Mới cập nhật

NHỮNG HOẠT ĐỘNG YÊU NƯỚC VÀ CÁCH MẠNG ĐẦU TIÊN CỦA ĐỒNG CHÍ VÕ NGUYÊN HIẾN*

 PGS,TS Đàm Đức Vượng
 

Võ Nguyên Hiến là một nhà yêu nước và cách mạng Việt Nam thời dựng Đảng. Ông là một trong số những ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương do Đại hội đại biểu toàn quốc của Đảng lần thứ nhất họp tại Ma Cao từ ngày 27 đến ngày 31-3-1935, bầu ra; Bí thư Xứ ủy Trung Kỳ năm 1935-1936; một người có nhiều cống hiến lớn lao cho cách mạng Việt Nam thời kỳ Đảng hoạt động bí mật và kéo dài đến tận cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước; đã được Nhà nước Việt Nam tặng thưởng Huân chương Sao Vàng và nhiều Huân chương cao quý khác.
Võ Nguyên Hiến (Võ Thiện Kế, Võ Khắc Đạo, Võ Hiến, Chắt Kế) sinh ngày 15-10-1890, tại làng Hậu Luật, xã Diễn Bình, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An. Tổ tiên của ông người làng Mộ Trạch, tỉnh Hải Dương, di cư vào làng Hậu Luật đã được 15 đời. Thân phụ ông là Võ Khang Tế, một nghĩa quân tham gia phong trào Cần Vương yêu nước.
Thuở nhỏ, dưới sự giáo dục của người cha, Võ Nguyên Hiến ra sức học tập, nhất là môn Hán học; nổi tiếng trong làng về khả năng thư pháp. Nhiều bức tranh hoành phi, câu đối, thơ phú của Võ Nguyên Hiến vẫn được dòng họ giữ gìn cho đến hôm nay. Võ Nguyên Hiến quan niệm rằng, học giỏi cũng là một biểu hiện của tinh thần yêu nước. Ngoài ra, ông còn là một nghệ nhân tài ba, đã từng tham gia xây dựng và tôn tạo nhiều chùa, đình, đền; chế ra các loại xe thô sơ phục vụ nông dân trong vùng.
Chủ nghĩa yêu nước Việt Nam là tình cảm đặc sắc nhất của dân tộc Việt Nam trải qua hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước. Đó là lòng trung thành của nhân dân đối với dân tộc mình, Nhưng bởi vì Tổ quốc là một môi trường kinh tế, xã hội, chính trị, văn hóa thay đổi theo lịch sử, cho nên chủ nghĩa yêu nước ở những thời đại khác nhau, cũng có những nội dung khác nhau. Chủ nghĩa yêu nước Việt Nam khi được ngọn gió cách mạng thổi vào, trở thành chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam. Chủ nghĩa yêu nước có ý nghĩa đặc biệt trong thời kỳ hình thành dân tộc khi nó trở thành ngọn cờ đấu tranh chống lại tình trạng cát cứ phong kiến và áp bức dân tộc. Ngọn cờ yêu nước của nhân dân ta cháy bùng lên trong mọi hoàn cảnh khi có giặc nước ngoài đến xâm lăng.
Tại Việt Nam, vào những năm 1925-1926, phong trào yêu nước của nhân dân ta chống Pháp xâm lược nổi lên như biển dâng thác đổ. Nhiều cuộc đấu tranh đã lôi cuốn hàng chục vạn người, đủ mọi tầng lớp, ở khắp mọi nơi tham gia. Lực lượng xung kích của phong trào là thanh niên, học sinh, trí thức, công nhân, nông dân,...
Những hoạt động yêu nước đầu tiên của Võ Nguyên Hiến bắt nguồn trước hết từ truyền thống quê hương và sự giáo dục của người cha. Quê hương Nghệ An, trong đó có huyện Diễn Châu là miền đất có truyền thống yêu nước và cách mạng. Tại quê hương này đã xuất hiện nhiều phong trào yêu nước, chống Pháp, và qua đó, cũng xuất hiện nhiều nhà yêu nước, chống thực dân xâm lược, trong đó có Chủ tịch Hồ Chí Minh và chí sĩ Phan Bội Châu. Võ Khang Tế đã có công truyền bá cho con trai trưởng của mình là Võ Nguyên Hiến biết rõ về phong trào Cần Vương (1885) chống Pháp và khuyên con nên noi theo truyền thống yêu nước của phong trào này để góp phần vào sự nghiệp chống giặc ngoại xâm giày xéo lên mảnh đất quê hương. Đó là phong trào do Tôn Thất Thuyết khởi xướng và vua Hàm Nghi phát động. Người cha kể cho người con nghe về vị đại thần Tôn Thất Thuyết phò vua Hàm Nghi hạ Chiếu Cần Vương, kêu gọi các sĩ phu và dân chúng đứng lên chống Pháp, bảo vệ sơn hà xã tắc. Chiếu Cần Vương nói đến vận nước đang lao lung, giặc ngoại xâm thôn tính và kêu gọi mọi người hãy xông pha nơi sinh tử để lo khôi phục giang sơn.
