Mới cập nhật

PGS,TS ĐÀM ĐỨC VƯỢNG PHÁT BIỂU TRỰC TIẾP TRÊN SÓNG TRUYỀN HÌNH VIỆT NAM TRONG BUỔI GIAO LƯU TẠI NHÀ HÁT LỚN HÀ NỘI





Ngày 2-9-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn độc lập tại Quảng trường Ba Đình, Hà Nội

(Tối 29-8-2018, tại Nhà Hát Lớn Hà Nội, báo Nhân Dân Điện tử tổ chức buổi giao lưu “Nhớ lời Bác dặn”, nhân dịp kỷ niệm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2-9. Buổi giao lưu này được phát trực tiếp trên sóng Đài Truyền hình Việt Nam. Tại buổi giao lưu này, PGS,TS Đàm Đức Vượng được mời phát biểu. Sau đây là Lời phát biểu của PGS,TS Đàm Đức Vượng).

Thưa các vị lãnh đạo Đảng và Nhà nước,
Thưa các bác, các anh, các chị,
     
Hôm nay, tôi được mời phát biểu tại đây, thật là vinh dự đối với tôi.
Sau khi được xem hai vở kịch ngắn và phim vừa chiếu, tôi thấy Chủ tịch Hồ Chí Minh là người có tài lãnh đạo chính quyền nhân dân. Người gần dân, thân dân, hết lòng thương yêu đồng bào, chiến sĩ. 

Tình sâu nghĩa nặng với dân của Người đã làm cho dân cảm động, đoàn kết chung quanh Người để tiến hành một cuộc cách mạng mang ý nghĩa lịch sử. Đó là Cách mạng tháng Tám năm 1945 và sự ra đời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam). Tuy chính quyền cách mạng mới ra đời, còn non trẻ, nhưng nó đã được nhân dân ủng hộ, chở che, cho nên chính quyền cách mạng từng bước được củng cố vững chắc và trưởng thành nhanh chóng.

Qua vở kịch ngắn và phim, tôi còn thấy Chủ tịch Hồ Chí Minh rất coi trọng công tác cán bộ. Người nói: “Trọng nhân tài, trọng cán bộ, trọng mỗi người có ích trong công việc của chúng ta”. Người rất kiên quyết xử lỷ nghiêm khắc với những phần tử thoái hóa, biến chất, tham ô (tham nhũng), không nhân nhượng với những hành vi tiêu cực đó. Vụ Trần Dụ Châu là một bằng chứng. Trong phiên họp Hội đồng Chính phủ (từ ngày 15 đến ngày 17-11-1950), tại Việt Bắc, Chủ tịch Hồ Chí Minh và các vị trong Hội đồng Chính phủ đã nghe vị đại diện Bộ Quốc phòng trình bày về vụ án Trần Dụ Châu, Giám đốc Nha Quân nhu, đã phạm tội tham ô lớn tiền công quỹ để sống xa hoa, trác táng, ảnh hưởng xấu đến uy tín của Đảng và Quân đội. Tòa án binh đã khởi tố và kết án tử hình Trần Dụ Châu. Nghe báo cáo, nét mặt vị Chủ tịch nước rất buồn. Người kết luận: “Về vụ Trần Dụ Châu, chúng ta phải chịu một phần trách nhiệm. Chúng ta không có chính sách cán bộ đúng. Chúng ta sinh trưởng trong một xã hội lạc hậu, nhiễm thực dân, phong kiến, xã hội cũ hám danh, hám lợi dễ làm hư người. Bây giờ chúng ta dùng cán bộ để cải tạo xã hội mà không có chính sách cải tạo cán bộ, đây là khuyết điểm. Chính sách cán bộ thế nào? Lúc tìm người phải tìm cả tài, cả đức, chú trọng tư tưởng. Nếu cán bộ biết thương dân, tiếc của dân thì không xảy ra việc đáng tiếc. Đồng thời, phải giáo dục, cải tạo, kiểm tra cán bộ”.
       
Cũng qua vở kịch ngắn, tôi hình dung ra được cả một hệ thống quan điểm tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về công tác cán bộ. Từ vấn đề dùng người đến vấn đề lựa chọn cán bộ, đánh giá cán bộ, kiểm tra cán bộ, xử lý cán bộ… đều rõ ràng và minh bạch. Chính điều đó đã củng cố niềm tìn của nhân dân đối với chế độ xã hội chủ nghĩa của chúng ta, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập và rèn luyện.
       
Xin cảm ơn! 

Văn phòng Viện ISSTH