Mới cập nhật

NHỮNG NGHIÊN CỨU MỚI VỀ CON NGƯỜI (Bài 14): MỐI QUAN HỆ GIỮA CON NGƯỜI VÀ VĂN HÓA

PGS,TS Đàm Đức Vượng 



1.Trên các trang mạng xã hội, người ta đã nói nhiều đến con người và văn hóa. Sách, báo trên thế giới cũng viết nhiều đến con người và văn hóa. Đặc biệt, trong cuốn sách “Con người – những ý kiến mới về một đề tài cũ” do tập thể các nhà khoa học Liên Xô và Cộng hòa Dân chủ Đức trước đây biên soạn (sách đã dẫn) đã có hẳn một mục “Con người và văn hóa”. Ở đây, tôi (ĐĐV) xin viết bổ sung một số vấn đề về con người và môi trường văn hóa mà tôi đã nghiên cứu.

Thuật ngữ “văn hóa” bắt nguồn từ chữ Latinh “cuntura”. Danh từ “cuntura” có nguồn gốc từ động từ “colere”, nghĩa của nó là “trồng cây”, sự khai khẩn, sự chăm sóc đất đai, trùng hợp với khái niệm “nông nghiệp”. Về sau, người ta dùng khái niệm này theo nghĩa rộng để chỉ sự giáo dục và bồi dưỡng con người và khả năng của con người, trong đó, có cả khả năng tinh thần. Từ thuật ngữ “trồng cây”, người ta liên tưởng đến sự “trồng người”, cho nên “văn hóa” mới gọi là “culture” (tiếng Anh) hoặc “la culture” (tiếng Pháp). Chữ Trung Quốc đọc là “wén hùa”. Tiếng Việt gọi là “văn hóa”. Có người viết “văn hóa “ là do tiếng Hán. Hiểu như vậy là không đúng. Phải khẳng định rằng, chữ “văn hóa” là của tiếng Việt, chứ không phải của tiếng Hán. Như vậy, sự “trồng người” bắt nguồn từ sự “trồng cây”. Văn hóa bắt nguồn từ nông nghiệp. Xixêrô (Xixêrông Mácsơ Tunli – 106-43 trước Công nguyên), nhà hùng biện nổi tiếng của La Mã đã bắt đầu nói đến “văn hóa tinh thần” trong khi Ông lại chưa đề cập đến “văn hóa vật chất.

Trong thời cổ, thuật ngữ “văn hóa” được dùng để chỉ hoạt động của con người cả trên lĩnh vực sản xuất vật chất, theo hình thức đặc thù khi đó là nông nghiệp, lẫn lĩnh vực hoạt động giáo dục và hoạt động tinh thần của con người. Một thời gian sau, thời Phục hưng và thời cận đại, các nhà tư tưởng có danh tiếng đã cố gắng phấn đấu đề cao tính toàn diện của văn hóa, và đặc biệt nhấn mạnh trong quan hệ qua lại giữa các yếu tố vật chất và yếu tố tình thần hợp thành văn hóa. Vì vậy, văn hóa được xem là toàn bộ những giá trị vật chất và tinh thần do con người tạo ra trong quá trình thực tiễn lịch sử – xã hội và tiêu biểu cho trình độ đạt được trong lịch sử phát triển xã hội. Văn hóa vừa mang yếu tố vật chất, vừa mang yếu tố tinh thần. Khái niệm “văn hóa vật chất” bao hàm kỹ thuật, kinh nghiệm sản xuất, giá trị vật chất và “văn hóa tình thần” bao gồm khoa học, nghệ thuật, văn học, triết học, đạo đức, giáo dục, kiến trúc thượng tầng (thượng tằng),…

