Nên có cái nhìn đúng đắn về nhạc sĩ Văn Cao
PGS,TS Đàm Đức Vượng
Trên
trang mạng gần đây có những bài viết phê phán nhạc sĩ Văn Cao, tác giả
của ca khúc “Tiến quân ca”, Quốc ca đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ
Cộng hòa (nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam) và nhiều bài
hát về cách mạng. Họ xếp Văn Cao vào loại “lưu manh đỏ”. Họ đề cao vai
trò âm nhạc của Phạm Duy, Trịnh Công Sơn và hạ thấp vai trò âm nhạc của
Văn cao, định kiến với ông. Dĩ nhiên, chúng ta không đánh giá thấp vai
trò âm nhạc của Phạm Duy, Trịnh Công Sơn, nhưng nếu đề cao Phạm Duy,
Trịnh Công Sơn quá mức mà hạ thấp vai trò của Văn Cao là không công
bằng. Có bài viết: “Chủ trương của Đảng là luôn luôn sử dụng nghệ thuật,
thơ văn, âm nhạc… để tuyên truyền cho chế độ trong nhiều năm qua, nhất
là trong thời kỳ chiến tranh. Những tư tưởng gây hận thù, giết chóc do
các nhạc sĩ nô sáng tác (ý nói Văn Cao) được lồng vào âm nhạc để tác
động tinh thần”... Câu nói này là bóp méo sự thật lịch sử. Đảng Cộng sản
Việt Nam luôn luôn chủ trương dùng nghệ thuật, thơ văn, âm nhạc, hội
họa phục vụ cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, phục vụ nhân dân
trong mọi hoàn cảnh, không bao giờ gây những tư tưởng hận thù, chết chóc
vào trong sáng tác âm nhạc, thơ văn,… nói chung là trong lĩnh vực văn
hóa. Đó là sự thật hiển nhiên và cũng là đường lối văn nghệ của Đảng.
Việc
đánh giá nhạc sĩ Văn Cao thuộc diện “lưu manh đỏ” là bôi đen sự nghiệp
sáng tác của ông. Ông sáng tác Tiến quân ca là phù hợp với hoàn cảnh
chiến tranh cách mạng. Nó đã đi vào lòng người nhiều thế hệ và đã in sâu
trong lòng người chiến sĩ nơi trận tuyến chống xâm lăng. Dĩ nhiên, đến
một lúc nào đó, chúng ta có thể soạn lại hoặc sửa lại Tiến quân ca cho
phù hợp với thời bình.
Ở
con người Văn Cao, tuy quan điểm tư tưởng của ông có lúc chệch choạc,
nhưng trước sau, ông vẫn là một nhạc sĩ, họa sĩ, thi sĩ ái quốc và rất
có tài; đồng thời, ông cũng là một trong những nhạc sĩ có ảnh hưởng lớn
của nền tân nhạc Việt Nam.
Nhạc sĩ Văn Cao
Văn
Cao sáng tác nhạc thời tiền chiến, nhạc cách mạng; thơ tiền chiến, thơ
kháng chiến; ông vẽ những bức tranh sáng giá. Nói chung, ông có nhiều
đóng góp trên các lĩnh vực âm nhạc, thơ ca, hội họa. Tài năng nghệ thuật
mang tính đa dạng, hội tụ giữa âm nhạc, thơ ca, hội họa. Tuy nhiên,
những đóng góp về thơ ca và hội họa của Văn Cao vì nhiều lý do khác nhau
mà ít được nhắc tới hơn là những thành tựu trong sáng tác âm nhạc của
ông.
Văn
Cao viết nhiều ca khúc mang âm hưởng hào hùng, trong đó có “Tiến quân
ca”. Ông đã trở thành một trong những nhạc sĩ tiêu biểu của dòng nhạc
cách mạng – kháng chiến. Âm nhạc của ông được “trời phú cho” như có nhà
văn đã đánh giá, được tôn tạo bởi tài năng nghệ thuật sẵn có, một hiện
tượng hiếm có trong dòng chảy văn hóa của một cá nhân, được “hợp lưu”
xuyên suốt của ba nhánh nhạc, thơ, họa, tạo thành những tia sáng văn hóa
một thời. Ông quả là một nghệ sĩ đại tài.
