Giải Nobel Hóa học 2017 gây bất ngờ lớn
Viện Hàn lâm Khoa học Hoàng gia Thụy Điển tại Stockholm hôm 4-10 công bố chủ nhân giải
Nobel Hóa học 2017 là ba nhà khoa học Jacques Dubochet, Joachim Frank và Richard
Henderson.
Viện Hàn lâm Khoa học Hoàng gia Thụy Điển tại Stockholm hôm 4-10 công bố chủ nhân giải Nobel Hóa học 2017 là ba nhà khoa học Jacques Dubochet, Joachim Frank và Richard Henderson.
Giải thưởng được công bố lúc 16 giờ 50, theo giờ Việt Nam. Theo Viện Hàn lâm Khoa học Hoàng gia Thụy Điển, ba nhà khoa học Jacques Dubochet (Thụy Sỹ), Joachim Frank (Mỹ) và Richard Henderson (Anh) được vinh danh vì "phát triển dùng kính hiển vi cryo-electron cho xác định cấu trúc phân giải cao của phân tử sinh học trong dung dịch".
Công trình mà bộ ba nhà khoa học này đã thực hiện đã cho phép các nhà khoa học xem được các cấu trúc của phân tử sinh học và các tiến trình liên quan tới chúng.
Việc phát triển kính hiển vi cryo-electron cũng đóng góp quan trọng cho nhiều lĩnh vực nghiên cứu, gần đây nhất là nó giúp theo dõi virus Zika gây nên những phá hủy não bộ của trẻ sơ sinh.
Ba nhà khoa học đoạt giải Nobel Hóa học 2017. Ảnh: Reuters
Tiến sĩ Stuart Cantrill, Tổng biên tập tờ Nature Chemistry nói rằng giải thưởng năm nay là một bất ngờ với nhiều người bởi một lần nữa các công trình về ắc quy lithium-ion và hiệu chỉnh gene CRISPR lại lỡ hẹn. Tuy nhiên, vị tiến sĩ cũng khẳng định ba nhà khoa học được vinh danh năm nay hoàn toàn xứng đáng.
"Như vậy, tất cả các giải Nobel được công bố cho tới lúc này, bao gồm Y học, Vật lý, Hóa học, đều thuộc về các nhà khoa học nam, tổng cộng là 9 người.
Trước khi Viện Hàn lâm Khoa học Hoàng gia Thụy Điển tại Stockholm công bố kết quả chính thức nói trên, giới phân tích cho rằng những công trình nghiên cứu về chức năng của C-H, perovskites (các vật liệu gốm có cấu trúc tinh thể) và các phản ứng hóa học không đồng nhất rất có thể sẽ giành Nobel Hóa học năm 2017.
Dẫn đầu khả năng chiến thắng theo dự đoán của tổ chức Clarivate (Mỹ) là các nhà hóa học người Mỹ John Bercaw, Robert Bergman và nhà nghiên cứu người Nga Georgiy Shul'pin với công trình đóng góp quan trọng đối với các chức năng C-H, phản ứng tiềm năng có thể được ứng dụng rộng rãi thay thế Carbon – Hydro bằng Carbon – Carbon hoặc một số liên kết khác.
Trong khi đó, kỹ sư hóa học Jens Norskove tại Trường ĐH Stanford (Mỹ) cũng là cái tên được giới chuyên gia dự đoán có tiềm năng lớn đoạt giải Nobel Hóa học 2017 với nghiên cứu về các phản ứng hóa học xúc tác không đồng nhất, có thể giúp ích cho việc tổng hợp Amoniac (NH3) và nhiên liệu pin…
Đây là lần thứ 109 giải Nobel Hóa học được công bố. 108 giải Nobel Hóa học được trao trước đó vinh danh tổng cộng 175 nhà khoa học từ năm 1901, trong số đó chỉ có 4 phụ nữ (với hai người là mẹ con). Nhà khoa học Marie Curie đoạt giải năm 1911 và con gái của bà – nhà khoa học Irène Joliot-Curie - chia sẻ giải Nobel Hóa học năm 1935 với chồng, ông Frédéric.
Nhà khoa học nữ Dorothy Crowfoot Hodgkin được vinh danh năm 1964 và tới 45 năm sau mới có một phụ nữ khác đoạt được giải thưởng này vào năm 2009, bà Ada Yonath.
Cho tới nay, mới chỉ có một nhà khoa học được vinh danh giải Nobel Hóa học tới hai lần, đó là ông Frederick Sanger vào năm 1958 và 1980. Lần đầu tiên, ông ôm trọn giải thưởng một mình với công trình về cấu trúc của insulin, lần thứ hai ông chia sẻ giải thưởng với hai nhà khoa học Paul Berg và Walter Gilbert nhờ công trình nghiên cứu về sự sắp xếp ADN.
Theo báo Người Lao động