Khái niệm văn hóa là một trong những hình thức phản ánh thế giới bên ngoài vào tư duy, nhờ đó mà chúng ta nhận thức được bản chất của các hiện tượng, các quá trình mà người ta khái quát được những vấn đề cơ bản của văn hóa. Khái niệm về văn hóa là sản phẩm của nhận thức về văn hóa đang phát triển trong lịch sử. Nhận thức này, từ giai đoạn thấp đi đến giai đoạn cao, nó làm rõ hơn những khái niệm đã có và nêu ra những khái niệm mới. Vì vậy, khái niệm về văn hóa không phải có tính chất tĩnh, không phải là dứt khoát, không phải là tuyệt đối, mà phải đặt nó luôn luôn ở trong trạng thái phát triển, thay đổi, sáng tạo ra cái mới trên nền tảng của truyền thống cái cũ. Tính tích cực và tính sáng tạo của tư duy thể hiện ra trong việc hình thành khái niệm về văn hóa. Khái niệm về văn hóa vốn là sự phản ánh thực tế, được mài sắc, gọt giũa, tôi luyện mới có thể trở thành văn hóa.
“Khái niệm văn hóa tất yếu phải làm rõ vấn đề là bằng con đường nào và bằng cách nào mà mỗi người có thể tiếp nhận được những kinh nghiệm xã hội mà loài người đã tích lũy được và những kinh nghiệm xã hội đó được truyền lại cho thế hệ mới như thế nào?”1.

Vì vậy, nội dung và chức năng của khái niệm văn hóa gắn liền với các khái niệm “con người” và “nhân cách” của con người đó. Chúng ta có thể nghiên cứu lời giải thích của V.E.Đaviđôvích và Iu.A.Ghiđanốp:

“Khi phân tích các khái niệm dùng để phân tích các khía cạnh khác nhau của văn hóa, người ta có thể tìm thấy trong các khái niệm đó sự chỉ dẫn trực tiếp hay gián tiếp liên quan đến con người, đến đời sống và hoạt động của con người. Con người chính là cơ sở của toàn bộ vấn đề văn hóa. Ta có thể nói rằng, khái niệm văn hóa dù theo nghĩa này hay nghĩa khác cũng đều thể hiện đặc trưng hoạt động riêng của con người, biểu hiện với tính cách là phương thức tồn tại của con người”2. 

Trong chừng mực nhất định, người ta có thể nói rằng, khái niệm văn hóa bao hàm mối quan hệ biện chứng phức tạp giữa hoạt động của con người và những kết quả đã được vật hóa của hoạt động đó theo trình độ chất lượng nhất định của hoạt động ấy. Thí dụ, nghệ thuật của một thời đại bao giờ cũng phản ánh con người, tình cảm của họ, thái độ hành vi tiêu biểu của họ và trình độ đạo đức của họ. Quê hương không chỉ là nơi trú ngụ, mà còn có ý nghĩa nhất định khi nó là “những thông báo về các con người đang sinh sống tại đó, về mối quan hệ ràng buộc của họ đối với những giá trị vật chất do chính bản thân họ sáng tạo ra. 

Vì vậy, có thể nói, văn hóa chính là hoạt động của con người. Theo các tác giả của sách “Con người – những vấn đề mới của một đề tài cũ” (đã dẫn), thì hoạt động của con người có thể được nghiên cứu theo nhiều góc độ khác nhau. Thí dụ, chúng ta có thể coi hoạt động đó là sự thống nhất biện chứng của hai quá trình liên kết với nhau: hoạt động “vật thể hóa” và hoạt động “phi vật thể hóa”. Hoạt động vật thể hóa có thể là quá trình thể hiện năng lực, sự hiểu biết và khả năng của con người. Theo quan niệm ấy, thì không thể quy quá trình lao động vào việc sản xuất những đồ vật cần thiết để thỏa mãn những nhu cầu của con người. Bất cứ đồ vật nào đã được quá trình lao động tạo ra đều là kết quả của hoạt động vật thể hóa những khả năng chủ quan của con người. Đối với sự phát triển của xã hội loài người, tư liệu lao động có ý nghĩa lớn, đó là những đối tượng con người sử dụng để tác động vào thế giới vật chất nhằm đạt được mục đích của mình. 

Sự tồn tại của vật chất lại là cơ sở khách quan để con người tiến hành các hoạt động lao động. Chẳng hạn, cái kim dùng để khâu, cái búa dùng để đóng đinh, con dao dùng để thái, cái rìu dùng để bổ củi,… Trong quá trình động đã có biết bao thế hệ con người tạo ra những tư liệu lao động và tư liệu sản xuất, thể hiện kết quả của hoạt động lao động. Thực ra, thì con vật cũng biết lợi dụng các đồ vật khác nhau mà con người đã tạo ra tác động vào con vật và được sử dụng trong thực tế, đôi khi những vật ấy cũng có thể có chức năng như những công cụ. Tuy nhiên, nó có sự khác nhau cơ bản giữa lao động của con người với những hoạt động của con vật là ở chỗ đối với con người, đồ vật được sử dụng phải trở thành vật mang tính cố định của cách thức hoạt động và phương thức hoạt động nhất định nào đó, còn con vật thì không. Đó là hoạt động mang tính văn hóa của con người.

