Mới cập nhật

10 sự kiện Kinh tế - Xã hội nổi bật năm 2017


Năm 2017 dần đi qua với nhiều sự kiện quan trọng mang tính bước ngoặt, tác động sâu sắc và lâu dài tới bước đường phát triển đất nước. Dưới đây 10 sự kiện Kinh tế - Xã hội nổi bật được chúng tôi lựa chọn

1.Tổ chức thành công APEC



Diễn ra tại TP Đà Nẵng từ ngày 6 đến 11/11/2017 Hội nghị Cấp cao lần thứ 25 Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC 25) đã kết thúc thành công. Thành công của APEC 25 tổ chức tại Việt Nam được bạn bè quốc tế đánh giá rất cao.


Với chủ đề: “Tạo động lực mới cùng vun đắp tương lai chung”, tại Hội nghị Cấp cao APEC 25, các nhà lãnh đạo và Trưởng đoàn 21 nền kinh tế thành viên APEC, cùng khách mời là Giám đốc điều hành Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) Christine Lagarde đã cùng nhau bàn thảo những vấn đề quan trọng trong 2 phiên họp kín mang chủ đề lần lượt là “Tăng trưởng sáng tạo, phát triển bao trùm và việc làm bền vững” và “Các động lực mới cho thương mại, đầu tư và liên kết khu vực”.


Trong Tuần lễ Cấp cao APEC 2017, nhiều sự kiện quan trọng đã được tổ chức như Hội nghị tổng kết Các quan chức cấp cao APEC (CSOM), Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh (VBS), Cuộc họp của Hội đồng Tư vấn doanh nghiệp APEC (ABAC), Hội nghị liên Bộ trưởng Ngoại giao - Kinh tế (AMM), Hội nghị Thượng đỉnh Doanh nghiệp (CEO Summit)…


 
10-su-kien-kinh-te-xa-hoi-noi-bat-nam-2017
APEC 2017 được tổ chức thành công là một trong sự kiện quan trọng của đất nước năm 2017. 

 

Cũng trong khuôn khổ APEC 2017, Việt Nam đã tổ chức Đối thoại không chính thức lần đầu tiên giữa APEC và ASEAN về chủ đề “Cùng tạo động lực mới, vì một châu Á-Thái Bình Dương kết nối toàn diện”, với sự tham dự của các nhà lãnh đạo các nền kinh tế APEC và 10 nhà lãnh đạo các nước ASEAN.


Bên lề Hội nghị Cấp cao Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) tại Đà Nẵng, ngày 11/11, các Bộ trưởng Thương mại 11 quốc gia ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương đã họp không chính thức và đạt được nhiều thỏa thuận quan trọng về những nội dung lớn của Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Theo đó, các bộ trưởng thống nhất đạt được Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) nhằm thay thế cho TPP.


Công tác tổ chức APEC lần thứ 25 của nước chủ nhà Việt Nam từ cơ sở hạ tầng mà còn cả về chất lượng các chương trình và chất lượng đại biểu nhận được đánh giá tốt đẹp của lãnh đạo các nền kinh tế tham dự.


2.Một năm “Lò nóng lên rồi thì củi tươi vào cũng phải cháy”


Phòng chống tham nhũng năm 2017 được thể hiện không chỉ bằng lời nói, bằng những phát biểu đanh thép của người đứng đầu Đảng, Nhà nước mà còn thể hiện qua vụ việc cụ thể.


Chủ trì phiên họp lần thứ 12 của Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng - Trưởng Ban chỉ đạo khẳng định: Đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực không phải lẻ mẻ từng vụ, từng việc mà bây giờ đã thành phong trào, thành một xu thế, làm có bài bản, phân công cơ quan nào làm, kết quả thế nào, bao giờ xong.



10-su-kien-kinh-te-xa-hoi-noi-bat-nam-2017
Một năm “Lò nóng lên rồi thì củi tươi vào cũng phải cháy” của Tổng bí thư. 

 

“Khi tiếp xúc cử tri, tôi hay nói: Cái lò đã nóng lên rồi thì củi tươi vào đây cũng phải cháy. Củi khô, củi vừa vừa cháy trước, rồi cả lò nóng lên, tất cả các cơ quan vào cuộc, có ai đứng ngoài đâu. Và không thể đứng ngoài được. Cá nhân nào muốn không làm cũng không thể được, thế mới là thành công”, Tổng Bí thư nhấn mạnh.


