Mới cập nhật

KINH TẾ - XÃ HỘI VIỆT NAM VẪN ĐANG TĂNG TRƯỞNG VÀ ỔN ĐỊNH

 PGS,TS Đàm Đức Vượng
 

1. Các trang mạng gần đây tung ra một loạt bài nhận xét về tình hình kinh té – xã hội Việt Nam hiện nay. Bên cạnh những bài có những nhận định đúng về tình hình kinh tế - xã hội Việt Nam hiện nay là những bài bóp méo, xuyên tạc sự thật, cần phải phê phán, như họ cho rằng, đất nước vẫn đang trong tình trạng bê bối, kém phát triển; tăng trưởng thiếu bền vững; thương mại lệ thuộc vào nước ngoài; nợ công chồng chất như núi; môi trường ô nhiễm nặng; di dân và tẩu tán tài sản; nạn tham nhũng vẫn hoành hành; văn hóa, giáo dục xuống cấp nghiêm trọng… Họ đưa ra những con số để chứng minh, nhưng những con số đó lại không chính xác. Nói chung, họ cố vẽ lên bức tranh xám xịt và đang ra sức bôi nhọ nền kinh tế - xã hội của Việt Nam hiện nay.
Sự thật có phải như vậy không? Xin hãy nhìn thẳng vào sự thật về tình hình kinh tế - xã hội của đất nước hiện nay để bình luận cho đúng.
Trước hết, phải nói rằng, bức tranh kinh tế thế giới hiện nay không mấy sáng sủa, trong đó có hoạt động thương mại và đầu tư thế giới giảm; diễn biến khó lường trên thị trường tài chính – tiền tệ quốc tế; giá dầu lên xuống thất thường đã phần nào ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế của Việt Nam.
Trong hoàn cảnh khó khăn đó, kinh tế Việt Nam vẫn đang trên đà tăng trưởng. Việt Nam có truyền thống vượt khó, vượt rào cản. Xưa kia, người Việt Nam có truyền thống chống giặc ngoại xâm một cách oanh liệt, ngày nay, người Việt Nam lại đang vươn lên trở thành người biết làm kinh tế, thậm chí có khả năng làm kinh tế giỏi. Điều này được chứng minh bởi những thành quả kinh tế rất đáng khích lệ mà Việt Nam đã đạt được trong thời gian qua và hiện nay.
Cơ sở để phát triển kinh tế của Việt Nam là đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước. Ngày 15-1-2019, thay mặt Bộ Chính trị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ký ban hành Nghị quyết số 39-NQ/TW về nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác, sử dụng và phát huy các nguồn lực của nền kinh tế. Tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp nâng cao năng suất lao động, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh và phát triển bền vững của nền kinh tế.
 Chính phủ cũng đã ban hành Nghị quyết số 01-NQ/CP, ngày 1-1-2019, về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2019 và Nghị quyết số 02-NQ/CP về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu để cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, đồng thời, chỉ đạo quyết liệt các bộ, ngành, địa phương tập trung thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội.
Căn cứ vào các số liệu, thấy rằng, nhìn chung, kinh tế đất nước vẫn đang tiếp tục phát triển. Theo Tổng cục Thống kê, tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý 1-2019, ước tính tăng 6,79%. Con số này tuy có thấp hơn mức tăng trưởng của quý 1-2018, nhưng cao hơn tăng trưởng của quý 1 trong các năm từ 2011-2017. Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ trong chỉ đạo điều hành quyết liệt cùng với sự vào cuộc với quyết tâm cao của các ngành, các cấp, các địa phương, tạo nên khí thế làm kinh tế sôi động trong cả nước.
 Trong mỗi khu vực kinh tế đều có tăng trưởng nhất định, hòa vào sự tăng trưởng chung của cả nước.
 Sản xuất của khu vực nông nghiệp (bao gồm cả nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản) trong quý 1-2019, tốc độ tăng trưởng khá, khẳng định sự chuyển đổi cơ cấu ngành đã phát huy hiệu quả. Thị trưởng xuất khẩu nông nghiệp được đẩy mạnh, là động lực chính thúc đẩy sản xuất của khu vực này, khẳng định sự  chuyển đổi cơ cấu ngành đã phát huy tác dụng và hiệu quả; mặt khác, giá bán sản phẩm ổn định cùng với mở rộng thị trường xuất khẩu là động lực chính thúc đẩy sản xuất phát triển nông nghiệp.
