia vào Ban Trật tự của những tù nhân là cộng sản; đồng thời là Chi ủy viên Khối tù nhân cộng sản ở nhà tù Hỏa Lò – Sơn La chuyển lên giam tại nhà tù Côn Đảo. Những ngày sống tại Côn Đảo, Ông chăm chỉ học tập chính trị, văn hóa, ngoại ngữ do những tù nhân cộng sản dạy cho nhau. Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công, những tù nhân chính trị được giải phóng. Ngày 20-9-1945, Phan Trọng Tuệ cùng nhiều tù nhân là cộng sản khác, được Ủy ban Khởi nghĩa Nam Bộ cho tàu ra đón và cặp bến tại cửa Mỹ Thanh, tỉnh Sóc Trăng trong đêm 22-9-1945.     

Hoạt động trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp xâm lược:

Trong những năm, tháng nhân dân ta kháng chiến chống Pháp xâm lược, Phan Trọng Tuệ hoạt động liên tục. Khi ra tù, Ông cũng không có thời gian về thăm quê hương bởi công cuộc kháng chiến đang cuốn hút Ông. Ngày 23-9-1945, thực dân Pháp nổ súng, gây chiến ở Sài Gòn. Trước tình hình đó, Xứ ủy Nam Bộ cử các tù chính trị ở Côn Đảo đi các tỉnh miền Nam và miền Trung, tham gia lãnh đạo cuộc kháng chiến. Phan Trọng Tuệ được phân công hoạt động ở miền Tây Nam Bộ trên cương vị Thanh tra kháng chiến tại tỉnh Hậu Giang, làm Ủy viên Liên Tỉnh ủy gồm 10 tỉnh miền Tây Nam Bộ. Ngày 23-8-1947, Ông được cử giữ Chính ủy Khu 9. Từ tháng 12-1948 đến năm 1950, Ông làm Chính ủy Đặc khu Sài Gòn – Chợ Lớn, Chính ủy Khu 7, Thanh tra Bộ Tư lệnh Nam Bộ. Từ năm 1952 đến năm 1954, Ông làm Tư lệnh, sau đó, làm Phó Tư lệnh kiêm Chính ủy Phân Liên khu miền Tây Nam Bộ. Từ tháng 8-1954, Ông làm Phó trưởng Đoàn Liên hiệp đình chiến Nam Bộ, rồi Phó trưởng Đoàn Liên hiệp đình chiến Trung ương với quân hàm Đại tá. Ngày 3-11-1955, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 243/SL, thăng quân hàm Thiếu tướng cho Đại tá Phan Trọng Tuệ. Tháng 3-1957, Ông được cử làm Phó Tổng Thanh tra Quân đội. Sau đó, đến ngày 19-11-1958, Ông được bổ nhiệm làm Thứ trưởng Bộ Công an, Phụ trách Lực lượng Cảnh vệ. Khi lực lượng Công an vũ trang (tiền thân của Lực lượng bộ đội Biên phòng) được thành lập, Ông được cử làm Tư lệnh kiêm Chính ủy đầu tiên của Lực lượng Công an nhân dân vũ trang cho đến năm 1961.     

Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải:    

Từ năm 1961 đến năm 1974, Phan Trọng Tuệ được Đảng và Nhà nước bổ nhiệm làm Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải lần thứ nhất. Cách quãng một thời gian thôi giữ chức Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tài để làm Phó Thủ tướng và từ năm năm 1976 đến năm 1980, Ông lại trở về làm Bộ trưởng Bộ giao thông vận tải lần thứ hai kiêm Bí thư Đảng đoàn Bộ. Như vậy, thời gian làm Bộ trưởng Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải của Phan Trọng Tuệ kéo dài tới khoảng 17 năm.

Năm 1965, trên cương vị Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải, Phan Trọng Tuệ được cử làm Tư lệnh kiêm Chính ủy Đoàn 559 của tuyến đường chiến lược Trường Sơn, mở đường Trường Sơn cho cơ giới đi vào chiến trường miền Nam.

