Cách John D. Rockefeller, Andrew Carnegie, J.P Morgan và Henry Ford dạy chúng ta kinh doanh sinh lời trong tình hình nước Mỹ gặp khủng hoảng kinh tế
Trong thị trường kinh doanh này, người tiêu dùng sẽ đến thị trường và trả tiền cho một sản phẩm hợp mốt và phong cách của mình.
Bộ phim tài liệu "Những Người Đàn Ông Kiến Tạo Nước Mỹ" (The Men Who Built America) là câu chuyện về con người phi thường trong nhiều ngành nghề, luôn vượt qua khó khăn thử thách, kể cả trong tình huống bế tắc. Theo nghĩa đen, Cornelius "Commodore" Vanderbilt, John D. Rockefeller,
Andrew Carnegie, J.P Morgan và Henry Ford không xây dựng nước Mỹ về mặt cơ sở vật chất. Họ xây dựng thương hiệu. Mặc dù mọi người cho rằng họ vận hành các doanh nghiệp độc quyền, nhưng họ thật sự đã đặt nền tảng cho quá trình công nghiệp hóa của nước Mỹ.
Sau đây, tôi xin chia sẻ 10 bài học kinh doanh nhỏ được rút ra từ bộ phim tuyệt vời này:
1. Hiểu sức mạnh của quần chúng
Trong cuốn sách How I lost my Virginity, Richard Branson nói về việc các con của ông đã giúp ông hiểu về những thay đổi theo xu hướng. Với kiến thức này, ông hiểu được sự thay đổi từ những bảng điều khiển trò chơi cho đến các thiết bị âm nhạc. Quần chúng có thể truyền cảm hứng đổi mới cho nhiều ngành nghề. Quần chúng thường vô tình hay cố ý đưa ra dấu hiệu cho sự thay đổi trong nhu cầu, sở thích thời trang hay xu hướng văn hóa. Việc nhận ra những dấu hiệu này sẽ giúp một danh nhân biết hướng đi nào đúng đắn, giúp lèo lái doanh nghiệp của mình tiến về phía trước.
Ngay cả những thương hiệu hàng đầu chẳng hạn như Louis Vuitton, Coca-Cola cũng hiểu rõ sức mạnh của quần chúng và tạo ra những sản phẩm mới phù hợp với xu hướng, trong khi vẫn duy trì được bản sắc và đặc tính thương hiệu của mình. Trong thị trường kinh doanh này, người tiêu dùng sẽ đến và trả tiền cho một sản phẩm hợp mốt và phong cách của mình.
2. Khôn ngoan và đổi mới
John D. Rockefeller là một doanh nhân xuất sắc, ông đưa ra những phương pháp kĩ thuật định hình lại hoàn toàn ngành công nghiệp dầu mỏ. Vào giữa thế kỷ 19, nhu cầu chủ yếu tập trung vào dầu hỏa. Tuy nhiên, trong quá trình tinh lọc dầu thô thành dầu hỏa, có nhiều sản phẩm phụ bị bỏ đi. Người khác xem đó là chất thải, Rockefeller lại thấy đó là kho báu. Ông bán một sản phẩm phụ là dầu parafin cho các nhà máy sản xuất nến và một sản phẩm phụ khác petroleum jelly (một loại sáp từ xăng dầu) cho các công ty cung cấp sản phẩm y tế.
Ông thông minh và nhanh nhạy hơn các đối thủ cạnh tranh. Rockefeller cũng yêu cầu được giảm giá hoặc chiết khẩu từ những công ty đường sắt vận chuyển dầu của mình. Ông sử dụng tất cả những phương pháp này để giảm bớt giá dầu cho người tiêu dùng. Lợi nhuận của ông nhanh chóng tăng lên và các đối thủ cạnh tranh bị đánh bại từng người một. Rockefeller cũng buộc các công ty nhỏ hơn bán lại cổ phần cho ông, từ đó xây dựng được một đế chế lớn mạnh.
3. Tầm sư học đạo
Các lãnh đạo doanh nghiệp vĩ đại đều từng là những học trò giỏi. Tầm sư học đạo là đi theo người có nhiều kinh nghiệm hơn trong lĩnh vực mà bạn theo đuổi để học hỏi kiến thức. Trở thành học trò của một người nào đó chẳng có gì phải xấu hổ. Trước khi có thể lãnh đạo, bạn cần học hỏi và được dẫn dắt. Hãy học những bí quyết khởi nghiệp, bí quyết đối mặt và vượt qua khó khăn thử thách từ người thầy. Andrew Carnegie là học trò của Thomas Scott, doanh nhân và giám đốc điều hành đường sắt, Plato theo học Socrates, triết gia Hy Lạp vĩ đại.
4. Kiên cường
Họ rất kiên cường khi đối mặt với khó khăn thử thách. Hơn cả kiến thức, kinh nghiệm hay kĩ năng, mức độ kiên cường sẽ quyết định ai thành công và ai thất bại. Cornelius Vanderbilt, người từng sở hữu Đường sắt Harlem đã đối mặt với những xung đột trong việc kết nối các tuyến đường sắt. Nhưng trong mọi trường hợp, các cuộc xung đột đều kết thúc với phần thắng nghiêng về ông.
