Mới cập nhật

NHỮNG NGHIÊN CỨU MỚI VỀ CON NGƯỜI (Bài 14): PHƯƠNG PHÁP NHÌN NHẬN VÀ ĐÁNH GIÁ CON NGƯỜI


PGS,TS Sử học – Cử nhân Ngữ văn Đàm Đức Vương,Viện trưởng Viện Khoa học Nghiên cứu Nhân tài Nhân lực (ISSTH)   
 

1. Phương pháp nhìn nhận và đánh gia con người là một khoa học, gọi là khoa học đánh giá con người. Sự phát triển của con người gắn với những chặng đường lịch sử của một dân tộc. So với thời gian hình thành và phát triển của Vũ Trụ, thì sự phát triển của con người chỉ là “nháy mắt, một tích tắc”. Con người trong Trái Đất, Trái Đất trong Vũ Trụ đến nay đã có khoảng từ 2 đến 3 triệu năm. Lúc ấy, con người đã có những dấu hiệu tách ra từ loài vật theo quy luật tiến hóa tự nhiên. Xã hội nguyên thủy ra đời cách đây khoảng vài vạn năm. Cách đây khoảng 5 nghìn năm, đã có một xã hội người hình thành rõ rệt và bắt đầu xuất hiện đầu tiên một xã hội hình thành giai cấp, như đã phân tích ở các bài trên. Dần dần hình thành “bản thân con người” cũng với “bản thân xã hội”, như C.Mác đã từng phân tích và gọi đó là “con người xã hội”.
Khi con người xã hội hình thành, thì cũng dần dần nảy sinh phương pháp nhìn nhận và đánh giá con người. Vậy nhìn nhận và nhận thức có gì khác nhau? Qua nghiên cứu, tôi thấy không có gì khác nhau về cơ bản. Nhìn nhận là nhận biết xem con người đó thế nào, có thực hay không, là đúng hay sai. Còn nhận thức cũng là nhận biết, hiểu biết về thực chất của con người đó. Nó là quá trình phản ánh tái hiện thực vào trong tư duy. Có nhận thức đúng và nhận thức sai, có nhận thức một chiều và nhận thức hai chiều. Nhận thức luận là lý luận về nhận thức trên nền tảng của triết học, chuyên nghiên cứu nguồn gốc và giá trị về nhận thức của con người đối với các hoạt động xã hội như kinh tế, chính trị, văn hóa, ngoại giao,... Nhận thức luận và tư duy có khác gì nhau? Xét về mặt triết học, tư duy là sản phẩm cao nhất của cải vật chất được tổ chức đặc biệt trong bộ não người, quá trình phản ánh tích cực thế giới khách quan trong các khái niệm, phán đoán, lý luận,… Tư duy (suy nghĩ) cũng là một sản phẩm của xã hội, trong đó, có con người sống trong xã hội đó. Nhận thức và tư duy chỉ thuộc về con người. Con vật không có nhận thức và tư duy. Nhận thức là quá trình phản ánh và tái tạo lại hiện thực ở trong tư duy của con người, nó được quyết định bởi những quy luật phát triển xã hội và gắn liền không thể tách rời với thực tiễn. Mục đích của nhận thức là đạt tới chân lý khách quan.
Một cách thức để đánh giá con người là phương pháp. Phương pháp là cách thức để đạt tới mục tiêu, là hoạt động được sắp xếp theo một trình tự nhất định; là cách thức tái hiện lại đối tượng nghiên cứu trong tư duy. Phương pháp gắn bó chặt chẽ với lý luận. Phương pháp nhận thức chung nhất là phép biện chứng duy vật. Tư tưởng cơ bản của phương pháp quan sát biện chứng tự nhiên và xã hội thể hiện rõ rệt ở chỗ là một sự vật nào đó chỉ có thể được lý giải nếu người ta nghiên cứu nó trong sự vận động và phát triển của nó, trong các mối quan hệ với các hiện tượng và sự vật khác, trong sự tác động qua lại với hoàn cảnh cụ thể nhất định.
