Mới cập nhật

ĐẠI TƯỚNG NGUYỄN CHÍ THANH – MỘT NGƯỜI HỌC TRÒ TRUNG THÀNH VÀ XUẤT SẮCCỦA CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH*

PGS,TS Đàm Đức Vượng**



Đại tướng Nguyễn Chí Thanh

1.Trong cuộc hành trình cách mạng, đi tìm đường cứu nước, cứu dân, Chủ tịch Hồ Chí Minh coi việc đào tạo cán bộ là nhiệm vụ hàng đầu. Trong thời gian ở Pháp (1917-1923), Người đã bắt đầu đào tạo cán bộ. Trong số cán bộ được Người đào tạo tại Pháp, có ông Bùi Lâm, sau này về nước, trở thành cán bộ cấp cao của ngành tòa án nhân dân. Thời gian Nguyễn Ái Quốc hoạt động tại Liên Xô lần thứ nhất (1923-1924), Người cũng hết sức chú ý đến việc đào tạo cán bộ cho cách mạng Việt Nam.



Ngày 11-11-1924, Nguyễn Ái Quốc từ Liên Xô trở về Quảng Châu, Trung Quốc. Tại Quảng Châu, Người thành lập Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên (Việt Nam Thanh niên Cách mạng đồng chí Hội), ra báo Thanh niên và mở lớp đào tạo cán bộ cho cách mạng Việt Nam, chuẩn bị về chính trị, tư tưởng, tổ chức cho sự ra đời của chính đảng cách mạng ở Việt Nam.

Năm 1927, Người viết tác phẩm “Đường cách mệnh” dùng làm tài liệu cơ bản để huấn luyện chính trị cho cán bộ cách mạng Việt Nam trong mọi thời kỳ. Ngày 25-6-1927, Người gửi thư tới Chi bộ Đàng Trường Đại học Phương Đông, đề nghị Trường cho thành lập một nhóm cộng sản Việt Nam gồm 5 người do Trần Phú làm Bí thư Nhóm. Tháng 7-1928, Người đến Xiêm (Thái Lan), sau đó sang Lào. Đến Xiêm, công việc đầu tiên của Người là tổ chức vào hội cho những người yêu nước và tổ chức các lớp huấn luyện chính trị cho bà con Việt kiều ở Xiêm. Một số người đã trở thành cán bộ cốt cán ở Xiêm, trong đó có Lê Mạnh Trinh, tức giáo Tiến, sau đó đã trở thành một cán bộ cấp cao của Đảng.

Trong thời gian sắp về nước, vào đầu năm 1941, tại làng Nậm Quang, huyện Tĩnh Tây, tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc, Người tổ chức lớp huấn luyện chính trị ngắn ngày, khoảng gần một tháng, cho 43 cán bộ cách mạng Việt Nam. “Con đường giải phóng” được dùng làm tài liệu chính thức để huấn luyện cán bộ.

Ngày 28-1-1941, Người về nước để lãnh đạo phong trào cách mạng Việt Nam. Tại Cao Bằng, Người tiếp tục mở lớp huấn luyện chính trị, quân sự cho các cán bộ ở Cao Bằng, Bắc Cạn, Lạng Sơn, Thái Nguyên và cán bộ ở miền xuôi lên. Từ đấy, trên núi rừng Việt Bắc và sau này về miền xuôi, Người tiếp tục mở các lớp huấn luyện chính trị, quân sự để đào tạo cán bộ cho cách mạng Việt Nam. Phương pháp đào tạo của Người là đào tạo trực tiếp, mở các lớp huấn luyện và đào tạo gián tiếp; nhiều khi Người huấn luyện cho từng người một, theo kiểu đơn tuyến.