Khu vực doanh nghiệp, tính chung, trong quý 1-2019, cả nước có 28.451 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng số vốn đăng ký là 375,5 nghìn tỷ đồng, tăng 6,2% về số doanh nghiệp và tăng 34,8% về số vốn đăng ký so với quý 1-2018. Vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới đạt 13,2 tỷ đồng, tăng 26,9%. Bên cạnh đó, còn có 15.050 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng 78,1% so với quý 1-2018, nâng tổng số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trong quý 1-2019 lên hơn 43,5 nghìn đơn vị. Tổng số lao động đăng ký của các doanh nghiệp thành lập mới trong quý 1-2019 là 317,6 nghìn người, tăng 40,9% so với quý 1-2018.
Kinh tế vĩ mô tương đối ổn định, kiểm soát được nạn lạm phát; hoạt động ngân hàng, bảo hiểm có phần chặt chẽ hơn. Tính đến ngày 20-3-2019, tổng phương tiện thanh toán tăng 2,54% so với cuối năm 2018 (so với quý 1-2018 tăng 3,23%); huy động vốn của các tổ chức tín dụng tăng 1,72% (so với quý 1-2018 tăng 2,2%); tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế đạt 1,9% (so với quý 1-2018 tăng 2,23%).
Thị trường bảo hiểm quý 1-2019 duy trì tăng trưởng tích cực. Doanh thu phí bảo hiểm toàn thị trường trong quý 1-2019 tăng khoảng 17% so với quý 1-2018.
Về đầu tư trong quý 1-2019 chủ yếu tập trung vào hoàn thành công tác phân bổ dự toán đầu năm nguồn vốn đầu tư công; đồng thời, đẩy nhanh tiến độ các công trình, dự án, chuyển tiếp, công trình trọng điểm. Vốn đầu tư toàn xã hội thực hiện quý 1-2019 theo giá hiện hành đạt 359,2 nghìn tỷ đồng, tăng 8,8% so với quý 1-2018 và bằng 32,2% GDP, bao gồm vốn khu vực nhà nước đạt 106,8 nghìn tỷ đồng, chiếm 29,7% tổng vốn và tăng 3,5% so với quý 1-2018; khu vực ngoài nhà nước đạt 158 nghìn tỷ đồng, chiếm 44% và tăng 13,6%; khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt 94,9 nghìn tỷ đồng, chiếm 26,3% và tăng 7,5%...
Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa, tính chung trong quý 1-2019, ước tính đạt 58,51 tỷ USD, tăng 4,7% so với quý 1-2018, trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 17,05 tỷ USD, tăng 9,7%, chiếm 29,1% tổng kim ngạch xuất khẩu; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô), đạt 41,46 tỷ USD, tăng 2,7%, chiếm 70,9%. Các mặt hàng dệt may; giày dép; sắt thép; điện tử, máy tính và linh kiện; điện thoại và linh kiện; máy móc thiết bị,… có giá trị xuất khẩu lớn.
 Về thị trường hàng hóa xuất khẩu quý 1-2019, Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 13 tỷ USD, tăng 26% so với quý 1-2018, trong đó, điện thoại và linh kiện tăng 76,9%; hàng dệt may tăng 12,3%; giày dép tăng 8,9%. Tiếp đến là thị trường EU đạt 10,2 tỷ, tăng 2,5%. Trung Quốc đạt 7,6 tỷ USD, giảm 7,4%...
Kim ngạch hàng hóa nhập khẩu, quý 1-2019 đạt khoảng 57,98 tỷ USD, tăng 8,9% so với quý 1-2018, trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 24,09 tỷ USD, tăng 13,4%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 33,89 tỷ USD, tăng 6%.
Việt Nam hiện vẫn đang giữ được bội chi và nợ công. Ngân sách Nhà nước cũng có kết quả tốt, giữ được mức bội chi ngân sách. Nợ công nằm ở mức 61,4%, mức có thể chấp nhận được.