 Khi lò đã nóng, công cuộc phòng chống tham nhũng đã thực hiện đúng tinh thần Nghị quyết Trung ương 4, Khóa XII đó là không có vùng cấm, không có ngoại lệ. Những vụ việc bắt xử lý ông Đinh La Thăng – Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương, cựu Chủ tịch Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) Nguyễn Quốc Khánh, kỷ luật ông Vũ Huy Hoàng, ông Huỳnh Minh Chắc, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang…


3.Kinh tế Việt Nam với con số ấn tượng


Dù tình hình kinh tế thế giới khó khăn, nhưng kinh tế Việt Nam trong năm 2017 tăng trưởng ấn tượng đặc biệt trong quý 3. Tính chung 9 tháng đầu năm GDP thực tăng trưởng 6,4%. Trong đó, tăng trưởng công nghiệp đã đạt 12,8%, nông nghiệp cũng tiếp tục phục hồi mở rộng 2,8%, ngành du lịch, lĩnh vực dịch vụ đã mở rộng 7,3%.


Chỉ số giá tiêu dùng CPI hiện ở mức trung bình 3,0% với lạm phát cơ bản ổn định ở mức 1,3% so với cùng kỳ trong tháng 10. Với điều kiện thuận lợi từ lạm phát giảm, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam trong tháng 7 cắt giảm lãi suất tái chiết khấu và tái cấp vốn 25 điểm cơ bản tương ứng 4,25 và 6,25%. Tăng trưởng tín dụng tính đến tháng 10 đạt mức 18,5%.



10-su-kien-kinh-te-xa-hoi-noi-bat-nam-2017
Tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2017 với nhiều con số ấn tượng. 

 

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã giữ tỷ giá danh nghĩa USD trong biên độ giao động hẹp với mức hạ giá 1,4% trong 10 hoặc 11 tháng. Điều này đã giúp duy trì hiệu quả thực tế của tỷ giá hối đoái tiền đồng và cho phép NHNN tiếp tục mở rộng dự trữ ngoại hối khoảng 5 tỷ USD trong 3 quý đầu năm, nâng tổng dự trữ quốc tế lên khoảng 42 tỷ USD vào cuối tháng 9, tương đương gần 3 tháng nhập khẩu.


4.Đại án kinh tế với con số kỷ lục


Năm 2017 ghi nhận 12 đại án kinh tế được đưa ra xét xử với những con số kỷ lục. Trong đó đáng chú ý nhất là đại án kinh tế tại Oceanbank tòa án triệu tập 727 đương sự, 51 bị cáo với có khoảng 50 luật sư tham gia bào chữa, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho các bị cáo, các đương sự tại phiên tòa. Sai phạm của các bị cáo trong đại án kinh tế Ocebank gây thiệt hại gần 2.000 tỷ đồng.


Một điều dễ nhận thấy trong các vụ đại án kinh tế được đưa ra xét xử năm 2017, hầu hết là các vụ án liên quan đến ngành ngân hàng. Điển hình như: Vụ án “cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng; vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng” xảy ra tại Ngân hàng TMCP Xây dựng Việt Nam (VNCB), Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương tín (Sacombank), Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank), Ngân hàng TMCP Đầu tư và phát triển Việt Nam (BIDV).



10-su-kien-kinh-te-xa-hoi-noi-bat-nam-2017
Một năm có nhiều đại án kinh tế được đưa ra xét xử (phiên tòa xét xử đại án Oceanbank giai đoạn 1). Ảnh: Minh Quang

Vụ án “thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Ngân hàng Nhà nước Việt Nam;


Vụ án “vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng” liên quan đến hành vi của nhóm Hội đồng tín dụng Ngân hàng Đại Tín gồm Hoàng Văn Toàn và các thành viên khác;


Vụ án “cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Công ty cho thuê tài chính, Ngân hàng Đầu tư và phát triển Việt Nam; Vụ án “lạm quyền trong khi thi hành công vụ” xảy ra tại Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, chi nhánh 6 TP HCM; Vụ án “đưa hối lộ” và “nhận hối lộ” xảy ra tại Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, chi nhánh 7 TP HCM.


Vụ án “cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”, “vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng” xảy ra tại Ngân hàng TMCP Đại Tín liên quan đến hành vi của Hứa Thị Phấn.


5.Thiên tai lũ quét lịch sử


Chỉ trong vòng 5, 6 ngày (từ 9/10 - 14/10) mưa lớn kéo dài dẫn đến lũ quét và sạt lở đất đã gây thiệt hại nặng nề cho các tỉnh miền núi phía Bắc và khu vực Bắc Trung Bộ. Trong đó Yên Bái và Hòa Bình là hai địa phương chịu thiệt hại nặng nề nhất.


Theo thống kế trận mưa lũ lịch sử đã làm 68 người chết, 34 người mất tích, 32 người bị thường, 46.117 căn nhà bị sập…



10-su-kien-kinh-te-xa-hoi-noi-bat-nam-2017
Năm 2017 liên tiếp mưa lũ khiến hàng trăm người chết và mất tích.