Có thể nói, Nguyễn Ái Quốc đi đến đâu huấn luyện chính trị đến đấy, vì theo Người, nếu không huấn luyện chính trị, thì cách mạng không thể thành công. Những lớp huấn luyện chính trị do Người tổ chức và trực tiếp giảng bài đều mang lại kết quả tốt đẹp. Nhiều cán bộ được Người huấn luyện đã trưởng thành trên con đường đấu tranh cách mạng.

2.Trong số những cán bộ được Chủ tịch Hồ Chí Minh đào tạo, có một người văn võ song toàn, mà sau đó đã trở thành Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Ủy viên Hội đồng Quốc phòng, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị quân đội Nhân dân Việt Nam, Bí thư Trung ương Cục miền Nam và nhiều chức vụ quan trọng khác. Đó là Đại tướng Nguyễn Chí Thanh mà tên khai sinh là Nguyễn Vịnh; sinh ngày 1-1-1914, tại làng Niêm Phò, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên; trong một gia đình nông dân, thuở nhỏ cũng được học hành. Anh thanh niên Nguyễn Vịnh tham gia cách mạng từ năm 1934 và gia nhập Đảng Cộng sản Đông Dương từ năm 1937, lần lượt giữ các chức vụ: Bí thư Chi bộ, Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên. Từ năm 1938 đến năm 1943, nhiều lần bị Pháp bắt giam ở các nhà lao Huế, Lao Bảo, Buôn Ma Thuột. Đến ngày Nhật đảo chính Pháp (9-3-1945) mới ra tù. Sau khi ra tù, Nguyễn Vịnh tiếp tục hoạt động cách mạng, được bầu làm Bí thư Khu ủy Khu IV. Hội nghị toàn quốc của Đảng họp từ ngày 14 đến ngày 15-8-1945, tại xã Tân Trào, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang. Đồng chí Nguyễn Chí Thanh tham dự Hội nghị này. Có lẽ đây là lần đầu tiên, đồng chí Nguyễn Chí Thanh được gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Hội nghị thông qua Nghị quyết, phân tích về tình hình thế giới; tình hình Đông Dương; chủ trương của Đảng; vấn đề ngoại giao; vấn đề tuyên truyền, cổ động; nhiệm vụ quân sự; nhiệm vụ kinh tế; vấn đề giao thông; vận động các giới và các đảng phái; vấn đề cán bộ; vấn đề Đảng. Năm 1945, Nguyễn Vịnh được vinh dự mang một tên mới: Nguyễn Chí Thanh. Theo lời kể của Thượng tướng Phùng Thế Tài, tại Hội nghị toàn quốc Đảng, khi nghe tên chữ Nguyễn Chí Thanh trong danh sách Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Nguyễn Vịnh hỏi Đại tướng Võ Nguyên Giáp ngồi bên cạnh: “Nguyễn Chí Thanh là ai mà nghe lạ thế?”. Đại tướng Võ Nguyên Giáp mỉm cưới trả lời: “Là Anh chứ ai nữa, chính Bác đặt tên cho Anh đấy”. Nguyễn Vịnh vừa ngỡ ngàng, vừa sung sướng. Anh cảm động lắm. Từ đây, tên chữ Nguyễn Chí Thanh trở thành một phần lịch sử của quân đội ta và của cách mạng Việt Nam.

Sau Hội nghị toàn quốc của Đảng, Đại hội Quốc dân Tân Trào họp từ ngày 16 đến ngày 17-8-1945, tại xã Tân Trào, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang. Không khí của Đại hội hừng hực, làm người ta nhớ lại Hội nghị Diên Hồng của Triều Trần năm xưa. Đại hội quy định quốc kỳ là cờ đỏ, giữa có ngôi sao vàng năm cánh. Quốc thiều là bài “Tiến quân ca”. Đại hội cử ra Ủy ban Dân tộc giải phóng Việt Nam, gồm các vị: Hồ Chí Minh, Chủ tịch, Trần Huy Liệu, Phó Chủ tịch; các vị ủy viên: Phạm Văn Đồng, Nguyễn Lương Bằng, Dương Đức Hiền, Đặng Xuân Khu (Trường Chinh), Võ Nguyên Giáp, Lê Văn Hiến, Nguyễn Chí Thanh, Phạm Ngọc Thạch, Chu Văn Tấn, Nguyễn Văn Xuân, Cù Huy Cận, Nguyễn Đình Thi, Nguyễn Hữu Đang. Đại hội Quốc dân Tân Trào thể hiện sự đoàn kết nhất trí của toàn thể nhân dân Việt Nam trong Mặt trận Việt Minh, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Đông Dương. Đại hội nói lên tinh thần dựa vào sức mình là chính và ý chí quyết chiến quyết thắng của dân tộc Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống ngoại xâm.

