Mới cập nhật

Kỷ niệm lần thứ 115 ngày sinh Trần Phú (1-5-1904 – 1-5-2019) - TRẦN PHÚ TỔNG BÍ THƯ ĐẦU TIÊN CỦA ĐẢNG CỘNG SẢN ĐÔNG DƯƠNG*

PGS,TS Đàm Đức Vượng

      Năm 1987, Nhà Xuất bản Sự thật xuất bản cuốn sách của tôi: Trần Phú Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng. Cuốn sách này sau đó được tái bản nhiều lần vào các năm 1994, 1999… Trong bài viết này, tôi bổ sung một số vấn đề mà tôi mới sưu tầm được chung quanh cuộc đời hoạt động và cống hiến của đồng chí Trần Phú, trong đó có việc chuyển hóa từ Hội Phục Việt thành Tân Việt. Tân Việt tuy chưa phải là tổ chức cộng sản, nhưng là một tổ chức cách mạng yêu nước, tiến bộ. Các đảng viên trong Tân Việt có nhiều đóng góp quan trọng trong việc chuyển biến từ tổ chức yêu nước và cách mạng thành tổ chức cộng sản. Đó là Đông Dương Cộng sản Liên đoàn. 
      1. Trần Phú (có tài liệu ghi là Trần Ngọc Phú), trong quá trình hoạt động cách mạng còn mang các bí danh: Lý Quý, Lý Việt Hoa (ở Trung Quốc), Likive, Li Kvây, Le Quy (ở Liên Xô), Năm (ở Sài Gòn), Hai Cao (ở Hải Phòng), Giáo Quý,..., Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng Cộng sản Đông Dương, sinh ngày 1-5-1904. Quê hương của Trần Phú ở xã Tùng Ảnh (trước là xã Việt Yên Hạ, sau đổi là xã Đức Sơn, rồi xã Tùng Ảnh), huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh.
      Anh là con trai thứ tư của gia đình ông Trần Văn Phổ và bà Hoàng Thị Cát. Ông Trần Văn Phổ là con một gia đình nhà nho nghèo. Năm 1848. ông Phổ thi đỗ giải nguyên. Sau khi đỗ giải nguyên, ông được bổ làm chức giáo thụ (một chức chuyên trông coi việc giáo dục một phủ, huyện trong thời phong kiến và thời Pháp thống trị) tại huyện Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi. Đầu năm 1901, ông được điều chuyển vào dạy học tại huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên. Ông đem theo cả gia đình tới địa phương này. Trần Phú sinh ra tại đây. Như vậy, quê hương của Trần Phú là ở xã Tùng Ảnh, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh, nhưng anh lại sinh ra ở Tuy An, tỉnh Phú Yên. Đến năm 1907, Triều đình Huế bổ nhiệm ông Phổ làm tri huyện Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi. Trong thời gian làm tri huyện, ông Phổ vẫn tỏ rõ là một người thực sự thương dân và xót xa trước cảnh đất nước bị gót giày đinh của thực dân giày xéo. Ông sống cuộc đời thanh liêm, ghét cảnh ồn ào.
      Đức Thọ là một trong những địa phương của Hà Tĩnh có truyền thống hiếu học. Chỉ tính riêng từ năm 1723 đến năm 1787, huyện đã có 8 người đậu các học vị tiến sĩ, thám hoa. Trải qua nhiều đời, nhiều thế hệ, Đức Thọ có rất nhiều người gan góc chống giặc ngoại xâm. Đời nào cũng có hàng nghìn, hàng vạn người xông nơi trận tiền. Đời Lê Sơ, Đức Thọ cho con em mình lên núi Thiên Nhẫn xây thành Lục Niên, chống giặc Minh. Thời thực dân Pháp thống trị, nhiều con em của Đức Thọ đã theo Phan Đình Phùng lên xây dựng căn cứ Vụ Quang để chống giặc xâm lược. Đức Thọ cũng đã góp phần cùng cả nước làm nên Cách mạng tháng Tám năm 1945…
      Trần Phú là một trong những người sớm chịu ảnh hưởng của truyền thống quê hương đó.
      Sau khi thân phụ, thân mẫu qua đời, Trần Phú về Quảng Trị ở với anh, chị ruột đã lập gia đình riêng. Tới năm 1914, anh được người em mẹ giúp đỡ cho ra Huế ăn học. Anh vào học Trưởng tiểu học Pháp – Việt Đông Ba. Do chăm chỉ học tập, Anh đỗ bằng sơ học yếu lược và được vào học tiếp tại Trường Quốc học Huế. Sau 4 năm “dùi mài kinh sử, nấu sử sôi kinh”, mùa hè năm 1922, Trần Phú thi đỗ đầu kỳ thi thành chung do Trường Quốc học Huế tổ chức.
      Rời Trường Quốc học Huế, Trần Phú đi làm thầy giáo, dạy tại Trường tiểu học Cao Xuân Dục, thành phố Vinh. Trong những ngày dạy học tại Vinh, Trần Phú có dịp gần gũi với công nhân và các tầng lớp nhân dân địa phương. Công nhân không biết chữ thường tìm đến nhờ anh dạy chữ cho họ. Thầy giáo Phú sẵn sàng mang lòng nhiệt tình ra truyền đạt kiến thức văn hóa cho công nhân. Ngoài việc dạy chữ quốc ngữ cho công nhân và nhân dân lao động Vinh. Anh đã mang lại ánh sáng văn hóa cho nhiều người lao động tại Vinh. Chị Nguyễn Thị Minh Khai, một nhà hoạt động cách mạng chuyên nghiệp, một trong những học trò xuất sắc của Trần Phú ở Trường Cao Xuân Dục. Thầy giáo Phú đã dạy cho chị một tinh thần yêu thương nhân dân lao động và tinh thần yêu nước nồng nàn.
