Mới cập nhật

BÀN THÊM VỀ INTERNET, MẠNG VÀ AN NINH MẠNG

PGS,TS Đàm Đức Vượng



Gần đây, trên các trạng mạng xuất hiện nhiều bài viết, nhiều ý kiến đóng góp vào bản dự thảo “Luật An ninh mạng”. Qua nghiên cứu, tôi thấy các ý kiến đang còn khác nhau. Trong bài viết này, tôi xin bàn thêm và đóng góp  một vài ý kiến về internet, mạng và an ninh mạng.

1.Về Internet:

Trước hết, hãy tìm hiểu về internet.

Thuật ngữ “INTERNET” đang còn hiểu khác nhau. Bản thân chữ “inter” trong tiếng Anh là “kết nối, ở giữa”. Còn chữ “net” nghĩa là “tấm lưới, mạng, lá chắn”. Gộp hai chữ lại có thể hiểu là “mạng kết nối”. Nhưng cũng có người cho rằng, “inter” là âm tiết đầu của chữ “international”: “quốc tế”, còn “net” là mạng, đem ghép lại với chữ “inter”, thành “internet” với nghĩa “mạng quốc tế”. Có thể hiểu đầy đủ ý nghĩa của chữ “internet” là “mạng thông tin kết nối toàn cầu”. Ngoài ra “internet” còn được bắt nguồn từ “ARPANET”. Thuật ngữ “internet” xuất hiện lần đầu vào năm 1974 trong khi vẫn gọi là mạng ARPANET.

Lần theo lịch sử internet, thấy rằng, tiền thân của mạng “internet” ngày nay là mạng “arpanet”. Cơ quan quản lý dự án nghiên cứu phát triển ARPANET trực thuộc Bộ Quốc phòng Mỹ liên kết các cơ quan đầu tiên vào tháng 7-1969 là Viện Nghiên cứu Stanford, Đại học California, Los Angeles, Đại học Utah, Santa Barbara. Đây chính là mạng liên vùng (Wide Area Network – WAN) đầu tiên được xây dựng. Vì vậy, Mỹ là nước đầu tiên phát minh ra internet từ arpanet.

Năm 1983, giao thức TCP và giao thức IP được xem như một chuẩn đối với ngành quân sự Mỹ và tất cả các máy tính nối với ARPANET đều phải sử dụng chuẩn mới này. Giao thức TCP là “Transmission Control Protocol - TCP” và giao thức IP là “Internet Protocol – IP” là sự kết nối các mạng nội bộ với nhau. Bản thân chữ “protocol” là giao thức, tức là phương pháp liên kết với nhau. Năm 1984, ARPANET được chia thành hai phần. Phần thứ nhất vẫn được gọi là ARPANET, dành cho việc nghiên cứu và phát triển. Phần thứ hai được gọi là MILNET, là mạng dùng cho các mục đích quân sự. “Internet” đã trở thành danh từ chung. Mốc lịch sử quan trọng của internet được xác lập vào những năm 80, thế kỷ XX, khi tổ chức khoa học quốc gia Mỹ NSF thành lập mạng liên kết các trung tâm máy tính lớn với nhau, gọi là “NSFNET”. Nhiều người sử dụng máy tính đã chuyển từ ARPANET sang NSFNET, và sau đó, gần 20 năm, ARPANET đã ngừng hoạt động vào năm 1990, vì nó không còn hiệu quả. NSFNET trở thành mạng chủ chốt, cho tới năm 1995, NSFNET không đáp ứng được yêu cầu phát triển của thông tin mạng và nó chính thức được thay thế bằng INTERNET. Internet đã trở thành mạng thông tin lớn nhất thế giới, mạng của các mạng, hoặc còn gọi là mạng gốc, nó không chỉ xuất hiện trong lĩnh vực quân sự, mà còn xuất hiện cả trong mọi lĩnh vực thương mại, chính trị, quân sự, nghiên cứu, giáo dục, văn hóa, xã hội. Cũng từ đó, các thông tin và dịch vụ trên internet không ngừng phát triển và tạo ra một kỷ nguyên mới về thương mại điện tử và thông tin điện tử cho loài người trên hành tinh.

