Mới cập nhật

MỘT VÀI SUY NGHĨ VỀ NHỮNG THỜI CƠ VÀ THÁCH THỨC ĐỐI VỚI CÁC DOANH NGHIỆP VIỆT NAM TRONG NĂM 2019 VÀ NHỮNG NĂM TIẾP THEO

PGS,TS Đàm Đức Vượng

                      

1. Năm 2018, Việt Nam đạt tăng trưởng kinh tế 7,08%, mức cao nhất trong 10 năm qua. Đời sống của nhân dân đã được cải thiện ít nhiều. Năm 2018, cả nước đã có 8 huyện thoát nghèo trong tổng số 64 huyện nghèo. Cuối năm 2018, tỷ lệ nghèo của cả nước còn dưới 6%, giảm khoảng từ 1 đến 1,3% so với cuối năm 2017. Đó là một con số đáng khích lệ, thể hiện kết quả của việc lãnh đạo của Đảng, chỉ đạo và quản lý của Nhà nước và sự cố gắng vượt bậc của nhân dân ta, trong đó có sự đóng góp của các doanh nghiệp Việt Nam trong bối cảnh thiên tai đe dọa nghiêm trọng và kinh tế thế giới đang có vấn đề, nhất là cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung.
Về các doanh nghiệp, năm 2018, cả nước có 561.064 doanh nghiệp đang hoạt động, đặc biệt, số doanh nghiệp thành lập mới đạt kỷ lục cao nhất từ trước đến nay với 126.859 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động sau một thời gian ngừng hoạt động. Tính trung bình mỗi ngày có khoảng 300 doanh nghiệp mới ra đời, hầu hết là các doanh nghiệp tư nhân. Đó là những hoạt động của các doanh nghiệp trong năm 2018 gối sang năm 2019. Đổi mới sáng tạo có kết quả tốt, được thế giới đánh giá cao.

