Mới cập nhật

Câu chuyện văn hóa: Sống bình dân



Cách đây mấy hôm, tôi được mời đến dự tiệc cưới con một người bạn. Mâm tôi ngồi toàn người xa lạ. Sau phút làm quen, mọi người vui vẻ nâng ly, mừng cho hạnh phúc hai cháu.

Mỗi người mới ăn được vài miếng thì một người đàn ông tầm gần 70 tuổi tiến lại, tay cầm chén rượu. Ông trịnh trọng:
– Trước hết, tôi yêu cầu mọi người đứng dậy, vì tôi đứng chả nhẽ mọi người lại ngồi?
Ai nấy tỏ ra ngạc nhiên, nhưng cũng cười cười đứng dậy. Ông bảo rót đầy các chén phụ nữ cũng “bình đẳng như nam giới”, ông ngửa mặt uống trước, rồi nhòm vào từng chén, bắt mọi người phải “dốc đít chén”. Ông luôn mồm nói:
– Tôi ghét người nào không uống hết chén rượu.
Một người nhẹ nhàng:
– Bác thông cảm, em lái xe, chỉ xin nhấp môi.
– Lái xe cũng uống. Tôi ghét người nào không cạn chén.
– Bác ghét nhưng tôi không ghét, vì sao tôi phải nghe bác? Người kia gằn giọng.
Không khí bữa tiệc trở nên căng thẳng, những mâm xung quanh ngoảnh lại nhìn mâm của chúng tôi. May sao, một người trong ban tổ chức tiệc cưới đến kéo ông ta đi chỗ khác.
Tôi hỏi những người cùng mâm:
– Ông này là ai thế các bác?
– Chịu, lần đầu tiên tôi nhìn thấy ông ấy.
– À, ông ấy là lãnh đạo một ngành to to, về hưu lâu rồi, nhưng chắc vẫn tưởng mình là “sếp” còn mọi người là “quân” như trước.

Thì ra dạng người “nhớ thương quyền lực” này không ít. Trong mâm, mỗi người góp một chuyện mắt thấy tai nghe:
– Sếp của tôi cũng thế, về hưu rồi vẫn giữ khư khư chìa khóa phòng làm việc, dứt khoát không giao phòng cho người kế nhiệm. Ngày ngày ông ấy vẫn đến phòng ngồi, hết giờ mới về như hồi đi làm. Lúc đầu còn có người nọ người kia vào phòng ông ấy trò chuyện, sau thì mọi người lảng hết, không biết ông ấy lục xục làm gì trong ấy mấy tiếng đồng hồ?
– Sếp của tôi thì không đến nỗi thế, nhưng sáng nào đi bộ tập thể dục cũng ghé qua phòng thường trực cơ quan ngồi chơi. Có hôm ông mặc áo may-ô, quần soọc lửng ngồi “chém gió” dưới cái biển “cơ quan văn hóa”. Trông đến ngại.

Nghe chuyện của họ, tôi nhớ đến một người quen của mình. Anh ta là một nhà báo giỏi, có nhiều bài được giải cao ở Trung ương. Tiếc nỗi, cuộc thi năm nay, anh chỉ được giải thấp. Nhưng khi Ban tổ chức lễ trao giải yêu cầu các tác giả đoạt giải phải ngồi đúng hàng ghế quy định, thì anh không chịu ngồi phía dưới (giải thấp) mà dứt khoát “nhoi” lên hàng ghế trên cùng (giải cao). Anh bắt tay các lãnh đạo và cười rạng rỡ trước ống kính phóng viên như thể anh là nhân vật chính của lễ trao giải này. Chỉ khổ mấy cô bé xếp chỗ, thỉnh thoảng chạy ra chạy vào hỏi nhau: “Sao trên kia lại thừa một người?”; “Sao dưới này lại thiếu một người?”…
Cách hành xử của anh bạn “không chịu ngồi ghế dưới” cũng là một cách “nhớ thương quyền lực” thật trẻ con.

Vậy nhưng trong cuộc đời, tôi lại gặp nhiều con người bình dị gần gũi vô cùng dù họ có chức có quyền. Không biết ở cơ quan, họ quyết đáp điều hành nhân viên như thế nào, nhưng khi về xóm về phố họ thân thiết hòa đồng. Sáng, họ cùng đi bộ tập thể dục, quét cổng đốt lá; tối cùng bàn việc xây nhà văn hóa hay lập đội bóng thiếu nhi của xóm. Rồi về hưu, họ tham gia ngay vào câu lạc bộ bóng chuyền hơi, vào chi hội người cao tuổi, thi thoảng góp tiền đi chơi xa chơi gần, “thích là nhích” không cần “mạnh thường quân” nào tài trợ. Có người tâm sự với tôi thế này: Không ít “sân chơi” dành riêng cho người có chức sắc về hưu, nhưng tôi ngại vì nhiều lễ tiết, kính thưa kính gửi. Gần cả cuộc đời trịnh trọng rồi, chỉ thích sao cuối đời được cười to, nói không phải đắn đo, hòa mình cùng cỏ cây hoa lá. Được sống bình dân mới hiểu quanh mình có bao nhiêu sắc màu rực rỡ.

Ngô Minh