Võ Nguyên Hiến cũng đã biết đến hoạt động của đồng chí Nguyễn Ái Quốc ở Pháp, mặc dù lúc đầu chưa biết Đảng Cộng sản là gì, hoạt động ra sao, nhưng chỉ nghe hai tiếng “ái quốc” và hoạt động của đồng chí Nguyễn Ái Quốc ở nước ngoài đã thấy có cảm tình đặc biệt. 
Ngay từ thuở thiếu niên, Võ Nguyên Hiến đã được đọc Chiếu Cần Vương do người cha truyền cho, và từ tinh thần yêu nước của Chiếu Cần Vương, sau đó, khi cách mạng nổ ra, ông đã đi theo cách mạng, chống thực dân Pháp xâm lược trong sự nghiệp giải phóng dân tộc.
Lúc bấy giờ, phong trào yêu nước Việt Nam không chỉ lan ra ở trong nước mà còn tỏa ra trong Việt kiều ở nước ngoài, trong đó có bà con Việt kiều tại Thái Lan (Xiêm). Các ông Đặng Thúc Hứa, Đặng Tử Kính,… đến Thái Lan xin một số ruộng đất, rồi tập hợp anh em lại, lập ra Trại Cày và từ trong Trại Cày đã xuất hiện phong trào yêu nước Việt Nam. Trong Trại Cày có cả những người đã từng tham gia phong trào Duy Tân và phong trào Cần Vương trốn sang. Cụ Phan Bội Châu và đồng chí Nguyễn Ái Quốc cũng đã có thời gian hoạt động tại Thái Lan. Việt kiều ở trong nước sang Thái Lan ngày một đông. Họ cùng nhau làm ăn sinh sống một cách tập thể và để lao động cho quen. Rồi nếu có cơ hội về nước hoạt động hoặc đi nước khác học tập thêm. Việt kiều ở Thái Lan là những người có tinh thần về với non sông đất nước, thể hiện lòng yêu nước chân chính của những người con xa quê hương.      
Sau khi phong trào Cần Vương thất bại đã xô đẩy những nhà yêu nước Việt Nam vào con đường bế tắc. Họ thường tâm sự với nhau bằng bài thơ:
      “Đêm sao đêm mãi tối mò mò
      Đêm đến bao giờ mới sáng cho?
      Con trẻ âm oe đã muốn dậy
      Ông già thúng thắng hãy con ho.
      Đèn chong tâm sự khêu mờ tỏ
      Chó thấy hơi người cắn nhỏ to.
      Nhắn nhủ láng giềng ai dậy đó
      Dậy thì lên tiếng gọi nhà nho” 1.
Trước sự chưa tìm được lối ra trên con đường cứu nước của dân tộc, ông Võ Khang Tế nhận thấy Thái Lan là mảnh đất tốt để bà con Việt kiều hoạt động vì mục đích cứu nước Việt Nam, nên đã tìm mọi cách bắt mối được với các nhà yêu nước và cách mạng như Vương Thúc Oánh, Đặng Thúc Hứa (lúc này họ đang hoạt động ở Thái Lan) để đưa những thanh niên yêu nước Việt Nam sang Thái Lan để hoạt động và học tập.
Võ Nguyên Hiến hoàn toàn ủng hộ chủ trương này của người cha và đã cùng cha và một số người khác ra sức vận động được nhiều thanh niên trai tráng, khỏe mạnh, có tinh thần yêu nước nồng nàn, sang Thái Lan để hoạt động, hường về Tổ quốc. Vâng mệnh thân phụ, ông đã đi khắp các thôn cùng, ngõ xóm trong vùng Diễn Châu và ngoài Diễn Châu, tỉnh Nghệ An để tuyển những người trẻ tuổi có tinh thần yêu nước sang Thái Lan hoạt động và học tập. Nhiều người được ông vận động đã hưởng ứng ngay và hăng hái sang Thái Lan. Đây là sự thể hiện tinh thần yêu nước của Võ Nguyên Hiến.