Về mặt an sinh xã hội: Đời sống dân cư nhìn chung ổn định. Công tác an sinh xã hội được chính quyền các cấp quan tâm thực hiện. Tình trạng nghèo đói ở nông thôn được từng bước đẩy lùi. Đến nay đã có 14 triệu thẻ bảo hiểm y tế cho người lao động ở khu vực nông thôn.
Giáo dục và đào tạo đang triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới với mục tiêu hiện đại, tinh gọn, bảo đảm chất lượng, gắn chặt với thực tiễn và thực trạng học sinh, sinh viên Việt Nam hiện nay. Năm học 2018-2019, cả nước có 5.360 nghìn trẻ em bậc mầm non; 8.359 nghìn học sinh tiểu học; 5.603 nghìn học sinh trung học cơ sở; 2.578 nghìn học sinh trung học phổ thông; 11,7 nghìn học sinh trung cấp sư phạm; 44,5 nghìn sinh viên cao đẳng sư phạm; 1.443 nghìn sinh viên đại học chính quy.
Giáo dục nghề nghiệp có những chuyển biến mới, gắn với việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, gắn bó chặt chẽ với thị trường lao động, đáp ứng với yêu cầu phát triển và nâng cao năng lực cạnh tranh. Trong quý 1-2019, cả nước đã tuyển sinh được 248,8 nghìn người, trong đó, 44,8 nghìn người có trình độ cao đẳng, trung cấp; 204 nghìn người trình độ sơ cấp…
Nhìn chung, tình hình kinh tế - xã hội hiện nay vẫn đang có chiều hướng phát triển tốt và cũng có thể nói là vững chắc. Tuy nhiên, mặt tiêu cực cũng còn, như tai nạn giao thông trong quý 1-2019, trên địa bàn cả nước đã để xảy ra 4.030 vụ tai nạn giao thông, làm 1.905 người chết, 1.209 người bị thương. Rồi tệ nạn xã hội như cúng bái tràn lan, đốt vàng mã, cờ bạc, nghiện hút, tiêu vực vẫn đang phát sinh mà chưa có giải pháp ngăn chặn. Thiên tai đe dọa, nạn ô nhiễm môi trường, sức khỏe của nhân dân có phần giảm sút.
Kinh tế Việt Nam hiện nay vẫn đang đi đúng hướng, có những bước phát triển rất đáng phấn khởi. Điều này thể hiện sự đánh giá của Ngân hàng thế giới và Quỹ tiền tệ quốc tế và các chính khách, báo chí quốc tế đối với kinh tế Việt Nam. Nhìn chung, giới phân tích cho rằng, Việt Nam có một nền kinh tế năng động, phát triển khá nhanh, xã hội tương đối ổn định, đời sống nhân dân từng bước được cải thiện. Báo Pháp ca ngợi Việt Nam là “công xưởng mới của thế giới”. Bên cạnh việc mở rộng đầu tư với nước ngoài, Việt Nam cần thể hiện rõ hơn về một nền kinh tế độc lập, tự chủ. Thực trạng hiện nay, dấu ấn độc lập, tự chủ của kinh tế Việt Nam còn mờ nhạt, trong khi việc đầu tư của nước ngoài vào Việt Nam lại đậm nét.
2. Những giải pháp bổ sung nhằm thúc đẩy kinh tế - xã hội Việt Nam phát triển nhanh hơn nữa, mạnh hơn nữa: Qua nghiên cứu, tôi thấy kinh tế - xã hội Việt Nam muốn phát triển nhanh hơn nữa, mạnh hơn nữa, cần thực hiện các giải pháp cơ bản sau đây:
 Một là: Phải kết hợp giữa xây dựng nền kinh tế có vốn đầu tư của nước ngoài với một nền kinh tế độc lập, tự chủ, trong đó, độc lập, tự chủ phải đóng vai trò chủ đạo. Từ trước tới nay, ta nặng về kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài, mà có phần lãng quên mất kinh tế độc lập, tự chủ. Điều này sẽ dẫn đến tình trạng “lỏng chân đứng” trong kinh tế, một khi ngoại lực không đóng vai trò chủ đạo nữa. Nền kinh tế độc lập, tự chủ thể hiện ở sự “phát huy nội lực là chính, đồng thời coi trọng tranh thủ ngoại lực”; phát huy cao độ nội lực, đồng thời tranh thủ nguồn lực bên ngoài. Chủ động hội nhập kinh tế quốc tế cũng là cách xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ; kết hợp hai yếu tố nội lực và ngoại lực để xây dựng kinh tế sẽ trở thành động lực tổng hợp để xây dựng kinh tế độc lập, tự chủ. Nếu chúng ta quá phụ thuộc vào nền kinh tế ngoại lực, mà quên đi vấn đề nội lực, trong đó có chính sách trong kinh tế, trước sau cũng sẽ phải trả giá.