      2. Một trong những nhân tố dẫn đến thành lập Hội Phục Việt là do phong trào đấu tranh sôi nổi của công nhân và nhân dân lao động thành phố Vinh diễn ra trong thời kỳ chuẩn bị thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam. Phong trào đấu tranh của công nhân đã ảnh hưởng đến trí thức Vinh và dẫn đến việc thành lập Hội Phục Việt. do sinh viên Trường Cao đẳng sư phạm Đông Dương cùng một số tù chính trị trước đó đã được thả ở Trung Kỳ, như Lê Văn Huân, Nguyễn Đình Kiên (Tú Kiên),…, một số giáo viên ở Nghệ An như Trần Mộng Bạch, Trần Phú, Hà Huy Tập,… cùng một số giáo viên của Trường Cao đẳng sư phạm Hà Nội như Tôn Quang Phiệt, Đặng Thai Mai,… đã nhóm họp lập ra Hội Phục Việt (còn gọi là Đảng Phục Việt) vào ngày 14-7-1925 (đúng vào ngày Quốc khánh Pháp), tại núi Quyết, Bến Thủy, Vinh, Nghệ An. Một số nhân vật khác có chân trong Hội (Đảng) như Nguyễn Hiệt Chi, Trần Hoành, Lê Đại, Đào Duy Anh. Chủ trương của Hội là lãnh đạo quần chúng trong nước và liên lạc với các dân tộc bị áp bức trên thế giới cùng nhau chống đế quốc xâm lược Đông Dương, để rồi xây dựng một xã hội lành mạnh, bình đẳng, bác ái; bắt mối liên lạc với các tổ chức chính trị người Việt Nam ở nước ngoài, cụ thể là ở Trung Quốc và Xiêm (Thái Lan); mở rộng tổ chức và kết nạp hội viên mới. Sau khi thành lập, Hội mở rộng phạm vi hoạt động, phát triển hội viên ở Bắc Kỳ và Trung Kỳ. Mật thám Pháp dần dần đánh hơi thấy những hoạt động của Hội. Những người lãnh đạo Hội đã nhận ra vấn đề này và quyết định đổi tên Hội Phục Việt thành Hội Hưng Nam. Sau đó, Hội này còn đổi tên là: Việt Nam Cách mệnh Đảng; Việt Nam Cách mệnh đồng chí Hội, Tân Việt Cách mệnh Đảng (gọi tắt là Đảng Tân Việt, gọi tắt nữa là Tân Việt).
     Tân Việt là một chính đảng tồn tại ở Việt Nam vào những năm đầu thế kỷ XX, ra Tuyên đạt với chủ trương như Hội Phục Việt đã đề ra là “đánh đổ đế quốc, xây dựng một xã hội bình đẳng, bác ái”.
      Tân Việt hoạt động trong điều kiện Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên phát triển mạnh đã ảnh hướng tích cực đến các đảng viên Tân Việt. Một số phần tử tiên tiến của Tân Việt đã chịu ảnh hưởng từ tư tưởng Nguyễn Ái Quốc. Nhiều người trong Tân Việt đã đọc tác phẩm “Đường Kách mệnh” của Nguyễn Ái Quốc, giác ngộ cách mạng từ tác phẩm này.
      Tân Việt chưa phải là một tổ chức cộng sản, chỉ là một tổ chức yêu nước và cách mạng, nhưng nhiều đảng viên của Tân Việt đã thấm nhuần tinh thần chống xâm lược trên đất nước ta, đã giác ngộ tư tưởng cộng sản, nên sau đó đã trở thành đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam và đảng viên Đảng Cộng sản Đông Dương.
      Tân Việt chấm dứt hoạt động vào cuối năm 1929 để chuẩn bị thành lập Đông Dương Cộng sản Liên đoàn. Những người tiên tiến, giác ngộ cách mạng trong Tân Việt đứng ra thành lập Đông Dương Cộng sản Liên đoàn vào ngày 1-1-1930. Sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam được thành lập vào ngày 3-2-1930, Đông Dương Cộng sản Liên đoàn làm đơn gia nhập Đảng Cộng sản Việt Nam, tiếp đó là Đảng Cộng sản Đông Dương. Ngày 24-2-1930, Lâm thời Chấp ủy Đảng Cộng sản Việt Nam ra Nghị quyết do Ngô Gia Tự (Bách), Bí thư Lâm thời Chấp ủy Đảng Cộng sản Việt Nam ở Nam Kỳ, ký, quyết nghị chấp nhận Đông Dương Cộng sản Liên đoàn gia nhập Đảng Cộng sản Việt Nam. Nghị quyết viết: “Đông Dương Cộng sản Liên đoàn chưa phải là một đoàn thể chân chính Bônsơvích, nhưng có tinh thần cộng sản”1. “Đông Dương Cộng sản Liên đoàn tuy có nhiều khuyết điểm, song vì chỉ căn cứ ở tinh thần cộng sản, nên đoàn thể này được gia nhập Đảng Cộng sản Việt Nam”2.     
      Trần Phú là một trong những người hoạt động tích cực cho cuộc vận động làm chuyển hóa Hội Phục Việt thành Tân Việt. Khi Hội Phục Việt hoạt động bị lộ, Trần Phú và một số người nữa đề nghị đổi tên Hội Phục Việt thành Hội Hưng Nam (Phục đổi là Hưng, Việt đổi là Nam), rồi lại đổi mấy tên nữa, cuối cùng là Tân Việt Cách mệnh Đảng ( Tân Việt).