Một vinh dự lớn đối với Võ Nguyên Hiến là thông qua người cha, được tiếp xúc với nhiều chí sĩ yêu nước, trong đó có hai nhà yêu nước là Phan Bội Châu và Nguyễn Sinh Sắc.
Cụ Phan Bội Châu là một sĩ phu yêu nước chân chính, có tư tưởng chống Pháp đến cùng, một người có công lớn trong cuộc vận động Đông du, có lòng tin vào tương lai tươi sáng của dân tộc Việt Nam, có tầm nhìn xa trông rộng, văn chương, chữ nghĩa dồi dào, sung sức, hướng vào tinh thần yêu nước, thương nòi, nhưng vận nước lúc ấy chưa đến, làm cụ phải an bài với số phận cuộc đời. Cụ Phan là người có sức lôi cuốn lạ thường. Văn thơ của cụ thể hiện một tấm lòng vì nước, vì dân, một hào khi xung thiên, khí phách của một sĩ phu nặng lòng với nước với dân. “Là ngọn cờ tiêu biểu cho các cuộc vận động yêu nước, chống Pháp trong mười mấy năm đầu thế kỷ XX, nhà chí sĩ yêu nước Phan Bội Châu đã có ảnh hưởng và một uy tín rất lớn trong các giới đồng bào” 2.
Võ Nguyên Hiến gặp Phan Bội Châu, được cụ Phan nói rõ về tinh thần yêu nước, ý chí kiên cường của những người con đất Việt trong cuộc đấu tranh chống thực dân xâm lược, lòng trung thành đối với dân tộc phải như sắt đá, có kể gì gian khổ, chúng ta phải “đi tìm cái sống trong muôn vàn cái chết”. Võ Nguyên Hiến rất thấm thía những lời dạy bảo của cụ Phan và hứa noi gương tinh thần của cụ trong cuộc chiến chống xâm lăng. Việc Võ Nguyên Hiến được gặp cụ Phan Bội Châu là một dịp may của đời ông, ông xem cụ là một bậc tiền bối và sự kết tinh của tinh thần yêu nước, thương nòi và rất cảm phục cụ.
Năm 1925, thực dân Pháp bắt cụ Phan Bội Châu ở Trung Quốc và định kết án tử hình. Lập tức, nhân dân ta khắp Bắc – Trung – Nam nổi dậy chống lại vụ án này và đòi thả cụ Phan. Hình thức đấu tranh rất phong phú, nhiều tập thể gửi điện cho Toàn quyền Pháp ở Đông Dương, nhiều đơn kháng nghị gửi đến Nghị viện Pháp, Tổng thống Pháp, đại sứ các nước tại Pháp, Tòa án quốc tế La Hay,… Đông đảo nhân dân, nhất là học sinh, xuống đường biểu tình; sinh viên biểu tình mang theo biểu ngữ đòi “Ân xá cụ Phan Bội Châu”. “Chưa bao giờ có một phong trào quần chúng rộng rãi như vậy” 3.
Võ Nguyên Hiến là một trong những người hăng hái tham gia đấu tranh đòi nhà cầm quyền Đông Pháp ân xá cho cụ Phan Bội Châu. Đây cũng là một biểu hiện của tinh thần yêu nước Việt Nam của Võ Nguyên Hiến.
Trước làn sóng đấu tranh mạnh mẽ của nhân dân ta, nhà cầm quyền Đông Pháp buộc phải trả tự do cho cụ Phan Bội Châu. Nhưng họ tìm cách giam lỏng cụ tại Huế.