Trong Cách mạng tháng Tám năm 1945 và trong cuộc kháng chiến chống Pháp xâm lược, Nguyễn Chí Thanh đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh và Bộ Chính trị khóa II giao nhiều trọng trách: Bí thư Xứ ủy Trung Kỳ. Từ năm 1948 đến năm 1950, Ông làm Bí thư Liên khu ủy IV, rồi được Chủ tịch Hồ Chí Minh và Bộ Chính trị điều động vào công tác trong quân đội. Cuối năm 1950, được bổ nhiệm giữ chức Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị.

Thượng tướng Phùng Thế Tài kể rằng, vào năm 1951, khi đồng chí Nguyễn Chí Thanh được bổ nhiệm giữ chức Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị chưa được bao lâu, Anh cùng đơn vị đi Chiến dịch Hòa Bình. Trên đường hành quân ra trận phải qua một con suối, ai cũng xắn quần lội qua. Có một cán bộ cấp đại đội hay tiểu đoàn gì đó đang loay hoay với đôi giày, thì thấy một người trạc tuổi chưa đến 40, da ngăm đen, khỏe mạnh, mặc bộ quần áo nâu bạc đi qua. Anh cán bộ nghĩ chắc đây là một bác nông dân, liền gọi lại: – Ông chịu khó cõng mình qua suối được không? “Bác nông dân” đó vui vẻ nhận lời, ghé lưng, vén quần cõng anh cán bộ qua suối. Sang đến bờ bên kia, anh cán bộ phấn khởi vỗ vai người đã cõng mính qua suối, định nói lời cảm ơn. Nhưng bỗng thấy “bác nông dân” nghiêm mặt lại, nói giọng miền Trung nghiêm khắc: – Cậu có biết tớ là ai không? Anh cán bộ chưa kịp định thần vì câu hỏi bất ngờ, thì được nghe người đó nói tiếp: – Tớ là Nguyễn Chí Thanh đây, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị đây. Hôm nay tớ giúp cậu, nhưng nhớ lần sau đừng bắt người khác cõng như thế nữa nhé.

Đại hội II Đảng Cộng sản Đông Dương diễn ra từ ngày 11 đến ngày 19-2-1951, tại xã Vinh Quang, huyện Chiêm Hóa, tỉnh Tuyên Quang. Chủ tịch Hồ Chí Minh nói: “Đại hội ta là Đại hội kháng chiến. Nhiệm vụ chính của Đại hội ta là đẩy mạnh kháng chiến đến thắng lợi hoàn toàn và xây dựng Đảng Lao động Việt Nam”(1). Đại hội đã bầu đồng chí Nguyễn Chí Thanh làm Ủy viên Trung ương Đảng. Ban Chấp hành Trung ương khóa II bầu Bộ Chính trị, Ban Bí thư. Bộ Chính trị được bầu gồm 7 ủy viên chính thức: Hồ Chí Minh, Trường Chinh, Võ Nguyên Giáp, Phạm Văn Đồng, Lê Duẩn, Hoàng Quốc Việt, Nguyễn Chí Thanh và 1 Ủy viên dự khuyết là Lê Văn Lương. Chủ tịch Hồ Chí Minh được bầu làm Chủ tịch Đảng, đồng chí Trường Chinh được bầu làm Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam. Ngày 4-5-1951, Trung ương khóa II ra Nghị quyết về việc mở Chiến dịch Quang Trung, chiến dịch đầu tiên mở ở đồng bằng và chỉ định các vị Võ Nguyên Giáp, Nguyễn Chí Thanh, Lê Thanh Nghị, Văn Tiến Dũng, Hoàng Sâm đứng ra thành lập Đảng ủy Mặt trận Quang Trung, do Đại tướng Võ Nguyên Giáp làm Bí thư.