      Khi Tân Việt chấm dứt hoạt động và Đông Dương Cộng sản Liên đoàn được thành lập, Trần Phú đang học tại Mátxcơva, Liên Xô. Chưa rõ là anh có biết tin này không, hay là khi về nước, các đồng chí của anh báo cáo thì anh mới rõ.
      Công lao lớn nhất của Trần Phú đối với Tân Việt là gây dựng các cơ sở của Tân Việt tại nhiều địa bàn ở Trung Kỳ. Các tổ chức mà anh gây dựng lên đều thấm nhuần tinh thần yêu nước và từ tinh thần yêu nước, nảy sinh tư tưởng cứu nước. Bản thân anh, trước khi trở thành người cộng sản, cũng từ Tân Việt mà ra. Hoạt động của anh chủ yếu là giai đoạn Hội Phục Việt lấy tên là Hội Hưng Nam.
      Khi Hội Hưng Nam (trước đó là Hội Phục Việt và sau đó là Tân Việt) tổ chức lễ truy điệu cụ Phan Châu Trinh (Phan Chu Trinh) và vận động nhân dân lao động đấu tranh đòi trả lại tự do cho cụ Phan Bội Châu, Trần Phú là một trong những người tích cực cho cuộc vận động này. Từ phong trào đó, công nhân nhà máy Xe lửa Trường Thi, nhà máy Diêm, nhà máy Điện ở Trung Kỳ tổng bãi công. Cuộc tổng bãi công này làm sôi động cả thành phố Vinh. Trần Phú sống trong những ngày sôi động đó, chịu ảnh hưởng của tinh thần đấu tranh của công nhân, anh đã xin thôi dạy học để đi hoạt động cách mạng chuyên nghiệp.  
      Những tin tức của cách mạng thế giới và những hoạt động của Nguyễn Ái Quốc ở nước ngoài ngày càng giội vào trong nước. Hội Hưng Nam đón nhận “luồng ánh sáng” đó với khát vọng cứu nước. Trần Phú đọc báo “Le Paria” (Người cùng khổ) trong một “nhóm bí mật” ở Vinh.
      Ngày 11-11-1924, Nguyễn Ái Quốc sau một cuộc hành trình đi tìm đường cứu nước, từ Liên Xô trở về Quảng Châu, Trung Quốc, nhằm xúc tiến việc chuẩn bị về chính trị, tư tưởng, tổ chức cho sự ra đời của chính đảng của giai cấp công nhân Việt Nam. Tháng 6-1925, tại Quảng Châu, Nguyễn Ái Quốc sáng lập “Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên” (còn gọi là Việt Nam Thanh niên Cách mạng đồng chí Hội, gọi tắt là Thanh niên). Đây là tổ chức đầu tiên ở Việt Nam có xu hướng xã hội chủ nghĩa. Khi Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên ra đời, nên Hội Hưng Nam muốn hiểu về đường lối của Thanh niên, đã quyết định cử Trần Phú cùng một số đồng chí khác sang Quảng Châu để gặp Nguyễn Ái Quốc và Tổng bộ Thanh niên. Nhân chuyến đi này, Trần Phú còn có nhiệm vụ tham dự lớp huấn luyện chính trị do Nguyễn Ái Quốc và Tổng bộ Thanh niên tổ chức. Tại Quảng Châu, Trần Phú vinh dự được gặp Nguyễn Ái Quốc, được kết nạp vào Thanh niên và Cộng sản Đoàn, một tổ chức nòng cốt của Thanh niên.
      Được trang bị lý luận Mác – Lênin, lại được đứng trong Cộng sản Đoàn, từ đó trở đi, cuộc đời Trần Phú là cuộc đời chiến đấu vì lý tưởng cộng sản chủ nghĩa, vì sự nghiệp giải phóng Việt Nam.
      Từ Quảng Châu, Trần Phú về nước hoạt động một thời gian, rồi lại trở lại Quảng Châu vào tháng 1-1927, làm việc tại cơ quan của Tổng bộ Thanh niên. Lần này, một lần nữa, anh lại được gặp Nguyễn Ái Quốc. Nguyễn Ái Quốc cử Trần Phú sang học tại Trường Đại học Phương Đông, một trường đại học đào tạo cán bộ cho Quốc tế Cộng sản.
      Trần Phú học tại Trường Đại học Phương Đông từ tháng 1-1927 đến tháng 11-1929.
      Trong những ngày học tại Trường Đại học Phương Đông, Trần Phú đã nghiên cứu “Luận cương về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa” của V.I.Lênin và đã học đủ chương trình toàn khóa. Luận cương của V.I.Lênin vạch ra đường lối cơ bản cho phong trào cách mạng thuộc địa.
      Vào một ngày của tháng 4-1930, Trần Phú về đến Hải Phòng. Tại Việt Nam, Trần Phú đi khảo sát thực tế tại một số địa phương để nắm tình hình, chủ yếu là nắm phong trào công nhân và nông dân ở Nam Định, Thái Bình, Hải Phòng, Hòn Gai.
      Đầu tháng 7-1930, sau khi đi khảo sát tại một số địa phương, Trần Phú từ Hòn Gai về Hà Nội, được bổ sung vào Trung ương Lâm thời. Anh được các đồng chí trong Trung ương Lâm thời bố trí đến ở và làm việc tại căn buồng tầng hầm nhà số 90, phố Thợ Nhuộm3.