 Một vinh dự nữa đối với Võ Nguyên Hiến là được gặp cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc (Nguyễn Sinh Huy) thân sinh ra Chủ tịch Hồ Chí Minh. Cụ Nguyễn Sinh Sắc, cùng lứa tuổi với cụ Phan Bội Châu, cũng là một nhà yêu nước chân thành. Con cụ Nguyễn Sinh Sắc là Nguyễn Sinh Cung (Nguyễn Tất Thành, Nguyễn Ái Quốc, Hồ Chí Minh) cũng bằng tuổi với Võ Nguyên Hiến. Phan Bội Châu vẫn thường đi lại với cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc. Khoảng năm 1909 (hoặc năm 1910), Nguyễn Sinh Sắc được bổ làm Tri huyện Bình Khê, tỉnh Bình Định. Làm Tri huyện, những vụ “kiện cáo ông không xử hoặc chỉ xử hòa. Tù thì ông thả. Tên công sứ Bình Định đi thanh tra thấy tình hình như vậy bèn cách chức ông tại chỗ” 4. Bị cách chức, Nguyễn Sinh Sắc không trở về quê, bỏ đi lang thang một dạo, rồi đi hẳn vào Nam, chữa bệnh cho dân, ngụ tại Sa Đéc, Đồng Tháp và mất ở đó.
Võ Nguyên Hiến gặp Nguyễn Sinh Sắc vào khoảng thời gian cụ vừa thi đỗ Phó bảng. Cụ đã khuyên Võ Nguyên Hiến nhiều điều, rằng, hãy phấn đấu…
Từ năm 1926, Võ Nguyên Hiến cùng một số thanh niên yêu nước ở Nghệ An xuất dương sang Hương Cảng (Hồng Kông) để gặp gỡ những người Việt Nam yêu nước và cũng là để tham dự các lớp huấn luyện chính trị do Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên (Việt Nam Thanh niên Cách mạng đồng chí Hội, gọi tắt là Thanh niên) tổ chức một chi nhánh tại đây. Lúc bấy giờ, ngoài lớp huấn luyện chính trị của đồng chí Nguyễn Ái Quốc tổ chức tại Quảng Châu, Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên, còn tổ chức thêm một lớp huấn luyện chính trị ngắn ngày tại Hương Cảng. Chưa rõ Võ Nguyên Hiến có sang Quảng Châu, Thủ phủ tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc để tham dự lớp huấn luyện chính trị do Nguyễn Ái Quốc tổ chức hay không và có được gặp Nguyễn Ái Quốc hay không, nhưng nhiều tài liệu đều khẳng định Võ Nguyên Hiến và một số thanh niên yêu nước Việt Nam có sang Hương Cảng để dự lớp huấn luyện chính trị do một chi nhánh của Tổng bộ Thanh niên tổ chức tại đây.
Trong thời gian ở nước ngoài, Võ Nguyên Hiến được học về tinh thần yêu nước của dân tộc Việt Nam, về lịch sử tiến hóa của loài người (chủ yếu là học từ thời kỳ tư bản đế quốc chủ nghĩa), về lịch sử Công xã Pari, lịch sử Cách mạng Pháp (1789) và Lịch sử Cách mạng tháng Mười Nga (1917). Qua học tập và nghiên cứu, Võ Nguyên Hiến hiểu rõ công nông là lực lượng chủ yếu của cách mạng. Vì vậy, làm cách mạng nhất thiết phải dựa vào quần chúng công nông và lực lượng nhân dân lao động. Võ Nguyên Hiến cũng tiếp thu được phương pháp vận động quần chúng và tổ chức cho công nhân, nông dân, trí thức, thanh niên, học sinh,… làm cách mạng. Nói tóm lại, qua học tập, Võ Nguyên Hiến hiểu rõ cách mạng là sự nghiệp của quần chúng; công nông là gốc cách mạng; cách mạng muốn thắng lợi triệt để phải do giai cấp công nhân và đội tiền phong của nó là Đảng Cộng sản thấm nhuần chủ nghĩa Mác – Lênin lãnh đạo; cách mạng Việt Nam phải có mối liên hệ với cách mạng thế giới.  
Học xong, Võ Nguyên Hiến và những đồng chí của ông đều được gia nhập Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên5.
