Mới cập nhật

XUÂN MỚI LẠI NÓI CHUYỆN VỀ TRÍ THỨC VÀ NHÂN TÀI

 GS,TS Đàm Đức Vượng


Trong công trình nghiên cứu về xây dựng đội ngũ trí thức Việt Nam giai đoạn 2011 – 2020 ( Đề tài KX.04.16/06-10), tôi đã định nghĩa về nhân tài, một bộ phận ưu tú của trí thức, những người thật sự có tài và cống hiến cho đất nước, cho nhân loại. Cũng không cần phải nói thêm nhân tài bao gồm cả đức và tài, vì từ xưa tới nay, những bậc hiền tài có ai thất đức đâu. Những cống hiến của họ có lợi cho dân cho nước, đó là đức rồi. Nhân tài ở đây là những người tài thật sự, cống hiến của họ bao giờ cũng có lợi cho nước, cho dân, đấy mới là nhân tài đích thực.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Đã có nhiều định nghĩa về nhân tài qua các công trình nghiên cứu ở trong nước và ngoài nước. Cha ông ta xưa kia cũng đã định nghĩa về hiền tài là nguyên khí của quốc gia. Nhưng cái khó nhất không phải là định nghĩa thế nào là nhân tài, mà cái khó nhất đang đặt ra cho chúng ta là phải làm thế nào để sử dụng hay trọng dụng nhân tài sao cho tốt? Đặt vấn đề là “sử dụng” hay “trọng dụng”? Theo tôi, ta nên dùng cả 2 thuật ngữ động từ này. Sử dụng là dùng người đó vào trong một công việc nào đó; còn trọng dụng là dùng người có nhiều khả năng vượt trội vào cương vị quan trọng nào đó. Tùy theo khả năng của mỗi người mà sử dụng hay trọng dụng sao cho phù hợp với khả năng công việc của người đó.

Vấn đề sử dụng, trọng dụng nhân tài thời hiện tại đã được Đảng ta đặt ra rất sớm, ngay từ khi Đảng mới thành lập. “Án nghị quyết của Trung ương toàn thể lần thứ hai” của Đảng Cộng sản Đông Dương, tháng 3-1931, nhận định: “Hiện nay, nhân tài trong Đảng còn rất hiếm và phần nhiều thì trình độ lý luận còn rất thấp. Điều đó ảnh hưởng rất mạnh đến sự chỉ huy và công việc hằng ngày của Đảng”. Vì vậy, “Việc đào tạo nhân tài để làm việc cho Đảng là một vấn đề rất cần kíp” (Văn kiện Đảng Toàn tập, tập 3, tr. 124).

Năm 1945, sau khi chính quyền cách mạng về tay nhân dân, Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa Hồ Chí Minh quan tâm ngay đến vấn đề trọng dụng nhân tài. Người nói: “Kiến thiệt cần có nhân tài. Nhân tài nước ta dù chưa có nhiều, nhưng nếu chúng ta khéo lựa chọn, khéo phân phối, khéo dùng thì nhân tài càng ngày càng phát triển càng thêm nhiều” (Báo Cứu quốc số 91, ngày 14-11-1946).

Một số chính sách của Đảng và Nhà nước ta cũng đã đề cập đến vấn đề trọng dụng nhân tài. Trên thực tế, nhiều người tài giỏi đã được Đảng và Nhà nước chọn lọc để đưa vào các vị trí lãnh đạo các cấp. Một số giỏi chuyên môn đã được bố trí làm các chuyên gia. Nhiều người đã trở nên nổi tiếng. Đó là kết quả của việc trọng dụng nhân tài trong chính sách của Đảng và Nhà nước ta.

Tuy nhiên, tại Việt Nam, vấn đề trọng dụng nhân tài vẫn còn đang ở trong vòng luẩn quẩn, nói nhiều, làm ít. Trọng dụng nhân tài, nhìn chung, mới chỉ ở dạng lý thuyết, chứ chưa đi vào cuộc sống, chưa trở thành tiềm thức của người lãnh đạo. Đất nước vẫn còn đang thiếu một chiến lược toàn thể trọng dụng nhân tài và cũng đang thiếu một số chính sách trọng dụng nhân tài. Nhân tài thực sự ở trong nước, nhìn tổng thể, vẫn chưa được trọng dụng trên thực tế. Những sinh viên, lưu học sinh ở nước ngoài, sau khi học xong, không ít người muốn ở lại nước sở tại, vì họ hiểu rằng, nếu trở về Việt Nam sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong cuộc sống và trong nghiên cứu khoa học. Nhìn chung, đất nước vẫn còn nghèo, trong đó có cả nghèo về trí tuệ sử dụng, trọng dụng nhân tài.