Trong internet có “WWW”: Năm 1991, nhà phát minh Tim Berners Lee làm việc tại Trung tâm Nguyên tử châu Âu (Cern) phát minh ra World Wide Web (WWW), dựa theo một ý tưởng về siêu văn bản được Ted Nelson đưa ra từ năm 1985. Có thể đây cũng là một cuộc cách mạng trên internet, vì người ta có thể truy cập, trao đổi thông tin một cách dễ dàng. Từ đấy, www trở thành một trong những dịch vụ phổ biến sau internet.

Trong internet, ngoài www, còn có biểu tượng @ dùng trong khi sử dụng e.mail.

ISP (Internet Service Provider) là nhà cung cấp dịch vụ internet qua cổng điện tử tới các tổ chức và cá nhân. ISP sau đó được mở rộng ra.

Trong quá trình phát triển internet, mạng không dây ngày càng phổ biến. Năm 1985, Cơ quan quản lý viễn thông của Mỹ quyết định mở cửa một số băng tần không dây, theo đó, cho phép người sử dụng chúng mà không cần giấy phép của chính phủ. Đó là các mạng không dây ra đời và phát triển rất nhanh. Đến năm 1997, một nhóm nhà nghiên cứu đã tiến hành thương lượng hợp nhất các chuẩn chính thức IEEE 802.11, tiếp đó là chuẩn 802.11b và chuẩn 802.11a lần lượt được phê duyệt vào các năm 1999 và 2000. Tháng 8-1999, sáu công ty: Intersil, 3Com, Nokia, Aironet, Symbol, Lucent liên kết tạo thành liên minh tương thích Ethernet không dây VECA, từ đấy thuật ngữ “WIFI” ra đời, là tên gọi thống nhất để chỉ công nghệ kết nối không dây cục bộ đã được chuẩn hóa.

Internet là một hệ thống mạng thông tin quốc tế. Nó có thể truy nhập công cộng gồm các mạng quốc tế được liên kết với nhau bởi các máy tính. Theo “Bách khoa toàn thư mở Wikipedia”, thì hệ thống này truyền tin theo kiểu nối chuyền gói dữ liệu (packet switching), dựa trên một giao thức liên mạng đã được chuẩn hóa, gọi là giao thức IP. Hệ thống này bao gồm hàng nghìn máy tính nhỏ hơn của các viện nghiên cứu, doanh nghiệp, trường đại học và người dùng cá nhân của các nhà nước trên toàn cầu. Mạng internet mang lại rất nhiều tiện ích hữu dụng cho người sử dụng. Một trong những tiện ích phổ thống của internet là hệ thống thư điện tử (e.mai), nói chuyện trực tuyến (chat), công cụ tìm kiếm (searach engine), các dịch vụ thương mai, giáo dục, y tế chữa bệnh từ xa hoặc tổ chức các lớp học trên mạng,… Hệ thống internet cung cấp một khối lượng thông tin và dịch vụ khổng lồ trên internet qua website và các tài liệu, thông tin khác trên www (world wide, web). Internet còn là tập hợp các máy tính kết nối nhau bằng dây đồng, cáp quang,… Còn www hay website là một tập hợp các thông tin, tài liệu liên kết với nhau bằng các siêu liên kết đường link (hyperlink). Website là môi trường giao tiếp chính của người sử dụng internet. Từ đầu thế kỷ XXI đến nay, wesite ngày càng phát triển và phổ biến hơn và được xem như cuộc cách mạng công nghệ lớn trên Trái Đất này. Website đã bước vào thế hệ 2.0, góp phần thúc đẩy chính nó lên cao trào, biến nó trở thành một dạng phần mềm trực tuyến hay phần mềm dịch vụ. Tiện lợi của việc truy cập internet là không dây, máy vi tình để bàn hoặc qua điện thoại di động, IPad, IPhone, Samsung, Galaxy và mọt số điện thoại cảm ứng khác.

Theo “Bách khoa toàn thư mở Wipedia”, thì các chương trình phổ biến, thông dụng của website hiện nay là Internet ExplorerMicrosoft Edge có sẵn trong Microsoft Windows, của Microsoft; Mozilla Firefox của Tập đoàn Mozilla; Google Chrome của Google; Netscape Navigator của Netscape; Opera của Opera Software; Safari trong Mac OS XmacOSiOS của Apple Computer; Maxthon của MySoft Technology; Avant Browser của Avant Force (Ytali).

Theo thống kê chưa đầy đủ, đến nay toàn cầu đã có trên 250 nước và vùng lãnh thổ sử dụng internet. Tất cả 5 châu lục đều sử dụng internet. Internet đang phát triển với tốc độ thần kỳ và vô cùng hấp dẫn.