      Tại đây, Trần Phú đã nghiên cứu và được Trung ương lâm thời Đảng Cộng sản Việt Nam phân công viết dự thảo Luận cương chính trị. Trong quá trình soạn thảo Luận cương, Trần Phú được các đồng chí trong Trung ương lâm thời, các đồng chí trong các xứ ủy, trong đó có Trần Văn Lan, Nguyễn Đức Cảnh, Nguyễn Phong Sắc, Nguyễn Thế Rục,… góp ý. Vì vậy, có thể nói Luận cương chính trị của Đảng năm 1930 là sản phẩm của trí tuệ tập thể, trong đó, Trần Phú là người chắp bút, trực tiếp soạn thảo Luận cương.
      Tháng 7-1930, Trần Phú được bầu bổ sung vào Trung ương Lâm thời.
      Tháng 10-1930, tại Hội nghị lần thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng họp tại Hương Cảng. Trần Phú thay mặt Ban Chấp hành Trung ương Lâm thời trình bày “Luận cương chánh trị của Đảng Cộng sản Đông Dương” (Dự án để thảo luận trong Đảng), gọi tắt là “Luận cương chánh trị” hoặc “Luận cương chính trị”. Theo đúng như văn bản gốc, đây mới chỉ là dự án, chứ chưa phải bản chính thức. Bản chính thức hiện nay chưa sưu tầm được.  Nhưng cũng có thể bản dự án đã trở thành bản chính thức sau khi đã được Hội nghị Trung ương thông qua. Luận cương chính trị bao gồm các phần:
      - Tình hình thế giới và cách mạng Đông Dương.
      - Những đặc điểm về tình hình Đông Dương.
      - Tính chất và nhiệm vụ cách mạng Đông Dương.
      Phân tích những mâu thuẫn kinh tế ở Đông Dương dưới thời thực dân Pháp thống trị, Luận cương nhận định kinh tế Đông Dương là kinh tế nông nghiệp, phát triển chủ yếu theo kiểu phong kiến. Mục đích của thực dân Pháp là làm cho kinh tế Đông Dương phụ thuộc vào Pháp. “Tất cả những điều kiện ấy làm cho kinh tế Đông Dương không có thể phát triển độc lập được”4. Mâu thuẫn giữa công nhân, nông dân và nhân dân lao động với địa chủ, phong kiến, tư bản và đế quốc ngày càng trở nên gay gắt. Đây cũng là nòi nổ của phong trào cách mạng Đông Dương. “Điều đặc biệt và quan trọng nhứt trong phong trào cách mạng ở Đông Dương là sự tranh đấu của quần chúng công nông có tánh chất độc lập rất rõ rệt, chớ không phải là chịu ảnh hưởng quốc gia chủ nghĩa như lúc trước nữa”5.
      Luận cương dành phần lớn số trang để phân tích tính chất là nhiệm vụ của cách mạng Đông Dương. Xuất phát từ những đặc điểm của cách mạng Đông Dương, Luận cương chỉ rõ trong lúc đầu, cuộc cách mạng Đông Dương sẽ là một cuộc cách mạng tư sản dân quyền, mà tính chất của nó là thổ địa và phản đế. Trong quá trình diễn ra cách mạng, lý luận về cách mạng tư sản dân quyền được phát triển thành lý luận cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân tiến lên cách mạng xã hội chủ nghĩa. Luận cương xác định rõ cách mạng tư sản dân quyền là thời kỳ dự bị để làm cách mạng xã hội chủ nghĩa, “nên chủ trương làm tư sản dân quyền c.m (cách mạng – ĐĐV) và thổ địa c.m để đi tới xã hội cộng sản”6 đã nêu trong Chánh cương vắn tắt của Đảng Cộng sản Việt Nam do Nguyễn Ái Quốc soạn thảo và được thông qua tại Hội nghị thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam vào đầu năm 1930, được khẳng định lại trong Luận cương chính trị, tháng 10-1930. Luận cương khẳng định sau khi hoàn thành cách mạng tư sản dân quyền, “xứ Đông Dương sẽ nhờ vô sản giai cấp chuyên chánh các nước giúp sức cho mà phát triển, bỏ qua thời kỳ tư bổn mà tranh đấu thẳng lên con đường xã hội chủ nghĩa”7. Luận cương nêu rõ trong cuộc cách mạng tư sản dân quyền, giai cấp công nhân và nông dân là hai động lực chính, nhưng giai cấp công nhân có cầm quyền lãnh đạo thì cách mạng mới thắng lợi được.
      Luận cương xác định rõ nhiệm vụ cốt yếu của cách mạng tư sản dân quyền là đánh đổ đế quốc chủ nghĩa Pháp, phong kiến và địa chủ; lập chính phủ công nông; tịch ký hết thảy ruộng đất của các thế lực thống trị, giao ruộng đất ấy cho trung nông, bần nông, quyền sở hữu ruộng đất thuộc về chính phủ công nông; giai cấp công nhân phải có nhiệm vụ đoàn kết và lôi kéo giai cấp nông dân về với mình; sung công hết thảy các sản nghiệp lớn của tư bản ngoại quốc; bãi bỏ các sưu thuế hiện thời, lập ra thuế lũy tiến8; ngày làm công tám giờ, sửa đổi sự sinh hoạt cho thợ thuyền và quần chúng lao khổ; xứ Đông Dương hoàn toàn độc lập, thừa nhận quyền dân tộc tự quyết; lập quân đội công nông; nam nữ bình quyền…
      Tuy nhiên, Luận cương chưa nhận thức được đặc điểm của tầng lớp tiểu tư sản Việt Nam, nên chưa đánh giá đúng khả năng cách mạng của họ. Đối với giai cấp tư sản dân tộc (tư sản bản xứ), Luận cương chưa thấy hết khả năng phản đế của họ.