Năm 1968, cũng trên cương vị Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải, Phan Trọng Tuệ được cử làm Tư lệnh Bộ Tư lệnh bảo đảm giao thông vận tài trên địa bàn Quân khu 4, nút giao thông quan trọng để đi vào chiến trường miền Nam Việt Nam.

Cuộc kháng chiến của nhân dân ta chống Mỹ, cứu nước diễn ra ác liệt. Ngành giao thông vận tải phải đối mặt với cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân và thủy quân của quân đội viễn chinh Mỹ. Nhiều đoạn đường bị bom Mỹ san phẳng, làm gián đoạn việc cung cấp vũ khí, quân trang quân dụng, thuốc men, lương thực cho chiến trường miền Nam, đẩy ngành giao thông vận tải vào thế bị động. Trước hình hình đó, Bộ trưởng Phan Trọng Tuệ đã chuyển từ bị động sang chủ động, chỉ đạo công nhân ngành và có sự phối hợp tốt với bộ đội công binh để làm lại những đoạn đường bị bom Mỹ đánh phá, bảo đảm giao thông vận tải thông suốt và an toàn, cung cấp kịp thời và đẩy đủ cho các chiến trường miền Nam Việt Nam và chiến trường Đông Dương. Trong những ngày, tháng khó khăn và vô cùng gian khổ của cuộc kháng chiến, Bộ trưởng Phan Trọng Tuệ đã có những cuộc gặp gỡ các anh, chị em cán bộ, công nhân viên thanh niên xung phong. Bộ trưởng rất quan tâm đến đời sống của anh, chị em, nhất là đối với chị em nữ trên mặt trận giao thông vận tải. Có lần, Bộ trưởng Phan Trọng Tuệ cùng Đại tướng Võ Nguyên Giáp đến thăm thanh niên xung phong làm đường Trường Sơn. Chuyện kể rằng, có lần đi công tác tại tuyến lửa Quảng Bình, Bộ trưởng thấy sinh hoạt của chị em quá thiếu thốn, ăn uống kham khổ, sinh nhiều bệnh tật, Ông thương xót lắm, liền điện ra Hà Nội mang vải màn, xô chậu, xà phòng, quần áo, thuốc men, lương khô,… chở xe gấp vào phát cho chị em. Con người Ông là con người tràn đầy tình thương, gần dân, thân dân, quan tâm đến đời sống của cán bộ, công nhân trong ngành giao thông vận tải. Có lần, Ông tâm sự là Ông sợ nhất cái bệnh quan liêu trong các ngành, trong đó có ngành giao thông vận tải.

Thời gian làm Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải, Phan Trọng Tuệ đã chỉ đạo sâu sát việc khôi phục các tuyến đường giao thông Bắc – Nam; đường sá, cầu cống được làm mới và sửa chữa nhiều trong giai đoạn này. Ông đã chỉ đạo sâu sát các cán bộ khoa học, kỹ thuật của ngành giao thông vận tài thiết kế, đóng mới nhiều loại tàu cỡ nhỏ cho Bộ Quốc phòng, Ngay từ năm 1970, Bộ trưởng Phan Trọng Tuệ đã chỉ đạo cán bộ của Bộ thực hiện đề tài về Chiến lược xây dựng Việt Nam thành quốc gia hàng hải với nền kinh tế biển phát triển – một hạm đội mạnh – một đội thương thuyền mạnh. Muốn vậy, phải xây dựng một nền công nghiệp đóng tàu Việt Nam hiện đại. Ông rất quan tâm và trực tiếp chỉ đạo bộ phận thiết kế đóng tàu biển và bộ phận đăng kiểm; quan tâm bồi dưỡng đội ngũ cán bộ khoa học, kỹ thuật của Bộ. Ông nói, đã là cán bộ khoa học, kỹ thuật thì phải có sáng tạo, phát minh, phải có trình độ thiết kế tàu biển tiên tiến. Nhiều cán bộ khoa học, kỹ thuật được Ông dìu dắt đã trưởng thành từ khói lửa của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Ông đã gợi ý để các cán bộ khoa học, kỹ thuật của ngành giao thông vận tài làm một số đề tài nghiên cứu khoa học như sản xuất ra những chiếc ca nô người lái dùng để phá thủy lôi…