2. Bước sang năm 2019, một vấn đề đặt ra đối với các doanh nghiệp Việt Nam là thời cơ (thuận lợi) có nhiều, nhưng thách thức (khó khăn) cũng không phải là ít.
Về thời cơ (thuận lợi):
Một là: Sự tăng trưởng kinh tế trong năm 2018 thực sự là một đòn bảy cho năm 2019. Đúng vậy, nếu không có cơ sở phát triển kinh tế của năm 2018, chúng ta sẽ không có đà để tiến vào năm 2019.
Hai là: Quy luật kinh tế chỉ ra rằng, những sự phụ thuộc lẫn nhau khách quan, ổn định, quan trọng nhất và mối liên hệ nhân quả trong các quá trình và các hiện tượng kinh tế; là sự tiếp nối truyền thống. Đó là sự phát triển của quan hệ sản xuất, trao đổi và tiêu dùng đang có chiều hướng gia tăng trong các doanh nghiệp kể cả quốc doanh lẫn tư doanh, nó biểu hiện ở sự liên kết kinh tế. Trong năm 2018, nền kinh tế đất nước bộc lộ một vấn đề là phát triển quan hệ sản xuất được gắn với quy luật phân phối theo lao động và quy luật trao đổi, tiêu dùng. Trong thời gian qua, bên cạnh việc quản lý kinh tế, chúng ta cũng đã bắt đầu chú ý đến việc tổ chức và giáo dục kinh tế cho những người lao động nhằm nâng cao kiến thức kinh tế và quản lý kinh tế trong tình hình mới.
Ba là: Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 16/2017- CTTTg về tăng cường năng lực tiếp cận cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, cho thấy Chính phủ đã đi đầu và hỗ trợ các doanh nghiệp làm ăn thuận lợi trên tinh thần các chính sách kinh tế có phần thông thoáng hơn. Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 (cũng có thể gọi là cuộc cách mạng công nghệ 4.0), ứng dụng vào Việt Nam sẽ giúp các doanh nghiệp Việt Nam phát triển theo hướng hiện đại, như việc kết hợp giữa rôbốt và trí tuệ nhân tạo, in 3D,… Công nghiệp 4.0 còn giúp các doanh nghiệp nâng cao năng suất lao động và chất lượng sản phẩm. 
Bốn là: Nhiều cơ quan quản lý kinh tế đã mạnh dạn đổi mới tư duy về quản lý kinh tế, cụ thể là quản lý thị trường và mạnh dạn đổi mới về phương thức sản xuất sao cho phù hợp với tính chất của lực lượng sản xuất trong hoàn cảnh mới. Mạnh dạn đổi mới suy nghĩ về quản lý kinh tế và phát triển kinh tế chắc chắn sẽ dẫn đến chất lượng trong sản xuất công nghiệp, nhất là sản xuất các mặt hàng xuất khẩu. Đổi mới tư duy về kinh tế và quản lý kinh tế trong nông nghiệp sẽ dẫn đến nông nghiệp sạch, đủ khả năng xuất khẩu nông sản và cạnh tranh với nước ngoài.
Về thách thức (khó khăn):
Bên cạnh những thời cơ (thuận lợi) trình bày trên đây, năm 2019, các doanh nghiệp của Việt Nam cũng sẽ bộc lộ nhiều thách thức (khó khăn).
Thách thức (khó khăn) thứ nhất:  Xét về tổng thể, năm 2019 sẽ có nhiều biến động về chính trị cũng như về thị trường toàn cầu. Kinh tế thế giới, nhìn chung, vẫn gặp nhiều khó khăn và đang có chiều hướng chững lại, nhất là kinh tế một số nước châu Âu, Nhật Bản và cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung. Vì vậy, chúng ta phải đối mặt với nhiều thách thức rất khó dự đoán trước của năm 2019.
Với Việt Nam, các chỉ tiêu cụ thể GDP (General Domestic Product – Tổng sản phẩm quốc nội) của năm 2019, ước tính tăng từ 6 đến 6,8%; CPI (Consumer Price Index – Chỉ số giá tiêu dùng) sẽ tăng khoảng 4%. Con số này tuy có thấp hơn một chút so với con số thực tế của năm 2018, nhưng thực hiện cũng không phải dễ. Mục tiêu này có khả năng đạt được, nhưng không phải dễ dàng chút nào khi tình hình chính trị và kinh tế thế giới sẽ rất phức tạp, ảnh hưởng trực tiếp đến các doanh nghiệp.
Thách thức (khó khăn) thứ hai: Nhiều nhà nghiên cứu kinh tế đã chỉ ra rằng, trong năm 2019, kinh tế Việt Nam sẽ có những rủi ro bất thường xảy ra. Sự thu hút của các nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam trong năm 2019 sẽ bị chững lại bởi nhiều yếu tố, trong đó có cán cân thương mại toàn cầu, lúc nghiêng bên này, khi nghiêng bên kia. Chúng ta phải lường trước được những rủi ro tăng lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED), sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến việc xuất khẩu của các doanh nghiệp Việt Nam. Giá dầu Việt Nam và thế giới có thể giảm nếu Arab Saudi tiếp tục tăng sản lượng, ảnh hưởng đến giá dầu của Việt Nam.
Thách thức (khó khăn) thứ ba: Kinh tế Việt Nam sở dĩ tăng trưởng, một phần dựa vào các doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam, nếu các tập đoàn này cũng chững lại hoặc sản xuất tăng lên. Việc tăng sản phẩm của các doanh nghiệp nước ngoài, các tập đoàn kinh tế nước ngoài tại Việt Nam, một phần sẽ ảnh hưởng đến khả năng tiêu thụ của các doanh nghiệp, nhất là sản phẩm cùng dạng, cùng loại của các doanh nghiệp Việt Nam. Ông Vũ Hồng Thanh. Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho biết: “Vừa rồi, chúng tôi làm việc với Sam Sung Việt Nam và ngành thép, đây là những doanh nghiệp có những đóng góp đáng kể cho tăng trưởng kinh tế của Việt Nam, nhưng năm 2019, thì họ cho biết sẽ không có nhiều thay đổi hơn so với năm 2018”, có nghĩa là không phát triển hơn năm 2018. Hiện nay, hàng Trung Quốc, giá rẻ đang tràn nhập vào Việt Nam, làm cho hàng tiêu dùng sản xuất tại Việt Nam gặp nhiều khó khăn.
Thách thức (khó khăn) thứ tư: Sự biến đổi rất khó lường, tàn phá của môi trường thiên nhiên trong năm 2019. Năm 2018, xảy ra mưa bão, lụt lội triền miên, ước tính thiệt hại 60 nghìn tỷ VNĐ. Chưa biết năm 2019 sẽ thiệt hại bao nhiêu nghìn tỷ do thiên tai gây ra. Đặc điểm của khí hậu Việt Nam là hết mưa bão, lụt lội lại đến hạn hán triền miên, mà mưa bão, lụt lội đều tai hại đến nền kinh tế đất nước, gây tàn phá đất nước, không kém gì chiến tranh, ảnh hưởng rất lớn đến đời sống nhân dân.
Còn nhiều thách thức bất ngờ nữa của năm 2019 sẽ diễn ra mà chúng ta chưa thể lường hết được. Tất cả đều ảnh hưởng trực tiếp đến kinh tế đất nước và hoạt động của các doanh nghiệp trong nước. 

