Mới cập nhật

VỀ VẤN ĐỀ QUY HOẠCH CÁN BỘ (Bài 29)

 PGS,TS Đàm Đức Vượng
 

1. Gần đây, trên trang mạng xuất hiện bài viết: “Những suy nghĩ chưa định hình về nước Mỹ: Quy hoạch cán bộ”. Bài viết so sánh nền dân chủ ở Mỹ với nền dân chủ ở Việt Nam trong việc lựa chọn nhân sự và phê phán vấn đề cán bộ và quy hoạch cán bộ của Đảng Cộng sản Việt Nam. Tác giả cho rằng, Ở Mỹ, vấn đề nhân sự, cơ hội đến cho tất cả mọi người, nên có châm ngôn: “Mỗi đứa trẻ sinh ra ở nước Mỹ đều có hy vọng trở thành tổng thống Mỹ trong tương lai”. Về vấn đề quy hoạch cán bộ của Đảng ta, Tác giả viết: “Nhân sự quy hoạch đó lấy từ đâu ra? Là các đảng viên từ cán bộ phường, xã, dân quân, bộ đội, công an, đoàn thể, doanh nghiệp nhà nước,…, “phấn đấu đi lên” theo cách thức và lộ trình rất phi khoa học và phi dân chủ. Tiêu chuẩn được lựa chọn kiên quyết phải là lý lịch đỏ nhiều đời, càng bần cùng càng tốt, và con cháu lãnh đạo được ưu tiên. Những người đó được cho là thành phần trung kiên, yếu tố “hồng” được xem trọng, yếu tố “chuyên” bị coi thường, vì sau này, khi đã có chút chức quyền sẽ tự bổ sung bằng cấp cần thiết (chứ không phải kiến thức cần thiết) qua các lớp tại chức, chuyên tu hoặc mua bằng cấp giả, và quan trọng là qua trường đảng các cấp…”. Đây là những luận điệu xuyên tạc, bịa đặt, vu khống. Có ai quy hoạch cán bộ như kiểu này đâu, mà cũng viết những dòng phản trắc như vậy.

2. Vấn đề quy hoạch cán bộ đã được Tổng Bí thư, Chủ tịch Nước Nguyễn Phú Trọng nói rõ trong Bài phát biểu khai mạc ngày 25-12-2018, tại Hội nghị lần thứ chín Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa XII.   
Công tác xây dựng Đảng nói chung và đào tạo, quy hoạch cán bộ nói riêng đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm. Người nói: “Có cán bộ tốt, việc gì cũng xong. Muôn việc thành công hoặc thất bại, đều do cán bộ tốt hoặc kém. Đó là một chân lý nhất định” (Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, tập 5, tr. 240). Đảng và Nhà nước ta cũng quan tâm chỉ đạo sớm vấn đề quy hoạch cán bộ và đã được đề cập ở nhiều nghị quyết, quyết định, chỉ thị của Đảng, lầm rất có bài bản, khoa học, trách nhiệm. Thời kỳ Đảng hoạt động bí mật và qua hai cuộc kháng chiến chống xâm lược, Đảng chưa có điều kiện quy hoạch công tác cán bộ. Đến khi miền Bắc Việt Nam được giải phóng, tiếp đó là đất nước thống nhất, công tác quy hoạch cán bộ bắt đầu được đặt ra. Ngày 30-11- 2004, Bộ Chính trị khóa IX ra Nghị quyết số 42 về công tác quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Nghị quyết 42 chỉ rõ bên cạnh những ưu điểm trong công tác quy hoạch cán bộ, còn bộc lộ những thiếu sót, khuyết điểm, như còn tình trạng khép kín trong công tác cán bộ, việc điều động, bổ nhiệm cán bộ chưa có sự gắn kết giữa các cơ quan hữu quan với nhau, chưa có quy hoạch tổng thể cho đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý của toàn hệ thống chính trị; thẩm quyền quyết định quy hoạch cán bộ chưa được xác định rõ, vai trò của các cấp ủy đảng và các tổ chức, đặc biệt là vai trò quyết định công tác quy hoạch cán bộ của tập thể ban thường vụ cấp ủy, ban cán sự đảng, đảng đoàn, đảng ủy chưa được phát huy đầy đủ; việc chuẩn bị đội ngũ kế cận chưa được chuẩn bị tích cực, chất lượng quy hoạch cán bộ còn thấp…
Việc xây dựng quy hoạch cán bộ cấp chiến lược thì mới được bổ sung và thực hiện lần đầu từ khóa Đại hội XI của Đảng, cụ thể được đề cập một cách cơ bản tại Hội nghị Trung ương 7, Khóa XII. Qua tổng kết và rút kinh nghiệm cách làm của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII khẳng định phải tiếp tục quy hoạch cán bộ và quy hoạch một cách có bài bản, chặt chẽ hơn. Ban Chỉ đạo Trung ương về quy hoạch cán bộ được thành lập theo quyết định của Bộ Chính trị khóa XII. Cùng với việc thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương về quy hoạch cán bộ, Bộ Chính trị đã ban hành Kế hoạch số 11 về giới thiệu nhân sự Ban Chấp hành Trung ương Nhiệm kỳ 2021 – 2026. Đây là một bước chuẩn bị nhân sự rất quan trọng, là cơ sở cho công tác nhân sự Ban Chấp hành Trung ương Đảng Nhiệm kỳ khóa XIII của Đảng, như bài phát biểu của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Trung ương 9, khóa XII, họp tại Hà Nội, ngày 25-12-2018 đã nêu rõ.