Năm 1959, đồng chí Nguyễn Chí Thanh được phong quân hàm Đại tướng. Đây là vị Đại tướng thứ hai sau Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Tại Đại hội III của Đảng (1960), Đại tướng Nguyễn Chí Thanh tiếp tục được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư.

Năm 1961, đồng chí Nguyễn Chí Thanh được cử làm Trưởng Ban Nông nghiệp Trung ương Đảng. Lãnh đạo trên mặt trận nông nghiệp, Ông đã phát động và phất cao ngọn cờ “Đại phong”, liên tục phát động các phong trào thi đua trong các hợp tác xã nông nghiệp, giúp ổn định tình hình phát triển trong hoạt động sản xuất nông nghiệp ở miền Bắc. Thời gian này, nông nghiệp và nông thôn Việt Nam phát triển mạnh. Ngoài ra, Ông rất quan tâm đến vấn đề giáo dục và nền học vấn nước nhà. Có lần, Ông đã đến thăm và nói chuyện với giáo viên, học sinh Trưởng phổ thông Bắc Lý, Hà Nam, ngọn cờ đầu của ngành giáo dục miền Bắc lúc bấy giờ.

Năm 1960, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Đại hội Đảng bộ Quân đội. Cũng năm 1960, Chủ tịch Hồ Chí Minh dự Hội nghị Quân chính lần thứ nhất. Cùng đi với Người là Đại tướng Nguyễn Chí Thanh. Có lần, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh gặp và làm việc với Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Nghệ An. Những lần gặp gỡ này, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh đã tranh thủ báo cáo với Người về tình hình xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và đấu tranh thống nhất nước nhà. Người cũng đã trao đổi với đồng chí Nguyễn Chí Thanh về một số vấn đề cách mạng miền Nam và xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc.

Tại Hà Nội, trong hai ngày 25 và 26-9-1964, Bộ Chính trị khóa III họp dưới sự chủ tọa của Chủ tịch Hồ Chí Minh, thảo luận về tình hình mới, chủ trương mới ở miền Nam, phối hợp đấu tranh chính trị, quân sự, binh vận, tranh thủ thời cơ tiến lên giành thắng lợi mới, làm chủ được nông thôn, rừng núi, đồng bằng; đẩy mạnh công tác và phong trào đô thị; gấp rút xây dựng lực lượng chính trị, quân sự, đặc biệt là bộ đội chủ lực; mở rộng thành phần của Mặt trận để tập hợp mọi tầng lớp nhân dân đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Tại Hội nghị này, Chủ tịch Hồ Chí Minh đề nghị tăng cường Ủy viên Bộ Chính trị cho miền Nam Việt Nam. Chủ tịch Hồ Chí Minh và Bộ Chính trị nhất trí cử Ủy viên Bộ Chính trị Nguyễn Chí Thanh và một số cán bộ cao cấp chiến lược và có kinh nghiệm để tăng cường cho chiến trường miền Nam.

