Mới cập nhật

Kỷ niệm lần thứ 115 ngày sinh đồng chí Hoàng Quốc Việt (28-5-1905-28-5-2020)

ĐỒNG CHÍ HOÀNG QUỐC VIỆT VỚI CÔNG TÁC XÂY DỰNG ĐẢNG*
     
PGS,TS Đàm Đức Vượng**
     
      Hoạt động cách mạng của đồng chí Hoàng Quốc Việt trải dài trong phạm vi rất rộng lớn trong các đoàn thể cách mạng, như làm Bí thư Tổng bộ Việt Minh, Chủ tịch Tổng Công đoàn Việt Nam, Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Ủy viên kháng chiến miền Nam,… Những tổ chức này mang tính chất đoàn thể của Đảng Cộng sản Việt Nam. Ông còn làm đại biểu Quốc hội từ khóa V đến khóa VIII.
      Đồng chí không có những tác phẩm riêng về xây dựng Đảng, nhưng hoạt động thực tiễn về xây dựng Đảng lại rất phong phú, được thể hiện trong các cuốn sách, bài viết, bài nói của đồng chí, trong đó có cuốn “Con đường theo Bác”. Đồng chí  đã từng giữ các chức vụ: Bí thư Xứ ủy Bắc Kỳ, Ủy viên Trung ương và Thường vụ Trung ương, Ủy viên Bộ Chính trị, có thời gian làm Phó trưởng Ban Tổ chức Trung ương Đảng,... Ngay trong khi đứng đầu các tổ chức đoàn thể, chính quyền, đồng chí cũng rất quan tâm đến công tác đảng trong các tổ chức đoàn thể đó. Thí dụ, như ngay khi làm Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, đồng chí thường xuyên nhắc nhở các cán bộ, đảng viên trong ngành là phải gắn công tác đảng với công tác của Viện, bảo đảm cho tổ chức đảng và tổ chức trong Viện hoạt động có hiệu quả, gắn bó với nhau, không thể tách rời.
Đồng chí Hoàng Quốc Việt. Ảnh: Wikipedia
      Có hai sự kiện ghi dấu ấn nổi bật về đồng chí Hoàng Quốc Việt trong công tác xây dựng Đảng, đó là sự kiện về cuộc đấu tranh trong nội bộ Xứ ủy Bắc Kỳ năm 1941 và việc củng cố tổ chức đảng ở Nam Kỳ năm 1945.
      Về sự kiện cuộc đấu tranh trong nội bộ Đảng năm 1941 diễn ra gay go, phức tạp do Thường vụ Trung ương, trực tiếp chỉ đạo giải quyết là Tổng Bí thư Trường Chinh cùng với hai Ủy viên Thường vụ là Hoàng Văn Thụ và Hoàng Quốc Việt. Số là năm 1941, trong nội bộ Đảng có những diễn biến phức tạp. Lúc bấy giờ, Trung ương nhận được báo cáo của các tỉnh ủy ở Trung Kỳ, Bắc Kỳ, Nam Kỳ. Những báo cáo đó giúp ích rất nhiều cho Trung ương trong việc tìm hiểu đối phương và cũng soi lại hàng ngũ của ta, lần lần tìm ra những phần tử trùm AB (Ăngti Bônsêvích, chống Đảng). Có một phần tử AB tên là Nguyễn Văn Công. Người này làm thợ máy tại Nhà máy Xe lửa Gia Lâm, Hà Nội. Do hoạt động tích cực trong thời kỳ Mặt trận Dân chủ, Nguyễn Văn Công được kết nạp vào Đảng và leo lên tới chức Xứ ủy viên Xứ ủy Bắc Ký. Do lối sống bê tha, anh ta dần dần biến chất, bị địch mua chuộc, làm tay sai cho mật thám Pháp. Những hoạt động phá hoại từ bên trong của Nguyễn Văn Công dẫn đến sai lầm của Xứ ủy Bắc Kỳ trong lúc các đồng chí Trường Chinh, Hoàng Văn Thụ, Hoàng Quốc Việt đang dự Hội nghị Trung ương 8 (1941). Trong khi các đồng chí Trường Chính, Hoàng Văn Thụ, Hoàng Quốc Việt đi vắng, chức vụ quyền Bí thư Xứ ủy Lâm thời Bắc Kỳ được giao cho Đào Duy Kỳ. Đào Duy Kỳ là một người trí thức, hoạt động sôi nổi, nhưng chua đủ kinh nghiệm, lại nhẹ dạ, cả tin, nên đã bị Nguyễn Văn Công xúi bảy, bổ sung vào nghị quyết của Xứ ủy những vấn đề trái với nghị quyết của Trung ương. Các đồng chí Trường Chinh, Hoàng Văn Thụ, Hoàng Quốc Việt đã kiểm điểm nghiêm khắc Xứ ủy Bắc Kỳ, thanh lọc nhân sự của Xứ ủy, mang lại hoạt động bình thường của Xứ ủy theo đúng đường lối của Trung ương.
