Câu chuyện xã hội: Nắm bắt thời cơ để thành công trong cuộc sống
Trong cuộc sống, đôi khi chúng ta học được những điều bổ ích từ những thứ vô cùng giản dị. Người mẹ trong câu chuyện sau chỉ với 2 quả táo đã mang đến cho người con và mỗi chúng ta bài học sâu sắc về sự nhường nhịn, cố gắng và cách nắm bắt cơ hội để thành công.
Bài học đầu tiên: Phải biết nhường nhịn
Một buổi chiều nọ, người mẹ vào phòng hai anh em và cho mỗi con một quả táo. Mẹ nói: “Có hai quả táo, một quả thì to và ngọt, một quả nhỏ hơi xanh và vị chát”. Nói xong mẹ để quả táo lên bàn, người em nhanh tay chỉ lấy quả táo to nhanh nhảu đáp: “Mẹ, con muốn quả này”.
Mẹ nghiêm giọng hỏi: “Con không nghĩ cho anh sao”. Người em không nói gì.
Người anh trả lời: “Con ăn quả nhỏ cũng được ạ. Con lớn rồi, quả to để cho em”.
Mẹ mỉm cười và đưa quả táo to cho người anh. Người em hậm hực makeessay khóc lóc: “Mẹ không công bằng”. Mẹ thấy vậy bèn giải thích: “Người chỉ muốn cái tốt về mình, không muốn chia sẻ với người khác là ích kỷ. Đó là hậu quả”.
Hành động nhỏ của người anh là nhường cho người em quả táo ngon hơn làm chúng ta không khỏi suy nghĩ. Cuộc sống ngày nay với lối sống hiện đại đã chi phối nhiều đến cách ứng xử của con người. Mọi người luôn đặt lợi ích cá nhân lên trên tất cả. Đối với họ nhường nhịn có nghĩa thua thiệt, mất mặt. Vì vậy con người luôn phải tranh đấu, ganh đua để mưu cầu lợi ích cho bản thân mình.
Bài học rút ra là nếu chúng ta biết nhường nhịn nhau, tha thứ cho nhau, nhất định mọi người sẽ thoát ra ngoài những tranh chấp khổ đau và sống hạnh phúc hơn.
Bài học thứ 2: Phần thưởng chỉ dành cho người biết cố gắng và tiến bộ
Hôm sau, mẹ lại cầm hai quả táo như lần trước đến phòng hai anh em. Nghe mẹ nói xong, người em lần này ngồi im, không phản ứng gì.
Người anh nhanh mồm: “Con ăn quả nhỏ, quả to cho em”, cười thầm trong bụng nhìn mẹ. Mẹ không nói gì, đưa quả táo to ngọt cho người em. “Tại sao ạ?”, người anh thay đổi sắc mặt.
Con đã sai khi “nhường nhịn” em vì con đã biết lấy nó làm công cụ. Con biết nếu nhường nhịn thì sẽ được mẹ cho quả táo to, như thế là giảo hoạt, khôn lỏi. Hơn nữa, mặc dù con muốn ăn quả to nhưng lại giả bộ lấy lòng mẹ, đó là không thành thực.
Vì hai lý do đó nên con sẽ không có được quả táo to trong ngày hôm nay. Em con đã nhận thức được lỗi lầm của mình. Mặc dù nó muốn ăn nhưng không dám tranh trước. Đó là sự tiến bộ.
Nhường nhịn, yêu thương nhau là trân quý nhưng nó phải xuất phát từ tấm lòng, chứ không phải dùng nó làm công cụ và lừa người khác để có được thứ mình muốn.
Bài học rút ra là trong cuộc sống, phần thưởng sẽ chỉ dành cho những người biết cố gắng và tiến bộ. Những người khôn ngoan, lanh lọc sẽ không thể có được điều mà mình mong muốn.
Bài học thứ 3: Nắm bắt thời cơ là tiền đề để có được thành công
Một lần khác, mẹ lại đem hai quả táo như vậy mang vào phòng hai anh em. Hai anh em sau khi được mẹ hỏi đều không phản ứng gì. Mẹ nói: “Sao thế, nay hai đứa chán ăn táo rồi à”.
“Ăn thì lại bị mẹ mắng ích kỷ, nhường nhịn thì bị mắng là khôn lỏi và không thành thật. Lần này chúng con để mẹ tự sắp xếp”, người anh đáp, người em gật đầu đồng ý. Mẹ bất ngờ cầm hai quả táo cho vào máy ép và uống hết cả cốc.
Hai anh em tròn hai mắt lớn tiếng: “Mẹ thật vô lý, sao mẹ lại ăn hết không cho bọn con”.
“Hai quả táo chính là cơ hội. Cơ hội đến các con không biết giữ lấy. Đó là ngốc nghếch”, mẹ mỉm cười trả lời.
Dễ dàng thấy rằng đối với mẹ, hai anh em đều công bằng như nhau. Anh không có nghĩa vụ phải nhường em và em cũng vậy. Quả táo người mẹ đưa cho cũng giống như cơ hội trong cuộc sống. Khi cơ hội đến hãy dũng cảm đón lấy, đừng để đến lúc cơ hội mất đi rồi mới tiếc nuối.
Trong cuộc sống, nhiều người luôn ca thán số phận trắc trở, rằng mình không may mắn, không có cơ hội phát triển. Có đúng như vậy không?
Đương nhiên không phải. Cuộc sống rất công bằng, luôn ban cho tất cả mọi người cơ hội như nhau. Có thể những cơ hội đó không hiện rõ trước mắt bạn, có thể nó xuất hiện một cách bất ngờ, song bạn có thành công hay không đều phụ thuộc vào khả năng nắm bắt được sự bất ngờ ấy của bạn.
Theo trang web của EVN