Mới cập nhật

Chính phủ kiến tạo và thể chế kinh tế




Thủ tướng thăm cánh đồng lúa của Tập đoàn Lộc Trời. Ảnh: Internet


Thực hiện lời hứa trước cử tri cả nước về xây dựng một Chính phủ kiến tạo và phục vụ, một trong những nhiệm vụ được Chính phủ của nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV dồn tâm sức và dành nhiều nỗ lực là công tác xây dựng thể chế kinh tế.


Tại hội nghị được xem là một hội nghị Diên Hồng của ngành lúa gạo tại An Giang mới đây, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc lần đầu tiên đã chỉ ra tầm nhìn mới cho ngành lúa gạo, một trong những ngành sản xuất và xuất khẩu quan trọng nhất của Việt Nam. Đó là Việt Nam sẽ không chỉ là một quốc gia xuất khẩu lúa gạo đạt mức kim ngạch hàng đầu thế giới mà chúng ta phải phấn đấu trong 10 - 20 năm tới, hạt gạo do người nông dân và doanh nghiệp Việt Nam sản xuất ra sẽ đem lại những giá trị gia tăng tốt nhất.

Để đạt được tầm nhìn này, theo Thủ tướng giải pháp quan trọng nhất chính là các giải pháp về thể chế. Điểm đặc biệt là ngay tại diễn đàn hội nghị, Thủ tướng đã chỉ rõ các văn bản liên quan trực tiếp nhất cần rà soát để sớm hiện thực hóa tầm nhìn trên. Đó là Nghị định 109 về kinh doanh xuất khẩu gạo. Thứ hai là Nghị định 35 về quản lý sử dụng đất trồng lúa. Thứ ba là Quyết định 1898 về phê duyệt đề án tái cơ cấu ngành lúa ở Việt Nam đến năm 2020 và tầm nhìn 2030 trong đó có nhiều mục tiêu chưa phù hợp với những gì Thủ tướng vừa nêu về tầm nhìn lúa gạo Việt Nam. Thứ tư là cần sửa Nghị định 55 về chính sách tín dụng phục vụ nông nghiệp, nông thôn.

Câu chuyện về lấy thể chế làm khâu đột phá với ngành lúa gạo là ví dụ cụ thể của câu chuyện Chính phủ kiến tạo và xây dựng thể chế kinh tế trong năm đầu tại nhiệm. Tại hội thảo về triển vọng kinh tế Việt Nam năm 2017 do Ban Kinh tế Trung ương, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội và Trường đại học Kinh tế quốc dân phối hợp tổ chức mới đây tại Hà Nội, các chuyên gia ghi nhận một trong những điểm nổi bật và rõ nét nhất của công tác xây dựng Chính phủ kiến tạo qua một năm là sự thay đổi về tư duy và phương thức điều hành. Theo đó tư duy về xây dựng Nhà nước kiến tạo đã được chuyển thành những thay đổi trong phương thức điều hành kinh tế vĩ mô của Thủ tướng.

Phong cách điều hành hoạt động của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các thành viên Chính phủ đã có sự thay đổi mạnh mẽ. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc được đánh giá là vị Thủ tướng có mật độ đến các tỉnh làm việc dày đặc nhất trong năm đầu tiên của nhiệm kỳ. Thủ tướng cũng là vị lãnh đạo có nhiều chỉ đạo cụ thể nhất, cùng với Tổ Công tác của Chính phủ làm việc với các bộ, ngành về thực thi nhiệm vụ được giao, nhằm cố gắng rút ngắn khoảng cách từ lời nói đến việc làm. Kể từ khi nhậm chức (tháng 4/2016) đến nay, Thủ tướng đã có trên 500 hoạt động cụ thể, trong đó phần lớn là dành ưu tiên cho việc tiếp xúc, lắng nghe, đối thoại, chỉ đạo, định hướng rất cụ thể để từ đó đưa ra giải pháp xử lý, khắc phục hoặc thực hiện, đặc biệt là tại các điểm nóng, thời điểm nóng.

Bên cạnh đó, lãnh đạo Chính phủ đã có nhiều chỉ đạo, quán triệt nhằm đẩy mạnh cải cách hành chính, kiên quyết tháo gỡ những điểm nghẽn cản trở hoạt động sản xuất, kinh doanh; nâng cao sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan Nhà nước. Kết quả rà soát thủ tục hành chính của cơ quan hành chính Nhà nước các cấp đã đề nghị không quy định 252 thủ tục không cần thiết, sửa đổi 901 thủ tục không hợp lý; tổng số thủ tục hành chính được đơn giản hóa lên tới 4.527/4.723 thủ tục (đạt tỷ lệ 95,85%).

Tạo dựng môi trường hỗ trợ khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo của doanh nghiệp có thể coi là điểm nổi bật nhất trong kết quả điều hành theo định hướng xây dựng Chính phủ phục vụ trong năm qua. Năm 2016 là năm mà Chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp đã dồn sức để vượt qua những điểm nghẽn đã tồn tại từ nhiều năm trước. Sự quyết liệt hành động của Chính phủ đã thắp lên ngọn lửa niềm tin từ cộng đồng doanh nghiệp.

Để đà xây dựng thể chế tác động đến môi trường kinh doanh được phát huy, từ đó làm nền cho phát triển bền vững, các chuyên gia cho rằng tiếp tục tạo sự chuyển biến đồng bộ trong cả hệ thống chính trị là cùng việc đổi mới mạnh mẽ phương thức điều hành phát triển kinh tế - xã hội truyền thống của Chính phủ, chuyển mạnh sang điều hành theo các chức năng của Chính phủ kiến tạo nên tiếp tục được xem là hai trong số các đường hướng quan trọng nhất trong thời gian tới. Các chuyên gia cũng đặc biệt lưu ý vấn đề nữa là cần khắc phục cho được tình trạng thể chế “phân mảnh”, nhất là trong khâu xây dựng và ban hành chính sách, pháp luật.

Một yếu tố bắt buộc của Nhà nước kiến tạo, đó là cơ chế tuyển dụng và đãi ngộ người tài. Điều này cho thấy đòi hỏi cần nhanh chóng xây dựng một cơ chế minh bạch, hữu hiệu để tuyển dụng người tài vào các cơ quan Nhà nước chứ không phải là “người nhà” như Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhiều lần nhấn mạnh.

Theo nhìn nhận của TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, thách thức lớn nhất hiện nay với ngành lúa gạo cũng chính là chuyện thay đổi thể chế quản lý ngành lúa gạo theo hướng quản lý chất lượng chứ không còn thuần túy số lượng nữa.

Quang Lộc