Xoa bóp giảm căng thẳng thần kinh
Sự căng thẳng do bị áp lực trong cuộc sống nếu không được giải tỏa nhất là đối với những người làm việc với cường độ cao, học sinh bị áp lực thi cử kéo dài có thể trở thành stress mạn tính dẫn suy nhược thần kinh
Sự căng thẳng do bị áp lực trong cuộc sống nếu không được giải tỏa nhất là đối với những người làm việc với cường độ cao, học sinh bị áp lực thi cử kéo dài có thể trở thành stress mạn tính dẫn suy nhược thần kinh, ... Để giảm bớt căng thẳng có thể áp dụng các động tác xoa bóp bấm huyệt sau đây.
Bài 1: Tập thở: Người thả lỏng toàn bộ cơ thể có thể (nằm ngửa, duỗi thẳng chân tay hoặc ngồi trên ghế tựa). Toàn bộ cơ thể thư giãn tập trung ý nghĩ về vùng đan điền (vùng hạ vị), loại bỏ mọi ý nghĩ khác. Thở chậm, sâu, đều, cụ thể hít vào từ từ hết sức, bụng phình ra, nín thở giữ hơi trong vài giây, thở ra từ từ hết sức, bụng thót lại, nín thở trong vài giây. Mỗi lần tập từ 5 đến 10 phút.
Bài 2: Làm nóng vùng gáy, giãn cơ và tăng tuần hoàn tại chỗ, tăng cường lưu thông máu lên não bằng cách đan hai bàn tay vào nhau, vòng ra sau đầu, ấp vào vùng gáy, xát lên xuống khoảng 20 lần.
Xoa bóp vùng gáy
Bài 3: Thư giãn vùng mắt, chống mỏi mắt, giảm căng thẳng bằng cách duỗi thẳng các ngón tay, khép lại. Áp hai lòng bàn tay vào nhau, xát cho nóng lên. Sau đó, áp các ngón tay vào mắt (2 mắt nhắm) vuốt từ trong ra ngoài 10 - 15 lần. Dùng ngón cái và ngón trỏ véo da vùng gờ trên ổ mắt (dọc cung lông mày) từ trong ra ngoài 5 - 10 lần, làm 2 bên cùng lúc.
Mát xa vùng mắt chống mỏi mắt, giảm căng thẳng.
Bài 4: Giảm căng thẳng, đau đầu tác dụng tốt với những người luôn bị mất ngủ, do thần kinh căng thẳng… bằng cách dùng mu đầu ngón tay miết từ đầu trong gờ trên ổ mắt vòng lên trán, theo hình vòng cung ra đến thái dương rồi vòng lên trên ra sau tai, làm khoảng 15 đến 20 lần. Tiếp theo dùng các ngón tay lại như chiếc lược, chải tóc từ trước ra sau khoảng 20 - 30 lần, đầu các ngón tay miết mạnh xuống da đầu để thông kinh mạch vùng đầu. Sau đó đặt hai lòng bàn tay ở hai bên đầu đối xứng nhau, vỗ nhẹ vòng tròn xung quanh đầu theo chiều kim đồng hồ, hết tầm xoay của tay thì vỗ ngược lại. Khi vỗ, hai điểm tác động luôn phải đối xứng nhau. Làm khoảng 3 - 5 lần. Cuối cùng khép bàn tay, dùng phần gan bốn ngón tay (trừ ngón cái) vỗ nhẹ trên toàn bộ da đầu theo hướng từ đỉnh đầu ra trước, sang hai bên, ra sau xuống vùng gáy. Làm khoảng 3 - 5 lần.
Lưu ý: Bài tập này, có thể tranh thủ làm bất kì lúc nào trong ngày, lúc ngủ dậy, trước lúc ngủ trưa, ngủ tối hoặc những lúc giải lao giữa giờ làm việc. Có thể làm từng bài tập riêng hoặc áp dụng tuần tự từ bài 1 đến bài 4. Ngoài ra, cần chú ý là phải có chế độ sinh hoạt, ăn uống cân bằng, ngủ nghỉ ngơi, thư giãn đều đặn hằng ngày và tuyệt đối không hút thuốc lá, hạn chế bia rượu.
Thạc sĩ Nguyễn Sơn (Báo Sức khỏe và Đời sống)