“Vật thể hóa” còn gọi là “tính vật thể” là khái niệm dùng để nói lên một hiện tượng, hành động, trạng thái nào đó gắn với những vật thể, hay bản thân nó trở thành một vật thể bằng cách thu hút hoạt động vào chủ thể. Thí dụ, hoạt động lý luận – thực tiễn của con người mang tính chất vật thể, và trong diễn biến của quá trình đó, người ta đụng chạm đến các vật thể và tạo ra các vật thể. Kiến thức của con người cũng có tính vật thể, bởi lẽ, nội dung khách quan của nó là sự phản ánh thế giới vật chất, nắm được nhờ hoạt động của con người. “Phi vật thể hóa” là sự phản ánh ngược lại của “vật thể hóa”. Quá trình vật thể hóa không thể tồn tại mà không có quá trình phi vật thể hóa. Người ta hiểu quá trình phi vật thể hóa là sự nắm vững phương thức hoạt động nhất định của con người, thể hiện ra hoặc “ẩn giấu” trong các đồ vật khác nhau mà con người đã tạo ra và được sử dụng để phục vụ cho mục đích của mình. Ở một chừng mực nào đó, cũng có thể nói vật thể hóa là hoạt động vật chất, còn phi vật thể hóa là hoạt động tinh thần. Sự đối lập giữa hoạt động vật chất và hoạt động tinh thần xuất phát từ những phương diện nghiên cứu nhất định, là cần thiết, nhưng nó không phải là sự đối lập về nguyên tắc. Có thể nói đến tính đồng bộ và sự thống nhất của toàn bộ hệ thống các hoạt động của con người, và thông qua đó, thấy rằng, khái niệm “văn hóa” thể hiện tính đồng bộ và sự thống nhất ấy

Qua đó, có thể rút ra định nghĩa về văn hóa là toàn bộ các phương thức và phương pháp hoạt động của con người, bao gồm cả hoạt động vật chất và hoạt động tinh thần, đã được vật thể hóa trong các yếu tố vật chất cụ thể.      Xét cho cùng, văn hóa của loài người là sự thống nhất biện chứng của cả hai yếu tố hợp thành: yếu tố khách quan (sự vật) và yếu tố chủ quan (con người). Sự thống nhất ấy được thực hiện trong quá trình hoạt động của con người (cả hoạt động vật chất lẫn hoạt động tinh thần) và trong mối quan hệ tác động qua lại giữa các yếu tố ấy. Sự vật khách quan, thông qua lăng kính chủ quan của con người mà thành văn hóa. Yếu tố khách quan của văn hóa bảo đảm duy trì, tái tạo và truyền thụ văn hóa cho các thế hệ mới. Khả năng, năng khiếu và kỹ năng không thể di truyền được, nhưng lại có thể tiếp thu được. Mỗi thành viên trong cộng đồng bước vào cuộc sống đều phải hình thành và phát triển những khả năng, năng khiếu và kỹ năng của con người bằng các biểu hiện của hoạt động văn hóa. 

Những yếu tố khách quan của văn hóa bảo đảm tính liên tục trong sự phát triển của các thế hệ con người, bảo đảm cho sự tiến bộ xã hội. Như vậy, các thực thể vật chất của văn hóa là vô cùng quan trọng, nhưng bản thân chúng không tạo ra được văn hóa, mà phải thông qua bản thân con người, thì những thực thể vật chất ấy mới có thể tạo ra văn hóa. Một tác phẩm viết bằng một thứ tiếng xa lạ mà con người không biết, nó chỉ có thể trở thành một hiện tượng văn hóa thực sự khi người ta dịch sang tiếng nước sở tại và đọc được nó. Không thể coi văn hóa là những giá trị vật chất tự thân không liên quan đến con người, không được con người tiếp thu và sử dụng. Nhờ hoạt động của con người, các sản phẩm văn hóa cụ thể được tiếp thu và sử dụng. Vì vậy, có thể nói văn hóa không thể tồn tại và phát triển ở bên ngoài hoạt động của chủ thể của con người. 

