Mới cập nhật

Năm Dậu nói chuyện gà



chỉ mụcTừ gà rừng đến gà nhà

Gà xuất hiện trên trái đất rất sớm, từ hàng vạn hàng triệu năm trước. Mãi sau này, con người thời tiền sử ở một số vùng, mới dần dần thuần hóa được gà rừng thành gà nhà.




Theo Từ điển bách khoa Việt Nam (Tập 2) gà rừng (Gallus gallus) thuộc loài chim, họ Trĩ (Phasianidae), bộ gà (Galtiformes). Gà nhà có nguồn gốc từ  4 loại gà rừng: 1 Gallus bankiva hay Gallus Gallus gặp ở Đông Dương, Ấn Độ, Myanma, Malaysia; 2 Gallus Lafayette ở vùng Xri Lanka; 3 Gallus varius ở vùng Java; 4 Gallus sonnerati ở vùng Ấn Độ.

Hầu hết các nhà động vật học đều cho nguồn gốc của các loại gà trên trái đất là từ  phương Đông. C. Darwin quan sát gà rừng mào đỏ (Red Jungle Fowl) ở Đông Nam Á đã xác định chúng là tằng tổ của gà nuôi ngày nay. Các nhầ động vật học cũng cho gà rừng đỏ Ấn Độ (Red Jungle Fowl of Indie) và gà rừng xám Mã Lai (Grey Jungle Fowl of Malaysia) là tằng tổ của gà chọi ngày nay.

Các nhà khoa học cho giống gà được phát hiện sớm nhất là ở Ấn Độ, Trung Hoa và Đông Nam Á. Ba giống gà quan trọng nhất ở Châu Á là Cochin, Brahma và Langshan. Trong đó gà Cochin là chỉ gà vùng Nam bộ nước ta (Cochinchine là Nam bộ nước ta thời thuộc Pháp).

Về thời gian thuần hóa gà rừng thành gà nhà giữa các khu vực có sự sớm muộn khác nhau. Nhìn chung có thể vào khoảng 4, 5 ngàn năm đến gần một vạn năm trước. Người Hy Lạp, La Mã cổ đại đã từng dùng gà vào việc tế tự. Vào thế kỷ thứ 4 trước Công nguyên người Hy Lạp đã đề cập đến chọi gà. Tranh vẽ đầu tiên về gà ở Châu Âu được tìm thấy trên đồ gốm Korinthos có niên đại vào thế kỷ 7 trước Công nguyên.

Tài liệu cổ cho thấy gà được công nhận đã xuát hiện tại Trung Hoa từ thời nhà Thương thế kỷ 15, 16 trước Công nguyên, là thực phẩm chính trong nghệ thuật ẩm thực Trung Hoa.

Khu vực Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam được các nhà động vật học xem là quê hương đầu tiên cuả nhiều giống gà. Thư tịch cổ nước ta chưa có tài liệu nào đề cập đến việc thuần hóa gà, nhưng tài liệu khảo cổ trong những năm gần đây đã phát hiện được một vài tượng gà bằng đất nung trong các di tích văn hóa Tiền Đông Sơn và hình ảnh gà trên hoa văn trống đồng và thạp đồng văn hóa Đông Sơn. Tại di tích Đồng Đậu thuộc thị xã Yên Lạc tỉnh Vĩnh Phúc đã phát hiện được 2 tượng gà bằng đất nung. Một tượng giống hình gà trống, bị mất phần mào và mỏ, cổ dài vươn cao như đang gáy, thân hình đẩy đà, sống lưng gồ cao, đuôi tròn to dày và cụp xuống. Chân là một khối tròn như cái đế. Tượng cao 2,50 cm (Ảnh 1). Một tượng giống hình gà mái, có thân hình mảnh mai, đuôi vễnh cao như đuôi chim, cổ tương đối ngắn. Tượng cao 3,70 cm (Ảnh 2). Nhìn chung tượng được tạo hình khá sinh động, mang tính hiện thực cao. Tại di tích Thành Dền thuộc xã Tự Lập huyện Mê Linh thành phố Hà Nội cũng phát hiện được một tượng gà bằng đất nung. Các di tích trên thuộc văn hóa Tiền Đông Sơn có niên đại được xác định bằng phương pháp đồng vị phóng xạ C14 vào khoảng 3500 - 3000 năm cách ngày nay.