      Vấn đề mấu chốt bảo đảm mọi thắng lợi của cách mạng Đông Dương là sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản. Luận cương viết: “Điều kiện cốt yếu cho sự thắng lợi của cuộc cách mạng ở Đông Dương là cần phải có một Đảng Cộng sản có một đường lối chánh trị đúng, có kỷ luật, tập trung, mật thiết liên lạc với quần chúng, và từng trải tranh đấu mà trưởng thành. Đảng là đội tiên phong của vô sản giai cấp, lấy chủ nghĩa Các Mác và Lênin làm gốc mà đại biểu quyền lợi chánh và lâu dài, chung cho cả giai cấp vô sản ở Đông Dương ra tranh đấu để đạt được mục đích cuối cùng của vô sản là chủ nghĩa cộng sản”9.
      Luận cương chỉ ra rằng, cách mạng muốn giành được thắng lợi, thì bên cạnh đường lối đúng, cần phải có phương pháp cách mạng đúng.
      Về vấn đề khởi nghĩa vũ trang để giành chính quyền về tay nhân dân, Luận cương nhấn mạnh là tuyệt đối không được đùa bỡn với nó, mà phải nâng nó lên thành một khoa học và nghệ thuật, đúng với “khuôn phép nhà binh”, và phải có thời cơ, điều kiện.
      Luận cương nêu khẩu hiệu chống đế quốc chiến tranh, nhưng nếu phe đế quốc lôi kéo Đông Dương vào vòng chiến thì nhân dân Đông Dương lập tức “đổi chiến tranh đế quốc ra chiến tranh cách mạng, đánh đổ đế quốc chủ nghĩa và giai cấp bóc lột”10.
      Luận cương còn chỉ rõ cách mạng Đông Dương muốn giành thắng lợi phải chịu sự liên hệ mật thiết với cách mạng thế giới và cách mạng dân tộc ở các nước thuộc địa.
      Ngoài Luận cương, Hội nghị còn thảo luận và thông qua nhiều văn kiện quan trọng khác của Trung ương.
      Tại Hội nghị này, Đảng Cộng sản Việt Nam được đổi tên thành Đảng Cộng sản Đông Dương. Giải thích về việc đổi tên Đảng, trong một tờ truyền đơn, viết: “Đối thủ lại là một thế lực tập trung, thống nhất của địch thù cách mạng thì phải có một Đảng Cộng sản tập trung lực lượng vô sản giai cấp trong cả xứ Đông Dương mới được. Vì lẽ đó, nên từ giờ trở đi, Đảng Cộng sản Việt Nam sẽ gọi là Đông Dương Cộng sản Đảng11. Đây chỉ là việc đổi danh từ Đảng mà thôi, chứ không phải một đảng mới nữa ra đời, mà cũng không phải là Đảng Cộng sản Đông Dương trước kia”12.
      Luận cương được Hội nghị Trung ương, tháng 10-1930, thảo luận sôi nổi và nhất trí thông qua. Đánh giá về Luận cương chính trị, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: “Trong bản Cương lĩnh (tức Luận cương – ĐĐV) cách mạng tư sản dân quyền năm 1930, Đảng đã nêu rõ nhiệm vụ chống đế quốc và chống phong kiến, thực hiện dân tộc độc lập, người cày có ruộng. Cương lĩnh ấy rất phù hợp với nguyện vọng thiết tha của đại đa số nhân dân ta là nông dân. Vì vậy, Đảng ta đã đoàn kết được những lực lượng cách mạng to lớn chung quanh giai cấp mình. Còn các đảng phái của các giai cấp khác, thì hoặc bị phá sản, hoặc bị cô lập. Do đó, quyền lãnh đạo của Đảng ta – Đảng của giai cấp công nhân – không ngừng được củng cố và tăng cường”13.
      Cũng tại Hội nghị này, Trần Phú đã được chính thức bầu làm Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Đông Dương. Đây là vị Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng Cộng sản Đông Dương.
      Sau Hội nghị Trung ương lần thứ nhất, Trần Phú rời Hương Cảng vào cuối tháng 11-1930 để về nước để cùng Trung ương lãnh đạo Đảng và phong trào cách mạng, trọng tâm là đi vào tổ chức quần chúng đấu tranh, củng cố và phát triển Đảng.
      Vào một ngày cuối tháng 12-1930, Thường vụ Trung ương Đảng họp (mở rộng), Tổng Bí thư Trần Phú chủ trì, tại nhà số 192, đường Maye (Mayer) để bàn việc đẩy mạnh công tác giáo dục lý luận cho đảng viên và đẩy mạnh công tác tuyên truyền của Đảng.
      Cũng trong Hội nghị này, Thường vụ Trung ương quyết định ra tờ báo “Cờ vô sản”, Cơ quan Trung ương của Đảng và tạp chí “Cộng sản”, Cơ quan lý luận của Đảng.
      Tiếp theo Hội nghị Trung uwng bàn về công tác tuyên truyền, Tổng Bí thư Trần Phú và Thường vụ Trung ương triệu tập Hội nghị chấn chỉnh công tác giao thông liên lạc từ Trung ương xuống đến các xứ ủy, khu ủy, tỉnh ủy,… và từ Trung ương đến Quốc tế Cộng sản, đến một số đảng cộng sản.
      Sau Hội nghị, Trung ương bắt tay xây dựng cơ sở trên một số tàu thủy chạy đường Sài Gòn – Đà Nẵng – Hải Phòng và đường Sài Gòn đi một số nước. Trụ sở của Trung ương cũng chuyển từ Hải Phòng vào Sài Gòn.