Dựa vào quan điểm của C.Mác, chúng ta có thể nói rằng, chỉ khi nào văn hóa được ngọn lửa của hoạt động đời sống sưởi ấm, thì nó mới có thể trở thành một nền văn hóa có sinh khí, phát triển và trở nên cần thiết. Chỉ có gắn bó mật thiết với những con người sáng tạo, thì văn hóa mới còn là văn hóa. Khi chúng ta quan niệm văn hóa là toàn bộ cách thức và phương pháp hoạt động của con người, thì vấn đề đặt ra là trong nền văn hóa, các yếu tố sáng tạo là vô cùng quan trọng, vì nó tạo ra năng lực hiểu biết của con người. Con người chỉ có thể trở thành con người trong quá trình tiếp nhận văn hóa. Cũng có thể thể nói văn hóa chính là phương tiện làm cho con người trở thành con người. Ở đây, cần nhấn mạnh rằng, chỉ trên cơ sở tiếp thu thành quả của mọi nền văn hóa vật chất và tinh thần, thì nhân cách con người mới có thể phát triển ở tầm cao. Chủ nghĩa xã hội mở ra cho mọi thành viên trong xã hội các khả năng để tiếp thu nền văn hóa ấy.

2. Văn hóa vật chất và văn hóa tinh thần gắn bó với nhau, phụ thuộc vào nhau, tác động vào nhau, cho nên khó có thể nói văn hóa vật chất quyết định văn hóa tinh thần. Tuy nhiên, xét về triết học và kinh tế chính trị học, thì chủ nghĩa Mác – Lênin coi quá trình sản xuất của cải vật chất là cơ sở và là nguồn gốc để phát triển văn hóa tinh thần. Văn hóa được tạo ra là nhờ kết quả hoạt động của đông đảo nhân dân. Vì lệ thuộc vào điều kiện vật chất, văn hóa tinh thần không thay đổi một cách thụ động theo sau cơ sở vật chất của nó, mà có tính độc lập tương đối và tính kế thừa trong sự phát triển, ảnh hưởng qua lại của các nền văn hóa của các dân tộc khác nhau. Chúng ta có thể tìm thấy những tư tưởng đó được diễn tả với những khía cạnh khác nhau ở Ph.Bê cơn, G.B. Vico, G.G Hécđơ,… Vì rằng, khi đó, lao động tinh thần còn là đặc quyền của giai cấp thống trị, chỉ một số người thuộc giai cấp đó làm các việc nghiên cứu khoa học, văn nghệ và chính trị, trong khi đó, hàng triệu người lao động phải làm các công việc lao động chân tay, từ đó, đã xuất hiện những quan niệm duy tâm về vai trò quyết định của tư tưởng trong sự phát triển xã hội. Quan điểm ấy cũng được phản ánh cả trong những lời giải thích duy tâm coi văn hóa là lĩnh vực hoạt động tinh thần đặc biệt của con người, nhất là những con người ở địa vị thống trị. Các nhà khoa học tư sản trong thế kỷ XIX hầu như đều đứng trên quan điểm như thế để hiểu về văn hóa. Thí dụ, như định nghĩa về văn hóa của Étoát Taylo, nhà nghiên cứu dân tộc học người Anh, viết trong một cuốn sách của ông ta: “Những sự khởi đầu của văn hóa”. E.Taylo luận rằng, chúng ta nên gọi “văn hóa” hay “văn minh”, theo nghĩa rộng nhất của dân tộc học, bao gồm toàn bộ những kiến thức, những quan niệm về tín ngưỡng, nghệ thuật, đạo đức, luật pháp, phong tục tập quán và một số khả năng khác mà con người với tư cách là thành viên của xã hội đã thu lượm được3.

Sự phát triển tiếp theo của triết học về ý thức hệ tư sản chỉ khoét sâu và củng cố thêm xu hướng giải thích văn hóa theo kiểu “nửa nạc nửa mỡ” như thế. Những môn đồ của thuyết Căng (Cantơ) mới lại cố gắng một cách rất cực đoan, đối lập giữa nhận thức khoa học với quan điểm về giá trị văn hóa.