Vào một ngày của tháng 10-1964, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, lên đường vào chiến trường miền Nam Việt Nam. Trước khi lên đường vào chiến trường miền Nam, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh đến chào Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch. Người nắm tay Đại tướng, nói đại ý: Chú vào chiến trường miền Nam, cho Bác gửi lời hỏi thăm toàn thể đồng bào và chiến sĩ miền Nam, nói với đồng bào và chiến sĩ miền Nam, rằng, cuộc kháng chiến của nhân dân ta chống Mỹ, cứu nước, nhất định thắng lợi, đất nước nhất định thống nhất, Bắc – Nam nhất định sum họp một nhà. Cuộc chia tay tạm biệt giữa hai người diễn ra trong bầu không khí cảm động và tràn đầy tin tưởng. Cùng vào chiến trường miền Nam Việt Nam đợt này với Đại tướng Nguyễn Chí Thanh có Thiếu tướng Lê Trọng Tấn (sau là Đại tướng) và nhiều cán bộ cao cấp, trung cấp khác.

Vào chiến trường miền Nam, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh được Bộ Chính trị giao nhiệm vụ phụ trách Trung ương Cục miền Nam và làm Chính ủy Quân ủy Miền. Vào chiến trường, Ông lấy bí danh và Sáu Vi và bút danh là Trường Sơn. Chúng ta vẫn còn nhớ nhiều bài báo ký dưới bút danh Trường Sơn lúc ấy, hùng hồn, sang sảng, khí phách, phân tích sâu sắc tình hình địch, tình hình ta trên các chiến trường Đông Dương, đặc biệt là chiến trường miền Nam và khẳng định cuộc kháng chiến này nhất định thắng lợi, làm xúc động lòng người và gây niềm tin cho cán bộ, chiến sĩ và nhân dân.

Trung tướng Đồng Sĩ Nguyên kể rằng, khi đế quốc Mỹ trực tiếp đưa quân vào xâm lược miền Nam Việt Nam, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh được Bộ Chính trị cử vào phụ trách Trung ương Cục miền Nam. Ngay từ những ngày đầu, Đại tướng đã đi thực địa chiến trường và sớm đưa ra kết luận, đánh giá rất ngắn gọn, nhưng vô cùng giá trị gửi về báo cáo Chủ tịch Hồ Chí Minh và Bộ Chính trị khóa III. Trong báo cáo, Đại tướng viết: “Đế quốc Mỹ giàu, nhưng không mạnh”.

Theo một nguồn tài liệu khác, có lần, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh đi bằng thuyền vào đến tận sông Sài Gòn để quan sát tình hình. Thật là một vị tướng lĩnh dũng cảm và đầy mưu trí. Khai thác điểm yếu cơ bản của địch, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh đã chỉ thị cho quân và dân miền Nam rằng: “Hãy nắm thắt lưng địch mà đánh, để giành thắng lợi”. Một khẩu hiệu chiến lược và cũng rất chiến thuật, mà sau này, Thủ tướng Võ Văn Kiệt nhiều lần nhắc lại: “Chính nhờ khẩu hiệu đó, mà quân dân miền Nam chiến đấu đến giành thắng lợi cuối cùng”. Đúng vậy, “còn chiếc đai quần vẫn đánh ngon, khắp miền Nam tiếng súng nổ giòn”.

Tại Hội nghị Trung ương 14 (tháng 6-1967), Đại tướng Nguyễn Chí Thanh đã báo cáo một cách toàn diện tình hình cuộc kháng chiến chống Mỹ ở miền Nam Việt Nam. Nội dung của bản báo cáo đã khẳng định: “Ta nhất định thắng. Mỹ thua đã rõ ràng. Cần phải tiếp tục thế tiến công địch để tiến lên giành thắng lợi quyết định”. Rõ ràng, đây là vị Đại tướng của trận mạc.