Hai là: Trong tình hình hiện nay, không thể xây dựng nền kinh tế chay, mà phải có sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa xây dựng kinh tế với xây dựng trật tự an toàn xã hội và quốc phòng an ninh. Bỏ rơi vấn đề xây dựng trật tự xã hội và quốc phòng – an ninh là một sai lầm trong chỉ đạo kinh tế. Sự ràng buộc này không thể thiếu trong tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Trong lúc tình hình thế giới căng thẳng, một số nước lớn thi nhau sản xuất vũ khí hạng nặng để chuẩn bị cho chiến tranh xâm lược, thì vấn đề kết hợp giữa xây dựng kinh tế với xây dựng trật tự an toàn xã hội và quốc phòng an ninh càng trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết. Tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp chủ yếu để xây dựng một nền kinh tế mạnh, rất mạnh, một nền quốc phòng - an ninh mạnh, rất mạnh là mục tiêu mà chúng ta đang vươn tới.
Ba là: Xây dựng một nền kinh tế dân giàu, nước mạnh là một bảo đảm vững chắc cho chỗ đứng Việt Nam trên trường quốc tế. Tình trạng của đất nước ta hiện nay là dân chưa giàu, nước chưa mạnh, thể hiện ở tiềm lực kinh tế đất nước và mức sống của nhân dân. Muốn có dân giàu, nước mạnh, trước hết, các nhà lãnh đạo kinh tế phải biết phân bổ một cách khoa học giữa lợi ích của đất nước với lợi ích của người dân, gọi chung là lợi ích kinh tế. Ph.Ăngghen viết: “Các quan hệ kinh tế của mỗi một xã hội nhất định biểu hiện trước hết như là lợi ích” (C.Mác và Ph.Ăngghen Toàn tập, tiếng Nga, tập 18, tr. 271). Những lợi ích kinh tế đều mang tính chất lịch sử và tính chất xã hội. Hệ thống các quan hệ sản xuất quyết định hệ thống vốn có trong giai đoạn đầu của thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta. Những hình thức (nhóm) chủ yếu về lợi ích kinh tế được đặc trưng bằng tính chung và tính thống nhất, đó là lợi ích toàn dân, lợi ích tập thể và lợi cá nhân của những người lao động. Mối quan hệ giữa lợi ích toàn dân, lợi ích tập thể và lợi ích cá nhân là mối quan hệ tác động vào nhau. Nếu không có lợi ích toàn dân, thì không thể thực hiện được lợi ích của tập thể và cá nhân; đồng thời,  nếu không chú ý và thực hiện lợi ích cá nhân, thì không thể thực hiện được một cách đầy đủ nhất lợi ích kinh tế của xã hội nói chung hay của tập thể những người lao động nói riêng. Nếu biết kết hợp giữa các lợi ích kinh tế với lợi ích xã hội và lợi ích cá nhân, thì sẽ dẫn đến dân giàu, nước mạnh trong tương lai. 
Bốn là: Nghị quyết số 39 của Bộ Chính trị về nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác, sử dụng và phát huy các nguồn lực của nền kinh tế đã chỉ rõ đổi mới mô hình tăng trưởng chuyển từ chủ yếu dựa vào khai thác tài nguyên, vốn đầu tư và lao động sang sử dụng tổng hợp có hiệu quả các nguồn lực của nền kinh tế; nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, có năng lực khoa học, công nghệ, chất lượng, đổi mới sáng tạo.
