Mới cập nhật

ĐỒNG CHÍ NGUYỄN CHÍ DIỂU VỚI CÔNG TÁC VẬN ĐỘNG VÀ TỔ CHỨC QUẦN CHÚNG*

PGS,TS Đàm Đức Vượng**



Nhà lưu niệm đồng chí Nguyễn Chí Diễu nằm ở làng Thanh Tiên, xã Phú Mậu, huyện Phú Vang (Thừa Thiên Huế)


1. Nguyễn Chí Diểu là một nhân vật lịch sử của cách mạng Việt Nam. Địa bàn hoạt động của ông chủ yếu ở Trung Kỳ, sau đó là Nam Kỳ trong thời dựng Đảng và giai đoạn đầu hoạt động của Đảng.

Nguyễn Chí Diểu hoạt động cùng thời với những người trong Tân Việt Cách mệnh Đảng (thường gọi tắt là Đảng Tân Việt, hoặc Tân Việt), trở thành Xứ ủy viên Xứ ủy Trung Kỳ Đảng Tân Việt; đồng thời, hoạt động cùng thời với những người trong Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên (Việt Nam Thanh niên Cách mạng đồng chí Hội – Thanh niên) và trong tổ chức của Đảng Cộng sản Việt Nam – Đảng Cộng sản Đông Dương, như Lê Huân, Trần Hoành, Lê Đại, Nguyễn Hiệt Chi, Đào Duy Anh, Tôn Quang Phiệt, Hoàng Trần Liễn, Trần Mộng Bạch, Đặng Thai Mai, Nguyễn Thúc Hào; Trần Phú, Hà Huy Tập, Phan Đăng Lưu, Nguyễn Khoa Văn (Hải Triều), Võ Nguyên Giáp, Lê Duẩn,… Đặc biệt, ông và Phan Đăng Lưu đã có công giác ngộ được những người yêu nước đi làm cách mạng, đó là Nguyễn Kim Thành mà sau này đã trở thành Ủy viên Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà thơ Tố Hữu và Võ Nguyên Giáp, một vị Đại tướng – Tổng Tư lệnh, Bí thư Quân ủy Trung ương tài năng, một nhà chiến lược quân sự xuất chúng, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ. 
Khi một bộ phận những người tiên tiến trong Đảng Tân Việt đứng ra thành lập Đông Dương Cộng sản Liên đoàn, thì Nguyễn Chí Diểu cũng trở thành đảng viên của Đông Dương Cộng sản Liên đoàn. Đông Dương Cộng sản Liên đoàn là một tổ chức cộng sản do những người tiên tiến, giác ngộ cách mạng, giác ngộ chủ nghĩa cộng sản của Tân Việt lập ra, chủ yếu hoạt động ở Trung Kỳ, trước khi thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam. Tháng 8 và tháng 9-1929, những người tiên tiến trong Tân Việt lại họp bàn việc lập Đảng Cộng sản và ra “Tuyên đạt”. Tiếp đó, đến các cuộc họp vào tháng 12-1929 và ngày 1-1-1930, tại bến đò Trai, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh, các đại biểu nhất trí thành lập Đông Dương Cộng sản Liên đoàn. Thành phần đảng viên của Đông Dương Cộng sản Liên đoàn gồm những người tiên tiến trong Tân Việt. Cơ sở hoạt động của Đông Dương Cộng sản Liên đoàn chủ yếu ở các tỉnh Bắc Trung Kỳ. Khi Hội nghị thống nhất các tổ chức cộng sản thành Đảng Cộng sản Việt Nam được tổ chức, Đông Dương Cộng sản Liên đoàn không kịp đến dự. Vì vậy, ngày 14-4-1930, Đông Dương Cộng sản Liên đoàn chính thức xin gia nhập Đảng Cộng sản Việt Nam, do Ngô Gia Tự (Bách), Bí thư Xứ ủy Nam Kỳ, thay mặt Đảng Cộng sản Việt Nam, nhận đơn xin gia nhập. Nguyễn Chí Điểu đã hăng hái tham gia các hoạt động của Đông Dương Cộng sản Liên đoàn, tiếp đó là các hoạt động của Đảng Cộng sản Việt Nam và Đảng Cộng sản Đông Dương. 