      Sau Hội nghị bàn về công tác giao thông liên lạc, ngày 20-1-1931, tại một căn nhà ở phố Lơ Grăng đờ la Liray (Le Grand de la Liraye), Sài Gòn, Thường vụ Trung ương Đảng triệu tập Hội nghị bàn về công tác vận động công nhân Đông Dương. Tổng Bí thư Trần Phú chủ trì Hội nghị và đọc bài phát biểu nêu bật những nhiệm vụ của công tác vận động công nhân của Đảng. Hội nghị quyết định thành lập Ban Công vận Trung ương gồm 4 người, do Trần Phú làm Trưởng Ban.
      Khi đã làm xong một số công việc trước mắt của Đảng, nhất là việc đẩy mạnh công tác tổ chức và công tác tuyên truyền, Trần Phú cùng với Ban Chấp hành Trung ương Đảng bắt tay vào việc chuẩn bị cho Hội nghị Trung ương 2.
      Tháng 3-1931, Hội nghị Trung ương 2 họp tại số nhà 236, đường Risô (Richaud), Sài Gòn, do Tổng Bí thư Trần Phú chủ trì. Tại Hội nghị, Trần Phú đọc Báo cáo, phân tích một cách sâu sắc tình hình cách mạng ở Đông Dương và nhiệm vụ của Đảng Cộng sản Đông Dương trong giai đoạn mới. Báo cáo dành phần lớn nội dung phân tích về tình hình lãnh đạo của Đảng trên tất cả các mặt chính trị, tư tưởng, tổ chức và các đoàn thể quần chúng. Về sự lãnh đạo của Đảng đối với phong trào cách mạng, Báo cáo nêu rõ cần gấp rút tổ chức Đoàn Thanh niên cộng sản; tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công hội; thi hành đúng chính sách vận động nông dân; vận động binh lính đích; chú trong việc tổ chức phụ nữ; tổ chức Hội cứu tế đỏ… Báo cáo đặc biệt nhấn mạnh đến công tác xây dựng Đảng. Đó là những nội dung tư tưởng rất cơ bản trong Báo cáo của Trung ương Đảng tại Hội nghị lần thứ hai.
      Công việc của Đảng ngày càng nhiều. Trên cương vị Tổng Bí thư, Trần Phú mang hết sức mình ra làm việc, cùng Trung ương Đảng lần lượt giải quyết nhiều vấn đề đặt ra trước mắt và lâu dài.
      Lúc này, địch khủng bố ngày càng gắt gao. Nhiều cán bộ của Đảng bị địch bắt. Tổng Bí thư Trần Phú bị mật thám Pháp bắt vào lúc 8 giờ sáng, ngày 18-4-1931.
      Kẻ chủ mưu đặt kế hoạch bắt Trần Phú là tên cảnh sát ác ôn Cămpana (Campana), mật thám người Pháp. Sau khi bắt được Trần Phú, những tên cáo già thực dân ở Đông Dương vô cùng mừng rỡ. Báo chí thực dân nhanh chóng đưa tin: “Trần Phú bị bắt ở Sài Gòn”. “Trần Phú là ai?”14. Sau khi Trần Phú bị bắt, báo chí thực dân đã bình luận: “Trần Phú là một người cộng sản trọng yếu”15  và họ vội vàng báo chiến công về Pari, Pháp, là đã bắt được Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Đông Dương. Khi bắt được Trần Phú, chính quyền Đông Pháp giải anh về giam ở bót Pôlô nằm trên đường Galiêni (Galiéni), gần khu vực Chợ Lớn. Tại bót Pôlô, những tên mật thám khét tiếng gian ác như Mácty (Marty), Cămpana dùng đủ mọi cực hình, như cho điện giật, treo ngược lên xà nhà mà đánh, đốt cháy da thịt Trần Phú. Việc làm hết sức dã man và mang thú tính đó không mang lại kết quả đối với chúng khi chúng đòi Trần Phú phải khai báo ra tổ chức đảng của ông. Rồi từ bót Pôlô, chúng giải ông về bót Catina hồi ấy là cơ quan tra tấn lớn nhất của mật thám Nam Kỳ. Tại bót này, lại có những “chuyên viên thực dân” tra tấn cực kỳ man rợ đối với Trần Phú, như Máctanh (Martin), Coócny (Corny), Nadô (Nadaud), Goócxơ (Goorse)… Bọn mặt người dạ thú này đã cắt gan bàn chân ông rồi nhét bông tẩm xăng đốt. Vẫn chưa hết, họ còn chơi trò các hiểm “lộn mề gà”, làm cho máu mồm, máu mũi hộc ra. Nhưng tất cả những cuộc tra tấn man rợ đó vẫn không làm lay chuyển được ý chí cách mạng của Trần Phú. Ông trả lời chúng: “Các ngươi đừng hỏi làm gì nữa, ta không thể đem công việc của Đảng ta nói cho các ngươi nghe. Các ngươi bằng lòng vậy”16. Họ vẫn tiếp tục hỏi cung và tra tấn Trần Phú17. Nhưng càng hỏi cung và tra tấn, Trần Phú càng tỏ ra gan lì, không một lời khai báo, bảo vệ các tổ chức đảng đến cùng.
      Tuy sống nơi tù ngục của thực dân Pháp ở Đông Dương, Trần Phú và các chiến sĩ cộng sản Đông Dương không ngừng hoạt động bí mật, vẫn tìm mọi cách liên lạc với tổ chức của ta ở bên ngoài để thông tin cho nhau biết âm mưu của địch mà đối phó.