Năm 1928, Võ Nguyên Hiến về nước, đứng ra tổ chức Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên tại Hậu Luật, Diễn Bình, Diễn Châu, Nghệ An, quê hương ông. Từ Hậu Luật, Diễn Bình, cơ sở của Thanh niên được phát triển sang các vùng lân cận như Đệ Nhất (Diễn Nguyên), Nho Lâm (Diễn Thọ),... Đầu năm 1929, nhóm Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên ở Diễn Bình xuất bản tờ báo “Vừng hồng”. Võ Nguyên Hiến ngày đêm lăn lộn với các phong trào yêu nước và cách mạng ở vùng Diễn Châu, trong đó có Hậu Luật và Diễn Bình. Nhiều hôm, ông phải nhịn đói, nhịn khát để đi vận động phong trào yêu nước và cách mạng ở vùng này. Ông đi bộ từ xóm này qua xóm khác, từ làng này qua làng khác, từ xã này qua xã khác để làm công tác vận động quần chúng và giác ngộ tinh thần yêu nước cho quần chúng. Ông đã truyền bá những tư tưởng tiến bộ cho nhân dân địa phương, nhất là cho thanh niên. Đi đến đâu, ông gây dựng phong trào đến đấy. Vì không có điều kiện học tập trung, nên ông đã gặp gỡ, giác ngộ cho từng người một, rồi bảo người đó hãy đi nhân mối với nhiều người khác, mở rộng phong trào. Cứ thế, phong trào yêu nước và cách mạng của địa phương do Võ Nguyên Hiến gây dựng lan nhanh như vết dầu loang, trở thành phong trào, gọi là phong trào Diễn Châu. Huyện Diễn Châu, quê hương của Võ Nguyên Hiến, lúc ấy có tất cả 41 xã (nay có 38 xã và 1 thị trấn), thì cả 41 xã nhân dân đều biết đến phong trào yêu nước, chống Pháp đang dâng lên trong cả nước. Nhiều thôn, xã của Diễn Châu đã xây dựng được các tổ chức yêu nước và cách mạng, có những người nòng cốt trong tổ chức Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên tại địa phương. Võ Nguyên Hiến hòa mình vào phong trào đó, mang bầu nhiệt huyết cách mạng sục sôi để gây dựng phong trào.     
Khi Đảng Cộng sản Việt Nam được thành lập, Võ Nguyên Hiến trở thành đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam. Tháng 10-1930, tại Hội nghị lần thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng họp tại Hương Cảng, Đảng Cộng sản Việt Nam đổi tên thành Đảng Cộng sản Đông Dương, ông trở thành đảng viên Đảng Cộng sản Đông Dương.
Sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam được thành lập, nhóm Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên ở Diễn Bình đã tự nguyện xin gia nhập Đảng Cộng sản Việt Nam. Nhiều hội viên ưu tú của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên đã được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam. Chính Võ Nguyên Hiến đã giới thiệu được một số thanh niên ưu tú gia nhập Đảng. Bản thân ông đã được Ban Chấp hành Trung ương Đảng chỉ định vào Cấp ủy lâm thời của Tỉnh ủy Nghệ An. Tại Nghệ An, ông đã thành lập được 2 chi bộ đảng là Chi bộ Hậu Luật và Chi bộ Đệ Nhất (Diễn Nguyên). Đây là 2 chi bộ đảng đầu tiên của huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An.
Ngoài việc xây dựng các tổ chức cơ sở đảng, Võ Nguyên Hiến còn xây dựng được một số hội quần chúng trong huyện Diễn Châu như hội tương tế, hội ái hữu, hội nông dân yêu nước, hội học sinh… Ông nêu quan điểm là muốn có tổ chức đảng tốt, phải có tổ chức quần chúng tốt, không có tổ chức quần chúng tốt sẽ không có tổ chức đảng tốt. Ông gắn tổ chức đảng với tổ chức quần chúng thành phong trào cách mạng. Nhận thức đúng đắn này của ông thể hiện quan điểm của Đảng: cách mạng là sự nghiệp của Đảng và của quần chúng.
 Tháng 10-1934, Võ Nguyên Hiến và Ngô Tuân được Trung ương Đảng chỉ định triệu tập Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Nghệ An, bàn kế hoạch củng cố tổ chức, ổn định tình hình và tiếp tục phát triển phong trào. Đại hội bầu ra Ban Chấp hành Tỉnh ủy mới. Võ Nguyên Hiến được bầu làm Bí thư Tỉnh ủy. Trên cương vị này, ông và cùng với cán bộ của Nghệ An ra sức củng cố tổ chức, phát triển phong trào. Nhờ đó, Đảng bộ Nghệ An từng bước được khôi phục trở lại và phát triển trong bão táp cách mạng.
Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ nhất của Đảng Cộng sản Đông Dương  họp từ ngày 27 đến ngày 31-3-1935, tại Ma Cao (Ma Cau). Đại hội đề ra đường lối mới của cách mạng Đông Dương là tiếp tục cuộc đấu tranh phản đế, phản phong kiến và nhiệm vụ tiếp tục củng cố tổ chức và phát triển Đảng, tăng cường lực lượng của Đảng bằng cách ra sức phát triển đảng viên ở các trung tâm sản xuất công nghiệp, đồn điền, đường giao thông,…
 Võ Nguyên Hiến cùng ba đại biểu của Xứ ủy Trung Kỳ được cử đi dự Đại hội. Đại hội đã bầu ra Ban Chấp hành Trung ương gồm 13 người (có tài liệu ghi là 16 người). Võ Nguyên Hiến là một trong số các ủy viên Trung ương do Đại hội bầu ra và trực tiếp làm Bí thư Xứ ủy Trung Kỳ.
 Sau khi Đại hội Ma Cao kết thúc, Võ Nguyên Hiến từ Ma Cao đi Long Châu, Trung Quốc, rồi về Cao Bằng, Việt Nam và từ Cao Bằng, ông bí mật trở về Nghệ An để tiếp tục hoạt động.
Cũng sau Đại hội Ma Cao, nhà cầm quyền Đông Pháp càng lùng sục ráo riết những tổ chức trong Đảng Cộng sản Đông Dương và những đảng viên của Đảng. Từ tháng 4 đến tháng 9-1935, có tới 8 ủy viên Trung ương của Đảng lần lượt bị chính quyền thực dân Pháp bắt giữ. Võ Nguyên Hiến bị bắt vào tháng 7-1935 và được trả lại tự do vào tháng 9-1935 vì không đủ bằng chứng để buộc tội ông. Nhưng đến ngày 1-11-1935, ông bị bắt lần thứ hai tại Vinh, Nghệ An, được trả lại tự do ngày 7-5-1936 sau khoảng 6 tháng giam giữ. Đến ngày 3-11-1936, ông bị bắt lần thứ ba, bị chính quyền thực dân Pháp kết án tù chung thân khổ sai và bị đưa đi giam tại Nhà đày Buôn Ma Thuột.
 Đến cuối năm 1944, Võ Nguyên Hiến cùng một số tù chính trị ở Nhà đày Buôn Ma Thuột tổ chức vượt ngục thành công. Ông bí mật trở về Nghệ An, móc nối với những đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam, tiếp tục hoạt động.
Cách mạng tháng Tám nổ ra, Võ Nguyên Hiến tham gia lãnh đạo cuộc tổng khởi nghĩa tại Nghệ An, đấu tranh giành chính quyền thắng lợi. Cách mạng tháng Tám thành công và kháng chiến chống Pháp xâm lược, ông lần lượt giữ các chức vụ Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến – Hành chính tỉnh Nghệ An, Chánh Thanh tra Nhà nước đầu tiên của tỉnh Nghệ An…
Võ Nguyên Hiến mất năm 1975, thọ 85 tuổi.      
Mảnh đất Trung Kỳ và đặc biệt là Nghệ An, nơi in nhiều dấu chân của nhà hoạt động cách mạng chuyên nghiệp Võ Nguyên Hiến. Cống hiến của ông trên địa bàn Trung Kỳ và Nghệ An đã đưa ông vào lịch sử tỉnh nhà. Tên tuổi của ông sáng mãi với miền quê Nghệ An và đã đi vào lòng người Nghệ An một cách sâu lắng nhất!
 -----      
* Báo cáo Khoa học tại Hội thảo khoa học về Võ Nguyên Hiến, do Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng trực thuộc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh và Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Nghệ An tổ chức, ngày 28- 12-2018.
1 Bài thơ này in trong tập Hồi ký của Lê Mạnh Trinh, bản đánh máy, do PGS,TS Đàm Đức Vượng sưu tầm.
2. Lịch sử Việt Nam do Nguyễn Khánh Toàn Chủ biên, tập 2, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 2004, tr. 258.
3.Trần Dân Tiên: Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch, Nxb Sự thật, Hà Nội, 1975, tr. 67.
4. Hoài Thanh và Thanh Tịnh: Que hương và thời niên thiếu, in trong sách “Bác Hồ”, Nxb Văn học, Hà Nội, 1960, tr. 13.
5. Có tài liệu viết Võ Nguyên Hiến được kết nạp vào Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên trước khi sang Hương Cảng dự lớp huấn luyện chính trị. Vấn đề này cần được tiếp tục nghiên cứu và xác minh.