Đảng Tân Việt là một cái lò đầu tiên đã rèn luyện Nguyễn Chí Diểu. Trải qua đợt thanh lọc, đến tháng 7-1928, Tân Việt còn khoảng 400 đảng viên. Đảng đã tổ chức được hai lớp giáo dục chính trị cho các đảng viên của Đảng và in được 15 cuốn sách nhỏ bằng tiếng Việt theo ý thức hệ cộng sản. Hoạt động thật sự của Đảng chỉ được đánh dấu từ cuộc họp tháng 7-1928. Nguyễn Chí Diểu đã tham gia lớp giáo dục chính trị này.
Khi Đảng Cộng sản Việt Nam được thành lập, Nguyễn Chí Diểu trở thành đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam. Khi Đảng Cộng sản Việt Nam đổi tên thành Đảng Cộng sản Đông Dương, Nguyễn Chí Diểu trở thành đảng viên Đảng Cộng sản Đông Dương.
Nguyễn Chí Diểu sinh năm 1908 (chưa rõ ngày, tháng). Quê quán của ông ở xã Phú Mậu, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên Huế.
Năm 1925, ông học tại Trường Quốc học Huế. Tại đây, ông đã liên hệ mật thiết với các nhà hoạt động yêu nước và cách mạng, kết thân với nhiều người để cùng nhau hoạt động và cũng từ đây, ông trở thành một nhà trí thức cách mạng. Cũng tại Trường Quốc học Huế, ông đã có dịp đọc một số sách báo tiến bộ và trăn trở với những bài báo tiến bộ đó.
Sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam được thành lập, Nguyễn Chí Diểu được Đảng điều vào hoạt động tại Nam Kỳ, được cử là Bí thư Tỉnh ủy Gia Định.
Trong lúc đang hoạt động hăng hái tại Nam Kỳ, Nguyễn Chí Diểu bị thực dân Pháp bắt vào tháng 10-1930, cho đến ngày 2-5-1933, tòa án thực dân đưa ông ra tòa, kết án khổ sai chung thân và đưa đi lưu đày tại Nhà tù Côn Đảo. Tháng 6-1936, ông được trả lại tự do, nhưng bị quản thúc tại Huế. Bị giam lỏng tại quê nhà, ông vẫn ngấm ngầm hoạt động, liên hệ với những người cộng sản ở Trung Kỳ, tiếp tục hoạt động bí mật. Dần dần ông đã thoát ra được sự đeo bám của mật thám tây, ta và trở thành Bí thư Xứ ủy Trung Kỳ(1) và Ủy viên Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương(2). Quãng đời hoạt động của ông tuy ngắn, nhưng đã đề lại nhiều dấu ấn lịch sử trên bước đường hoạt động cách mạng.
2. Cuộc đời của Nguyễn Chí Diểu là cuộc đời lăn lộn với công tác vận động và tổ chức quần chúng. Ông có biệt tài làm công tác vận động và tổ chức quần chúng đấu tranh. Ông hiểu rằng, cách mạng là sự nghiệp của quần chúng. Công nông là gốc cách mạng. Cách mạng muốn thắng lợi triệt để phải do giai cấp công nhân và đội tiền phong là Đảng Cộng sản thấm nhuần chủ nghĩa Mác – Lênin lãnh đạo. Đấu tranh chính trị là hình thức đấu tranh giai cấp cao nhất của giai cấp công nhân chống lại giai cấp tư sản và áp bức dân tộc để giải phóng giai cấp, giải phóng xã hội, để thủ tiêu chế độ người bóc lột người, giành các quyền dân chủ và quyền tự do, vì hòa bình và độc lập dân tộc. Đấu tranh chính trị là đấu tranh cho những lợi ích căn bản của giai cấp công nhân. Đấu tranh chính trị là cuộc đấu tranh chung của giai cấp công nhân và nhân dân lao động; là cuộc đấu tranh để tiến tới giành chính quyền về tay giai cấp công nhân và nhân dân lao động.
