Mới cập nhật

Sự thật về vua Gia Long

GS,TS Đàm Đức Vượng



Tranh vẽ vua Gia Long

Trên trang mạng gần đây xuất hiện bài viết: “Nguyễn Ánh – Vị vua có công đầu lập quốc”. Bài viết đề cao vai trò của vua Gia Long (Nguyễn Ánh): “Nguyễn Ánh đã lập nên kỳ tích vĩ đại nhất trong lịch sử Việt Nam”. “Nguyễn Ánh đánh bại Tây Sơn, thống nhất ba miền, lập nên nước Việt Nam hùng mạnh, là kỳ tích vĩ đại mà trong lịch sử Việt Nam không ai sánh bằng”. “Hãy tôn kính và biết ơn Nguyễn Ánh- người thành lập nên Tổ quốc Việt Nam!”…
Đề cao Nguyễn Ánh bao nhiêu, bài viết hạ thấp vai trò của vua Quang Trung (Nguyễn Hệ) bấy nhiêu.
Sự thật Nguyễn Ánh là nhân vật như thế nào, cần phải làm cho rõ, không thể “mập mờ đánh lận con đen”, như bài viết đã mô tả. Trước đây, tôi đã có bài viết “Một số vấn đề về Triều Nguyễn”. Trong bài viết này, tôi viết về sự thật nhân vật Nguyễn Ánh để bạn đọc tham khảo.
Nguyễn Phúc Ánh (Nguyễn Ánh, Nguyễn Thế Tổ, Gia Long) là vị vua đầu tiên của Triều Nguyễn, sinh ngày 8-2-1762, (ngày 15 tháng Giêng năm Nhâm Ngọ).
Năm 1773 (Quý Tỵ) nổi lên cuộc khởi nghĩa Tây Sơn. Năm ấy, Nguyễn Ánh 11 tuổi, theo chúa Nguyễn Phúc Thuần vào Quảng Nam. Khi Nguyễn Phúc Thuần tử trận, Nguyễn Ánh một mình chạy thoát ra đảo Thổ Chu lánh nạn.
Tại Thổ Chu, Nguyễn Ánh gặp Giám mục người Pháp tên là Bá Đa Lộc (Pigneau de Behaine). Từ đấy, Bá Đa Lộc đã tham mưu cho Nguyễn Ánh chống lại Nhà Tây Sơn. Tháng 11-1777 (Đinh Dậu), Nguyễn Ánh trở về Long Xuyên, chiêu binh tướng, lần lượt chiếm lại Sa Đéc, Long Hồ, Gia Định,… và đẩy quân Tây Sơn đến Bình Thuận. Năm 1778 (Mậu Tuất), các tướng sĩ tôn Nguyễn Ánh làm Đại nguyên soái, quyền nhiếp chính để chống lại quân Tây Sơn.Tháng 1-1780 (Canh Tý), Nguyễn Ánh xưng Vương.
Tháng 3-1782 (Nhâm Dần), quân Tây Sơn Nam tiến và quân của Nguyễn Ánh bị đánh tơi tả. Lúc này, Nguyễn Huệ tuy chưa lên ngôi Hoàng đế 1,nhưng đã thành một vị tướng lẫy lừng trận mạc, đánh đâu thắng đấy, làm cho Nguyễn Ánh phải khiếp sợ.
Tháng 11-1783 (Quý Mão), Bá Đa Lộc sang Xiêm (Thái Lan) vận động vua Xiêm là Chất Tri giúp quân cho Nguyễn Ánh đề đánh quân Tây Sơn. Quân Tây Sơn phản công lại quyết liệt. “Mọi người đang hướng về lá cờ cứu nước của Tây Sơn và sẵn sàng đứng lên góp phần giải phóng quê hương, bảo vệ đất nước” 2 .