Phan Trọng Tuệ có công xây dựng ngành giao thông vận tải thành một ngành mũi nhọn trong nền kinh tế quốc dân, gồm các lĩnh vực vận tải, công trình, cơ khí, đường bộ, đường thủy, đường sắt và cũng đã có tính đến phát triển đường hàng không trong tương lai. Ông đã đề ra những mục tiêu chiến lược cho ngành giao thông vận tải nước nhà.

Tác phong làm việc của tướng Phan Trọng Tuệ tại Bộ Giao thông vận tải là rất chân tình, cởi mở với cán bộ, nhà khoa học, công chức, viên chức, nhân viên trong ngành; tác phong đúng mực của một vị thủ trưởng Bộ. Phương pháp làm việc của Ông là gợi mở, không áp đặt. Phương pháp này đã làm cho anh chị em trong ngành giao thông vận tải rất quý mến Ông và khâm phục Ông. Ông là một trong những người có nhiều cống hiến lớn trong ngành giao thông vận tải và cũng đã để lại nhiều tình cảm tốt đẹp đối với các thế hệ trong ngành

Trên cương vị Phó Thủ tướng Chính phủ:     

Phan Trọng Tuệ được Đại hội Đảng khóa III (1960) và khóa IV (1974) bầu làm Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng; là đại biểu Quốc hội từ khóa II đến khóa VI; có thời gian làm Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt Nam – Campuchia.    

Từ tháng 3-1974 đến tháng 7-1976, Phan Trọng Tuệ được cử làm Phó Thủ tướng Chính phủ, kiêm Thường trực Hội đồng Chi viện giải phóng miền Nam Việt Nam.

Khi miền Nam sắp được giải phóng, Phó Thủ tướng Phan Trọng Tuệ đã báo cáo với Thủ tướng Phạm Văn Đồng, Chủ tịch Hội đồng Chi viện giải phóng miền Nam Việt Nam lúc ấy, về kế hoạch chi tiết chi viện cho miền Nam Việt Nam, phục vụ tích cực cho công cuộc giải phóng miền Nam Việt Nam, thống nhất đất nước.

Thời gian làm Phó Thủ tướng Chính phủ, Phan Trọng Tuệ chú ý nhiều đến việc phát triển kinh tế, trong đó có phát triển giao thông vận tải. Ông chú ý đến lực lượng lao động xã hội, khai thác tiềm năng về lao động, vật tư, thiết bị để phát triển kinh tế đất nước từ thời chiến chuyển sang thời bình. Năm 1965 là năm có vị trí và ý nghĩa kinh tế, chính trị rất quan trọng, cũng là năm kết thúc thời kỳ khôi phục kinh tế sau chiến tranh, chuẩn bị tích cực chuyển sang kế hoạch 5 năm lần thứ hai (1976-1980). Phó Thủ tướng Phan Trọng Tuệ đã cùng với Chính phủ chỉ đạo phát triển kinh tế đất nước. Nhiều lần, Phó Thủ tướng đến thăm các cơ sở kinh tế, cơ sở sản xuất công nghiệp và nông nghiệp, thấy cần phải giải quyết kịp thời các yêu cầu của sản xuất, như cân đối và giao kế hoạch cụ thể, cung cấp đủ và kịp thời vật tư, quản lý chặt chẽ các định mức, thực hiện đầy đủ các chính sách lao động và phúc lợi tập thể, giải quyết tích cực các vấn đề thiết thực, cụ thể về đời sống nhân dân, đề cao pháp chế  trong quản lý kinh tế.