     Sống nơi tù ngục bị đọa đày, tra tấn cực hình, làm cho sức khỏe của Trần Phú ngày càng giảm sút, bệnh tràng nhạc tái phát và bệnh phỏi mỗi ngày nặng thêm. Tới tháng 8-1931, sức khỏe của Trần Phú bị suy sụp nặng. Cai ngục đành phải đưa ông vào nhà thương Chợ Quán để khám bệnh. Sau khi thử đờm, bác sĩ khẳng định bệnh lao của ông đang ở thời kỳ rất nguy kịch. Vì vậy, bọn chúa ngục buộc phải để Trần Phú nằm điều trị tại nhà thương này.
      Trần Phú trút hơi thở cuối cùng vào sáng 6-9-1931, thọ 27 tuổi. Trước khi nhắm mắt, Trần Phú dặn lại các đồng chí và nhân dân của ông: “Hãy giữ vững chí khí chiến đấu!”18.
      Khi được tin Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng Cộng sản Đông Dương Trần Phú qua đời, báo chí cách mạng ở nước ta, đăng tin về cái chết của ông. Báo “Vô sản”, Cơ quan của lao động Đông Dương, viết: “Đồng chí Trần Phú, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Đông Dương bị tụi mật thám đánh chết tại Khám Lớn, Sài Gòn”19. “Tuy bị bọn sài lang đánh đập rất dã man, nhưng đồng chí không chịu hở ra một chút bí mật nào của Đảng. Đồng chí là một chiến sĩ rất lão luyện về lý thuyết và thực hành cách mệnh, rất nhiệt tình và hăng hái trong cuộc đấu tranh để giải phóng lao động Đông Dương ra khỏi ách nô lệ. Chẳng phải chỉ công nông ở Đông Dương căm tức vì nỗi đồng chí Trần Phú bị đánh chết mà thôi đâu. Lúc báo giới cộng sản các nước đăng tin đồng chí từ trần thì anh em lao động khắp mọi nơi đều tỏ lòng thương tiếc đồng chí”20.
      Trên thế giới, báo chí của một số đảng cộng sản đã đưa tin Trần Phú từ trần. Tạp chí “Quốc tế Cộng sản” số 14-1932, đăng bài của tác giả Cộng sản, nhan đề: “Tưởng nhớ đồng chí Li Kvây21, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Đông Dương”. Sau khi điểm lại những hoạt động chính trong cuộc đời hoạt động cách mạng của Trần Phú, bài báo viết: “Đồng chí Li Kvây – Tổng Bí thư của Đảng chúng tôi không còn nữa, nhưng những kỷ niệm về anh sẽ sống lại trong lịch sử đấu tranh cách mạng của nhân dân và trong mỗi trái tim của giai cấp công nhân Đông Dương từ thế hệ này sang thế hệ khác. Sự nghiệp cách mạng, niềm tin và phẩm chất cao đẹp của anh trong nhà tù đế quốc sẽ mãi mãi là tấm gương bất diệt cho những người cộng sản toàn thế giới, đặc biệt là những người cộng sản Đông Dương”22. Báo “Nhân Đạo” (L’Humanité), Cơ quan Trung ương của Đảng Cộng sản Pháp, viết bài ca ngợi sự nghiệp cách mạng của Trần Phú. Chi bộ (Nhóm) Cộng sản Trường Đại học Phương Đông tổ chức trọng thể lễ truy điệu Trần Phú. Tới dự lễ truy điệu có đại diện của Quốc tế Cộng sản. Các cán bộ lãnh đạo, cán bộ giảng dạy và học viên Trường Đại học Phương Đông tự hào về Trần Phú, một sinh viên xuất sắc của Trường, nhà lý luận cự phách của Đảng Cộng sản Đông Dương…
      3. Sự nghiệp của Tổng Bí thư Trần Phú là sự nghiệp cách mạng cao cả. Kể từ khi bắt đầu tiếp thu chủ nghĩa Mác – Lênin cho đến khi qua đời, tuy chỉ trong một thời gian ngắn, nhưng Trần Phú sớm trở thành người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, và đã có những cống hiến to lớn cho Đảng, cho dân tộc và cho sự nghiệp cách mạng Đông Dương.
      Về mặt lý luận, Trần Phú đã sớm thấm nhuần được những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác – Lênin và những tác phẩm của Nguyễn Ái Quốc. Vì vậy, Trần Phú đã khẳng định được con đường tất yếu của cách mạng Việt Nam là phải trải qua hai giai đoạn: giai đoạn cách mạng dân tộc dân chủ (cách mạng tư sản dân quyền), mà sau đó, lý luận của Đảng đã phát triển thành cách mạng giải phóng dân tộc, cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân tiến lên cách mạng xã hội chủ nghĩa. Việc xác định hai giai đoạn cách mạng này chẳng những khẳng định tư tưởng đúng đắn về cách mạng không ngừng của chủ nghĩa Mác – Lênin, khẳng định mối quan hệ khăng khít giữa độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, giữa cách mạng Đông Dương với cách mạng thế giới mà Đảng ta và Nguyễn Ái Quốc đã xác định từ ngày thành lập. Trần Phú là một trong những nhà lãnh đạo của Đảng chú trọng đến phương pháp cách mạng nhằm tập hợp lực lượng của quần chúng để thực hiện thắng lợi đường lối đúng đắn của Đảng. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, đội quân chính trị quần chúng trở thành sức mạnh to lớn. Vì vậy, khi có tình thế cách mạng trực tiếp, Đảng ta đã phát động được toàn dân nổi dậy giành chính quyền trong cả nước, tháng Tám năm 1945.