Âm
nhạc của Văn Cao thường mang tính khai phá, vỡ ra từng mảng để rồi hợp
lại từng mảng. “Nhận định về sự nghiệp văn nghệ của Văn Cao, nhiều người
thường nhắc đến ông như một nghệ sĩ đa tài, thích “lãng du” qua những
địa hạt (lĩnh vực) nghệ thuật khác nhau”1.
Sáng
tác của Văn Cao, đặc biệt là về âm nhạc hầu như bài nào cũng có chất
lượng, có ảnh hưởng mang tính khái quát và tính nhân văn, mang tính anh
hùng ca và tình ca ngọt ngào, đặt cơ sở cho sự phát triển của đời sống
tinh thần văn nghệ Việt Nam.
Sáng
tác âm nhạc của Văn Cao mang cá tính như con người ông, trầm tư, khép
kín, tập trung vào một chủ đề nhất định nhằm làm nổi bật vấn đề ở tầm
quốc thể.
Ngôn
ngữ trong âm nhạc và thơ ca của Văn Cao khá trau chuốt, nhưng giản dị
và đời thường, mang dáng dấp của ca dao, tục ngữ, ai cũng có thể tiếp
thu được.
Văn
Cao (tên khai sinh là Nguyễn Văn Cao), sinh ngày 15-11-1923 (Quý Hợi),
tại phường Lạch Tray, quận Ngô Quyền, thành phố Hải Phòng. Quê gốc ở
thôn An Lễ, xã Liên Minh, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định. Ông xuất thân
trong một gia đình viên chức. Thuở nhỏ, ông học ở Trường tiểu học Bonnal
(nay là Trường phổ thông trung học Ngô Quyền, Hải Phòng). Sau lên học
trung học tại Trường dòng Saint Josef, là nơi ông bắt đầu học âm nhạc.
Năm 1938, khi mới 15 tuổi, vì gia đình sa sút, Văn Cao phải bỏ học,
chuyển sang làm điện thoại viên ở Sở Bưu điện Hải Phòng, nhưng làm được
một tháng thì bỏ việc, quay sang làm “nghề tự do”. Năm 16 tuổi, ông bắt
đầu sáng tác ca khúc đầu tiên là “Buồn tàn thu” trong nhóm Đồng Vọng.
Năm 1940, ông có chuyến đi vào miền Nam. Trên đường vào Nam, dừng chân
tại Huế, Văn Cao đã viết bài thơ đầu tiên trong cuộc đời sáng tác thơ
của ông: “Một đêm đàn lạnh trên sông Huế”. Sau chuyến đi vào Nam, ông
trở lại Hải Phòng. Năm 1942, ông rời Hải Phòng lên Hà Nội. Tại Hà Nội,
ông theo học dự thính Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương. Thời gian ở
Hà Nội, ông làm hội họa, sáng tác âm nhạc và thơ ca. Cuối năm 1944, Văn
Cao tham gia Việt Minh. Sau khi tham gia Việt Minh, Văn Cao sáng tác bài
“Tiến quân ca”. Bài này được in trên báo Độc lập, số ra tháng 11-1944.
Ngày 13-8-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chính thức duyệt “Tiến quân ca”
làm Quốc ca chính thức của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Nói
về bài Tiến quân ca, Văn Cao tâm sự: “Còn về lời ca Tiến quân ca, có
người bảo tôi là tại sao có đoạn viết: “Thề phanh thây uống máu quân
thù”. Tôi lặng người, sau đó trả lời: Hoàn cảnh lúc đó, nếu không có hai
triệu người chết đói dần mà tôi đã từng chứng kiến khi bắt đầu sáng tác
ca khúc này… Dù sao Tiến quân ca cũng chẳng phải là của riêng tôi, nó
đã là của một dân tộc Việt Nam độc lập kể từ Tổng khởi nghĩa tháng Tám
năm 1945 đến nay”2.