Con người ở đây để nhìn nhận và đánh giá là con người của hiện thực, chứ không phải con người trừu tượng, cho nên việc nhìn nhận và đánh giá cũng phải xuất phát từ hiện thực khi con người hoạt động trên mảnh đất đó.
Do có những nhận thức khác nhau và phương pháp (cách) đánh giá khác nhau, cùng một hiện tượng, một sự vật do con người tạo nên, nhưng lại có sự đánh giá khác nhau. Cách đây mấy chục năm, màn ảnh thế giới chiếu bộ phim “Ôtenlô” dựa theo kịch bản của nhà đại văn hào người nước Anh, gốc nước Ý, tên là Sếchxpea. Câu chuyện mô tả sự ghen tuông đến man rợ của một viên tướng đảo lừng danh chiến trận và chiến công, người da đen, tên là Ôtenlô đã bóp cổ chết người vợ da trắng tuyệt đẹp tên là Đétxđêmôna. Khi diễn viên đóng vai Ôtenlô đang bóp cổ Đétxđêmôna, thì ở bên dưới có khán giả nổ phát súng xuyên qua màn ảnh bắn vào đầu Ôtenlô, vì vị khán giả này quá căm thù hành động dã man của Ôtenlô, cho nên đã “bắn chết” Ôtenlô trên màn ảnh. Sự kiện này, có hai cách nhìn, hai phương pháp đánh giá khác nhau. Một loại ý kiến cho rằng, diễn viên đóng vai Ôtenlô là tồi, vì đóng như thật ở ngoài đời, không có sự phân biệt giữa đóng phim với ngoài đời. Một loại ý kiến khác ca ngợi diễn viên đóng vai Ôtenlô là như thật, thật đến nỗi không phân biệt được cuộc sống trong phim ảnh và cuộc sống ở ngoài đời. Tôi thì cho rằng, đã gọi là diễn viên giỏi, thì anh ta phải biết phân biệt giữa cuộc sống thật ở ngoài đời với việc đóng phim. Anh mang 100% cái thật ở ngoài đời là anh đang tái tạo lại cuộc sống thật, chứ không phải là anh đang đóng phim. Người diễn viên giỏi là người phải biết phân biệt giữa phim ảnh và cuộc đời, để rồi khi đóng phim không lầm lẫn giữa cuộc đời thật và phim ảnh. Cái thật ở ngoài đời ít chất nghệ thuật, nhưng trong phim ảnh lại rất cần đến chất nghệ thuật. Lại có lần, trong một cuộc hội thảo về thơ do một thi đàn tổ chức, có một nhà thơ phát biểu là “nghệ thuật phải vì nhân sinh”. Tự nhiên, có một nhà văn phản đối luôn: “Nghệ thuật không phải vì nhân sinh, mà trước hết phải vì nghệ thuật”. Rồi có một số người khác cũng phụ họa vào, cho rằng, trước hết, nghệ thuật phải vì nghệ thuật, làm người nêu quan điểm “nghệ thuật vị nhân sinh” phải “rút lui”, im hơi lặng tiếng. Rõ ràng, cùng một sự kiện, cách nhìn nhận và đánh giá lại khác nhau. Đó là do quan điểm nhận thức và phương pháp đánh giá của mỗi người khác nhau. Thời kỳ dựng Đảng, có nhà phê bình văn học đánh giá “nghệ thuật phải vì nhân sinh”. Tôi thấy sự đánh giá này mới chỉ đúng một nửa. Nghệ thuật phải vì cả nghệ thuật lẫn vì nhân sinh. Anh có nâng được chất nghệ thuật lên, thì anh mới phục vụ nhân sinh được tốt. Nhưng nếu nghệ thuật chỉ vì nghệ thuật sẽ dẫn đến nghệ thuật thuần túy, anh sẽ tách rời khỏi đời sống xã hội. Vấn đề là phải có sự kết hợp giữa nghệ thuật vị nghệ thuật với nghệ thuật vị nhân sinh. Nếu kết hợp cả hai cái đó, thì nghệ thuật được tôn lên và nhân sinh cũng được tôn lên ở tầm cao mới.