Khi Nguyễn Chí Diểu vào học trường Quốc học Huế đúng vào lúc phong trào đấu tranh của công nhân, nông dân trí thức, học sinh Trung Kỳ nổ bùng, đòi giảm sưu cao thuế nặng, Nguyễn Chí Diểu nhanh chóng hòa nhập ngay vào phong trào đấu tranh đó. Tại Trường Quốc học Huế, Nguyễn Chí Diểu có nhiều bạn thân trong phong trào học sinh như Nguyễn Khoa Văn (Hải Triều), Nguyễn Thúc Hào, Võ Nguyên Giáp,… Có lần, Đại tướng Võ Nguyên Giáp kể lại là Nguyễn Chí Diểu thường chia sẻ với ông về sự bất bình trước cảnh giáo dục của chế độ thực dân là chỉ nhằm đào tạo ra những tên tay sai đắc lực phục vụ cho “nước mẹ” ở “chính quốc”. Chính những điều đó, mà chỉ sau mấy năm, Nguyễn Chí Diểu đã giới thiệu Võ Nguyên Giáp vào Đảng Tân Việt. 
 Tại Trường Quốc học Huế, vào tháng 4-1927, diễn ra một cuộc bãi khóa rầm rộ với quy mô lớn. Qua sự kiện này, Nguyễn Chí Diểu bị tên giám thị Pháp chú ý, coi là kẻ cầm đầu. Nhân một hôm, thi môn toán, viên giám thị gian giảo này đã vu oan cho Nguyễn Chí Diểu quay cóp bài của bạn và tức khắc đuổi ông ra khỏi Trường. Võ Nguyên Giáp và những học sinh yêu nước của Trường rất bất bình trước việc tên giám thị “vu oan, giá họa” cho Nguyễn Chí Diểu, đã làm đơn yêu cầu nhà trường hủy bỏ quyết định đuổi học của Nguyễn Chí Diểu, một học sinh giỏi của lớp, không hề chép bài của bất cứ ai mà tên giám thị đã vu khống. Đơn đã bị nhà trường trả lại. Trước sự việc này, Võ Nguyên Giáp đã cùng với Nguyễn Khoa Văn (Hải Triều) tiếp tục tổ chức bãi khóa để phản đối việc Nguyễn Chí Diểu bị đuổi học. Cuộc bãi khóa này lan rộng ra khắp các trường học ở Huế và phát triển lên thành cuộc tổng bãi khóa. Do áp lực của công luận, sau một thời gian ngắn, nhà đương cục Pháp phải nhượng bộ thả một số học sinh bị bắt, nhưng kiên quyết đòi đuổi một số người bị chúng coi là “những phần tử nguy hiểm nhất”, trong đó có Nguyễn Chí Diểu và Võ Nguyên Giáp.
Nguyễn Chí Diểu đã cùng với một số đồng chí của ông đi vào các xưởng sản xuất , nhà máy vôi Long Thọ, Nhà in báo Tiếng Dân, Trường Kỹ nghệ thực hành và một số xã vùng ven thành phố Huế để tuyên truyền vận động công nhân, nông dân đấu tranh đòi nhà chức trách thực dân giải quyết những yêu sách của họ.
Lúc bấy giờ xảy ra cuộc đình công của 700 công nhân nông nghiệp ở Phú Mỹ chống tên giám đốc đồn điền. Người này nắm giữ tất cả các thẻ căn cước của các công nhân. Điều đó làm cho công nhân không muốn làm việc nữa, không thể lấy lại căn cước để trở về quê quán. Lúc đó, một đảng viên cộng sản đứng ra kêu gọi công nhân nông nghiệp bãi công và vận động họ tố giác về sự tàn bạo của tên giám đốc. Cuộc đấu tranh với tên giám đốc giữ thẻ căn cước của công nhân kéo dài nhiều ngày. Cuối cùng, tên giám đốc bị sa thải và trả lại thẻ căn cước cho công nhân.