 

Ngay khi mưa lũ lịch sử tại miền Bắc và Bắc Trung Bộ đi qua thì Nam Trung Bộ và Tây Nguyên lại phải gánh chịu hậu quả cơn bão số 12. Theo ông Trần Quang Hoài, Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, bão số 12 alf cơn bão mạnh nhất trong nhiều năm đã đổ bộ vào nước ta, gây thiệt hại nặng nề về người, cơ sở hạ tầng và sản xuất kinh doanh.


Bão số 12 đã làm 107 người chết, 16 người mất tích và 342 người bị thương. Hơn 165.000 ngôi nhà bị ảnh hưởng, trong đó hơn 3.500 nhà bị thiệt hại hoàn toàn. Theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp Nguyễn Xuân Cường bão số 12 đã gây thiệt hại gần 1 tỷ USD.


6.BOT gây phản ứng mạnh trong dư luận


Chưa bao giờ, chủ đề trạm thu phí giao thông BOT lại làm "nóng" báo chí, dư luận xã hội như năm 2017. Điểm nóng đáng chú ý nhất có lẽ là BOT Cai Lậy (Thị xã Cai Lậy, Tiền Giang). Trạm BOT Cai Lậy được đặt tren Quốc lộ 1 nhằm thu phí hoàn vốn đầu tư tại dự án tuyến đường tránh qua thị xã Cai Lậy và sửa chữa tuyến đường Quốc lộ 1 tại thị xã Cai  Lậy.


Cho rằng vị trí đặt trạm thu phí không đúng nên ngay từ thời điểm bắt đầu thu phí (tháng 8/2017), người dân đã phản ứng bằng cách trả phí bằng tiền lẻ có mệnh giá thấp. Việc này dẫn đến ùn tắc giao thông cuối cùng phải tạm dừng thu phí 3 tháng.



bot-cai-lay-
Trạm thu phí BOT nói chung và BOT Cai Lậy nói riêng là điểm nóng thời sự trong năm qua.

 

Đến ngày ngày 30/11 khi trạm BOT này thu phí trở lại hiện tượng tài xế dùng tiền lẻ lại diễn ra dẫn đến ùn tắc. Trước lùm xùm tại trạm thu phí này Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu tạm dừng thu phí 1 tháng để ngành giao thông có phương án xử lý.


Không chỉ BOT Cai Lậy, năm 2017 ghi nhận việc người dân phản đối ở hàng loạt trạm thu phí BOT như trạm thu phí Tam Nông (Phú Thọ), trạm thu phí BOT Cầu Rác (Hà Tĩnh),  BOT Cầu Bến Thủy (Quảng Bình), BOT Quốc lộ 5…


7.Biến cố Đồng Tâm


Vụ việc bắt nguồn từ tranh chấp đất đai kéo dài nhiều năm và trở thành điểm nóng khi người dân ở đây cho rằng hàng chục ha đất được quyết định giao cho Tập đoàn Vietel thực hiện dự án là đất nông nghiệp của xã chứ không phải đất quốc phòng.


Ngày 30/3/2017, sau khi Công an TP Hà Nội ra quyết định khởi tố vụ án “gây rối trật tự công cộng”; Cục Điều tra hình sự (Bộ Quốc phòng) ra quyết định khởi tố vụ án “chống người thi hành công vụ” và vụ án “Vi phạm các quy định về sử dụng đất đai”.



10-su-kien-kinh-te-xa-hoi-noi-bat-nam-2017
Chủ tịch TP Hà Nội Nguyễn Đúc Chung về xã Đồng Tâm để đối thoại với người dân.

 

Ngày 15/4/2017, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an TP Hà Nội đã áp dụng biện pháp ngăn chặn, bắt giữ 4 công dân về hành vi gây rối trật tự công cộng để điều tra. Trong đó có Đảng viên lão thành là cụ Lê Đình Kình, 82 tuổi - một người được người dân Đồng Tâm rất kính trọng. Động thái này đã khiến bức xúc của nhân dân nơi đây lên đến đỉnh điểm.


Ngay sau đó, tình hình trở nên phức tạp hơn khi một số công dân xã Đồng Tâm tập trung đông người bao vây, giữ trái phép 38 cán bộ huyện Mỹ Đức và cán bộ, chiến sĩ công an, sau đó giữ họ tại Nhà văn hóa thôn Hoành. Tại đây, dân cử người canh giữ, nấu ăn và phục vụ vệ sinh cá nhân cho những người bị giam giữ.


Từ ngày 16/4-19/4/2017, mọi lối ra vào trong thôn đều được bà con dựng chướng ngại vật. Bất cứ người lạ nào đều không lọt vào được trong làng nếu không có sự đồng ý. Trên các con đường, ô tô không thể lọt vào, chỉ có xe máy có thể lách qua đi lại.