Chỉ có xem con người là thước đo bên trong của đời sống xã hội, thì khi nhìn nhận, đánh giá con người mới tương đối chuẩn. Những tiến bộ trong việc hình thành, giáo dục và định hình con người là những tiến bộ của toàn xã hội với tính cách là một tổng thể và ngược lại, các tiến bộ xã hội lại tạo ra khả năng phát triển hơn nữa của con người.
2. Xin nói thêm là Hồ Chí Minh nói nhiều đến tư cách của người đánh giá cán bộ. Theo Người, muốn đánh giá đúng về một con người, thì người đánh giá phải đủ tư cách. Không đủ tư cách thì không thể đánh giá được cán bộ. Đó là vấn đề trước hết mà Người yêu cầu. Người coi đó là vấn đề lương tâm và danh dự. Người nói: “Đã không tự biết mình thì khó mà biết người. Vì vậy, muốn biết đúng sự phải, trái ở người ta, thì trước phải biết đúng sự phải, trái của mình. Nếu không biết sự phải, trái ở mình thì chắc không thể nhận rõ người cán bộ tốt hay xấu”2. Ở đây, Người muốn nêu tấm gương sáng của người đánh giá cán bộ. Hồ Chí Minh nêu kinh nghiệm và phương pháp đánh giá cán bộ, đánh giá con người: Muốn biết ai tốt, ai xấu phải chăm hỏi nhân dân, cụ thể phải chăm hỏi những ai biết người đó. Cũng có thể khi hỏi, có người đánh giá sai về người mình định hỏi, nhưng cũng có nhiều người nói đúng. Ai đúng thì ta nghe, ai nói sai thì ta bỏ. Cũng như sau trận bão, quả xanh quả đỏ đều rụng hết. Người nhặt phải biết chọn quả đỏ, bỏ quả xanh. “Khi xem xét tính chất của họ, không chỉ xem một việc, một lúc mà phải xem toàn bộ cả lịch sử, toàn cả công việc của họ”3.
Trong một số cuộc họp thời kỳ kháng chiến chống Pháp, Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa Hồ Chí Minh có nhận xét: Trải qua quá trình đấu tranh cách mạng của Đảng, có người lúc phong trào cách mạng lên cao, họ vào Đảng, làm việc hăng hái. Đến lúc cách mạng thoái trào, họ đâm ra hoang mang. Lúc gặp nguy hiểm, có người không chịu được đã phản lại cách mạng, làm mật thám. Khi làm mật thám, để che lấp cái mật thám, họ càng làm việc hăng, tỏ ra ngoan ngoãn. Nếu ta không xem xét rõ ràng, thì lầm to, cho họ là cán bộ tốt. Vì vậy, theo Người, “nhận xét cán bộ, không nên chỉ xét ngoài mặt, chỉ xét một lúc, một việc, mà phải xét kỹ cả toàn bộ công việc của cán bộ”4. Những người cơ hội, lợi dụng đã kích người khác, dìm đồng nghiệp, đồng chí, mưu hại đồng nghiệp, đồng chí, tự đề cao mình, đánh bóng mình là những người không xứng với danh hiệu “cán bộ”, cần phải giáo dục cho họ từ bỏ những thói xấu đó. Hồ Chí Minh nói tiêu chuẩn của người cán bộ là phải có “nhân, nghĩa, trí, dũng, liêm”.