Đến văn hóa Đông Sơn thời các Vua Hùng cũng đã phát hiện được tượng gà bằng đồng. Tại di tích Gò Chùa Thông thuộc xã Quýnh Đô huyện Thanh Trì, thành phố Hà Nội phát hiện được một tượng gà bị gãy mất phần thân, chỉ còn phần đầu và cổ. Đầu gà được mô tả khá rõ nét: mắt lồi hình bán cầu, có mào hơi nhỏ, cổ dài mỏ nhọn. Mặt cắt ngang cổ gà có hình thấu kính. Tại di tích Vinh Quang thuộc xã Cát Quế huyện Hoài Đức, thành Phố Hà Nội phát hiện được một tượng gà bằng đồng được đúc bằng khuôn một mang, gọi là khuôn hở. Tượng miêu tả một con gà có một bên thân phẳng, một bên thân có sống nổi ở giữa. Gà có mắt, mỏ và mào. Chân gà được miêu tả là một đoạn thẳng gần như vuông góc với thân. Đuôi gà xòe rộng gồm 3 đoạn thẳng song song với nhau (Ảnh 3). Trên ngôi nhà sàn trên mặt trống đồng Hoàng Hạ thuộc huyện Phú Xuyên thành phố Hà Nội có hình 2 con gà đang đấu mỏ vào nhau (Ảnh 4) và hình 2 con gà trên thân thạp đồng Hợp Minh tỉnh Yên Bái (Ảnh 5). Cũng có ý kiến cho hình trên trống đồng Hoàng Hạ và thạp đồng Hợp Minh là chim chứ không phải gà, xin nêu ra đây để chúng ta cùng tham khảo.

Cho đến những năm sau này, người Việt ở một số vùng gần rừng vẫn tiếp tục thuần hóa gà rừng để làm thức ăn và làm gà cảnh. Sách Nam Việt chí chép ở huyện Lỗ Thành có nhiều gà rừng hay chọi nhau nên người dân trong vùng thường đem gà nhà ra chọi nhau với gà rừng để bắt chúng. Cho đến nay trên nước ta cũng như nhiều vùng trên thế giới vừa có gà nhà vừa có gà rừng.

Từ gà thịt, gà đẻ trứng đến gà chọi, gà cảnh

Do nguồn gốc gà rừng khác nhau cùng cách nuôi và phối giống không giống nhau nên trên thế giới cũng như trên nước ta có nhiều giống gà khác nhau. Mỗi giống gà đều có những đặc trưng riêng, có loại chủ yếu là gà thịt, có loại chủ yếu là đẻ trứng, có loại chỉ nuôi làm gà cảnh, có loại chuyên làm gà chọi. Về tên gọi, thông thường nhất là dùng địa danh làng xã có loại gà đó, song cũng có khi dựa vào đặc điểm hình dáng, màu sắc mà đặt tên như gà ô, gà ấc, gà chin cựa, v.v.

Ngoài một số giống gà vốn có từ lâu trên đất nước ta, vào khoảng đầu thế kỷ 20 cho đến gần đây chúng ta đã nhập về một số giống gà từ Trung Quốc, Nhật, các nước Đông Nam Á, phương Tây và Mỹ.

Gà thịt, ở miền Bắc có Gà Đông Tảo (hay Đông Cảo) ở Khoái Châu tỉnh Hưng Yên; gà Hồ ở Thuận Thành tỉnh Bắc Ninh; gà Mía ở thị xã Sơn Tây thành phố Hà Nội, gà Móng ở Duy Tiên tỉnh Hà Nam; gà Hơ Mông xương đen ở Quản Bạ, Mèo Vạc tỉnh Hà Giang; các tỉnh Nam bộ có loại gà tre. Trong số đó nổi tiếng hơn cả là gà Đông Tảo, có đặc trưng nổi bật là thể chất khỏe, xương to, chân cao to có vảy thịt, cơ ngực và cơ đùi phát triển.Trưởng thành con trống nặng 3,8 kg, thậm chí có con trên 5 kg, con mái nặng 3 – 3,5 kg. Mấy năm gần đây nhiều nhà nghiên cứu gà thế giới đã về tận Đông Tảo tìm hiểu nghiên cứu giống gà Đông Tảo quý hiếm cúa chúng ta. Nông dân nhiều vùng khắp đất nước cũng đã thành lập trang trại chuyên nuôi gà Đông Tảo.

