Câu chuyện kinh doanh: Xuất phát điểm từ 10 tỷ đồng xây dựng nên doanh nghiệp trị giá hơn 200 triệu USD
Xuất phát điểm từ 10 tỷ đồng, công ty này đã dựa vào cây thuốc cổ truyền như đinh lăng, đắng đất, xây dựng nên doanh nghiệp trị giá hơn 200 triệu USD
Cuối thế kỷ 20, cứ 100 công ty thì có đến 90 công ty chọn tân dược. Doanh nghiệp này đã đi theo hướng ngược lại, tận dụng những cây thuốc của người Việt như đinh lăng, rau đắng đất, bước chân vào con đường đông dược. Từ doanh nghiệp vốn điều lệ 10 tỷ đồng, giá trị tài sản chỉ vẻn vẹn 4,5 tỷ đồng, nay Traphaco đã được định giá thương hiệu hơn 28 triệu USD.
Một người nông dân ở vùng trồng đinh lăng của Traphaco tại Nam Định. Ảnh: Traphaco.
Tạo dựng thương hiệu từ bản sắc dân tộc
Trong chương trình Quốc gia Khởi nghiệp phát sóng trên VTV1 mới đây, bà Vũ Thị Thuận – Chủ tịch HĐQT Trapaco – đã chia sẻ về những khó khăn của doanh nghiệp này khi đang chông chênh giữa 2 con đường: Sản xuất Tân dược hay Đông dược.
Traphaco trước khi cổ phần hóa là công ty Nhà nước trực thuộc Bộ Giao thông Vận tải, có vốn điều lệ 10 tỷ đồng, giá trị tài sản chỉ ở mức 4,5 tỷ đồng.
Thời điểm đó, có 100 doanh nghiệp sản xuất dược thì đến 99 xí nghiệp sẽ lựa chọn hướng đi sản xuất tân dược. “Sản xuất Tân dược hay Đông dược?” cũng là câu hỏi mang tính chiến lược với Traphaco lúc bấy giờ.
Nhìn nhận thị trường tân dược rồi đây sẽ cạnh tranh khốc liệt, Traphaco còn nhỏ và yếu, bước vào rõ ràng sẽ không thể tồn tại được.
Bà Vũ Thị Thuận - Chủ tịch HĐQT Traphaco - trong chương trình Quốc gia Khởi nghiệp.
“Trong suốt thời chiến tranh, các bệnh xá, quân y sử dụng thuốc nam rất nhiều. Ngày đó, cây Thanh hao hoa vàng được dùng trong chiến tranh rồi, cây Đinh lăng ngày xưa còn được gọi là “Nhân sâm của bộ đội cụ Hồ”. Nhưng sau khi chiến tranh kết thúc, mọi người dường như đã lãng quên…”, người phụ nữ 17 năm ở cương vị cao nhất của Traphaco chia sẻ thêm về lý do Traphaco chọn hướng đi theo Đông dược.
Chọn bước chân vào Đông dược đã khó, chọn đi các bước tiếp theo còn khó hơn. Khi ấy, một số ít doanh nghiệp lựa chọn Đông dược đã phát triển bằng cách khai thác nguồn dược liệu phong phú của Việt Nam một cách triệt để. Mà Traphaco nếu chọn hướng sản xuất thuốc dựa vào nguyên liệu nhập khẩu thì rất khó cạnh tranh với sản phẩm nhập ngoại.
“Traphaco lúc bấy giờ cực kỳ khó khăn. Ngành dược phẩm sản xuất tân dược của chúng ta nhập đến 90%. Chỉ các nước phát triển có pa tăng (sáng chế - PV) và có sản xuất, chúng ta phải mua từ họ . Từ 2002, chúng tôi đã có nhà máy nhỏ tại Sapa, khi cổ phần hóa chúng tôi đã nghĩ đến ngay vùng nguyên liệu, và đã đến ngay một địa danh vùng tiểu khí hậu rất đặc biệt”.
“Lúc đó, chúng tôi nghĩ ngay đây là vùng trồng dược liệu”, bà Thuận kể lại.
Trở thành doanh nghiệp vốn hóa gần 5.000 tỷ đồng nhờ phát triển cây đinh lăng, rau đắng đất
Nếu như các doanh nghiệp sản xuất đông dược khác phải nhập khẩu 90% dược liệu, thì Traphaco tự cung cấp 72% dược liệu cho nhu cầu sản xuất của mình.
Giữa năm nay, Traphaco công bố dược liệu sản xuất theo GACP-WHO cho 2 vùng trồng dược liệu Đinh lăng và Rau đắng đất. Vùng thu hái Đinh lăng của Traphaco được đặt tại huyện Hải Hậu, Nam Định, diện tích 50ha với sản lượng dự kiến 450 tấn/năm.
Vùng thu hái Rau Đắng Đất được trồng tại huyện Tây Hòa, tỉnh Phú Yên với diện tích thu hái là 1.200ha và sản lượng dự kiến khoảng 150 tấn/năm.
Trước đó, doanh nghiệp này cũng đã xây dựng được vùng trồng Actiso 90 ha tại 2 huyện Bắc Hà và Sapa với 200 hộ nông dân tham gia thực hiện, sản lượng khoảng 1.800 tấn dược liệu tươi/năm.
Năm 2017, trong danh sách 40 thương hiệu công ty giá trị nhất Việt Nam do Forbes Việt Nam công bố, Traphaco xếp thứ 30, được đinh giá 28,6 triệu USD.
Chốt phiên giao dịch ngày 15/12, mã cổ phiếu TRA của Traphaco có giá đóng cửa ở mức 116.500 đồng/cổ phiếu, giá trị vốn hóa ở mức 4.800 tỷ đồng.
Các bạn khởi nghiệp đừng nhảy lung tung, phải có 1 sản phẩm nuôi sống được DN
Trong bối cảnh các sản phẩm ngoại tràn lan trên thị trường nội địa, những sản phẩm mang tính truyền thống liệu có bị “lép vế”? Bà Thuận cho rằng: Trở về tự nhiên là xu thế của thế giới, và Đông dược là một thị trường tiềm năng, chứ không phải khó phát triển.
“Tôi đi du lịch cũng muốn mua sản phẩm địa phương, chứ không phải sản phẩm công nghiệp. Tại sao làm bằng tay đắt thế? Tôi nghĩ với sản phẩm truyền thống, không chỉ là vấn đề giá trị sử dụng nó mà nó còn chưa đựng trong đấy cả một nền văn hóa”, bà Thuận chia sẻ.
Với các bạn trẻ khởi nghiệp trong lĩnh vực Đông dược, bà Thuận khuyên nhủ: Trước mắt có thể lựa chọn phát triển theo nhu cầu thị trường, nhưng nếu gia tăng trí tuệ, nghiên cứu để có được cái “know how” trong sản phẩm mà chúng ta thường gọi là “kết tinh giá trị nghiên cứu khoa học” trong đấy, thì sản phẩm sẽ có đời sống dài hơn.
“Chúng tôi cũng muốn nói với các bạn khởi nghiệp: Không nên làm chỉ 1 sản phẩm. Nhưng trước hết, phải có một sản phẩm giữ được để nuôi sống DN mình, chứ nhảy lung tung thì chi phí lại quá lớn cho việc tìm tòi. Còn khi đã chọn đúng thì chúng ta phải kiên trì để sản phẩm sống. Sống rồi thì vẫn phải tiếp tục sản phẩm khác”, Chủ tịch HĐQT Traphaco nhắn nhủ.