Hồ Chí Minh nêu mẫu mực tuyệt vời về quan điểm và phương pháp đánh giá cán bộ. Quan điểm về đánh giá con người của Hồ Chí Minh là rất thực tế, xuất phát từ thực tế đời sống và hoạt động của con người, chứ Người không bao giờ đánh giá con người một cách viển vông, vu vơ, chụp giật, trừu tượng. Đó là quan điểm sống, quan điểm tích cực của một nhà cách mạng chân chính.
Hồ Chí Minh rất nghiêm khắc đối với những cán bộ thoái hóa, biến chất. Trong một phiên họp của Hội đồng Chính phủ từ ngày 15 đến ngày 17-11-1950, tại Việt Bắc. Chủ tịch Hồ Chí Minh và các vị trong Hội đồng Chính phủ đã nghe vị đại diện Bộ Quốc phòng trình bày về vụ án Trần Dụ Châu lúc ấy là Giám đốc Nha Quân nhu đã phạm tội tham ô lớn tiền công quỹ để sống xa hoa, trác táng, ảnh hưởng xấu đến uy tín của Đảng và Quân đội. Tòa án binh đã khởi tố và kết án tử hình Trần Dụ Châu. Nghe báo cáo, vị Chủ tịch Nước rất buồn. Người kết luận: “Về vụ Trần Dụ Châu, chúng ta phải chịu một phần trách nhiệm. Chúng ta không có chính sách cán bộ đúng. Chúng ta sinh trưởng trong một xã hội lạc hậu, nhiễm thực dân, phong kiến, xã hội cũ hám danh hám lợi, danh lợi dễ làm hư người. Bây giờ chúng ta dùng cán bộ để cải tạo xã hội mà không có chính sách cải tạo cán bộ, đây là khuyết điểm. Chính sách cán bộ thế nào? Lúc tìm người phải tìm cả tài, cả đức, chú trọng tư tưởng. Nếu cán bộ biết thương dân, tiếc của dân, thì không xảy ra việc đáng tiếc. Đồng thời, phải giáo dục, cải tạo, kiểm tra cán bộ”5. Rồi Người yêu cầu phải đẩy mạnh việc tự phê bình và phê bình trong Đảng và trong các cơ quan chính quyền, đoàn thể, các lực lượng vũ trang và an ninh. Người nói: “Nhược điểm của chúng ta là hay nể nả. Mình chỉ biết mình thanh liêm là đủ. Quan niệm “thanh cao tự thú” là không đủ. Tất cả chúng ta phụ trách trước nhân dân; trong anh em phải có tự phê bình và phê bình. Phải mở cửa khuyến khích lãnh đạo tự phê bình và phê bình”6.
Hòa bình lập lại ở miền Bắc, có Trương Việt Hùng lúc ấy là Phó Chủ nhiệm Ủy ban Nông nghiệp Phủ Thủ tướng (hàm Thứ trưởng) bị kết án tử hình, vì đã giết chết một cách dã man người vợ thân yêu của mình để yêu say đắm một phụ nữ khác.
Hồ Chí Minh rất buồn và hoàn toàn không một chút nhân nhượng đối với loại cán bộ thoái hóa biến chất như Châu, Hùng. Người coi việc thi hành bản án tử hình đối với những loại cán bộ này là cần thiết.