Sau
Cách mạng tháng Tám năm 1945, ông làm việc ở báo Lao động. Năm 1946,
Văn Cao cùng một số người chuyên chở vũ khí và tiền vào mặt trận Nam Bộ.
Sau đó, chính thức được mời tham gia Hội Văn hóa Cứu quốc và được bầu
là Ủy viên Ban Chấp hành. Thời gian này, ông vào hoạt động ở Liên khu
III, viết báo Độc lập.
Tháng
12-1946, Lê Giản, Giám đốc Nha Công an Trung ương tìm gặp Văn Cao tại
quán cà phê Thiên Thai ở phố Hàng Gai, Hà Nội và trao đổi với ông một
vấn đề hệ trọng. Lê Giản nói với Văn Cao: “Tình hình Lào Cai hiện nay
rất phức tạp, bọn Quốc dân Đảng câu kết với thổ phỉ chống phá chúng ta
công khai, trong lúc lực lượng ta lại yếu. Mình muốn cậu sang giúp ngành
công an, cậu sẽ phụ trách Đội điều tra công an Liên khu X. Với kinh
nghiệm hoạt động bí mật trước đây, lại có vỏ bọc là nhạc sĩ, chỉ có cậu
mới có đủ khả năng trong công việc khó khăn và phức tạp này”3.
Văn
Cao đồng ý nhận lời đề nghị của Lê Giản và đầu năm 1947, ông được cử
phụ trách một bộ phận điều tra đặc biệt của công an Liên khu X tại biên
giới phía Bắc.
Tháng
3-1948, ông được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương. Thời gian này,
ông tiếp tục sáng tác các ca khúc nổi tiếng khác như “Trường ca sông Lô”
(1947, “Làng tôi” (1947), “Ngày mùa” (1948), “Tiến về Hà Nội” (1949),…
Cuối năm 1949, ông được cử phụ trách Đoàn Nhạc sĩ Việt Nam. Từ đó, đến
khi cuối đời, ông chuyên sáng tác âm nhạc với những ca khúc trữ tình,
giàu lòng yêu quê hương, đất nước. Hiện nay, chúng ta chưa thống kê
được, cả đời ông đã có bao nhiêu ca khúc, thơ, tranh, chỉ biết rất nhiều
ca khúc nổi tiếng.
Văn Cao mất ngày 10-7-1995, thọ 72 tuổi.
Năm
1996, một năm sau khi mất, Văn Cao được tặng giải thưởng Hồ Chí Minh
trong đợt trao giải đầu tiên. Ông cũng đã được Nhà nước Việt Nam trao
tặng Huân chương Kháng chiến Hạng nhất, Huân chương Độc lập Hạng Ba,
Huân chương Độc lập Hạng nhất, Huân chương Hồ Chí Minh.
Tên
Văn Cao cũng được đặt cho nhiều đường phố đẹp ở Hà Nội, thành phố Hồ
Chí Minh, Hải Phòng, Huế, Đà Nẵng, Nam Định, Đắc Lắc, Kiên Giang, Lâm
Đồng, Lạng Sơn, Bình Dương.
Đấy,
con người Văn Cao là như vậy. Âm nhạc, thơ ca, hội họa, nhất là âm nhạc
của ông cũng là như thế. Ông không phải là “lưu manh đỏ” như có người
đã viết, mà là một người cộng sản chân chính, một chiến sĩ tiên phong
trên mặt trận văn nghệ. Đã đến lúc chúng ta nên có cái nhìn đúng đắn về
nhạc sĩ, thi sĩ, họa sĩ Văn Cao.
------1. Dẫn theo “Bách khoa Toàn thư mở Wikipedia”, bài “Văn Cao”.
2. Dẫn theo “Bách khoa Toàn thư mở Wikipedia”, bài “Văn Cao”.
3. Dẫn theo “Bách khoa Toàn thư mở Wikipedia”, bài “Văn Cao”.