 3. Đứng trước những thời cơ (thuận lợi) và thách thức (khó khăn) của đất nước trong năm 2019, các doanh nghiệp phải làm gì? Qua nghiên cứu, tôi thấy:
Một là: Hàng sản xuất của các doanh nghiệp tại Việt Nam cần phải nâng cao hơn nữa chất lượng sản phẩm. Vấn đề này đã nói rất nhiều, nhưng sự chuyển biến chậm. Sự thật, đây chính là con đường sống của các nhà doanh nghiệp. Việc tiêu thụ hàng hóa được nhiều hay ít là do chất lượng sản phẩm quyết định. Vì vậy, nâng cao chất lượng hàng hóa làm ra phải được xem là yêu tố hàng đầu. Chất lượng sản phẩm tốt, giá bán vừa phải, có thể chấp nhận được là tiêu chí cần có và phải có để tiêu thụ hàng hóa nhanh. Hàng hóa không có tính giai cấp, cho nên không thể nói người Việt Nam mua hàng do người Việt Nam sản xuất, nếu như hàng hóa đó chất lượng kém.
 Hai là: Do đời sống nhân dân ngày càng được cải thiện, cho nên ngoài việc nâng cao chất lượng sản phẩm, cần phải tính đến mẫu mã sản phẩm. Đã đến lúc người tiêu dùng không chỉ chú ý đến cái lõi bên trong mà còn chú ý đến vẻ đẹp bề ngoài của nó. Sở dĩ hàng Trung Quốc bán chạy ở Việt Nam, theo tôi, một phần lớn là do mẫu mã đẹp, còn chất lượng hàng hóa của họ thì không hơn gì hàng của Việt Nam, thậm chí có một số mặt hàng còn kém hơn hàng Việt Nam.
 Ba là: Các doanh nghiệp của Việt Nam phải ra sức nâng cao năng lực cạnh tranh. Cạnh tranh là cuộc đấu tranh có tính chất đối kháng trên thương trường, giữa những doanh nghiệp của nhà nước, doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp ở trong nước và doanh nghiệp ở ngoài nước để giành nguồn lợi lớn nhất trong việc tiêu thụ hàng hóa, buộc những người sản xuất hàng hóa phải tăng năng suất lao động và nâng cao chất lượng sản phẩm. Cạnh tranh là cuộc chiến trên thương trường, tuy không có tiếng súng, nhưng nó diễn ra không kém phần khốc liệt giữa các ngành kinh tế độc quyền như một điều kiện quan trọng nhất để phát triển lực lượng sản xuất, tiến bộ kỹ thuật. Bước vào thị trường cạnh tranh báo hiệu những áp lực vô cùng khắc nghiệt, không phải dễ dàng ai cũng có thể vượt qua. Năng lực cạnh tranh của Việt Nam hiện nay còn rất thấp, xếp thứ 77/140 nước có năng lực cạnh tranh toàn cầu, giảm 4 bậc, từ vị trí 74 xuống còn vị trí 77. Vì vậy, vấn đề đặt ra là các doanh nghiệp của Việt Nam phải nghiên cứu kỹ về cạnh tranh và đẩy mạnh cạnh tranh, thì hàng hóa do mình sản xuất ra mới có thể tiêu thụ được.
 Bốn là: Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 vừa là thời cơ, vừa là thách thức đối với các doanh nghiệp của Việt Nam. Điều đó nói lên rằng, phải nâng cao trình độ kỹ thuật và năng lực quản lý, bảo đảm cho hàng hóa sản xuất ra vừa nhanh, vừa có chất lượng, mẫu mã, sạch, đẹp, có tiếng vang trên thương trường Việt Nam và thương trường quốc tế.
Tuy sẽ gặp nhiều thách thức (khó khăn), nhưng với tinh thần vươn lên, đầu óc sáng tạo, biết cách xoay xở của người Việt Nam, hy vọng các doanh nghiệp Việt Nam sẽ gặt hái được nhiều thành công trong năm 2019 và những năm tiếp theo…