Câu chuyện giáo dục: ‘Có hiền mẫu ắt có hiền thần’
‘Có hiền mẫu ắt có hiền thần’ – 3 câu chuyện xưa về những người mẹ tài đức giáo dục con cái
Người xưa rất chú trọng vào việc bồi dưỡng phẩm chất và đức hạnh cho con cái. Những câu chuyện về bậc hiền mẫu như mẹ của Mạnh Tử vì con mà 3 lần dời nhà, mẹ của Nhạc Phi xăm chữ lên lưng dạy con tinh trung báo quốc, v.v, đều lưu danh hậu thế.
Dưới đây là hai câu chuyện cổ kể về cách dạy con của những bậc hiền mẫu ấy, đưa ra để mọi người cùng tham khảo.
Mẹ của Đào Khản dạy con cung kính thiện đãi người
Đào Khản là một vị tướng lừng danh thời Đông Tấn. Mẹ của ông, bà Trạm Thị, là một trong những lương mẫu nổi tiếng nhất trong lịch sử cổ đại.
Có câu chuyện rằng khi Đào Khản còn trẻ, có một hôm ông mời bạn đến chơi nhà. Nhưng vì nhà Đào Khản quá nghèo túng, cái ăn cái mặc cũng còn khó khăn, vì make-essay.net không có gì tiếp đãi bạn nên ông tỏ ra vô cùng lo lắng. Mẹ Đào Khản thấy vậy liền an ủi con trai: “Con đừng quá lo âu, mẹ sẽ nghĩ cách để tiếp đãi bạn con”.
Sau đó bà Trạm Thị cắt tóc đem đổi lấy đồ ăn, rồi lại lấy cỏ khô lót trên giường để làm thức ăn cho ngựa của khách. Sau khi bạn của Đào Khản vô tình biết được việc này, ông đã xúc động nói: “Chỉ người mẹ như vậy mới có thể giáo dục ra một người con nhân tài!”
Mặc dù cảnh nhà nghèo khó, nhưng bà Trạm Thị đã dùng cách hành xử cao đẹp của mình để dạy con một bài học đối nhân xử thế. Vì thế sau này, khi đã làm quan lớn, Đào Khản luôn dùng lòng cung kính và khiêm nhường để đối đãi với người khác.
Mẹ của Điền Tắc từ chối nhận vàng
Thời Chiến quốc, Điền Tắc nhậm chức Tể tướng nước Tề. Ông làm việc rất cần cù cẩn thận và công chính. Có một lần, thuộc hạ biếu ông trăm lạng vàng ròng. Ban đầu ông từ chối không nhận, cuối cùng ngại làm tổn hại đến tình cảm và thể diện của người ta nên ông đã nhận.
Khi Điền Tắc đem toàn bộ số vàng dâng cho mẹ, mẹ ông giận dữ nói: “Con làm Tể tướng 3 năm, bổng lộc chưa bao giờ nhiều như thế, không hiểu là lấy bớt của dân, hay là nhận hối lộ đây?”. Điền Tắc cúi kể lại đầu đuôi mọi sự cho mẹ nghe. Mẹ ông nghiêm khắc dạy rằng:
“Mẹ nghe nói người trí thức luôn nghiêm khắc tu dưỡng bản thân, tự trọng và giữ mình trong sạch, không tùy tiện lấy những thứ của cải của người khác. Họ trong sáng vô tư, không làm những chuyện lừa dối. Tâm không bao giờ nghĩ tới những việc bất nghĩa, trong nhà không bao giờ có những thứ của cải bất nhân bất nghĩa.
Con gánh vác trọng trách của quốc gia, cần phải là một tấm gương sáng cho khắp nơi noi theo. Thế mà con lại tiếp nhận hối lộ của kẻ dưới, ấy là tội lừa dối nhà vua, đồng thời là phụ lòng trăm họ, thật làm cho mẹ đau lòng quá! Hãy mau trả vàng lại, rồi thỉnh xin triều đình xử lý đi!”.
Điền Tắc nghe mẹ nói thế thì vô cùng xấu hổ, liền đem trả lại toàn bộ số vàng ấy, còn lập tức đến triều đình tự thú nhận lỗi lầm, thỉnh xin nhà vua bãi chức Tể tướng của mình. Tề Tuyên Vương nghe xong, hết sức tán thưởng khí phách và đạo đức của mẹ Điền Tắc.
Nhà vua nói với quần thần:“Có hiền mẫu thì tất có hiền thần! Mẹ của quan Tể tướng có tài đức như thế, tác phong và uy tín của quan lại nước Tề ta chắc chắn sẽ minh bạch sáng sủa. Ta xá tội cho Tướng quốc”.
Nói rồi Tề Tuyên Vương hạ chiếu ra lệnh cho cả nước học tập đức hạnh liêm chính và phương cách dạy con của mẹ Điền Tắc. Từ đó trở đi Điền Tắc nghiêm khắc tu dưỡng bản thân, về sau trở thành một vị tướng quốc tài đức của nước Tề.
Mẹ của Thôi Huyền Huy dạy con trung hậu thanh bạch
Thôi Huyền Huy là người thời Đường, làm quan Viên ngoại lang. Mẹ ông là bà Lô thị nghiêm túc dạy ông rằng:
“Mẹ nghe thấy có người giảng rằng, con cháu làm quan, nếu như cuộc sống thanh bần, thì ấy là quan tốt. Còn nếu có tài vật dư dả thừa thãi, hưởng thụ một cách xa xỉ, thì đó là quan tham. Mẹ cho rằng quan điểm ấy rất chính xác. Mẹ thấy rất nhiều thân thích các quan lại dùng rất nhiều tiền của để phụng dưỡng cha mẹ, thế mà cha mẹ họ lại không hỏi những thứ tiền của đó từ đâu mà có.
Nếu như tiền ấy là lương bổng của bản thân, thế thì cũng rất tốt. Nếu không, thì so với phường giặc cướp có khác gì đâu? Cho dù không có tội lỗi lớn, chẳng lẽ trong lòng lại không có áy náy gì hay sao? Con giờ đây ngồi mát ăn bát vàng hưởng bổng lộc triều đình, nếu không thể tận trung vì nước, thanh liêm mà làm việc chính sự, thì làm sao xứng đáng với ân huệ của đất trời được?”.
Thôi Huyền Huy nghe theo lời dạy của mẹ, làm một vị quan thanh liêm, tận trung với nước thương dân như con, nổi tiếng trong sạch lưu danh hậu thế.
Làm người thanh bạch đoan chính, tốt gỗ hơn tốt nước sơn, làm tròn bổn phận, tận tụy với trách nhiệm, chăm chỉ tằn tiện, đó là mỹ đức truyền thống của người Á Đông. Làm ông bà cha mẹ, thì cần lấy bản thân mình làm gương, luôn luôn chú ý từng lời nói việc làm, từng giờ từng phút cần phải cảnh giác với phẩm hạnh đạo đức của bản thân.
Dạy bảo con cái tu thân trọng đức, ấy mới là mưu tính lâu dài cho con cái, mới đúng thực sự là trân trọng và có trách nhiệm với con, mới có thể giúp chúng vững bước trên đường đời.
Đạo Nhất