Vấn đề trí thức và nhân tài đang còn nhiều chuyện phải bàn. Các nhà quản lý giỏi, các chuyên gia giỏi, những nhà hùng biện tài năng của Việt Nam đang còn rất thưa thớt trên các diễn đàn thế giới. Tài năng trẻ thực sự cũng còn rất hiếm hoi. Nguồn nhân lực của đất nước rất dồi dào, rất trẻ, nhưng chất lượng chưa cao, vì chưa được bồi dưỡng, khai thác, đào tạo. Người nước ngoài nói rằng, tại Việt Nam, một nửa dân số là những người trẻ tuổi, nhưng họ lại chưa có kỹ thuật, chuyên môn, cho nên sinh ra cái cảnh “nông nhàn”.


Hiện nay, đất nước còn nhiều cử nhân, thạc sĩ chưa có việc làm; có khoảng 50% sinh viên ra trường chưa tìm kiếm được việc làm. Còn nhiều thạc sĩ, tiến sĩ ở nước ngoài về vẫn chưa tìm kiếm được việc làm. Có một số người lái xe ôm trong lúc chờ việc là thạc sĩ, thậm chí là tiến sĩ. Trong dân gian có câu hát:

“Đầu đường tiến sĩ bơm xe

Cuối đường thạc sĩ bán chè đỗ đen”.

Những người đó, ai dám bảo họ không phải là nhân tài, vì họ đã tốt nghiệp cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ ở nước ngoài, ít nhất họ cũng giỏi ngoại ngữ tiếng nước họ theo học.

Vậy thì vấn đề đặt ra là phải làm gì và làm như thế nào để sử dụng, trọng được nhân tài?

Qua nghiên cứu, tôi thấy:

- Trước hết, xây dựng chiến lược chung tổng thể về đội ngũ trí thức và nhân tài, bảo đảm cho cái vĩ mô “đầu xuôi đuôi lọt”; bên cạnh đó cần phải có chiến lược riêng cho mỗi ngành, nhất là ngành y tế và giáo dục, ngành khoa học và công nghệ, các ngành về bảo vệ đất nước; nguồn nhân lực nông thôn.

Tiếp đó là phải hoàn thiện một hệ thống chính sách về nhân tài và nhân lực chất lượng cao tại Việt Nam. Hệ thống chính sách đó phải toát lên toàn bộ các vấn đề về về nhân tài và nhân lực chất lượng cao, từ chính sách cho học sinh cấp 1, cấp 2, cấp 3 cho đến đại học và sau đại học đến chính sách về nghĩa vụ và quyền lợi của nhân tài; sự bảo hộ của Nhà nước với nhân tài.

Trong hệ thống chính sách thúc đẩy nhân tài nảy nở, cần phải đặc biệt quan tâm cải thiện đời sống vật chất và tinh thần cho đội ngũ trí thức và nhân tài, tạo điều kiện thuận lợi để cho đời sống những nhân tài được trở nên khá giả và được coi trọng. Chính sách mới đưa ra phải tạo được môi trường tốt đẹp, thuận lợi cho nhân tài phát huy trí thông minh, hình thành tốt hơn trong toàn xã hội về nếp nghĩ, sự trọng dụng đúng mức tài năng; khen thưởng đích đáng đối với những công trình nghiên cứu khoa học, công trình văn hóa thật sự có giá trị. Chỉ có những bước đột phá về chính sách đối với nhân tài Việt Nam, thì chắc chắn nhân tài sẽ nảy nở ngày thêm nhiều.

- Phải biết khai thác, đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng, trọng dụng nhân tài. Đây thật sự là một vấn đề rất quan trọng và rất khó, bởi vì, nhân tài là một sản phẩm đặc biệt, nó được phát hiện trong quá trình tranh đua tài năng, trong một mội trường thuận lợi; ở đó, mọi người phải được giải phóng tư tưởng; ở đó, những kẻ cơ hội hoặc tài vơi, đức mỏng không có chỗ đứng trong hàng ngũ nhân tài chân chính. Những người cơ hội không thể “đâm bị thóc, chọc bị gạo”, ghìm nén sự tiến thân của các nhà khoa học. Các nhà khoa học khi đó được thực sự ra sức thi thố tài năng , được tự do trình bày những ý tưởng sáng tạo khoa học và phát huy tối đa năng khiếu; ở đó, có nguồn thông tin dồi dào và được xử lý trên những thiết bị hiện đại.

Cần triển khai tích cực công tác phát hiện, tuyển chọn, bồi dưỡng, sử dụng nhân tài; tổ chức đào tạo trong và ngoài nước để sớm có được một đội ngũ cán bộ khoa học có trình độ cao trên các lĩnh vực của đời sống xã hội.