Muốn sử dụng được internet trên máy vi tính, thì phải có máy chủ. Theo thống kê chưa đầy đủ, trong mạng internet toàn cầu, đến nay đã có hơn 233 nước và vùng lãnh thổ có máy chủ, trong đó có Việt Nam. Nhiều nước đã sử dụng máy chủ của nước ngoài ở nước sở tại.

Có lần, tôi đọc một bài viết trên mạng, đưa ra dự đoán, rằng, trong tương lai, internet có thể không cần tới máy chủ, mà một trung tâm toàn cầu nào đó sẽ tự động phóng thẳng vào các máy tính và điện thoại di động. Nếu được như vậy, bỏ qua máy chủ, người sử dụng internet sẽ bớt đi “ngăn cách” từ máy chủ đến với các máy tính cá nhân và cũng đỡ phải tốn tiến thuê máy chủ, tiện lợi rất nhiều.

Việt Nam chính thức kết nối mạng toàn cầu từ ngày 19-11-1997, đến nay đã được 20 năm. Hiện nay, tại Việt Nam ước tính có khoảng từ 30 – 35 triệu người sử dụng internet (có tài liệu viết 58 triệu người?). Như vậy, tính bình quân cứ 3 người dân Việt Nam, thì có 1 người sử dụng internet. Phải nói rằng, người Việt Nam rất thông minh, nắm bắt internet rất nhanh, sử dụng internet khá thành thạo. Nhìn chung, internet ở Việt Nam là khá an toàn, tốc độ bảo đảm, tuy đôi lúc có trục trặc do đường dây cáp quang bị đứt hoặc nguyên nhân nào đó do thiên tai gây ra. Bản thân tôi, ngày nào cũng 4 lần mở internet (sáng, trưa, chiều, tối) để cập nhật thông tin trong nước và thế giới. Tôi nghĩ rằng, nếu thiếu internet, mình sẽ mất đi sức sống tinh thần nào đó.

2.Về mạng và an ninh mạng:

Ngày 6-6-2017, Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam công bố bản dự thảo lần thứ nhất về “Luật An ninh mạng”. Đây là tin vui đối với những người chuyên sử dụng internet ở Việt Nam. Tôi thấy những ý kiến đóng góp vào bản dự thảo vào “Luật An ninh mạng” đăng trên các trang mạng còn khác nhau, trái chiều. Đây cũng là điểm tốt, thể hiện sự phản biện cần thiết, góp phần nâng cao chất lượng của bản dự thảo Luật An ninh mạng; không có gì phải hoang mang cả.

Có một vấn đề đặt ra trước hết đối với internet là mạng thông tin toàn cầu, chứ không chỉ có ở Việt Nam. Qua internet, chúng ta tiếp nhận thông tin từ các nước đến và thông tin từ Việt Nam đi. Vì vậy, theo tôi, trước hết, phải ghi nhận internet là mạng kết nối thông tin toàn cầu, trong đó có Việt Nam. Cái chung (mạng toàn cầu) và cái riêng (mạng Việt Nam) phải cho rõ ràng, nếu không, người ta sẽ hiểu lầm những vấn đề thuộc mạng toàn cầu lại đem lắp vào Việt Nam. Luật thì của Việt Nam, nhưng cái lõi của luật là hệ thống mạng lại là của toàn cầu. Chúng ta không thể đi ngược lại thông lệ quốc tế, nhưng cũng không thể đi ngược lại thông lệ Việt Nam về internet. Xử lý đúng mức được vấn đề này không phải giản đơn. Tuân thủ các nguyên tắc quốc tế sẽ giúp cho Việt Nam có cơ hội thuận lợi trong đầu tư, trong quan hệ thương mại và trong hoạt động của ngân hàng.

Đặt vấn đề an ninh mạng là rất cần thiết, vì nó góp phần ngăn chặn tin tặc tấn công bằng kỹ thuật như phá các phần mềm của máy tính, làm mất dữ liệu trong máy vi tính và ngăn chặn những luận điệu đăng tài thông tin sai sự thật, làm ảnh hướng đến uy tín và bôi nhọ danh dự các tổ chức và cá nhân, phát tán bài viết, video có nội dung trái với đạo đức, thuần phong mỹ tục, trật tự an toàn trên mạng, rồi những hành động đánh bạc, tình dục ngày càng tràn lan trên mạng. Vì vậy, phải đề phòng nguy cơ mất sự kiểm soát trên mạng; phải chủ động kiểm soát mạng, bào đảm cho mạng luôn luôn được an toàn và hiệu quả.