Trong nguồn lực, phải đặc biệt chú ý đến nguồn lao động (nguồn nhân lực). Nguồn lao động là một yếu tố quan trọng của nền kinh tế của đất nước, nó phản ánh số lượng tối đa có thể có của dân cư có khả năng lao động. Đặc trưng của nguồn lao động là những chỉ tiêu số lượng và chất lượng. Những nhân tố xã hội, kinh tế,… đều có ảnh hưởng đến sự vận động của nguồn lao động; nâng cao nhận thức, hoàn thiện thể chế về phát triển, khai thác, sử dụng có hiệu quả nguồn lao động Việt Nam; đổi mới việc quản lý, đào tạo, sử dụng nguồn lao động; hoàn thiện thể chế phát triển thị trường lao động hoạt động hiệu quả. Làm tốt vấn đề nguồn lao động chắc chắn sẽ là động lực chủ yếu để phát triển kinh tế.
Năm là: Tiếp tục sửa đổi, bổ sung để hoàn thiện chính sách kinh tế. Chính sách kinh tế hiện nay ở Việt Nam đã có những bước tiến, bám sát thực tế Việt Nam hơn. Tuy nhiên, rõ ràng là chưa hoàn thiện, nó thể hiện là chưa đồng bộ, chưa phản ánh định tính cũng chưa phản ánh định lượng. Chính sách còn mang tính chính trị nhiều, trong khi đó, tính khoa học lại chưa nhiều.
Chính sách thực chất là một bộ phận của đường lối chính trị, là một yếu tố hết sức quan trọng của kiến trúc thượng tầng của chế độ xã hội chủ nghĩa. Kiến trúc thượng tầng này, thực chất là do cơ sở hạ tầng kinh tế và do hệ thống các quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa quyết định. Trong sự tác động qua lại giữa kinh tế và chính trị, kinh tế mang yêu rố quyết định, còn chính trị là sự phản ánh và sự biểu hiện tập trung của kinh tế. Vai trò quyết định của kinh tế thể hiện ở chỗ là trong khi vạch ra đường lối chính trị của mình, Đảng đã dựa vào sự nhận thức các quy luật kinh tế khách quan, tính đến trình độ phát triển của lực lượng sản xuất đến tới độ chín của quan hệ sản xuất. Kinh tế biểu hiện tập trung trong chính trị thông qua cơ chế lợi ích kinh tế của toàn xã hội.
Xây dựng cơ chế kinh doanh có nghĩa là xây dựng phương thức tổ chức, sự điều hành nền kinh tế sao cho có hiệu quả. Cơ chế kinh doanh là phương tiện chủ yếu để thực hiện trên thực tiễn chính sách kinh tế của Đảng và Nhà nước, bảo đảm sự hoạt động và phối hợp chặt chẽ tất cả các khâu của nền kinh tế thống nhất và đa dạng trong cả nước. Tất cả các khâu của cơ chế kinh doanh đều nhằm đạt tới những kết quả cuối cùng là nâng cao năng suất lao động và chất lượng sản phẩm.
Sáu là: Trong kinh tế phải thể hiện được tính cạnh tranh. Cạnh tranh ở đây có thể là cạnh tranh sản xuất hàng hóa giữa trong nước và ngoài nước; cạnh tranh giữa các ngành trong một quốc gia; cạnh tranh trong nội bộ ngành trong một quốc gia. Tất cả đều nhằm mục tiêu bán được nhiều hàng hơn, thu lợi nhuận cao hơn. Muốn thắng lợi trong cạnh tranh, trước hết phải tính đến yếu tố tổ chức sản xuất sao cho hợp lý, làm cho giá thành và giá bán hạ hơn so với đối tác; kế đó là chất lượng sản phẩm. Hàng tốt, giá vừa phải, phù hợp với túi tiền của người tiêu dùng, chắc chắn hàng hóa đó sẽ được lưu thông nhanh trên thị trường kinh tế.
Bảy là: Cơ cấu lại nền kinh tế ngành, vùng và các sản phẩm chủ yếu theo hướng hiện đại như trong Nghị quyết 39 của Bộ Chính trị đã nêu. Đổi mới cơ cấu thành phần kinh tế; đầu tư vào các dự án trọng điểm quốc gia mà các thành phần kinh tế khác không đủ sức gánh vác. Tuy nhiên, khi tính đến đầu tư vào các dự án trọng điểm quốc gia phải có sự tính toán, cân nhắc kỹ, tránh tình trạng chủ quan duy ý chí, phiêu lưu trong khi đầu tư vào các dự án trọng điểm quốc gia, bảo đảm “ăn chắc mặc bền”, mang lại kết quả lớn sau khi đầu tư.