5. Đừng bắt buộc bản thân tạo ra thứ gì đó mới mẻ
Khi muốn tạo ra điều gì đó, đừng giới hạn bản thân quá nhiều vào việc tạo ra thứ gì đó hoàn toàn mới mẻ và khác biệt. Hãy xem xét những gì đã có trước đó và cố gắng tạo ra cái tốt hơn từ những cái này có sẵn. Khi làm lại thứ đã có sẵn, hãy sáng tạo, khéo léo và đổi mới. Bạn không cần phải thông minh như Einstein. Hãy cải tiến tình trạng hiện tại một chút là ổn.
6. Nhìn xa trông rộng
Thấy trước tương lai không phải là yếu tố thiết yếu để kiếm tiền nhưng là yếu tố cần thiết để làm giàu. Bạn có thể giải quyết vấn đề hôm nay và kiếm được tiền, nhưng nếu giải quyết được một vấn đề chưa ai nhận ra, bạn sẽ trở lên giàu có. Một doanh nghiệp có thể gây ảnh hưởng đến tương lai sẽ tiến một bước gần hơn đến sự giàu có. Không cần bạn phải sở hữu một doanh nghiệp có thị trường mục tiêu cho tương lai nhưng tầm nhìn này sẽ tạo ra lợi thế cho công việc kinh doanh của bạn.
Hãy tưởng tượng: Tôi nghiên cứu thị trường và nhận ra rằng trong tương lai gần nhất, nhu cầu về quả cọ sẽ tăng cao do sự thay đổi trong các chính sách kinh tế toàn cầu hướng đến ngành nông nghiệp. Tôi đầu tư vốn để phát triển đồn điền trồng cọ. Sau khoảng 15- 25 năm, ngành nông nghiệp bùng nổ, hãy hình dung những đồn điền tạo ra lợi nhuận lớn thế nào.
7. Tạo dựng quan hệ
Cornelius Vanderbilt từng đứng trước một lựa chọn quan trọng trong kinh doanh. Ông nhận ra rằng tương lai ngành đường sắt không nằm ở việc xây dựng nhiều đường ray hơn mà là ở việc vận chuyển hàng hóa. Vanderbilt cần một dự án kinh doanh mới không những giúp ông tiếp tục công việc kinh doanh mà còn giúp ông có lợi thế hơn so với các đối thủ cạnh tranh. Tương tự, nhu cầu dầu hỏa tăng cao và John D. Rockefeller cũng cần một phương tiện vận chuyển cho mặt hàng của mình. Cả hai người này cùng liên kết để giúp đỡ lẫn nhau. Rockefeller được vận chuyển dầu hỏa với giá rẻ và Vanderbilt luôn có hàng để vận chuyển. Đó là một kết quả mà đôi bên cùng có lợi.
8. Muốn giàu có, hãy "gãi đúng chỗ ngứa"
Để khởi nghiệp kinh doanh, hãy nghiên cứu về một nhu cầu và cung cấp các giải pháp để giải quyết nhu cầu đó. Mọi người cần ô-tô giá rẻ nhưng chất lượng; Henry Ford cung cấp cho họ sản phẩm như thế. Mọi người muốn có nguồn ánh sáng an toàn vào ban đêm, John D. Rockefeller cung cấp dầu hỏa. Hải quân có nhu cầu sử dụng thép để chế tạo tàu ngầm, các công ty cần thép để, Andrew Carnegie đáp ứng đúng nhu cầu của họ. Hãy giúp mọi người giải quyết nhu cầu của khách hàng và họ sẽ mua sản phẩm của bạn.
9. Tôn trọng đối thủ chứ đừng lo sợ
Bạn kinh doanh không có nghĩa là bạn có thể chiếm lĩnh hoàn toàn lĩnh vực kinh doanh đó. Đối thủ cạnh tranh chắc chắn sẽ xuất hiện. Nếu bạn đang điều hành một doanh nghiệp đã có nhiều đối thủ nặng ký trong ngành, đừng hoảng sợ mà phải tôn trọng và học hỏi từ họ. Nếu sợ đối thủ cạnh tranh, bạn đang yếu thế hơn họ. Hãy tôn trọng đối thủ, nghiên cứu những điểm mạnh và điểm yếu của họ, đưa ra những gói sản phẩm tốt và phù hợp hơn cho người tiêu dùng.
John D. Rockefeller đã nghĩ ra cách để loại bỏ đường sắt ra khỏi công việc kinh doanh bằng việc vận chuyển dầu hóa bằng ống dẫn dầu chứ không phải bằng đường ray. Thomas Scott (người sở hữu đường sắt vận chuyển từ nhà máy lọc dầu của John D. Rockefeller ở Pittsburgh) đã quyết định xây dựng đường ống dẫn dầu của riêng mình để kết nối Pittsburgh và New York, tạo lợi thế cạnh tranh vững chắc và đáp ứng nhu cầu của Rockefeller trong việc vận chuyển dầu hỏa. John D. Rockefeller đã làm gì để đánh bại đối thủ cạnh tranh "mới nổi" của mình? Ông đóng cửa hoàn toàn nhà máy lọc dầu ở Pittsburgh. Đây đúng là một cú sốc đối với Thomas Scott.
10. Nỗ lực và quyết tâm
Điểm này thì không cần phải giải thích gì thêm. Để đạt được thành công, ta phải đổ mồ hôi, máu và nước mắt. Nỗ lực của một doanh nhân sẽ giúp nâng tầm doanh nghiệp từ một công ty khởi nghiệp thành một thương hiệu toàn cầu. Nỗ lực và quyết tâm là yếu tố then chốt để tạo nên thành công.
Mai Phương