Gà đẻ trứng, nổi tiếng hơn cả là gà ri nuôi rộng rãi khắp mọi miền đất nước. Loại gà này tuy nhỏ con, song đẻ rất mắn, sức đẻ năm đầu từ 100 – 110 trứng, mỗi đợt đẻ 15 – 20 trứng. Khoảng giữa thế kỷ 20 chúng ta nhập một số gà đẻ trứng từ nước ngoài.

Gà leghorn, dân ta thường gọi là gà Lơ go có xuất xứ từ Ý, sau truyền sang Mỹ. Loại gà này ở Mỹ mỗi năm đẻ tới 300 trứng. Ở ta do khí hậu và cách chăn nuôi mỗi năm đẻ từ 160 – 220 trứng. Gà lơ go chỉ biết đẻ không biết ấp.

Gà Rhode, thường gọi là gà rốt có xuất xứ từ Mỹ, được nhập về cùng thời với gà lơ go. Mỗi năm đẻ từ 150 – 180 trứng, biết ấp như gà ta. Con trống nặng 3,5 kg, mái nặng 2,.5 kg.  Dân ta cho lại giống giữa gà lơ go và gà rốt.

Gà New Hampshire, xuất xứ từ Mỹ, nhập vào nước từ thập kỷ 70 thế kỷ 20, mỗi năm trung bình đẻ 180 trứng. Gà tăng trọng nhanh, gà trống nặng 4 kg, gà mái nặng 3 kg.

Gà Nagaya, xuất xứ từ Nhật, nhập về nước ta vào khoảng giữa thế kỷ 20. Mỗi năm trung bình đẻ 200 trứng. Gần giống với gà ta, lông màu vàng nhạt, chân chì. Ở ta chúng chỉ đẻ trung bình 150 – 180 trứng một năm, trứng tương đối to, khoảng 50 gr.

Gà Isa Brown, xuất xứ từ Hà Lan, mới nhập về nước ta thời gian gần đây do Viện tuyển chọn động vật Hà Lan cung cấp. Mỗi năm trung bình đẻ trên 200 trứng, về ta chỉ 160 – 180 trứng. Gà trống 3 kg, gà mái 2,5 kg. Giống gà này không thích hợp với khí hậu nước ta.

Gà chọi. Các nhà động vật học đều cho gà chọi có gốc từ Đông Nan Á. Ở ta khắp 3 vùng bắc trung nam đều có nhiều giống gà chọi quý hiếm. Miền bắc có gà Thổ Hà ở Bắc Giang, gà Đình Bảng ở Bắc Ninh, gà Đồ Sơn Hải Phòng, gà Nghi Tàm, Nghĩa Đô, Vân Hồ thuộc thành phố Hà Nội, gà Lập Thạch Vĩnh Phúc. Các tỉnh Phú Thọ, Thái Nguyên, Sơn La cũng có các loại gà chọi nổi tiếng. Miền trung, Khánh Hòa có gà Phan Rang, Phú Yên có gà Vạn Giã, Gò Dũi, Quãng Ngãi có gà sông Vệ, gà Sa Huỳnh, Bình Định thì Hoài Nhân có gà Hoài Châu, Kim Giao (Hòa Hải), Hoài Ân có gà Mộc Bài, Phù Cát có gà Cát Chánh, Tuy Phước có gà Gò Bòi, Quy Nhơn có gà Phú Tài, Tây Sơn có gà bắc sông Kôn (dòng gà Nguyễn Lữ truyền về). Miền nam, Bến Tre có gà Chợ Lách, Đồng Tháp có gà Cao Lãnh, An Giang có gà Châu Đốc, thành phố Hồ Chí Minh có gà Bà Điểm. Các giống gà chọi nước ta hình thành 2 dòng gà là gà đòn và gà cựa. Miền trung và miền bắc chủ yếu là gà đòn, miền nam chủ yếu là gà cựa. Theo truyền lại, gà cựa Nam bộ là do người Chiêm Thành từ miền trung mang vào.