Cuộc bãi công của thợ hỏa xa nổ ra để đòi tăng lương cho những người làm việc vào ban đêm và trả lương cho họ vào những ngày làm thứ bảy và chủ nhật. Những người bãi công đòi thêm 15 xu. Kết quả là công nhân chỉ được nhận mỗi người 5 xu tăng thêm. Cuộc đấu tranh này đã đạt kết quả sau một thời gian phát động phong trào. 
Cuộc bãi khóa cũng được diễn ra của các học sinh ở Trung Kỳ, đòi cải thiện việc ăn uống trong khu nội trú tồi tệ.
Thâm nhập hoạt động trong phong trào quần chúng, Nguyễn Chí Diểu không ngừng tuyên truyền giác ngộ cách mạng cho quần chúng và tổ chức quần chúng thành những đoàn thể yêu nước và cứu quốc, gây dựng phong trào cách mạng tại nhiều cơ sở quần chúng. Ông đã mang lý luận cách mạng; lịch sử mất nước và cách mạng Việt Nam; cách mạng phương lược: công nhân vận động, nông dân vận động, phụ nữ vận động, học sinh vận động, quân nhân vận động để giáo dục cho quần chúng. Nhiều người được ông giác ngộ đã trở thành đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam.
Nguyễn Chí Diểu có phương pháp vận động quần chúng phù hợp với từng đối tượng; hướng dẫn quần chúng và đảng viên về các thời kỳ hoạt động của Đảng: thời kỳ nghiên cứu về lý luận và lịch sử cách mạng; thời kỳ huấn luyện và cách thức thực hành; thời kỳ thực hành. Các thời kỳ đó, tập trung vào các vấn đề về tâm thân cách mạng, đánh đổ nết xấu, trau giồi nết tốt, tự tôn, tự tin, can đảm, nghị lục, bác ái; giữ bí mật khi giao tiếp với người mình định tuyên truyền, khi ra đường phải làm thế nào cho mật thám không chú ý, lúc họp hội nghị phải định trước kế hoạch thoát thân và chuẩn bị những câu trả lời cho khỏi lộ chuyện, cách thức gửi thư từ và công văn bí mật, khi bị địch bắt phải xử trí khôn khéo sao cho khỏi liên can đến tổ chức và các đồng chí trong Đảng; phải có cách xem xét từng đồng chí, ai làm được việc, ai phản bạn, phản lại đồng chí để xử lý kịp thời; phân tích làm cho mọi người bỏ hết tính xấu như cờ bạc, rượu chè. Nguyễn Chí Diểu đặc biệt chú ý đến công tác điều tra mà lúc ấy ông gọi là “củ soát” những người nghi là phản bội cách mạng. Ông yêu cầu những người đi huấn luyện, giác ngộ và tổ chức quần chúng phải có tư cách, nhân cách của một nhà cách mạng chân chính, can đảm, quả quyết, kiên nhẫn, bác ái, cần kiệm liêm chính, không hám danh, hám lợi; phải biết quan sát tường tận và khảo cứu lý luận và lịch sử cách mạng, chính đảng và các đoàn thể. Ông giao cho các đảng viên đi tuyên truyền và giác ngộ quần chúng để kết nạp họ vào Đảng hoặc ít nhất là quần chúng đó thể hiện được lòng yêu nước và xả thân vì nền độc lập, tự do cho Tổ quốc. Nguyễn Chí Diểu nói rằng, trong cách cư xử hằng ngày, nhiều đồng chí cũng hay sơ suất, ăn nói không giữ lời. Nhiều người khi đi đường ăn mặc không phù hợp với thời trang, làm cho mật thám chú ý. Vì vậy, ông yêu cầu cử chỉ ăn nói, ăn mặc phải hết sức giữ gìn, không những để người tin phục, đồng thời, cũng để cho mật thám khỏi chú ý; phải sắp đặt chỗ làm việc cho chỉnh tề, lựa một chỗ để cất giấu tài liệu, không được để lọt vào tay mật thám. Nói tóm lại, theo ông, người cách mạng phải rất sáng suốt, có nhân cách và có phương pháp tốt trong hoạt động, phải biết hy sinh cho sự nghiệp mà mình theo đuổi suốt đời. Đó mới là người cách mạng, người cộng sản chân chính.