      Về việc củng cố lại tổ chức đảng ở Nam Kỳ trong chuyến đi vào Nam của đồng chí Hoàng Quốc Việt năm 1945 theo đề nghị của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Tổng Bí thư Trường Chinh. Lúc này, Đảng bộ Nam Bộ mất đoàn kết, chia rẽ, bè phái. Nhân sự của Xứ ủy và Ủy ban Kháng chiến Nam Bộ cũng có vấn đề. Đồng chí Hoàng Quốc Việt đã gặp gỡ các đảng viên trung kiên để nắm tình hình. Qua mấy cuộc họp bàn, những vướng mắc dần đần được tháo gỡ. Chức Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến Nam Bộ cũng được trao vào tay ông Phạm Văn Bạch (tức Nguyễn Văn Liên). Mọi hoạt động của Đảng bộ Nam Bộ trở lại bình thường. Tuy không làm được tất cả, nhưng đồng chí Hoàng Quốc Việt đã góp phần vào việc củng cố Đảng bộ Nam Bộ về tư tưởng và nhân sự.
      Là người được làm việc với đồng chí Hoàng Quốc Việt nhiều năm để viết giúp đồng chí cuốn sách “Con đường theo Bác” (Khi tái bản lấy tên là “Đường Bác Hồ chúng ta đi) đã có lần đồng chí kể cho tôi nghe về Hội nghị Trung ương 8 họp tại Cao Bằng từ ngày 11 đến ngày 19-5-1941, khi bàn đến vấn đề Đảng Cộng sản. Đồng chí kể rằng, Bác Hồ, anh Trường Chinh, anh Hoàng Văn Thụ và tôi (tức đồng chí Hoàng Quốc Việt) ai cũng háo hức. Đồng chí Hoàng Quốc Việt nhận thức về vấn đề muốn xây dựng Đảng Cộng sản được tốt, trước hết phải có nhận thức đúng về Đảng. Đó là đội tiên phong có tổ chức của giai cấp công nhân; thâu nạp những phần tử tiên tiến giác ngộ nhất, quyết tâm và trung thành nhất với sự nghiệp của giai cấp công nhân. Đảng phải có một lý luận tiên phong cách mạng, hiểu biết tiến hóa của lịch sử; có chiến lược, chiến thuật rõ ràng và dũng khi tiến công cách mạng. Đảng bênh vực quyền lợi hằng ngày cho quần chúng, đồng thời, nâng cao trình độ chính trị cho họ, luôn luôn lo đến mục đích cuối cùng của cách mạng. Đảng là bộ tham mưu chiến đấu của giai cấp công nhân, sinh trưởng trong quần chúng. Đảng là bộ phận có tổ chức của giai cấp công nhân, có hệ thống tổ chức từ dưới lên theo nguyên tắc dân chủ tập trung. Đảng là trung tâm điểm lãnh đạo, chỉ huy, còn quần chúng là những dây chuyền. Mấu chốt thắng lợi của Đảng là hòa mình vào trong quần chúng, sống giữa quần chúng, lãnh đạo quần chúng và phát động quần chúng đấu tranh. Đảng thống nhất ý chí và hành động; chống bè phái trong Đảng. Đảng cần phải có kỷ luật sắt. Muốn củng cố Đảng, cần phải tẩy sạch những phần tử cơ hội và cải lương ra khỏi hàng ngũ của Đảng. Đảng chống cả hữu khuynh và tả khuynh, bảo đảm lập trường vững chắc của Đảng và thực hiện cuộc cách mạng giải phóng dân tộc tiến lên cách mạng xã hội chủ nghĩa.