Trong công tác của Chính phủ, Phó Thủ tướng Phan Trọng Tuệ chú trọng đến việc phối hợp giữa các ngành, các cấp với nhau, bảo đảm cho guồng máy của cơ quan hành pháp vận hành thông suốt, nhất là việc phối hợp giữa Chính phủ với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, công đoàn với cơ quan nhà nước, trong việc phát động phong trào thi đua yêu nước thời bình, bảo đảm quyền lợi của người lao động. Ông nêu ý kiến cần phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa ngành giao thông vận tải với ngành lưu thông phân phối. Ông yêu cầu ủy ban hành chính các cấp cần phát huy trách nhiệm và quyền hạn trong việc thực thi pháp luật, kỷ luật nhà nước và tinh thần phục vụ nhân dân. Trong các phiên họp của Hội đồng Chính phủ, Phó Thủ tướng Phan Trọng Tuệ nhấn mạnh đến sự lãnh đạo, chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư và Thường vụ Hội đồng Chính phủ để bảo đảm sự lãnh đạo tập trung, thống nhất và kịp thời của Trung ương Đảng và Chính phủ đối với các ngành và các địa phương; phát huy sức mạnh tổng hợp của cả nước để hoàn thành các nhiệm vụ chung và nhiệm vụ cụ thể của mỗi ngành và mỗi địa phương. Vì vậy, có người lúc bấy giờ đã nói Phó Thủ tướng Phan Trọng Tuệ là con người của công việc.

Một con người đức độ và tài năng:     

Qua nghiên cứu về nhân vật Phan Trọng Tuệ, tôi thấy Ông không chỉ là một vị tướng, vị Bộ trưởng, vị Phó Thủ tướng Chính Phủ tài ba, mà còn là một con người sống rất có đức độ, cần, kiệm, liêm, chính, hết lòng vì công việc theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Năng lực của Ông thể hiện bằng việc làm và đức độ của Ông thể hiện trong cách đối nhân xử thế. Cuộc sống của Ông hòa đồng với cuộc sống của nhân dân, tôn trọng ý kiến của nhân dân, quan tâm đến cán bộ, nhân viên cấp dưới cả về vật chất lẫn tinh thần. Ông quan sát thấy ai có khả năng, triển vọng là Ông bảo cơ quan tổ chức cần phải bồi dưỡng, đào tạo họ trở thành những cán bộ tốt.     Phó Thủ tướng Phan Trọng Tuệ cũng rất quan tâm chăm sóc xây dựng gia đình gương mẫu. Tình yêu và tình vợ chồng giữa Ông và bà Nguyễn Thị Thanh Xuân một người con gái miền Tây xinh đẹp, là bền chặt và rất tôn trọng nhau, hiểu nhau. Bà đã từng tham gia kháng chiến ở Cần Thơ, rất gan dạ và dũng cảm chiến đấu, tiêu diệt được nhiều địch. Trong hòa bình xây dựng, Bà không bao giờ lợi dụng chức vụ của chồng để làm chuyện riêng tư. Người ta quý Bà ở điểm này. Các con của Ông, Bà được giáo dục tốt và đã trưởng thành.

Phan Trọng Tuệ là người sống tốt, cả cuộc đời chưa bao giờ tranh giành với ai về địa vị, chức tước, quyền hành. Ông làm việc vì sự nghiệp chung, chứ không phải vì địa vị cá nhân. Đấy là phong cách, nhân cách của Phan Trọng Tuệ.

Phan Trọng Tuệ có gương mặt thông minh, rất đẹp trai và hào hoa phong nhã; bắn súng, cưỡi ngựa đều giỏi. Ông cũng rất thích hội họa và nhiếp ảnh. Tài năng và đức độ của Ông đã làm cho bạn bè, đồng chí và nhân dân tin yêu và cảm phục.

Có thể nói Phan Trọng Tuệ là một nhà hoạt động cách mạng bền bỉ và kiên trung, rất có hiệu quả.

Phan Trọng Tuệ mất tại thành phố Hồ Chí Minh, ngày 18-12-1991, thọ 74 tuổi.

(Bài đăng báo Quân đội Nhân dân số ra ngày 7-7-2017)