Tháng 8-1936, Nguyễn Chí Diểu và những người cộng sản ở Thừa Thiên Huế tổ chức cuộc họp ở hiệu sách Hương Giang để đề ra biện pháp chống lại những thủ đoạn xảo quyệt của kẻ thù và đề ra những chủ trương, biện pháp mới, tổ chức Đông Dương Đại hội tại Trung Kỳ.
Đứng trước nguy cơ chiến tranh do chủ nghĩa phát xít gây ra, Quốc tế Cộng sản đã họp Đại hội lần thứ VII, đề ra đường lối đấu tranh mới, trong đó, chủ trương thành lập Mặt trận thống nhất chống chủ nghĩa phát xít và nguy cơ chiến tranh. Trước tình hình đó, Hội nghị Trung ương họp ngày 26-7-1936, tại Thượng Hải, Trung Quốc, khẳng định sự chuyển hướng chiến lược và chủ trương, đường lối lập Mặt trận thống nhất phản đế trong thời kỳ mới. Một số nhà yêu nước lúc ấy đề nghị tổ chức Đại hội Đông Dương (Đông Dương Đại hội) để thảo luận bản dân nguyện. Đảng Cộng sản Đông Dương ủng hộ hoạt động này. Phong trào Đông Dương Đại hội diễn ra khắp ba miền Bắc – Trung – Nam. Nhân dịp này, Đảng mở rộng khả năng hoạt động hợp pháp nhằm tiếp tục phát triển phong trào cách mạng của quần chúng.     
Tại Đại hội đại biểu nhân dân Trung Kỳ, ngày 20-9-1936, Nguyễn Chí Diểu cùng với Phan Đăng Lưu, Hải Triều, Đào Duy Anh tham gia Ủy ban Lâm thời chi nhánh Trung Kỳ của Đông Dương Đại hội. Đến tháng 4-1937, Nguyễn Chí Diểu thay mặt Xứ ủy Trung ký triệu tập cuộc họp bàn bạc việc củng cố lại Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế và bàn việc tiếp tục phát triển các tổ chức, đoàn thể quần chúng yêu nước và cách mạng.
Giữa lúc phong trào cách mạng đang trong cơn khó khăn, hoạn nạn và trước sự khủng bố khốc liệt của kẻ thù, Nguyễn Chí Diểu bị bệnh nặng và mất ngày 15-9-1939, hưởng thọ 31 tuổi(3).
Nguyễn Chí Diểu mất đi là một tổn thất lớn cho Đảng và cách mạng. Ông là một trong những người hoạt động bản lĩnh và đầy nghị lực của phong trào cách mạng ở Trung Kỳ và Nam Kỳ; hiện thân của một người cộng sản chân chính, nêu cao đạo đức cách mạng, suốt đời phấn đấu, hy sinh vì nền độc lập, tự do của Tổ quốc.
Con người ấy đã đi vào lịch sử cách mạng Việt Nam!
 ----------------
* Báo cáo Khoa học tại Hội thảo Khoa học về Nguyễn Chí Diểu do Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh và Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế tổ chức ngày 8-11-2018.
** Hội đồng Lý luận Trung ương.
1. Chưa rõ thời gian Nguyễn Chí Diểu làm Bí thư Xứ ủy Trung Ký Đảng Cộng sản Đông Dương.
2. Trong danh sách Ban Chấp hành Trung ương do Đại hội I (1935) bầu ra, không có Nguyễn Chí Diểu. Vì vậy, ông có thể là Ủy viên Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương, được bầu bổ sung sạu Đại hội I.
3. Có tài liệu ghi Nguyễn Chí Diểu mất ngày 19-5-1939