Gà cảnh nước ta trước đây chủ yếu là gà tre, với thân hình thon gọn, bộ lông nhiều màu sặc sở có nguồn gốc từ gà rừng miền Nam và Tây nguyên.  Sau này, vào khoảng giữa thế kỷ 20 thú chơi gà cảnh ngày một phổ biến, nên nhiều giống gà thịt và gà đẻ nước ngoài nhập về nước ta trở thành gà cảnh được nhiều đại gia ưa thích. Hiện tượng này, gần đây cũng xuát hiện tại thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội.

Gà tre Tân Châu xuát xứ từ An Giang, có thân hình gần với gà rừng nhưng nhỏ nhắn hơn, nặng không tới 1 kg. Gà có đặc trưng là chân thấp, lông mượt, mào nhỏ, đuôi dài cong, bộ cánh dài phủ tận chân. Anh Nguyễn Quang Nam ở Xã Đông Ngạc huyện Bắc Từ Liêm có con gà Tân Châu 3 năm có đuôi dài gần 1m. Gà lôi là gà rừng có nhiều loại như gà lôi hung tía, gà lôi lam mào trắng,v.v. Gà nhập khẩu có nhiều loại.

Gà Silkie có nguồn gộc từ vùng Viễn Đông, là loại gà lông tơ, không phải lông vũ, không thể bay, nuôi trong nhà như chó mèo. Thân hình nhỏ nhắn, trên đầu có chùm lông tơ như bông nên có tên gọi là “khối bông di động”. Đây là loại gà đẻ và ấp tuyệt vời. Gà tróng chỉ nặng 1,2 kg, gà mài khoảng 700 gr.

Gà Lamborghini,cũng có tên là gà mặt quỹ,có nguồn gốc từ java Indonesia. Đây là loại gà đen, đen từ thịt, xương, nội tạng đến mào, chân và bộ lông. Thịt có nhiều chất sắt nên đàn bà có mang ăn rất tốt. Đây là loại gà thịt, nhưng với màu đen đặc biệt đã trở thành một loại gà cảnh ở nhiều nước, trong đó có Việt Nam

Gà Serama, có nguồn gốc từ Malaysia nhập vào nước ta khoảng 10 năm trước, là loại gà nhỏ nhắn, chỉ nặng khoảng 300 – 500 gr, là loại gà nhỏ bé nhất. đặc trưng chủ yếu là có bộ ngực khùng, cánh thẳng đứng chấm đất. Nhiều nước Châu Âu và Mỹ lai tạo phổ biến loại gà Serama này.

Gà Brahma, còn có tên là gà kỳ lân khổng lồ hay gà khổng lồ là “Vua của các loài gà”. Có thể là do sự lai tạo giữa gà Thượng Hải của Trung Quốc với gà Chittigong của Bangladesh mà hình thành nên gà Brahma. Gà có thân hình to lớn, gà trống nặng tử 9 – 12 kg, gà mái 7 kg, có đặc điểm là bàn chân có 5 ngón, lông phủ dày xuống tận ngòn chân, có bộ râu xòe rộng hai bên má. Brahma cũng là gà đẻ trứng, 25 đến 30 trứng 1 lần, mỗi năm 150 – 200 trứng. nhưng dần trở thành gà cảnh và triển lãm. Gà Brahma nhập vào Việt Nam từ đầu thế kỷ 20 và Việt Nam trở thành nơi cung cấp gà Brahma cho thị trường Pháp.

Gà quý phi, có nguồn gốc từ Anh. Gà có màu sắc sặc sở, mào có nhiều cạnh thẳng đứng như quả phật thủ, mắt sáng chân hồng. Gà có thịt ngon không kém thịt gà Đông Tảo và đẻ trứng cũng mắn, nên gà quý phi vừa là gà thịt gà đẻ vừa là gà cảnh nên dược nhiều người ưa thích. Thông tin cho biết anh Trần Duy Hợi ở xã Tống Phan huyện Phù Cừ Hưng Yên đã xây dựng 5 trang traị nuôi gà quý phi, hang năm thu về hàng tỷ đồng.