Mối quan hệ vốn có của khái niệm “văn hóa” với hoạt động vật chất của con người hoàn toàn không phải ngẫu nhiên, mà nó mang yếu tố tất nhiên. C.Mác, Ph.Ăngghen, V.I.Lênin đã chỉ ra rằng, muốn giải thích văn hóa một cách khoa học với tư cách là một hiện tượng xã hội, thì phải xuất phát từ quan điểm duy vật lịch sử. Những ý kiến của V.I.Lênin về văn hóa và xây dựng nền văn hóa lành mạnh thể hiện trong nhiều tác phẩm của Ông là rất quan trọng gợi mở để chúng ta xác định thế nào là văn hóa. Từ trước tới nay, tại một số nước đã thảo luận về vị trí của phạm trù văn hóa trong hệ thống các khái niệm cơ bản của của nghĩa duy vật lịch sử và chủ nghĩa duy vật biện chứng, qua đó, chúng ta xác định được bản chất của văn hóa. Bản chất của văn hóa thể hiện ở trong cơ sở lý luận của nó, ý nghĩa của nó, nó vừa là sinh hoạt vật chất, vừa là sinh hoạt tinh thần của xã hội, nó nằm trong bản thân vốn có của nó. Bản chất của văn hóa không ở bên ngoài các sự vật, mà ở ngay trong lòng nó, với tư cách là đặc tính chủ yếu chung của nó, quy luật của nó. Bản chất của văn hóa cũng xác định rõ văn hóa và quan hệ của nó với các phạm trù khác của chủ nghĩa duy vật lịch sử và chủ nghĩa duy vật biện chứng; qua đó, nó cũng đã phê phán quan niệm cho rằng văn hóa đồng nhất với sản xuất vật chất và tinh thần, mà không có đặc thù riêng.

Trong xã hội còn có giai cấp như hiện nay, văn hóa có tính giai cấp cả về nội dung tư tưởng lẫn phương hướng thực tiễn của nó. Văn hóa xã hội chủ nghĩa phản ánh tính ưu việt chung của phương thức sản xuất xã hội chủ nghĩa. Cuộc cách mạng giải phóng dân tộc là tiền đề cho cuộc cách mạng văn hóa, là cuộc cách mạng được xác lập trong quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội, kể cả thời kỳ xây dựng chủ nghĩa xã hội ở thời kỳ quá độ như ở Việt Nam hiện nay. Những đặc điểm nổi vật của văn hóa xã hội chủ nghĩa thể hiện ở tính nhân dân, tính tư tưởng và tính đảng cộng sản, thế giới quan khoa học, chủ nghĩa nhân đạo cao cả, chủ nghĩa yêu nước và tính quốc tế. Đảng Cộng sản đóng vai trò lãnh đạo trong công cuộc xây dựng và phát triển nền văn hóa xã hội chủ nghĩa, toàn bộ hoạt động văn hóa – giáo dục của nhà nước xã hội chủ nghĩa diễn ra dưới tác động của Đảng Cộng sản
3. Nội dung của văn hóa được mở ra rất rộng, bao gồm sáng tác văn, thơ, bình luận, phê bình văn hóa, nghệ thuật, điêu khắc, hát, âm nhạc, tuồng, chèo, nhiếp ảnh, hội họa, phim ảnh, kịch trường, múa… nói chung là sáng tác và biểu diễn. Lý luận, sử học, báo chí, trang mạng, vô tuyến truyền hình, phát thanh, trang phục, lễ nhạc, mang tính lịch sử, xét cho cùng, cũng có thể nói đó đều thuộc lĩnh vực văn hóa. Nếp sống cũng là một biểu hiện của văn hóa. Khi nội dung được thể hiện trên bề mặt, thì nó mang tính hình thức. Thí dụ, nội dung của bài hát chính là nội dung văn hóa. Khi nội dung của bài hát đó được ca sĩ cất lên bằng giọng hát của mình, đó là hình thức thể hiện bài hát đó. Hình thức nghệ thuật của các tác phẩm nghệ thuật bao gồm nhiều mặt. Những yếu tố cơ bản của nó là kết cấu, cốt chuyện, bố cục, ngôn ngữ (lời văn), các phương tiện vật chất để mô tả và thể hiện (từ, vần, nhịp điệu, âm điệu, hòa điệu, màu sắc, phối sắc, lối vẽ, nét vẽ, nhịp múa, bối cảnh, ghép phim),…
Các công cụ như đàn, cồng, chiêng, sáo,… là những công cụ phục vụ cho các hoạt động văn hóa.
Nội dung và hình thức của văn hóa có tác động qua lại với nhau trong quá trình phát triển, nhất thiết phải bao hàm cả những ảnh hưởng của các bộ phận khác nhau của nội dung đối với hình thức.