Quy hoạch cán bộ, trước hết, phải bảo đảm nguyên tắc tập trung dân chủ và các quy định của Trung ương Đảng về công tác cán bộ, công tâm, khách quan, không để lọt vào quy hoạch những phần tử kém được che lấp bằng “bộ mặt tốt”, những kẻ suy thoái về tư tưởng, đạo đức, lối sống, những người không có tâm, không có tầm, nhưng lại được che đậy bằng cái tâm, cái tầm giả, những người tham nhũng, tiêu cực, gây mất đoàn kết, chia rẽ, bè phái. Quy hoạch xong Ban Chấp hành Trung ương, mới làm quy hoạch Bộ Chính trị, Ban Bí thư; sau đó mới đến các chức danh chủ chốt.
Muốn làm tốt công tác quy hoạch cán bộ, trước hết, phải phát huy đầy đủ trách nhiệm, thẩm quyền của các cấp úy, tổ chức đảng, tập thể lãnh đạo cơ quan, đơn vị và người đứng đầu trong việc giới thiệu nhân sự quy hoạch cán bộ cấp chiến lược.
Thực hiện sự chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Chỉ đạo quy hoạch cán bộ, ngay trong tháng 11-2018, tất cả 116/116 địa phương, cơ quan, đơn vị được Bộ Chính trị và Ban Chỉ đạo phân bổ cơ cấu, số lượng đã khẩn trương, nghiêm túc, với tinh thần trách nhiệm cao trong việc triển khai kế hoạch, bám sát yêu cầu chỉ đạo của Bộ Chính trị và Ban Chỉ đạo. Do bám sát tiêu chuẩn, bước đầu, trong công tác quy hoạch cán bộ đã đáp ứng cơ cấu, số lượng, tiêu chuẩn, điều kiện, địa bàn, lĩnh vực công tác. “Các đồng chí được giới thiệu vào quy hoạch đều được các địa phương, cơ quan, đơn vị đánh giá tốt về phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, trình độ, năng lực công tác, uy tín và triển vọng phát triển” (Phát biểu của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Trung ương 9, khóa XII, họp tại Hà Nội, ngày 25-12-2018, báo Nhân Dân, ngày 26-12-2018); đã có 250 người được các địa phương, cơ quan, đơn vị giới thiệu, để lọc ra khoảng 200 người giới thiệu vào Trung ương khóa XIII. Căn cứ vào kết quả giới thiệu của Trung ương, sự rà soát, thẩm định của Ban Chỉ đạo, của các ban đảng và các cơ quan chức năng, Bộ Chính trị sẽ xem xét, quyết định một bước quy hoạch Ban Chấp hành Trung ương Đảng Nhiệm kỳ 2021-2026. Như vậy, việc quy hoạch Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, làm từng bước, từ cơ sở, địa phương lên, rất có bài bản và bám sát thực tiễn.
Việc Ban Chấp hành Trung ương Đảng tổ chức lấy phiếu tín nhiệm của Trung ương đối với các ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư đang công tác tại các cơ quan đảng, nhà nước, mặt trận và các đoàn thể chính trị - xã hội là cần thiết, vì nó phản ánh thiết thực vào lá phiếu của mình, để rồi tự soi lại mình, ưu điểm phát huy, khuyết điểm khắc phục; lấy phiếu tín nhiệm để qua đó mà có sự nhìn nhận người cán bộ và sử dụng cán bộ được đúng đắn hơn.