      Trong công tác xây dựng Đảng, đồng chí Hoàng Quốc Việt luôn luôn thực hiện nghiêm túc quan điểm tư tưởng xây dựng Đảng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, sáng tạo trên cơ sở quan điểm tư tưởng đó, thể hiện trên ba mặt: “tư tưởng, chính trị, tổ chức”1. Bây giờ ta gọi xây dựng Đảng về “chính trị, tư tưởng, tổ chức”, nhưng thời cụ Hồ và cụ Việt gọi là xây dựng Đảng về “tư tưởng, chính trị, tổ chức”. Ba mặt này cấu thành đường lối xây dựng Đảng. Theo đồng chí, áp dụng ba mặt này vào trong công tác xây dựng Đảng về đường lối và trong công tác thực tiễn đều tốt. Đảng Cộng sản Việt Nam là một kiểu đảng chính trị - cách mạng, bộ phận tích cực nhất và có tổ chức nhất của giai cấp công nhân. Đảng chính trị - cách mạng là một công cụ chính trị quan trọng nhất, mà nhờ đó, giai cấp công nhân đấu tranh cho lợi ích của giai cấp mình và từ đấu tranh cho lợi ích của giai cấp mình, giai cấp công nhân đấu tranh cho quyền lợi của nhân dân lao động. Đó là mấu chốt của vấn đề.
      Đồng chí Hoàng Quốc Việt nói rằng, xây dựng Đảng về tư tưởng theo quan điểm tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhất định phải học lý luận Mác – Lênin. Đây là vấn đề vừa là nguyên tắc, vừa là phát triển của một đảng cộng sản cầm quyền. Vì vậy, việc lãnh đạo tư tưởng và giáo dục tư tưởng là việc quan trọng nhất của Đảng, nên không thể xem nhẹ tư tưởng. Đồng chí Hoàng Quốc Việt lĩnh hội quan điểm xây dựng Đảng về tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh là tăng cường tư tưởng giai cấp công nhân và kiên quyết gột rửa những tư tưởng trái với tư tưởng giai cấp công nhân. Việt Nam đã từng sống lâu đời dưới chế độ thực dân và phong kiến, cho nên những tư tưởng bất chính có thể ảnh hưởng vào trong Đảng. Số đông đảng viên là nông dân và tiểu tư sản trí thức, điều đó xuất phát từ đặc điểm của nước ta và việc họ gia nhập Đảng là tốt và hợp lý, nhưng cũng mang vào Đảng những tư tưởng lệch lạc. Vì vậy, Đảng phải chống cái thói xem nhẹ học tập lý luận. Nếu không học lý luận thì chí khí kém kiên quyết, không trông xa thấy rộng, trong lúc đấu tranh dễ lạc phương hướng, kết quả là “mù chính trị”, thậm chí xa rời cách mạng.     
      Xây dựng Đảng về chính trị, trước hết, Đảng phải có đường lối chính trị đúng, đó là đường lối cách mạng giải phóng dân tộc tiến lên cách mạng xã hội chủ nghĩa. Đảng phải có cương lĩnh chính trị đúng, chiến lược và sách lược phải rõ ràng. Đảng phải đoàn kết được toàn dân thành một khối thống nhất trong Mặt trận dân tộc thống nhất, đánh đổ kẻ thù chung, xây dựng một nước Việt Nam mới, độc lập, dân chủ, hòa bình và tiến bộ xã hội. Nhân dân có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc.
