Mới cập nhật

Những mẩu chuyện về giáo dục: Cha mẹ đừng làm gương xấu cho con


Gần đây, một số vụ việc liên quan đến hành xử thiếu chuẩn mực giữa phụ huynh với giáo viên có nguyên nhân từ mục tiêu giáo dục học sinh khiến dư luận xã hội đang đặc biệt quan tâm.




Dưới góc độ một chuyên gia có nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực đào tạo kỹ năng sống cho trẻ em, ThS. Đinh Thị Thu Hoài - Giám đốc Trung tâm đào tạo Kỹ năng sống Insight chia sẻ về vai trò của phụ huynh và vai trò của giáo dục gia đình trong giáo dục và hình thành nhân cách của trẻ.
ThS. Đinh Thị Thu Hoài

Cha mẹ - người thầy đầu tiên của trẻ

Gia đình là chân kiềng quan trọng trong thế kiềng 3 chân vững chắc trang bị kiến thức, kỹ năng cho trẻ gồm: gia đình - nhà trường - xã hội. Vậy giáo dục gia đình đóng vai trò như thế nào trong giáo dục nhân cách cho thế hệ trẻ?

Theo ThS. Đinh Thị Thu Hoài, phụ huynh có vai trò vô cùng quan trọng trong việc giáo dục nhân cách cho trẻ. Người thầy đầu tiên của trẻ chính là bố mẹ và ngôi trường đầu tiên của mỗi người chính là gia đình! Vì vậy, muốn dạy trẻ em có nhân cách tốt thì bố mẹ và các thành viên trong gia đình phải là những tấm gương tốt.

Không thể dạy các con phải trung thực trong khi bố mẹ hoặc ai đó trong nhà thường xuyên nói dối. Không thể dạy các con phải ngăn nắp trong khi chính người lớn không gọn gàng và chỉn chu. Không thể yêu cầu con chăm chỉ học hành nếu bố mẹ không thể hiện ra là mình đã và đang ham học. Bố mẹ không có thói quen mua và đọc sách thì cũng thật khó để nói con phải yêu cái “văn hóa đọc”!

Nếu bố mẹ chưa từng nói và làm những việc từ thiện, xã hội thì ít có khả năng là các con “dấn thân” vào những việc “hàng tổng”. Bố mẹ không quen nói lời yêu thương với nhau và với con cái thì các con cũng thấy “ngường ngượng” khi bày tỏ tình cảm của mình với bố mẹ và người khác bằng những lời “có cánh”! Bố mẹ không nhận trách nhiệm về các hành động của mình thì việc các con hay có thói quen đổ lỗi cũng không là một việc lạ. Bố mẹ không tuân thủ quy định thì các con rất nhiều khả năng cũng coi việc vi phạm nội quy là chuyện bình thường.

Bên cạnh việc là một tấm gương tốt thì bố mẹ cần phải rất nghiêm khắc, kiên định nhưng cũng phải thật bao dung. Giống như tinh thần của một cuốn sách khá nổi tiếng thì Bố mẹ cần “Vô cùng tàn nhẫn”, nhưng cũng cần phải “Vô cùng yêu thương” với các con của mình!

ThS. Đinh Thị Thu Hoài nhấn mạnh rằng: Việc giáo dục các con sẽ là một hành trình thật dài và rất nhiều “chông gai”. Nếu không nghiêm khắc và kiên định, rất có thể nhiều lúc các bố mẹ sẽ dễ dãi, “xề xòa” trước các hành vi và thái độ của con. Cũng có nhiều khi các con có những phản ứng tiêu cực khiến bố mẹ thấy “oải”, và muốn “buông tay” thậm chí là “đầu hàng”, nếu không kiên định thì coi như lại trở về vị trí ban đầu hoặc thậm chí còn trở nên tồi tệ hơn nữa.

Mặc dù nghiêm khắc với con, luôn dạy con những điều “điều hay lẽ phải” và về sự tử tế nhưng cũng có thể trong một lúc nào đó các con có thể mắc lỗi, thậm chí là “trọng lỗi”. Những lúc như vậy, bố mẹ cần là người bên cạnh để chia sẻ, động viên, an ủi con và giúp con nhận ra lỗi lầm cũng như nhận trách nhiệm hoàn toàn về những việc mà mình gây nên.










Tham gia các hoạt động tập thể là cơ hội tốt để con bộc lộ tính cách


Gia đình và nhà trường: Càng khăng khít càng hiệu quả

Trong hành trình giáo dục thế hệ trẻ, chúng ta hay nói tới sự phối hợp giáo dục giữa nhà trường – gia đình và xã hội. Muốn tạo nên một nhân cách tốt, một thế hệ có kiến thức, hoài bão và sống có đạo đức, sự phối hợp giáo dục này là không thể tách rời. Đặc biệt là mối liên hệ và phối hợp chặt chẽ giữa gia đình và nhà trường.

Theo phân tích của ThS. Đinh Thị Thu Hoài: Lúc còn nhỏ, các con ở với gia đình là chủ yếu nhưng càng lớn thì thời gian mà các con “sống” ở nhà trường và xã hội sẽ càng nhiều lên so với thời gian “sống” ở nhà! Môi trường xung quanh sẽ ảnh hưởng rất lớn đến việc hình thành và phát triển nhân cách của các con. Vì vậy bố mẹ cần lựa chọn ngôi trường cho con học một cách kỹ lưỡng tuỳ theo điều kiện và kỳ vọng của gia đình. Nên thường xuyên liên hệ với các thầy cô giáo và thậm chí là các bạn của con để nắm bắt tình hình.

Bố mẹ nên cùng tham gia với các hoạt động tham quan dã ngoại của lớp con để quan sát khả năng cũng như tính cách của con mình thông qua những hoạt động và công việc thực tế. Việc đưa đón con đi học cũng là một điều kiện tốt để quan sát những gì xung quanh “thế giới của con”.

Ngoài trường học, phụ huynh nên tạo cơ hội cho con tham gia nhiều hoạt động xã hội, phát triển cộng đồng để con tăng cường khả năng hòa nhập, giao tiếp và khả năng tự tin, tự chủ, tự lập sau này. Bên cạnh đó, việc tham gia các hoạt động xã hội lành mạnh còn giúp các con học cách biết yêu thương, chia sẻ, giúp đỡ, hợp tác và có tinh thần “cống hiến” cho cộng đồng.


Theo báo Giáo dục và Thời đại