Những ngày đầu tháng 7-1967, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh chuẩn bị trở lại chiến trường. Ngày 5-7-1967, Bác Hồ mời đồng chí Nguyễn Chí Thanh đến ăn bữa cơm chiều cùng Bác, cũng là để tiễn vị Đại tướng lên đường ra trận. Ăn cơm xong, Bác tiễn đồng chí Nguyễn Chí Thanh ra tận giàn nho và dừng lại hồi lâu trao đổi với Đại tướng về chiến sự miền Nam. Bác dặn đồng chí Nguyễn Chí Thanh phải giữ gìn sức khỏe. Phút giây chia tay giữa Bác Hồ và Đại tướng Nguyễn Chí Thanh diễn ra thật cảm động. Có ai ngờ rằng, đây là lần gặp cuối cùng của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh với Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ngày 5-7-1967, trong dịp ra họp tại Hà Nội. Đại tướng Nguyễn Chí Thanh và Đại tướng Võ Nguyên Giáp trao đổi tình hình chiến sự chiến trường miền Nam Việt Nam.

Trong lúc sự nghiệp cuộc đời còn đang tiến về phía trước, chẳng may Đại tướng Nguyễn Chí Thanh bị mất đột ngột vào ngày 6-7-1967, tại Hà Nội, thọ 53 tuổi, do một cơn nhồi máu cơ tim trong khi đang  ở Hà Nội để báo cáo với Chủ tịch Hồ Chí Minh và Bộ Chính trị khóa III về tình hình miền Nam Việt Nam. Chủ tịch Hồ Chí Minh vô cùng thương tiếc Đại tướng Nguyễn Chí Thanh từ trần.

Trong bản tham luận đọc tại Hội thảo nhân kỷ niệm 30 năm ngày Đại tướng Nguyễn Chí Thanh qua đời, ngày 5-7-1997, Đại tướng Võ Nguyên Giáp nói: “Nhớ anh Thanh, tôi tưởng nhớ và vô cùng thương tiếc một người bạn chiến đấu thân thiết, một chiến sĩ cộng sản kiên cường, một cán bộ lãnh đạo xuất sắc của Đảng, một tướng lĩnh tài ba của quân đội ta, người đã có những cống hiến quan trọng vào sự nghiệp vẻ vang của Đảng, của dân tộc Việt Nam ta”(2). Chủ tịch Hồ Chí Minh có nhiều học trò xuất sắc. Đại tướng Nguyễn Chí Thanh là một trong những người học trò trung thành và xuất sắc của Người, được Người rất tin tưởng và yêu quý. Ông đã học được ở Người đức tính “cần, kiệm, liêm, chính”, tác phong và nếp sống giản dị, đời tư trong sáng; ở tinh thần đạo đức cách mạng cao cả, hết lòng hết sức phục vụ công cuộc kháng chiến, kiến quốc; ở lòng trung thành với sự nghiệp cách mạng của Đảng, lăn lộn với phong trào yêu nước và cách mạng của quần chúng; ở tấm gương mẫu mực của một nhà chiến lược tầm cỡ của cách mạng Việt Nam; ở việc ra sức chống chủ nghĩa cá nhân, chống tham ô, lãng phí do Chủ tịch Hồ Chí Minh phát động.

Nguyễn Chí Thanh là vị tướng có tài phân tích về tình hình chiến sự và đề ra những giải pháp cho vấn đề giải phóng miền Nam Việt Nam, thống nhất đất nước. Đại tướng Nguyễn Chí Thanh đã đi vào lịch sử cách mạng Việt Nam!

——————————————————–

* * Báo cáo khoa học tại cuộc tọa đàm khoa học, do Tổng cục Chính trị Quân đội Nhân dân Việt Nam và Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch tổ chức ngày 5-7-2017, tại Hà Nôi.

* **Nguyên Phó Viện trưởng Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng, nguyên Chánh Văn phòng, Vụ trưởng, Thư ký Khoa học chuyên trách Hội đồng Lý luận Trung ương.

(1) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2001, tập 12, tr.2.

(2) Theo Thượng tướng Phùng Thế Tài, trong bài “Nguyễn Chí Thanh – Vị Đại tướng được Bác Hồ đặt tên”, đăng trên mạng xã hội.