Phải sau khi Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung về huyện Mỹ Đức để đối thoại với bà con sự việc mới dần được giải quyết.


8.Lùm xùm “cấp phép” cho cả những ca khúc quen thuộc


Nắm 2017 có thể nói là một năm không vui của ngành biểu diễn nước nhà với những lùm xùm không đáng có khiến dư luận bất bình khi Cục Nghệ thuật biểu diễn (NTBD) tiến hành 'cấp phép' cho cả những ca khúc quen thuộc, trong đó có Quốc ca.


Theo đó sự việc bắt đầu từ ngày 16/12/2016, Sở Văn hóa - Thông tin TP HCM gửi công văn lên Cục NTBD về việc xem xét lại nội dung một số ca khúc sáng tác trước 1975. Tháng 3/2017, Cục NTBD ban hành quyết định thu hồi 5 bài hát sáng tác trước năm 1975.



10-su-kien-kinh-te-xa-hoi-noi-bat-nam-2017
Ông Nguyễn Đăng Chương bị thôi chức Cục trưởng Cục NTBD vì những lùm xùm liên quan tới cấp phép phổ biến ca khúc.

 

Cũng trong tháng 4/2017, ca khúc Nối vòng tay lớn của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn phải được Cục NTBD “cấp phép phổ biến” mới được biểu diễn vào đêm nhạc tri ân nhạc sĩ này ngày 21/4. Điều này càng làm tăng thêm sự bức xúc của dư luận. Cục NTBD tiếp tục công bố phổ biến hơn 300 bài trên website lẫn lộn vào danh sách các bài hát đã được “cấp phép phổ biến” trong đó nhiều bài hát quen thuộc như Tiến quân ca (Văn Cao), Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng (Phạm Tuyên)…


Ngày 22/5, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chỉ đạo Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về hoạt động biểu diễn nghệ thuật, đề xuất sửa đổi phù hợp với yêu cầu phát triển.


Ngày 29/5, ông Nguyễn Đăng Chương bị thôi chức Cục trưởng Cục NTBD.


9.Chạy thận 8 người chết tại Bệnh viện Đa khoa Hòa Bình


Sự việc xảy ra tại Khoa Thận nhân tạo của Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình vào chiều 29/5. Vụ việc bắt đầu khi có khoảng 20 bệnh nhân được đưa vào chạy thận nhân tạo, nhưng 18 bệnh nhân có biểu hiện khó thở, huyết áp tụt, đau bụng, nôn, ngứa.



10-su-kien-kinh-te-xa-hoi-noi-bat-nam-2017
Một trong số 8 bệnh nhân bị chết sau khi chạy thận nhân tạo tại Bệnh viên Đa khoa tỉnh Hòa Bình.

 

Tuy nhiên, một số bệnh nhân có diễn biến bệnh nặng hơn, tình trạng diễn biến xấu đi hệ quả khiến 8 người chết. 10 bệnh nhân còn lại gấp rút được chuyển về Bệnh viện Bạch Mai điều trị.


Đây là sự cố y khoa nghiêm trọng nhất trong lịch sử chuyên ngành chạy thận nhân tạo. Liên quan tới vụ việc này, Công an tỉnh Hòa Bình đã khởi tố bị can, bắt 3 đối tượng Bùi Mạnh Quốc (SN 1986, Giám đốc Công ty TNHH xử lý nước Trâm Anh) và 2 cán bộ Bệnh viện Đa khoa Hòa Bình là Trần Văn Sơn (SN 1990) và Hoàng Công Lương (SM 1986).


10.Ủy ban Kiểm tra kết luận hàng loạt vi phạm


Trong suốt năm 2017, hầu hết sau các kỳ họp Ủy ban Kiểm tra Trung ương đều ra các quyết định kỷ luật hàng loạt cán bộ cấp cao ở các tỉnh từ Đà Nẵng, Gia Lai, Bình Định, Quảng Nam, Vĩnh Phúc…


Điển hình như ông Lê Phước Thanh (nguyên Bí thư tỉnh ủy Quảng Nam nhiệm kỳ 2010 - 2015), Bí thư tỉnh ủy Vĩnh phúc nhiệm kỳ 2010 - 2015 Phạm Văn Vọng; Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Xuân Anh, Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai (nhiệm kỳ 2006 - 2010 và 2011 - 2016) Phạm Thế Dũng, nguyên Bí thư Tỉnh uỷ Bình Định Nguyễn Văn Thiện...


Đáng chú ý nhất là kết luận sai phạm và đưa ra hình thức xử lý với của Ban Thường vụ Đảng ủy Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam và một số cá nhân có liên quan gồm ông Đinh La Thăng, Phùng Đình Thực, Đỗ Văn Hậu, Nguyễn Xuân Sơn, Nguyễn Quốc Khánh…


Hoàng Lâm/Tạp chí SHTT