Mới cập nhật

TƯ TƯỞNG HÒA BÌNH CỦA HỒ CHÍ MINH TRONG CHIẾN TRANH CÁCH MẠNG

Kỷ niệm lần thứ 126 ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19-5-1890-19-5-2016)


 

PGS,TS Đàm Đức Vượng

Thế giới đánh giá Chủ tịch Hồ Chí Minh là chiến sĩ suốt đời đấu tranh vì một nền hòa bình và hạnh phúc cho nhân loại. Người cũng suốt đời cùng nhân dân Việt Nam đấu tranh để giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, mang lại cuộc sống hòa bình, ấm no, tự do, hạnh phúc cho nhân dân. Vì vậy, có thể nói tư tưởng của Người là tư tưởng hòa bình và tiến bộ.

Nhớ lại hồi năm 1945, sau khi Cách mạng tháng Tám thành công, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam) ra đời, đất nước tuy đã giành được độc lập, nhưng lại đứng trước vô vàn khó khăn, thử thách.

Ở miền Bắc Việt Nam, với danh nghĩa quân Đồng Minh giải giáp quân đội Nhật, hàng chục vạn quân Tàu Tưởng do tướng Lư Hán làm Tổng chỉ huy đã theo chân vào đóng quân từ vĩ tuyến 16 đến biên giới Việt - Trung. Họ tìm mọi cách để lật đổ chính quyền cách mạng, tạo điều kiện cho lực lượng tay sai lên nắm chính quyền. Các tổ chức chính trị theo chủ nghĩa quốc gia, chống Việt Minh như Việt Quốc, Việt Cách vượt biên giới Việt - Trung tràn vào Việt Nam để thiết lập chính quyền ở một số tỉnh phía Bắc.

Ở miền Nam Việt Nam, với danh nghĩa quân đội Nhật, quân đội Anh tràn vào, giúp quân Pháp trở lại xâm lược Việt Nam. Họ trang bị vũ khí cho quân đội Nhật để sử dụng. Được sự ủng hộ của quân đội Anh, ngay trong ngày 2-9-1945, quân Pháp đã nổ súng giết hàng chục người khi đồng bào ta đang dự mít tinh mừng ngày độc lập tại Sài Gòn. Ngày 23-9-1945, quân Pháp tiến công Sài Gòn, mở đầu cuộc xâm lược nước ta lần thứ hai.

Trước tình hình mà báo chí lúc ấy gọi là "vận nước nghìn cân treo sợi tóc" và "chỉ mành treo chuông", Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã làm tất cả những gì có thể làm được bằng phương pháp hòa bình, kiên định đấu tranh để giải quyết vấn đề Việt Nam bằng giải pháp hòa bình, giữ cho được độc lập, tự do đã giành được, kể cả việc đáp ứng yêu cầu của quân Tưởng là Đảng ta phải tuyên bố tự giải tán vào ngày 11-11-1945 (thực chất là rút vào hoạt động bí mật).

Người cho rằng, đấu tranh bằng phương pháp hòa bình thể hiện thiện chí của nhân dân ta, thể hiện bản chất của Nhà nước ta. Kết quả của phương pháp đấu tranh hòa bình, phía Pháp buộc phải nhận lời họp hội nghị trù bị, chuẩn bị cho cuộc đàm phán chính thức tại Pari. Hội nghị trù bị này được tổ chức tại Đà Lạt từ ngày 19-4-1946 đến ngày 11-5-1946. Đoàn đại biểu Chính phủ Việt Nam do Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Võ Nguyên Giáp làm Trưởng Đoàn, Đoàn đại biểu Chính phủ Pháp do Mác Ăngđrê (Max André) làm Trưởng Đoàn. Hội nghị thảo luận một số vấn đề như xác định mối liên lạc ngoại giao của Việt Nam; chế độ tương lai của Đông Dương; quyền lợi kinh tế và văn hóa giữa Pháp và Việt Nam. Do sự ngoan cố của phía Pháp,

Hội nghị không đưa đến một kết quả cụ thể nào. Tuy vậy, Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn kiên trì đấu tranh bằng phương pháp hòa bình. Người sẵn sàng sang thăm nước Pháp để ký với Pháp một hiệp ước mang tính hòa bình như đã định từ trước.

Ngày 31-5-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đoàn đại biểu đàm phán của Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa rời Hà Nội đi Pari để đàm phán với Chính phủ Pháp về vấn đề Việt Nam. Trước lúc lên đường, Người nói với cụ Huỳnh Thúc Kháng, quyền Chủ tịch Nước mà Chủ tịch Hồ Chí Minh vừa trao: "Dĩ bất biến ứng vạn biến" (Lấy cái không thay đổi đối phó với muôn sự thay đổi). Cái không thay đổi là đấu tranh cho một nền hòa bình, độc lập, dân chủ ở Việt Nam. Muôn sự thay đổi là tùy theo hoàn cảnh, tình thế cách mạng mà ứng phó giải quyết kịp thời. Cuộc đàm phán Pari không mang lại kết quả. Ngày 20-10-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đoàn đại biểu Chính phủ ta, sau một thời gian sang Pari đàm phán với Chính phủ Pháp, về đến Hải Phòng. Tình hình hết sức căng thẳng. Đường lối của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng lúc này là vẫn kiên trì đấu tranh bằng phương pháp hòa bình, đồng thời, phải chuân bị mọi mặt cho một cuộc kháng chiến lâu dài nếu phía Pháp vẫn không chịu giải quyết vấn đề Việt Nam bằng phương pháp hòa bình. Cho đến tháng 11-1946, Pháp tăng quân, đổ bộ lên Đà Nẵng, Đồ Sơn, đảo Cát Bà. Ngày 20-11-1946, quân Pháp đánh chiếm Hải Phòng, Lạng Sơn,...