Trong mối quan hệ qua lại giữa nội dung và hình thức của văn hóa, thì nội dung là mặt chủ đạo của khách thể; còn hình thức là bề mặt của khách thể được thay đổi tùy theo sự thay đổi của nội dung và của các điều kiện tồn tại cụ thể của nó. Tuy nhiên, cũng phải nói rằng, hình thức (biểu diễn) cũng có tính độc lập tương đối, nó sẽ làm phong phú nội dung và tôn nội dung lên. Do có tính độc lập tương đối, cho nên đến lượt nó, hình thức lại có tác động tích cực ngược trở lại đối với nội dung. Hình thức văn hóa thích ứng với nội dung văn hóa, nó sẽ đẩy nhanh sự phát triển của nội dung và ngược lại.

Quan hệ qua lại giữa nội dung văn hóa và hình thức văn hóa là trường hợp tiêu biểu cho quan hệ qua lại giữa các mặt đối lập mà đặc điểm là sự thống nhất cũng như mâu thuẫn và xung đột giữa nội dung và hình thức. Tuy nhiên, sự thống nhất và mâu thuẫn này chỉ là tạm thời và nó được giải quyết theo sự hài hòa giữa nội dung và hình thức. Nhiều khi xuất hiện sự không tương xứng giữa nội dung và hình thức. Thí dụ, nội dung bài hát hay, nhưng người biểu diễn lại tồi, không tương xứng với nội dung bài hát, cũng dẫn đến sự vênh nhau, cần được điều chính bằng việc đi tim ca sĩ khác để hát bài hát đó. Sự hình thành, phát triển và khắc phục những mâu thuẫn giữa nội dung và hình thức là bộ phận quan trọng của lý luận phát triển văn hóa biện chứng. Trong văn hóa, nhất là trong biểu diễn nghệ thuật, gần đây, người ta quan niệm nội dung và hình thức biểu diễn là quan trọng như nhau, cũng như người viết kịch bản phim quan trọng như người đạo diễn phim. Quan điểm này, chỉ ra rằng, muốn nâng cao chất lượng hoạt động văn hóa, thì không thể coi nhẹ hình thức, bởi vì, hình thức cũng xâm nhập nhận thức của người xem không kém nội dung. Vì vậy, theo tôi, quan niệm “nghệ thuật vị nghệ thuật” và “nghệ thuật vị nhân sinh” đều đúng, đều có giá trị ngang nhau. Có cái nhìn như vậy, thì chất lượng của nghệ thuật mới được nâng lên.

Những yếu tố cơ bản của nội dung tác phẩm nghệ thuật là đề tài và chủ đề của nó. Đề tài vạch rõ phạm vi những hiện tượng của đời sống được phản ánh và được làm sáng tỏ trong tác phẩm đó. Chủ đề thể hiện bản chất những hiện tượng và mâu thuẫn của hiện thức được tái tạo lại và sự đánh giá chúng trên quan điểm nhận thức thẩm mỹ.

Từ sự phân tích trên đây, có thể đi tới kết luận rằng, trong hoạt động văn hóa cũng như trong các hoạt động xã hội khác, chúng ta không thể tách nội dung ra khỏi hình thức, xem đó là một trong tiêu chuẩn quan trọng của văn hóa. Có điều là, chúng ta cũng không thể đồng nhất giữa hình thức và nội dung, bởi vì, mỗi một phạm trù đều mang đặc tính riêng. Sự thống nhất, nhưng không đồng nhất giữa nội dung và hình thức là hai mặt của một vấn đề trong hoạt động văn hóa.
————————
1 Nhiều tác giả: Con người – những ý kiến mới về một đề tài cũ, sđd, tập 1, tr. 288,289.
2.V.E.Đa vi nô vích và Iu.A.Ghiđanốp: Bản chất của văn hóa, tiếng Nga, tr.70.
3.E.Taylo: Những sự khởi đầu của văn hóa, xuất bản năm 1873.