Nghiêm câm việc mua bán thông tin cá nhân.

Đứng trước cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, nếu hệ thống về an ninh mạng chưa được kiện toàn đầy đủ, Việt Nam sẽ phải đối mặt với nhiều nguy cơ và thách thức lớn; sẽ phải gánh chịu với hàng loạt vụ tiến công, thông qua mạng, nó sẽ phá hoại các dữ liệu và về mặt chính trị, nó sẽ thực hiện âm mưu “đánh vào lòng người” bằng những thủ đoạn vu khống, vu cáo, bôi đen đủ mọi hình thức, cuối cùng là muốn lật đổ chế độ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam.

An ninh mạng phải đi đôi với phát triển mạng. Phát triển mạng để có đủ “lực lượng” bào vệ an ninh mạng; đồng thời, an ninh mạng bảo đảm cho sự phát triển mạng. Đó là hai mặt của một vấn đề cần phải xem xét trong dự thảo. Phát triển mạng phải gắn liền với nền quốc phòng và an ninh của đất nước, bảo vệ toàn vẹn chủ quyền của đất nước. Phát triển mạng phải đi đôi với việc giáo dục bảo vệ an ninh mạng, hạn chế và ngăn chặn truy cập các nội dung phản động, tuyên truyền lật đổ chế độ xã hội chủ nghĩa, gây bạo loạn, xúc phạm nhân phẩm của con người, tình dục, khiêu dâm, hành vi thiếu văn hóa, làm xói mòn các giá trị đạo đức truyền thống của Việt Nam. Những hành vi này, yêu cầu đối phương phải gỡ bỏ ngay và không được phép tái diễn. Phát triển mạng phải hướng tới việc bảo vệ các cơ sở hạ tầng như các cơ sở kinh tế, văn hóa, năng lượng, xây dựng, khu vực tài chính – ngân hàng, quốc phòng – an ninh; bảo đảm không gian mạng an toàn. Phát triển mạng phải bảo đảm việc giao dịch thông suất với các tổ chức kinh tế - tài chính với nước ngoài.

Muốn phát triển mạng và an ninh mạng được tốt, vấn đề đặt ra là Việt Nam phải gấp rút đào tạo đội ngũ trí thức có trình độ chuyên gia làm vấn đề này. Hiện nay, những người thật sự thông thạo để xử lý các vấn đề về mạng ở Việt Nam đang còn rất ít. Tình trạng chung hiện nay là chúng ta mới chỉ sử dụng được mạng, chứ chưa xử lý được những vấn đề hóc búa xảy ra bất ngờ trên mạng, chưa lường trước được khả năng phá hoại mạng; chưa giám sát, cảnh báo, ứng cứu khắc phục sự cố xảy ra bất ngờ đối với hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia và trật tự an toàn xã hội. Vì vậy, phải tiếp tục cử những người thật sự có năng khiếu về công nghệ thông tin đi học tại nước ngoài, nhất là sang học tại Nga, Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ, Anh, Pháp, Ý, Singapore về công nghệ thông tin.

Việc đặt máy chủ tại Việt Nam đang còn có ý kiến khác nhau. Có ý kiến cho rằng, việc bắt buộc phái đặt máy chủ tại Việt Nam là bất khả thi và không thiết thực với đặc thù dịch vụ trên không gian mạng. Cụ thể là những dịch vụ xuyên biên giới như Google, Facebook, Viber, Skype, Gmail, Yahoo Mail, Uber, Grab, You Tube, Twitter. Vấn đề này cần được tính thêm. Tuy nhiên, nên nhận thức rằng, việc đặt máy chủ tại Việt Nam và tại nước ngoài đều tốt, vừa có lợi cho cả hai phía và về phía Việt Nam dễ kiểm soát hơn.

Về giải thích từ ngữ, nên cố gắng bảo đàm tính chính xác, ngắn gọn hơn nữa, sao cho người đọc dễ hiểu, dễ nhớ và dễ thực hiện.

Cũng cần cân nhắc tên của Luật: “Luật An ninh mạng” hay là “Luật An ninh thông tin mạng”. Gọi là “Luật An ninh thông tin mạng” thường sát với nội dung của mạng hơn.