      Xây dựng Đảng về tổ chức nhằm bảo đảm cho việc thực hiện đường lối và nhiệm vụ chính trị, cho công tác tư tưởng, cho sự thống nhất ý chí và hành động của toàn Đảng. Nó bao hàm nhiều vấn đề như xây dựng hệ thống tổ chức và cơ cấu bộ máy, xác định chức năng, nhiệm vụ đến cơ chế vận hành; từ bố trí cán bộ đến xây dựng phương thức, lề lối làm việc… Muốn vậy, trước hết, Đảng phải có đầu óc về tổ chức, phải có kỷ luật rất nghiêm; giữ vững chế độ dân chủ tập trung, chỉnh đốn tổ chức, đẩy mạnh đấu tranh phê bình và tự phê bình, kiên quyết loại bỏ những phần tử xấu ra khỏi Đảng, coi phê bình và tự phê bình là quy luật phát triển của Đảng.
      Thấy rằng, trong công tác xây dựng Đảng về tổ chức, phải rất chú trọng đến việc đào tạo cán bộ, vì nếu không đào tạo thì không có cán bộ, nhưng đào tạo phải biết cách chọn lựa những người tốt, những người trung thành tuyệt đối với sự nghiệp cách mạng, những người hết lòng, hết sức phục vụ nhân dân, phụng sự dân tộc. Người lãnh đạo và người làm công tác tổ chức – cán bộ cần có sự đổi mới về tư duy xây dựng Đảng. Nếu cứ làm theo nếp cũ, e rằng, công tác xây dựng Đảng sẽ không theo kịp được sự phát triển của kinh tế - xã hội. 
      Lựa chọn để đào tạo cán bộ là một khoa học, gọi là khoa học nghiên cứu về con người, nên người làm công tác cán bộ phải là những người có đức, có tài, vì có những người như thế mới phát hiện ra những người tài, đức. Đức và tài hợp thành phẩm chất cách mạng của người cán bộ.
      Trong thời gian làm Phó trưởng Ban Tổ chức Trung ương, đồng chí Hoàng Quốc Việt đã góp công góp sức vào việc hoàn thiện bộ máy tổ chức Đảng và giúp Trung ương sắp xếp cán bộ hợp lý với từng công việc, bảo đảm sự đoàn kết, thống nhất trong nội bộ, xây dựng tổ chức đảng, tổ chức chính quyền và tổ chức các đoàn thể trong sạch, vững mạnh.
      Đồng chí Hoàng Quốc Việt nhận thấy rằng, bên cạnh những mặt tốt trong công tác xây dựng Đảng về tổ chức cũng còn bộc lộ một số mặt yếu kém, như việc thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ, tự phê bình và phê bình chưa tốt. Ở nhiều nơi còn có hiện tượng nể nang, né tránh, ngại va chạm cá nhân; chưa thẳng thắn đấu tranh chống các biểu hiện quan liêu, xa rời quần chúng, chống tham nhũng buôn lậu; một số tổ chức đảng còn bộc lộ những yếu kém; một bộ phận đảng viên suy thoái về phẩm chất, đạo đức, lối sống; sinh hoạt đảng còn nghèo nàn, đơn điệu; việc tổ chức các cơ sở đảng ở các doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài còn chắp vá; công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, nhìn chung và nhất là ở địa phương, cơ sở còn chưa tinh và chưa có quy hoạch hợp lý.
      Trên đây là những quan điểm tư tưởng xây dựng Đảng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về tư tưởng, chính trị, tổ chức mà đồng chí Hoàng Quốc Việt đã vận dụng sáng tạo vào trong thực tế công tác của mình. Đồng chí Hoàng Quốc Việt không có đề xuất mới trong đường lối xây dựng Đảng, nhưng lại có khả năng vận dụng sáng tạo đường lối xây dựng Đảng của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng vào trong công tác của mình và đơn vị do đồng chí phụ trách. Đồng chí nói rằng, mặc dù có thời gian không làm công tác đảng chuyên trách, nhưng dù có làm công tác chính quyền hoặc đoàn thể, thì nhất thiết phải có yếu tố Đảng trong đó, nếu không, rất có thể sẽ bị chệch choạc và mất phương hướng.