- Muốn cho nhân tài được phát triển ngày càng thêm nhiều, một phần đóng góp quan trọng ở khâu dùng người, có nghĩa là ở những người làm công tác nhân sự; phải giải quyết được khâu ứ đọng về tâm lý giữa những người cùng chung làm việc ở một đơn vị, cơ quan nơi làm việc, tức là tư tưởng kèn cựa, địa vị còn khá nặng và khá phổ biến. Sự găm chân nhau, ngáng chân nhau, không muốn cho người khác hơn mình vẫn đang là hiện tượng không cá biệt trong các cơ quan, đơn vị hiện nay. Hiện tượng dùng người theo kiểu thân quen, vây cánh, được lòng nhau của nhóm lợi ích tiêu cực, tuy đã nói rất nhiều, nhưng vẫn chưa chấm dứt. Vẫn còn hiện tượng nhiều khi người thủ trưởng cơ quan, đơn vị đồng ý bổ nhiệm người này, người kia, lập tức, bọn xấu xa trong cơ quan, đơn vị có đơn tố cáo lên cấp có thẩm quyền, cấp có thẩm quyền lại không sáng suốt trong việc nhìn nhận, đánh giá con người, rút cục, việc bị gác lại, người đó không được bổ nhiệm nữa. Có người nói rằng, tôi làm việc ở cơ quan mấy chục năm, có năng lực thực sự, có bằng cấp hẳn hoi, có khả năng quản lý, nhưng lại không được lòng “sếp”, nên không hề được cất nhắc, trước khi về hưu vẫn chỉ là một anh nhân viên quèn. Vấn đề này, rõ ràng lỗi tại người lãnh đạo cơ quan, sau nữa là những người làm công tác nhân sự ở cơ quan, đơn vị đó không công tâm, thiên vị, ngu tối trong việc nhìn nhận, đánh giá con người. Vì vậy, muốn dùng được người tài, thì người lãnh đạo và những người làm công tác nhân sự phải hết sức công tâm, hết sức sáng suốt trong việc dùng người, mang tấm lòng nhân ái ra để cảm hóa người, đối xử với người có lý, có tình, bằng cách biết rõ sở trường tối đa của người đó và tránh dùng người theo kiểu sở đoản tối thiểu của người đó. Sở trường là chỗ mạnh của người đó, sở đoản là chỗ kém của người đó.

- Nâng cao một bước rõ rệt chất lượng giáo dục và đào tạo. Vấn đề nhân tài liên quan chặt chẽ đến giáo dục và đào tạo. Vì vậy, muốn làm cho nhân tài nảy nở ngày càng thêm nhiều, trước hết, phải nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo. Muốn nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo, trước hết, phải xác định rõ mục tiêu của giáo dục và đào tạo là nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài, xây dựng con người mới, hiện thân của một dân tộc văn hóa, văn minh, hình thành nên một đội ngũ những nhà giáo dục đủ mạnh, giỏi cả về lý thuyết lẫn thực hành, tự chủ, năng động, sáng tạo, có đạo đức, tinh thần yêu nước và khát vọng vươn lên.

Tiến hành một cuộc đổi mới mạnh mẽ, sâu sắc, toàn diện trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo với tinh thần nhìn thẳng vào sự thật, làm rõ những kết quả đạt được, vạch rõ những yếu kém, bất cập; nguyên nhân của những yếu kém, bất cập, từ đó, đề ra chủ trương đổi mới và tiếp tục đưa sự nghiệp giáo dục tiếp tục phát triển.

Xây dựng chiến lược nguồn nhân lực chất lượng cao chính là xây dựng con người chất lượng cao. Muốn vậy, phải tăng cường đầu tư vào con người, mang lại lợi ích cho con người, tạo mọi điều kiện để con người phát triển, tạo mọi điều kiện, phương tiện thuận lợi để các nhà khoa học làm việc. Điểm xuất phát của việc xây dựng chiến lược tổng thể về đội ngũ trí thức, chúng ta phải nghĩ ngay đến chiến lược phát triển, nuôi dưỡng nguồn nhân lực, xem đó là điểm xuất phát để phát triển xã hội. Đây chính là chính sách đầu tư đầu tiên vào việc xây dựng con người.

Đổi mới công tác trí thức, nhân tài, quy định rõ trách nhiệm của cán bộ trong các cơ quan công quyền, nhất là các cơ quan chức năng trong việc sử dụng trí thức, sử dụng nhân tài. Muốn sử dụng tốt phải đánh giá đúng trí thức, đánh giá đúng nhân tài.

Hiện tại, trí thức và nhân tài vẫn tiếp tục nảy sinh. Mặt tốt của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa đang là miếng đất màu mỡ để cho các nhà trí thức hoạt động thuận lợi và nhân tài thi nhau đua nở như hoa mùa xuân.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Thời nay, đã xuất hiện một số nhà khoa học có công trình nghiên cứu có giá trị, góp phần vào sự nghiệp giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ và các lĩnh vực khác của đời sống xã hội.

Nhìn về tương lai, với xu thế phát triển của đất nước, vấn đề trí thức, nhân tài sẽ tiếp tục phát triển ở trình độ cao.

Chúng ta tin tưởng rằng, trong tương lai, trí thức và nhân tài nước nhà sẽ phát triển nhanh và bền vững.


Xuân Nhâm Dần - 2022