Mới cập nhật

Câu chuyện văn hóa: Cà phê tường

Tôi ngồi cùng một người bạn thân tại quán cà phê ngon nổi tiếng ở một thị trấn lân cận thuộc thành phố Venice (Vơ ni zơ) Italy – thành phố lung linh của nước và ánh sáng. Trong khi chúng tôi thư thái thưởng thức ly cà phê có một người đàn ông đi vào. Ông ngồi vào chiếc bàn trống cạnh chúng tôi và gọi hầu bàn cho 2 ly cà phê. Điều lạ lùng là người hầu bàn chỉ mang một ly đặt trên bàn của ông trong khi ông yêu cầu thanh toán cả 2 ly.

Khi dùng xong, ông khách rời quán. Chúng tôi quan sát thấy người hầu bàn dán lên tường một mẩu giấy có dòng chữ: “Một ly cà phê”(A cup of Coffee).


Khi chúng tôi vẫn còn nhâm nhi những giọt cuối cùng của thứ cà phê hảo hạng thì thấy hai người khách vào quán. Họ gọi hầu bàn 3 ly cà phê, nhưng họ chỉ dùng 2 ly. Cũng như ông khách vừa rời đi, họ yêu cầu được trả tiền cả 3 ly. Cũng hệt như trước đó, khi 2 người lặng lẽ rời đi, người hầu bàn lại dán lên tường một mẩu giấy nhỏ viết nội dung như mẩu giấy trước đó. Đó là điều kỳ cục rất khác thường chưa bao giờ thấy tại bất cứ quán cà phê nào ở nhiều quốc gia chúng tôi đã từng đến làm việc, tham quan, du lịch. Hiện tượng độc đáo đó khiến chúng tôi lúng túng chưa hiểu vì sao?

Một tuần sau khi đã đi du ngoạn nhiều danh lam, di tích nổi tiếng của Italy chúng tôi trở lại Venice để sớm hôm sau bay về nước. Hai chúng tôi lại có cơ hội đến quán cà phê đó thưởng thức cà phê lần nữa trước khi chia tay. Trong lúc chúng tôi vừa uống vừa trò chuyện bình luận về những nơi mình đến thì thấy một người đàn ông đã cứng tuổi đi vào. Nhìn bộ dạng và bộ quần áo cũ kỹ, xộc xệch chúng tôi đoán ông là người nghèo khó, lam lũ. Sau khi yên vị, người đàn ông gọi người hầu bàn tới và chỉ lên tường nói: “Một ly cà phê trên tường”. Người hầu bàn mang đến cho ông ly cà phê với thái độ kính cẩn, lễ phép như bất kỳ vị khách nào.

Khi dùng xong ly cà phê ông khách đứng dậy ngẩng cao đầu rời quán mà không thanh toán tiền cho ly cà phê ông vừa dùng. Tiếp tục quan sát chúng tôi hết sức ngạc nhiên khi thấy người hầu bàn đến cạnh bức tường lột đi một mẩu giấy có ghi 1 ly cà phê rồi bỏ vào sọt rác.
Qua hành động của người hầu bàn, mọi chuyện đã rõ ràng lý giải cho sự khó hiểu của chúng tôi từ tuần trước tới lúc này. Thì ra đó là cách giúp đỡ tuyệt hay đối với những người nghèo mà không làm họ mặc cảm. Một hành vi thể hiện sự tôn trọng mang giá trị nhân văn sâu sắc.

Ở đây cách đánh giá con người không dựa vào vẻ bề ngoài. Dù họ là người giàu hay người nghèo đều được tôn trọng, không phân biệt trong cách đối xử bình đẳng. Đã là con người ai cũng có lòng tự trọng. Một người chân chính dù khó khăn nhưng không bao giờ xin xỏ, yêu cầu ai đó phải cho mình – không bao giờ hạ thấp nhân phẩm mình. Nhìn những hành động tự giác của những công dân thị trấn nhỏ này khiến chúng tôi cảm phục. Mới hay ý nghĩa sâu xa của câu triết lý: “Vấn đề không phải quà tặng (to hay nhỏ) thế nào, mà quan trọng là cách cho quà”. Người hiến tặng không ghi tên mình với chủ ý không cần người được hưởng thụ nhớ tên mình để hàm ơn hay trả nợ. Người được hiến tặng cũng không phải băn khoăn suy nghĩ, không cần biết người ban tặng cho mình là ai. Chỉ cần trỏ lên tường là anh ta đã có ly cà phê nóng hổi thơm phức rồi lặng lẽ rời quán…
 
Trên thế giới này chắc không tìm thấy quán cà phê nào như thế. Không tin bạn hãy đến thành phố Venice tìm hiểu xem?.

Tobias Meyer (Đức)