      Trong công tác, Trần Phú rất chú trọng hoạt động thực tiễn. Ngay sau khi về nước, ông đã thực hiện chuyến đi thực tế dài ngày tại một số địa phương để nắm tình hình cụ thể. Thực tiễn ấy đã giúp Trần Phú có cơ sở để dự thảo Luận cương chính trị sát với tình hình Đông Dương, trong đó có tình hình Việt Nam.
      Trong cuộc đời hoạt động của mình, Trần Phú là một đảng viên luôn luôn nêu cao phẩm chất đạo đức cách mạng trong sáng, biểu hiện rõ nhất ở lòng trung thành vô hạn với sự nghiệp của Đảng, của giai cấp công nhân, sự nghiệp giải phóng dân tộc, ở tình thương yêu nhân dân lao động một cách sâu sắc, ở sự quan tâm chu đáo đến đồng chí, bạn bè. Trong mọi hoạt động, ông bao giờ cũng gắn bó keo sơn với quần chúng, tin tưởng vào sự nghiệp cách mạng của quần chúng. Ông nhận thức sâu sắc rằng, sự nghiệp thắng lợi của cách mạng được quyết định bởi tinh thần phấn đấu hy sinh và tinh thấn sáng tạo của nhân dân. Vì vậy, bất kỳ làm một việc gì cũng phải có nhân dân. Không có nhân dân ủng hộ và hành động, thì không thể làm bất kỳ một việc gì thành công. Ông quán triệt tinh thần đó trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của mình.
      Đứng trước những khó khăn gian khổ, những mất mát, hy sinh và ngay cả khi đối mặt với quân thù tàn bạo, bao giờ Trần Phú cũng tỏ rõ là một chiến sĩ cộng sản kiên cường, bất khuất, tỉnh táo và lạc quan tin tưởng vào tương lai tươi sáng của cách mạng. Với phẩm chất trong sáng ấy, bất kỳ ở đâu, ông cũng được đồng chí và đồng bào mến yêu, kính phục.
      Con người ấy mãi mãi đi vào những trang sử vẻ vang của Đảng và của dân tộc.
      “Hãy giữ vững chí khí chiến đấu!23”.
      Tinh thần Tổng Bí thư Trần Phú sống mãi trong lòng chúng ta!  
------
* Báo cáo khoa học tại Hội thảo Khoa học: “Đồng chí Trần Phú – Tổng Bí thư đầu tiên, nhà lý luận xuất sắc của Đảng, người con ưu tú của quê hương Hà Tĩnh” do Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng  phối hợp với Trường Chính trị Trần Phú tỉnh Hà Tĩnh tổ chức tại Hà Tĩnh ngày 26-4-2019.    
1. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia – Sự thật, Hà Nội, 2005, tập 2, tr. 26.
2. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia – Sự thật, Hà Nội, 2005, tập 2, tr. 27.
3. Vào đầu năm 1930, căn nhà này là nhà số 7, phố Giăng Sôle (Jean Soler).
4. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia – Sự thật, Hà Nội, 2005, tập 2, tr. 91.
5. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia – Sự thật, Hà Nội, 2005, tập 2, tr. 93.
6. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia – Sự thật, Hà Nội, 2005, tập 2, tr. 2.
7. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia – Sự thật, Hà Nội, 2005, tập 2, tr. 94.
8. Thuế lũy tiến là thứ thuế tăng lên dần dần theo tỷ lệ.
9. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia – Sự thật, Hà Nội, 2005, tập 2, tr. 100.
10. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia – Sự thật, Hà Nội, 2005, tập 2, tr. 102.
11.Truyền đơn thì viết là “Đông Dương Cộng sản Đảng”, nhưng trong Luận cương lại viết là “Luận cương chánh trị của Đảng Cộng sản Đông Dương”; các văn bản sau đó cũng gọi là Đảng Cộng sản Đông Dương, còn Đông Dương Cộng sản Đảng là một tổ chức do Hội nghị họp ở số nhà 312, phố Khâm Thiên, Hà Nội, lập ra ngày 17-6-1929.
12. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia – Sự thật, Hà Nội, 2005, tập 2, tr. 213, 214.
13. Hồ Chí Minh Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia – Sự thật, Hà Nội, 1996, tập 10, tr. 9.
14. Xem báo “Đông Pháp”, số 1365, ra ngày 20-4-1931.
15. Xem báo “Đông Pháp”, số 1366, ra ngày 21-4-1931.
16. Xem sách “Trần Phú Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng” của Đức Vượng (Đàm Đức Vượng), in lần thứ ba, Nxb Chính trị quốc gia – Sự thật, Hà Nội, 1999, tr.79.
17. Xem sách “Trần Phú Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng” của Đức Vượng (Đàm Đức Vượng), in lần thứ ba, Nxb Chính trị quốc gia – Sự thật, Hà Nội, 1999, tr.79, 80, 81.
18. Xem sách “Trần Phú Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng” của Đức Vượng (Đàm Đức Vượng), in lần thứ ba, Nxb Chính trị quốc gia – Sự thật, Hà Nội, 1999, tr. 84..
19. Báo “Vô sản” tháng 6 và tháng 7-1933.
20. Báo “Vô sản” tháng 6 và tháng 7-1933.
21. Li Kvây là một trong những bí danh của Trần Phú.
22. Theo bản dịch của PGS,TS Trình Mưu.
23. Xem “Trần Phú Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng” của Đức Vượng (Đàm Đức Vượng), Nxb Chính trị quốc gia – Sự thật, in lần thứ ba, 1999, tr. 90.