 Những năm gần đây, công tác quy hoạch cán bộ có những đổi mới ít nhiều. Theo ông Nguyễn Thanh Bình, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Tổ chức Trung ương, trả lời phỏng vấn với phóng viên Thông tấn xã Việt Nam, thì trong thời gian gân đây, công tác quy hoạch cán bộ cấp chiến lược đã có những nội dung đổi mới căn bản như việc xây dựng quy hoạch cấp chiến lược của Trung ương đã gắn kết chặt chẽ với tình hình yêu cầu nhiệm vụ chính trị và công tác nhân sự của mỗi nhiệm kỳ của Đại hội Đảng; đã có sự đổi mới quy hoạch, cách làm trên cơ sở tiếp tục mở rộng dân chủ, xác định rõ thẩm quyền, trách nhiệm trực tiếp của các tổ chức đảng và cấp ủy, nhất là người đứng đầu các cấp trong việc xem xét, phát hiện, giới thiệu nhân sự của địa phương, cơ quan, đơn vị mình vào quy hoạch cán bộ cấp chiến lược; đã cụ thể hóa tiêu chuẩn, điều kiện đối với các chức danh quy hoạch theo Quy định 90-QĐTW của Bộ Chính trị khóa XII về tiêu chuẩn, chức danh, tiêu chí đánh giá cán bộ thuộc diện Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý, đồng thời, bổ sung quy định về cơ cấu, số lượng, đối tượng, quy trình, cách làm theo hướng thống nhất, đồng bộ, tổng thể, liên thông; trong việc xem xét, lựa chọn, giới thiệu nhân sự quy hoạch, coi trọng tiêu chuẩn về bản lĩnh chính trị, phẩm chất, lối sống, ý thức tổ chức kỷ luật, sự gương mẫu của bản thân và gia đình…
 Bài viết: “Những suy nghĩ chưa định hình về nước Mỹ: Quy hoạch cán bộ” có đưa ra một vài “mẫu” người và kết quả về quy hoạch cán bộ như Đinh La Thăng, Trịnh Xuân Thanh, Nguyễn Xuân Anh, Tất Thành Cang,…, theo Tác giả bài viết này, thì đã biến hành hậu quả khôn lường. Về vấn đề này, thực ra rất khó tránh khỏi do quá trình hoạt động của từng người cán bộ. Theo tôi, quy hoạch 100 người mà kết quả có tới 90 người tốt, còn lại là những người không tốt cũng là thành công rồi. Nhân vô thập toàn. Rất khó xác định được 100% số người được quy hoạch là cả 100% đều tốt. Chủ tịch Hồ Chí Minh nói: “Có người lúc phong trào cách mạng cao, họ vào Đảng, làm việc rất hăng. Nhưng lúc phong trào hơi khó khăn thì dâm ra hoang mang. Lúc gặp sự nguy hiểm thậm chí phản cách mạng, làm mật thám. Muốn làm mật thám được việc, thì nó lại công tác hăng hơn ai hết. Nếu ta không xem xét rõ ràng, thì lầm nó là cán bộ tốt” (Hồ Chí Minh: Toàn tập, sđd, tập 5, tr.278). Dù sao, theo tôi, làm nhân sự mà để cho những phần tử “bên trong xấu xa, bề ngoài tốt đẹp” như Đinh La Thăng, Trịnh Xuân Thanh, Nguyễn Xuân Anh, Tất Thành Cang,… là một khuyết điểm lớn trong công tác cán bộ và quy hoạch cán bộ.
Tác giả bài viết: “Những suy nghĩ chưa định hình về nước Mỹ: Quy hoạch cán bộ”, nêu vấn đề con cháu lãnh đạo được ưu tiên trong việc quy hoạch cán bộ? Thực ra, không có văn bản nào của Đảng và Nhà nước nói đến ưu tiên con ông cháu cha (con cha cháu ông) vào các cương vị lãnh đạo Đảng và quản lý đất nước. Trong thực tế, có một số con, cháu các vị lãnh đạo được bổ nhiệm vào cương vị lãnh đạo Đảng, Nhà nước là do những người này đủ tiêu chuẩn và xứng đáng ở cương vị đó. Tôi lấy thí dụ, như trường hợp của Giáo sư Đặng Xuân Kỳ, con trai trưởng cố Tổng Bí thư Trường Chinh, nguyên là Ủy viên Trung ương Đảng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, hoặc như trường hợp anh Lê Khánh Hải, cháu đích tôn cố Tổng Bí thư Lê Duẩn, hiện đang là Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Chủ tịch Liên đoàn Bóng đá Việt Nam là những người xứng đáng. Vì vậy, khi xem xét vấn đề này phải hết sức công tâm, không nên thành kiến cá nhân. Có điều là trong thực tế công tác cán bộ, có một số con ông cháu cha không chịu rèn luyện phẩm chất cách mạng, dựa dẫm vào người cha, sa vào tham nhũng, tiêu cực, buộc tổ chức phải xử lý. Đó là điều đáng tiếc.
Khi xét để quy hoạch, sau đó là bổ nhiệm cán bộ cứ phải dựa hẳn vào tiêu chuẩn mà xem xét, quyết định, không ưu tiên cho ai hết. Có như vậy, trong công tác quy hoạch cán bộ mới mang lại kết quả tốt.