      Đồng chí Hoàng Quốc Việt nhận thấy rằng, phương hướng công tác tư tưởng, chính trị, tổ chức trong xây dựng Đảng về cơ bản là đúng đắn, là kết quả của trí tuệ, tài năng, khí phách của những người cộng sản Việt Nam, qua việc tổ chức thực hiện đã góp phần nâng cao lòng tự hào, tự tin dân tộc và truyền thống dân tộc, truyền thống cách mạng, làm cho tình hình trong Đảng ngày càng ổn định và kinh tế - xã hội của đất nước ngày càng phát triển. Tuy nhiên, qua các bài phát biểu của mình, đồng chí Hoàng Quốc Việt nhận thấy Đảng chưa lường hết và chưa làm cho cán bộ, đảng viên, nhân dân nhận rõ những khó khăn, gian khổ, phức tạp trong thời kỳ mới. Cách làm nhiều khi còn thụ động, dồn nén. Cũng vì chưa thấy hết tính chất phức tạp, khó khăn của thời kỳ mới, nên chưa hướng dẫn cho cán bộ, đảng viên, nhân dân thấy được hết những khó khăn, phúc tạp sẽ diễn ra trong thời kỳ mới; chậm đấu tranh chống các hiện tượng tiêu cực trong tình hình mới; việc nắm tình hình, đề xuất chính sách mới cũng còn chậm; chưa có nhiều biện pháp đúng đắn đối với một số vấn đề xã hội phức tạp; việc dự báo và chuẩn bị tư tưởng trước những diễn biến phức tạp của tình hình trong nước và ngoài nước có tác động đến tư tưởng cán bộ, đảng viên và nhân dân; nhiều lúc còn bị động về công tác tư tưởng bởi những diễn biến phức tạp đó; tư tưởng hoài nghi, thiếu tin tưởng vẫn còn biểu hiện ở một số cán bộ, đảng viên và nhân dân.
      Tính đến năm 2020, đồng chí Hoàng Quốc Việt mất đã 28 năm. Công tác xây dựng Đảng từ sau khi đồng chí qua đời cũng đã có những bước phát triển mới. Đến nay, trên cơ sở lý luận và thực tiễn xây dựng Đảng về tư tưởng, chính trị, tổ chức mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu, Đảng đã phát triển mở rộng xây dựng Đảng sang lĩnh vực kiểm tra và xây dựng Đảng về đạo đức, phong cách, tác phong. Làm cho công tác xây dựng Đảng ngày thêm phong phú, đa dạng, phù hợp với tình hình mới trong Đảng và trong xã hội.
      Qua những phương hướng về công tác xây dựng Đảng mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu và qua hoạt động thực tiễn của đồng chí Hoàng Quốc Việt, tôi xin được rút ra những vấn đề lớn sau đây về xây dựng Đảng theo quan điểm của đồng chí Hoàng Quốc Việt:
      Một là: Công tác xây dựng Đảng thể hiện trên các mặt: tư tưởng, chính trị, tổ chức (về sau đổi là chính trị, tư tưởng, tổ chức) đạo đức, phong cách và tác phong, góp phần quan trọng vào việc thực hiện đường lối, chính sách của Đảng và của Nhà nước. Vì vậy, nó có chỗ đứng quan trọng trong tiến trình phát triển của Đảng và của xã hội.
      Hai là: Công tác xây dựng Đảng chỉ ra rằng, cách mạng là sự nghiệp của nhân dân, nên vấn đề xây dựng Đảng không thể khoanh lại trong Đảng, mà nó phải được mở rộng ra trong phạm vi cả trong Đảng và ngoài xã hội, tạo thành sức mạnh tổng hợp của khối đại đoàn kết Đảng – Dân thống nhất nhằm tiến hành cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân lên cách mạng xã hội chủ nghĩa. Vấn đề đặt ra đối với Đảng là phải khơi dậy và phát huy được tiềm năng to lớn của nhân dân.