3.Tuy nhiên, trong thực tế cuộc sống đã xảy ra biết bao diễn biến phức tạp khi nhìn nhận và đánh giá con người. Thực ra, cũng chẳng có quy ước nào về việc đánh giá con người nói chung, nhưng trong thực tế thường xảy ra hiện tượng người này nhìn nhận và đánh giá người kia với nhiều góc độ khác nhau: Anh ta là người tốt; anh ta là người không tốt; anh ta có nhiều tật xấu hơn là những đức tính tốt; anh ta có nhiều sở đoản và không thấy sở trường đâu cả. Anh ta và anh ta… Đánh giá một cách bâng quơ như vậy, xảy ra rất nhiều trong cuộc sống hằng ngày và trong công vụ. Rồi lại có tình trạng suy diễn: Nghe nói anh ta ăn chơi trác táng, rượu chè be bét, làm ít, nói nhiều, chẳng làm nên trò trống gì. Cái “nghe nói” này không chỉ diễn ra trong xã hội, trong các cuộc nhậu nhẹt, mà nó còn diễn ra trong một số cuộc họp. Họ tùy tiện đánh giá người này người kia (cũng có thể người bị đánh giá đó đương còn tại chức hoặc đã về hưu) một cách chủ quan, mang nặng sự hằn thù cá nhân, sự ghen tức của một bộ phận người này đối với một bộ phận người khác. Có người muốn đẩy đồng chí mình về nghỉ sớm, đưa ra quy định là đến tuổi 70 phải nghỉ. Nhưng đến lượt anh ta, quá 70, mà vẫn an tọa tại nơi công đường? Có người biết chức vụ của mình đang bị lung lay, mà người thay thế đã “được nhắm”, cho nên đã tìm mọi cách gièm pha, nói xấu người sắp thay mình, đẩy người sắp thay mình từ tốt trở thành xấu. Thực ra, con người ta ai cũng có sở trường, sở đoản, chẳng ai là người hoàn hảo cả. Sở trường là chỗ mạnh, chỗ giỏi, sự thành thạo trong công tác quản lý và chuyên môn của người đó; sở đoản là chỗ kém, chỗ yếu vốn có của người đó. Vấn đề là ở chỗ người lãnh đạo, quản lý phải biết phát huy sở trường của mỗi người và biết khắc phục sở đoản của mỗi người. Đánh giá về sở trường, sở đoản là một khoa học và nghệ thuật. Đem lòng yêu, ghét cá nhân vào trong việc đánh giá con người là một việc làm thiếu nhân tâm trong mối quan hệ giữa người và người. Người ta chẳng có tư thù gì với anh, bản chất anh ta là tốt, nhưng khi đánh giá, anh lại bị người đời bẻ cong, thật là một con người sống theo kiểu trắng đen lẫn lộn, tà, chính không phân mình. Có lần, có một vị giáo sư kể với tôi rằng, mình chẳng có tội gì cả, cũng chẳng phải là người có quan điểm sai trái, chỉ có phát ngôn hơi “vượt quá giới hạn một chút” và sự vượt quá này cũng là để phát triển thêm những vấn đề lớn của đường lối, chính sách, chứ không phải đi ngược đường lối, chính sách, nhưng cũng bị những phần tử cơ hội trong cơ quan bơm to sự việc, đánh giá là lập trường quan điểm sai trái và phải chịu một hình thức kỷ luật? Thật trớ trêu! Đánh giá về xã hội Việt Nam hiện nay cũng đang còn khác nhau: người khen, kẻ chê. Phải khẳng định rằng, xã hội xã hội chủ nghĩa của chúng ta là tốt đẹp, đại đa số nhân dân ta là những người tốt, những người đang vươn tới cái chân, thiện, mỹ của một nền cộng hòa mang tính chất xã hội chủ nghĩa, nhưng bên cạnh đó lại có những người làm xấu đi bộ mặt xã hội, như sống tiêu cực, cá nhân chủ nghĩa, chỉ biết mình mà không biết người, tham nhũng, tiêu cực, gây lãng phí, thất thoát tài sản của Nhà nước,… gọi chung là những người tiêu cực. Vì vậy, cần phải tăng cường giáo dục và xử lý bằng pháp luật đối với những người đó.
