Câu chuyện xã hội:Khi chất xám làm mồi cho mối mọt
Một năm, cả nước có vài trăm công trình nghiên
cứu khoa học của sinh viên ra đời. Và cũng con số ấy trôi vào nằm chất
kệ, chất đống trong các thư viện...
Và
cứ thế, kho luận văn, tài liệu khoa học sinh viên trong các thư viện
phải giải quyết tình trạng chật chỗ bằng cách... đi thanh lý bớt. Giá
trị cân não được mối mọt giải quyết sẽ rẻ rúng hơn cân ký cho ve chai
bán dạo: 2000 đồng/kg giấy.
Quan trọng là lúc ấy, giấy của công trình khoa học sẽ bình đẳng với một số loại giấy khác không tiện nêu tên.
Nhưng
nghiên cứu khoa học luôn luôn là vấn đề hấp dẫn và hăm hở đối với những
sinh viên mang nhiều hoài vọng và máu lửa. Sự tốn kém tiền bạc cho đầu
tư nghiên cứu so với vật giá cơm gạo, nhà trọ sinh viên thì vốn đã quá
cao. Nhưng đầu tư tiền bạc ấy có đáng gì so với chất xám, trí tuệ của
nhiều người, và đặc biệt là của chủ nhân được gắn cái tên trên "công
trình" ấy. (Dù vẫn biết, không phải nghiên cứu khoa học nào cũng đúng
nghĩa với hai chữ công trình!)
Cách đây chưa lâu,
anh bạn cùng phòng trọ với người viết hăm hở săn giải thưởng cấp trường,
cấp bộ cho đề tài khoa học nghiên cứu về vi khuẩn nốt sần trên cây đậu
xanh.
Con nhà nghèo, phải dốc hết tiền túi, vay mượn
tiền bạc cho cuộc khát vọng này. Khát vọng mà cứ như đánh bạc. Những
đêm khuya, thằng bạn vô tâm (là tôi) thức giấc, cứ thấy anh bạn khổ hạnh
gò lưng trên xấp bản thảo, tài liệu dày cộm sau những ngày thực tế, lê
la hết cánh đồng này đến cánh đồng khác, phòng thí nghiệm này đến phòng
thí nghiệm khác. Gầy đét. Siêu mỏng. Nhiều nốt sần từ cây đậu xanh lây
sang hai gò má hóp của anh sinh viên nghèo đóng mụn như cơm cháy. Ăn
bánh mì làm khoa học mà.
Thế rồi công trình chỉ dừng
lại ở mức giải thưởng của trường. Kiếm được giải thưởng vỏn vẹn... 1
triệu. Khao bạn bè hết 900 ngàn tiền bia để đưa tiễn cái công trình khoa
học sau nhiều ngày khổ hạnh kia vào... thư viện. Thế đã là vui. Chứ
giải thưởng cấp bộ nghe đâu cũng chỉ vài ba triệu. Về giá trị kim tiền
mà nói, kém hơn giải khuyến khích của một cuộc thi game show truyền hình
đang nhan nhản hằng ngày trên tivi.
Dạo ấy, nghe
đồn có sinh viên ở phía bắc bán công trình nghiên cứu khoa học của mình
cho doanh nghiệp được trên dưới 1 tỷ, thấy ngậm ngùi. Vì trong vài trăm
công trình khoa học mỗi năm, chỉ có 1- 2 công trình đi vào thực tế và ít
ra mang lợi cho thực tế. Những công trình lý thuyết ít được ngó ngàng,
lâu ngày, làm mồi nhâm nhi cho lũ mối ưa nhậu giấy. Còn những công trình
thực tế thì thực tế ấy luôn bị coi chưa tới nơi tới chốn.
Gần
đây, một sinh viên từng ngồi ở quán cóc gào lên: tôi có ý tưởng này hay
lắm nhưng mà chẳng biết phán ở đâu. Tôi bí mật không nói ra cho ai biết
vì chỉ cần sơ sẩy là bị ăn cắp ngay. Hắn nói ra điều hoài nghi ấy là
bởi vì một số công trình của các bạn cùng khóa với hắn đã từng bị doanh
nghiệp... "tiếp thu" cái hay "loại bỏ cái dở" và như thế là những đề tài
khoa học đã bị "rút tỉa" một cách trắng trợn. Nhưng tình ngay lý thì
gian. La làng chẳng ích gì.
Người ta thường nói đến
chuyện chảy máu chất xám "ra ngoài" mà quên rằng nếu không giải quyết
đầu ra cho những đề tài khoa học của trí thức trẻ, thì chất xám chúng ta
tự làm triệt tiêu "ở trong nhà" trở thành thảm họa cho học thuật và
khoa học đóng góp cho sự phát triển của đất nước.
Những
trung tâm giới thiệu ý tưởng, mua và làm cầu nối công trình khoa học
sinh viên với thực tế, những tổ chức bảo vệ sở hữu trí tuệ và chuyên làm
công việc quảng bá những công trình giá trị do sinh viên đổ mồ hôi sôi
từng cân não làm ra nên bắt đầu từ đâu nếu không phải là phía nhà
trường, nơi đào tạo và tạo thương hiệu của mình bằng những sản phẩm chất
lượng cụ thể, đóng góp và tạo nguồn lợi cho xã hội?
Sinh viên Việt Nam