      Ba là: Giữ vững bản chất giai cấp công nhân và tính tiền phong, gương mẫu của Đảng. Bản chất giai cấp của Đảng là vấn đề cơ bản, có tính nguyên tắc đối với tất cả các đảng cộng sản và đảng công nhân chân chính. Nó càng đặc biệt quan trọng đối với Đảng Cộng sản Việt Nam, một đảng ra đời và trưởng thành từ một nước nông nghiệp lạc hậu, tiến thẳng lên chủ nghĩa xã hội, không qua giai đoạn phát triển tư bản chủ nghĩa. Giữ vững bản chất giai cấp công nhân là kiên định quan điểm lập trường của giai cấp công nhân, tuyệt đối trung thành với lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc; phấn đấu vì mục đích độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội.   
     Bốn là: Công tác xây dựng Đảng phải thường xuyên tự đổi mới, tự chỉnh đốn một cách đúng đắn. Trong quá trình đổi mới, Đảng kiên trì và phát triển sáng tạo những quan điểm cơ bản của chủ nghĩa Mác – Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng Đảng. Chống các khuynh hướng bảo thủ, dao động, cơ hội, cực đoan. Phải kiên định sự lãnh đạo của Đảng, kiên quyết không để cho kẻ địch phá, xem đây là một vấn đề có tính nguyên tắc, bởi sự lãnh đạo của Đảng là nhân tố bảo đảm và phát triển của đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Không có sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, thì không thể có độc lập dân tộc thật sự, không có quyền làm chủ thật sự của nhân dân lao động, không có Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam, của dân, do dân, vì dân và càng không có chủ nghĩa xã hội.
      Năm là: Kiên trì thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ (dân chủ tập trung), nguyên tắc tổ chức cơ bản của Đảng mà V.I.Lênin đã đề ra từ năm 1906, đến năm 2020 đã được 114 năm. Thực hiện nguyên tắc này sẽ bảo đảm cho sức mạnh thống nhất và sự đoàn kết trong Đảng. Vấn đề đặt ra hiện nay là phải kiên định bảo vệ, phát triển và làm phong phú thêm nội dung cho phù hợp với tình hình mới.
      Sáu là: Đảng phải chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ đảng, cán bộ chính quyền, cán bộ đoàn thể ngày càng trưởng thành, có đầy đủ đức và tài gánh vác nhiệm vụ cách mạng. Thực tiễn qua hơn 30 năm đổi mới càng thấy rõ vấn đề cán bộ có vai trò đặc biệt quan trọng, nhưng cũng rất phức tạp, khó khăn. Vấn đề đặt ra đối với Đảng hiện nay là phải đào tạo, bồi dưỡng cán bộ toàn diện cả về phẩm chất, trình độ, cả cán bộ lãnh đạo, cán bộ quản lý, cán bộ công vụ, các chuyên gia, tổng công trình sư, các cán bộ cấp chiến lược trong hệ thống chính trị, cán bộ làm nhiệm vụ an ninh – quốc phòng. Trong tình hình hiện nay, phải hết sức coi trọng cả đức lẫn tài, tạo thành phẩm chất cách mạng của người cán bộ.
      Đồng chí Hoàng Quốc Việt cho rằng, đất nước đang đứng trước những thuận lợi và khó khăn, đòi hỏi công tác xây dựng Đảng phải tiến lên mạnh mẽ hơn nữa , góp phần vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.   
.------
* Báo cáo khoa học tại cuộc Tọa đàm Khoa học với chủ đề: “Đồng chí Hoàng Quốc Việt với sự nghiệp đại đoàn kết toàn dân tộc”, do Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng  tổ chức vào ngày 26-5-2020, tại Hà Nội, nhân dịp kỷ niệm 115 năm ngày sinh đồng chí Hoàng Quốc Việt (28-5-1905- 28-5-2020)..
** Hội đồng Lý luận Trung ương.
1. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 1996, tập 7, tr. 234.