4.Muốn nhìn nhận và đánh giá đúng con người, thì phải áp dụng phương pháp lịch sử kết hợp với lôgích. Lịch sử là lý lịch và quá trình hoạt động của người đó; lôgích là những vấn đề rút ra trong quá trình hoạt động của người đó, là cái khái quát của lịch sử. Cái lịch sử và cái lôgích nằm trong mọt sự thống nhất biện chứng, bao hàm cả yếu tố mâu thuẫn lẫn nhau. Tính thống nhất của chúng được thể hiện ở chỗ cái lịch sử chứa đựng cái lôgích ở mức độ mà mọi quá trình phát triển đều mang yếu tố khách quan, tính tất yếu của nó dẫn đến kết quả nhất định, trong khi đó, cái lôgích lại được nhận xét, đánh giá với lăng kính chủ quan của người đánh giá. Tính thống nhất của cả lịch sử và lôgích được thể hiện ở chỗ mối tương quan và sự lệ thuộc lẫn nhau của các mặt toàn thể. Vì vậy, có thể nói, cái lôgích bao hàm cái lịch sử và cái lịch sử bao hàm và cái lôgích. Sự bao hàm này không có nghĩa đồng nhất giữa lịch sử và lôgích làm một, mà phải nhìn nhận sự thống nhất trong cái không đồng nhất. Kết hợp giữa lịch sử và lôgích để nhìn nhận, đánh giá con người sẽ dẫn đến sự công bằng và khách quan tương đối trong khi đánh giá.

Trong công cuộc đổi mới toàn diện đất nước, Đảng đã ra một số văn bản về công tác phát hiện, bồi dưỡng, đào tạo, đánh giá cán bộ trước khi bổ nhiệm. Để có cơ sở đúng đắn đánh giá một cán bộ, một con người một cách nghiêm túc, tháng 8-2017, Bộ Chính trị khóa XII ra Quy định 90, quy định tiêu chuẩn, chức danh, tiêu chí đánh giá cán bộ thuộc diện Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý, cụ thể tiêu chuẩn Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng; Ủy viên Bộ Chính trị; Ủy viên Ban Bí thư; Tổng Bí thư; Chủ tịch Nước; Thủ tướng Chính phủ; Chủ tịch Quốc hội; Thường trực Ban Bí thư; Trưởng Ban Đảng Trung ương; Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương; Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Phó Chủ tịch Nước; Phó Chủ tịch Quốc hội; Phó Thủ tướng Chính phủ; Chánh án Tòa án nhân dân tối cao; Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao; Chủ tịch Hội đồng Dân tộc; Chủ nhiệm các ủy ban của Quốc hội; Tổng Thư ký Quốc hội; Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội; Thủ trưởng các cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội; Bộ trưởng và tương đương; Trưởng các đoàn thể chính trị - xã hội Trung ương; Bí thư tỉnh ủy, thành ủy trực thuộc Trung ương; Chủ tịch hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố; Chủ tịch ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố.
Quy định đề ra tiêu chuẩn chung, về chính trị tư tưởng; về đạo đức, lối sống; về trình độ; về năng lực và uy tín và tiêu chuẩn cụ thể cho từng chức danh.
Quy định cũng đưa ra những tiêu chí đánh giá cán bộ lãnh đạo, quản lý thuộc diện Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý, trong đó, có nhóm tiêu chí về chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống, tác phong, lề lối làm việc, ý thức tổ chức kỷ luật; nhóm tiêu chí về kết quả thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao…
Sau khi nghiên cứu, tôi thấy Quy định này mang tính Đảng và tính khoa học sâu sắc. Hy vọng, với Quy định này, cùng với việc sắp xếp lại bộ máy tổ chức của Đảng và Nhà nước, công tác tổ chức – cán bộ của Đảng sẽ mở ra hy vọng mới trong công cuộc đổi mới đất nước.
------
1 Cổ học tinh hoa, quyển 2, Nxb thành phố Hồ Chí Minh, 1988, tr. 154.
2.Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 4, Nxb Sự thật, Hà Nội, 1984, tr.497.
3.Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 4, sđd, tr. 497.
4.Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 4, sđd, tr. 497.
5 Trích Biên bản cuộc họp Hội đồng Chính phủ từ ngày 15 đến ngày 17-11-1950.
6.Trích Biên bản cuộc họp Hội đồng Chính phủ từ ngày 15 đến ngày 17-11-1950.