Tám là: Thực hiện công khai, minh bạch, bình đẳng và dân chủ hóa đời sống kinh tế - xã hội. Sử dụng đúng quyền lực và kiểm soát tốt quyền lực, đề cao trách nhiệm của từng đơn vị, cá nhân và đạo đức công vụ là điều cần có và phải có trong phát triển kinh tế - xã hội. Trong nghị quyết 39 của Bộ Chính trị nhấn mạnh đến việc xây dựng và thực thi nghiêm các chế tài đủ mạnh nhằm ngăn chặn hành vi cửa quyền, độc quyền, cơ chế xin - cho; lợi ích nhóm tiêu cực; đẩy lùi tham nhũng, góp phần củng cố niềm tin của các nhà đầu tư,  nhà doanh nghiệp và của toàn xã hội. Chủ động nắm bắt cơ hội, tận dụng tối đa thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư (4.0) để phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam, nhất là nghiên cứu thấu đáo, nội hàm, phương thức vận hành và tác động trực tiếp của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư cho việc định hướng nhiệm vụ, giải pháp thực hiện cụ thể vào một số ngành, lĩnh vực, địa bàn để chủ động hội nhập và hòa chung vào dòng chảy của cuộc cách mạng công nghiệp này.
Chín là: Nâng cao năng lực quản lý nhà nước của Chính phủ, chính quyền địa phương và năng lực quản lý của các doanh nghiệp một cách khoa học. Quản lý xã hội một cách khoa học chính là sự tác động có ý thức, có mục đích của con người đến toàn bộ hệ thống xã hội nhằm bảo đảm sự hoạt động tối ưu và sự phát triển trên cơ sở vận dụng các quy luật khách quan và những xu hướng vốn có của chủ nghĩa xã hội. Quản lý là vấn đề nảy sinh ở bất cứ giai đoạn phát triển nào của nó. Có như vậy là do tính chất xã hội của lao động của con người. Không thể hình dung được hoạt động sản xuất trong xã hội mà lại không có tính tổ chức, trật tự, phân công lao động, không dành cho con người một vị trí nhất định, những chức năng nhất định trong quá trình này. Trên thực tế, không những hoạt động lao động sản xuất của con người, mà cả hành vi xã hội của họ cũng đòi hỏi phải có sự điều khiển. Đó là quản lý xã hội một cách khoa học. Trong phát triển kinh tế - xã hội ở Việt Nam rất cần đến quản lý xã hội một cách khoa học. Bởi lẽ, nếu không quản lý xã hội một cách khoa học sẽ dẫn đến tình trạng tùy tiện trong quản lý, mang yếu tố tự phát thay cho yếu tố tự giác, đó là điều nguy hiểm trong quản lý. Vì vậy, có thể nói quản lý xã hội một cách khoa học vừa có tính cấp thiết, vừa có tính lâu dài trong quản lý kinh tế - xã hội ở Việt Nam.  
Mười là: Làm tốt chính sách an sinh xã hội, trật tự an toàn xã hội; xây dựng một xã hội lành mạnh cả về thể chất lẫn tinh thần; một xã hội trần đầy tình thương yêu và sự tôn trọng, giúp đỡ lẫn nhau. Tất cả đều sống trong ấm no, tự do, hạnh phúc, một xã hội nhân lên cái tích cực và trừ đi cái tiêu cực, bảo đảm cuộc sống hài hòa trên mọi phương diện của đời sống xã hội. Nói tóm lại là một xã hội có văn hóa, văn minh, pháp luật, kỷ cương, dân chủ, tất cả cộng đồng Việt Nam đều sống trong mái nhà chung của tình mến thương chan hòa.
Bộ máy kinh tế - xã hội của Việt Nam vẫn đang chuyển động ầm ầm về phía trước, báo hiệu một sự tốt lành sẽ đến với đất nước mình, dân tộc mình, nhân dân mình nếu vượt qua được những gian lao, thử thách.
Mọi luận điệu xuyên tạc và bôi nhọ nền kinh tế - xã hội ở Việt Nam đã, đang và sẽ bị dư luận xã hội lên án.