Đọc thơ Xâyphớt
Thủ đô Praha, Cộng hòa Séc
Thức trắng đêm rồi đọc thơ Ông
Nhà thơ đất Tiệp giải Nobel
Hồn thơ lai láng lòng man mác
Lấp lóa tình yêu trước ngọn đèn.
Thơ Ông là một cặp tình nhân
Khát khao hít lấy những hương thơm
Vòng ôm dính chặt không gỡ nổi
Cỏ cây hoa nở giữa thanh thiên.
Tình yêu óng ánh những hạt sương
Mùa xuân vẻ đẹp cấp số nhân
Màu sắc lang thang muôn ngàn tía
In hình trong suốt dòng sông xanh.
Thơ Ông đã khóc những tâm hồn
Những cánh hoa đời lạc trong đêm
Một đóa phù dung thành gái gọi
Bởi đâu lỗi tại em gây nên!
Bao phen vật lộn với đời trần
Quằn quại vật vờ suốt thâu đêm
Vẫn biết rằng em đâu có muốn
Mà đời lại như con thiêu thân.
Khi nhận thấy nồng độ tình yêu
Từ từ hạ xuống điểm đóng băng
Còn gì lạnh lẽo bằng băng giá
Còn gì đau đớn bằng mất trinh.
“Tình yêu muôn năm” vốn lẽ thường
Nhưng rồi như con chim bị thương
Nó nằm rã cánh trên đường vắng
Không kẻ đoái hoài chẳng vấn vương.
Chỉ có những ai yêu quê hương
Rằng tình yêu đó mới tỏ tường
Yêu con người và yêu cuộc sống
Đó chính là tình yêu lâu bền.
Chưa đọc thơ Ông, tóc điểm sương
Khi đã đọc rồi tóc lại xanh
Bởi chăng được tình yêu nhuộm thắm
Nên tóc chuyển màu trắng sang xanh.
Praha, Séc, Đêm 26-6-2001
Đức Vượng
(Cử nhân Ngữ văn)
------
Lời Tác giả: Trong thời gian công tác tại Cộng hòa Séc, tôi nhận ra người Séc rất thích đọc thơ của Xâyphớt, một nhà thơ lớn của Tiệp Khắc, người đã được giải thưởng Nobel về văn học vào năm 1984, khi ấy Tiệp Khắc xã hội chủ nghĩa đang cường thịnh. Thấy vậy, tôi cũng ra các hiệu sách của thủ đô Praha để tìm mua những cuốn sách thơ của Xâyphớt mang về nghiên cứu và làm được bài thơ Đọc thơ Xâyphớt.
Xâyphớt (Jaroslav Seifert, 1901-1986) là một nhà thơ lớn của Tiệp Khắc, châu Âu và thế giới, sinh trưởng trong một gia đình công nhân tại thủ đô Praha. Ngay từ thời trai trẻ, Ông đã tỏ rõ năng khiếu về thơ văn. Năm 21 tuổi, Ông xuất bản tập thơ đầu tay: “Thành phố trong nước mắt”. Tiếp đó, Ông lần lượt xuất bản 25 tập thơ và một số hồi ký. Trên những chặng đường văn chương, Ông gặp nhiều trắc trở. Có lúc phải gác bút sống trong im lặng, cô đơn. Song, nhờ có nghị lực phi thường, Ông đã vượt qua mọi chông gai để tiếp tục làm thơ và hoạt động văn học. Năm 1966, Ông được Nhà nước Tiệp Khắc phong danh hiệu “Nghệ sĩ nhân dân”. Năm 1969, Ông được bầu làm Chủ tịch Hội Nhà văn Tiệp Khắc.
Có thể nói trong làng thơ hiện đại, Xâyphớt nổi lên như một ngôi sao sáng ở châu Âu và thế giới. Sáng tác chủ yếu của Xâyphớt là thơ tình, niềm mơ ước khát khao hạnh phúc, lòng yêu quê hương xứ sở và nỗi đau dằn vặt của chiến tranh. Với Ông:
“Tình yêu là một cuộc vật lộn muôn thuở
với thiên thần
từ sáng sớm đến thâu đêm.
Không nuối tiếc”
“Cuộc sống từ lâu đã dạy tôi
Rằng nhạc và thơ
Là những gì đẹp nhất thế gian
Mà cuộc đời có thể mang lại
Tất nhiên, trừ tình yêu”.
(Xem “Thành phố tội lỗi”, tập thơ Tiệp thế kỷ XX, Dương Tất Từ tuyển dịch từ nguyên bản tiếng Séc, Nxb Thế giới, Hà Nội, 2000).
Xâyphớt là người đầu tiên đưa khái niệm “tình yêu muôn năm” và “nồng độ tình yêu” vào thơ. Thơ của Xâyphớt có thể sánh ngang hàng với thơ của đại thi hào Nga Puskin. Viện Hàn lâm Thụy Điển đánh giá: “Thơ Ông đã phần nào làm tươi mát tâm hồn, và bằng sự tìm tòi phi thường, Ông đã mang lại một hình ảnh khoáng đạt về tính đa dạng của con người” (Trích Tuyên bố của Viện Hàn lâm Thụy Điển về lý do trao giải thưởng Nobel cho nhà thơ lớn của Tiệp Khắc Jaroslav Seifert, công bố ngày 11-10-1984 trước giới báo chí tại thủ đô Stockholm, Thụy Điển).
Tại Việt Nam, lần đầu tiên, thơ Xây phớt được giới thiệu trên tạp chí “Sông Hương”, số ra tháng 7-1987.
Một con người có khuôn mặt dũng khí, trán vuông, mũi nở, mồm rộng, đã làm nên sự nghiệp thơ ca lớn của Tiệp Khắc, đã từng đi tiên phong trong cuộc đấu tranh để xây dựng một nền văn học lành mạnh của Tiệp Khắc thời hiện đại.