Có thể nói, cùng với sự hội nhập kinh tế quốc tế, cho đến nay, hầu hết các giống gà nổi tiếng trên thế giới đã có mặt tại Việt Nam.

Từ những hình tượng gà trống đến những cuộc chọi gà sinh tử

Gà trống với 5 đức tính lớn là văn võ dũng nhân tín: mỏ giống như đội mũ, đó là văn; chân có cựa sắc bén như gươm giáo, đó là võ; thấy quân thù gà trống liền xông vào đá, mổ, đó là dũng; khi kiếm dược mồi gà trống gọi gà mái gà con đến ăn, đó là nhân; ban đêm gần sang gà trống gáy cầm canh, đó là tín.  Gà trống tượng trưng cho tính tự tin, lòng dũng cảm của con người. Từ thời cổ đại gà trống đã được xem là con vật linh thiêng trong nhiểu nền văn hóa và gắn chặt với nhiều hệ thống tín ngưỡng và thờ cúng tôn giáo.

Trong nhiều Phúc âm của Tân ước đều nói đến gà trống đóng vai trò là hiện thân của Giê su. Giáo hoàng Grê gô riô tuyên bố gà trống là biểu tượng của Kitô giáo.

Gà trống Gôloa (Gaulois) là biểu tượng quyền uy của nước Pháp, là tiêu biểu cho sức mạnh của nước Pháp. Thời Trung cổ, gà trống Gô loa là một biểu tượng tôn giáo, thể hiện niềm hy vọng và đức tin vào đạo nên hình tượng gà trống Gô loa thường xuất hiện trên các tháp chuông nhà thờ và trên tháp canh.

Trung Quốc và các nước Đông Nam Á từ rất sớm cũng đã dùng gà trống vào việc tế tự. Ở Nhật, gà được xem là con vật linh thiêng. Có thể dùng tiếng gáy của gà trống để mời gọi nữ thần Mặt trời rời khỏi hang động mang ánh sáng ấm áp đến muôn loài.

Hình ảnh con gà trống còn có mặt trên tranh dân gian Đông Hồ, Hàng Trống, uy nghiêm nhiều màu sắc với các chữ “Đại Cát” “Nghênh Xuân”, hay em bé ôm gà trống với ghi chú “Vinh Hoa”. Có 2 bức tranh vẽ 2 con gà trống cách điệu với màu sắc sặc sở với lời đề từ đốí nhau “Dạ xướng ngũ canh hòa” (Đêm gáy năm canh đều), “Nhật minh tam tác thụy” (Ngày mang tới ba điều hay).

Nói đến gà trống là phải nói đến chọi gà. Từ thế kỷ thứ 4 trước Công nguyên lần đầu tiên thấy người Hy Lap đề cập đến chọi gà. Cùng thời đó chọi gà cũng đã xuất hiện ở Đông Nam Á và Ấn Độ. Theo truyền lại, ở Hy Lạp có viên tướng Themestocles đã đưa trò chơi chọi gà thành môn thể thao quốc gia. Thời đó người ta đã buộc những thanh kim loại vào cẳng gà và gà được huấn luyện như những giác đấu và chọi gà được xem là biểu tượng của người xưa về tinh thần không chiu khuất phục. Về sau những trận chọi gà phổ biến khắp các vương quốc Châu Âu, đến nỗi giáo hội phải tìm mọi cách ngăn chặn. Cũng như thế, từ Đông Nam Á, Ấn Độ đến Bắc Phi không nơi nào là khòng có chọi gà. Việt Nam ta cũng như nhìu nước phương Đông, các làng xã có tục thờ thành hoàng, hàng năm vào tháng giêng tổ chức các hội thi dân gian, trong đó có tục chọi gà.

Ở nước ta, cũng giống như các vương quốc Châu Âu, trò chơi chọi gà dần một biến tướng thành các cuộc cá cược, đua tranh ăn thua bằng tiền, làm mất đi tinh thần thượng võ.

Hoàng Xuân Chinh (Văn hóa Nghệ An)