Ngày 17-12-1946, quân Pháp gây sự ở Hà Nội, đánh vào trụ sở tự vệ ta, gây ra vụ thảm sát ở phố Yên Ninh, Hàng Bún. Ngày 18-12-1946, quân Pháp chiếm Bộ Tài chính, Bộ Giao thông công chính. Đến đêm, Bộ Chỉ huy quân Pháp gửi tối hậu thư cho Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, đòi tước vũ khí của quân đội cách mạng và chiếm Sở Công an Hà Nội. Trong hoàn cảnh "cây muốn lặng gió chẳng muốn dừng", phía ta kiên trì hòa bình, phía Pháp lại muốn gây chiến tranh, hòng cướp nước ta một lần nữa, ngày 19-12-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến. Sáng ngày 20-12-1946, Lời kêu gọi của Người được phát trên Đài Tiếng nói Việt Nam. Người nói:

"Chúng ta muốn hòa bình, chúng ta phải nhân nhượng. Nhưng chúng ta càng nhân nhượng, thực dân Pháp càng lấn tới, vì chúng quyết tâm cướp nước ta một lần nữa! Không! Chúng ta thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ"(1)

Trải qua 9 năm kháng chiến trường kỳ và gian khổ chống thực dân Pháp xâm lược kết thúc bằng chiến dịch Điện Biên Phủ và bằng đấu tranh ngoại giao theo phương pháp hòa bình tại Hội nghị Giơnevơ, Thụy Sĩ, về vấn đề Đông Dương (ký ngày 20 (21)-7-1954), Chủ tịch Hồ Chí Minh lại phát động toàn dân tăng cường đoàn kết, kiên quyết đấu tranh giữ vững hòa bình, thực hiện thống nhất nước nhà. Trong "Lời kêu gọi sau khi Hội nghị Giơnevơ thành công", Người viết:

"Vì hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ của Tổ quốc mà 8,9 năm nay, nhân dân, quân đội, cán bộ và Chính phủ ta đoàn kết chặt chẽ, trên dưới một lòng, chịu đựng gian khổ, vượt mọi khó khăn, kiên quyết kháng chiến và đã giành được nhiều thắng lợi vẻ vang"(2)

.Chủ tịch Hồ Chí Minh kêu gọi toàn Đảng, toàn quân, toàn dân "phải ra sức củng cố hòa bình, tỉnh táo đề phòng âm mưu của những kẻ phá hoại hòa bình"(3); "đấu tranh để củng cố hòa bình, thực hiện thống nhất, hoàn thành độc lập, dân chủ trong cả nước"(4) Muốn duy trì được một nền hòa bình, theo Người, phải giang cánh tay ra đón chào nhân dân yêu chuộng hòa bình trên toàn thế giới, tranh thủ sự ủng hộ, giúp đỡ của họ để họ có thể góp phần vào việc thực hiện hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ trong nước Việt Nam yêu quý của chúng ta. Tháng 2-1955, Người viết bài ca ngợi nhân dân thế giới quyết tâm tăng cường đấu tranh giữ gìn và củng cố hòa bình. Theo Người, muốn có hòa bình, thì phải dựa trên nguyên tắc "bình đẳng, không can thiệp vào nội trị của nhau, không xâm lược nhau, tôn trọng lãnh thổ toàn vẹn, chủ quyền quốc gia và độc lập dân tộc của nhau"(5)

Nhân dân thế giới đã đấu tranh vì hòa bình với sự hiện diện của Hội đồng hòa bình thế giới, trở thành phong trào dân chủ rộng rãi nhất trên toàn thế giới ủng hộ Việt Nam đấu tranh giành độc lập và hòa bình. Như cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ, cứu nước cũng bắt đầu từ đấu tranh bằng phương pháp hòa bình và kết thúc thắng lợi thuộc về nhân dân Việt Nam cũng bằng hòa bình. Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử năm 1975 và việc ký kết

Hiệp định 4 bên tại Pari, Pháp, ngày 27-1-1973, về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam, thể hiện kết quả đấu tranh suốt 20 năm kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Ngày 30- 4-1975, miền Nam Việt Nam hoàn toàn giải phóng, đất nước thống nhất.

Như vậy, tư tưởng Hồ Chí Minh về vấn đề hòa bình trong chiến tranh cách mạng bao giờ cũng bắt đầu từ hòa bình và kết thúc cũng bằng hòa bình. Người nhấn mạnh đến vấn đề kết hợp giữa đấu tranh quân sự với đấu tranh ngoại giao. "Thực lực như cái chiêng, ngoại giao như cái tiếng. Chiêng có to, tiếng mới lớn". Thống nhất, độc lập, hòa bình, ấm no, tự do, hạnh phúc, đạo đức, văn minh là tư tưởng lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
------
1. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2011, tập 4, tr. 534: 2,3,4,5. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2011, tập 9, tr. 1;3;3; 323-324