Với chiến thắng Rạch Gầm – Xoài Mút, quân Tây Sơn, đứng đầu là Nguyễn Huệ, đã đập tan âm mưu can thiệp của quân Xiêm đối với Việt Nam và trừng trị đích đáng hành động bán nước của Nguyễn Ánh. Cuộc kháng chiến chống quân Xiêm xâm lược là một chiến công lẫy lừng của quân Tây Sơn, đứng đầu là Nguyễn Huệ trong việc giữ vững lãnh thổ của Tổ quốc, đồng thời cũng nói lên thất bại của Nguyễn Ánh trong việc tiếp tay cho quân Xiêm xâm lược nước ta.
Giữa Nguyễn Ánh và Pháp đã có sự đi lại với nhau nhằm hợp tác đánh lại quân Tây Sơn, tạo điều kiện để cho Pháp có cớ xâm lược Việt Nam.
Năm 1784 (Giáp Thìn), Nguyễn Ánh liên hệ với các giáo sĩ nước ngoài, ủy quyền cho Giám mục Bá Đa Lộc đem Hoàng tử Cảnh cùng với các quan của Nguyễn Ánh là Phạm Gia Nhân, Nguyễn Văn Khiêm sang cầu viện Pháp. Bá Đa Lộc đưa Hoàng tử Cảnh vào yết kiến Pháp hoàng Louis XVI. Sau khi hội đàm với Bộ Ngoại giao Pháp, ngày 28-11-1787 (Đinh Mùi), Hiệp ước Vécxây được ký kết giữa một bên là Bá tước Montmorin, đại diện của vua Pháp Louis XVI và một bên là Bá Đa Lộc, thay mặt Nguyễn Vương (Nguyễn Ánh). Hiệp ước này thực chất là Hiệp ước bán nước, Pháp đem binh sang cứu viện cho Nguyễn Ánh. Nhưng do nội tình nước Pháp, Hiệp ước Vécxây không thực hiện được. Nếu Hiệp ước Vécxây thành sự thật, thì Pháp có thể chiếm Việt Nam sớm hơn mấy chục năm. Bá Đa Lộc tự đi mộ lính, mua tàu, súng đạn và khí giới, mang sang Việt Nam và giúp Nguyễn Ánh. Dù sao, Hiệp ước Vécxây cũng là Hiệp ước dọn đường cho quân Pháp xâm lược Việt Nam sau đó. Thế là quân sĩ của Nguyễn Ánh được trang bị vũ khí của Pháp, làm tàu chiến, đúc súng đạn và chỉnh đốn quân ngũ. Từ đó, thế lực của Nguyễn Ánh ngày một mạnh, tướng tá mỗi ngày một đông, quân sĩ giỏi, lương thực dồi dào, cho nên việc thắng quân Tây Sơn là cầm chắc trong tay.
Trong lúc thế lực của Nguyễn Ánh đang lên, thì nhà Tây Sơn gặp chuyện rủi ro. Tháng 7-1792 (Nhâm Tý), vua Quang Trung (Nguyễn Huệ) từ trần. Sau khi vua Quang Trung qua đời, nội bộ Triều Tây Sơn lục đục. Con là Nguyễn Quang Toản còn ít tuổi, không chống nổi sức tiến công của Nguyễn Ánh có sự trợ giúp của Pháp mà hiện thân là Bá Đa Lộc.
Năm 1797 (Đinh Tỵ), Nguyễn Ánh đánh tiếp quân Tây Sơn tại Quy Nhơn (Bình Định), rồi tiến lên đánh Khánh Hòa. Khi Nguyễn Ánh đánh vào Quy Nhơn, vua Tây Sơn Cảnh Thịnh (Nguyễn Quang Toản) sai Trần Quang Diệu và Vũ Văn Dũng đem binh vào cứu, lần này bị thất bại và một số lần sau cũng bị thất bại.
Năm 1801 (Tân Dậu), Nguyễn Ánh đem quân ra đánh quân Tây Sơn tại thành Phú Xuân (Huế) và chiếm được thành. Lợi dụng thời cơ triều Tây Sơn đang trên đường suy sụp, Nguyễn Ánh đưa quân ra bình định cả đất Bắc.Ngày 1-6-1802 (Nhâm Tuất), Nguyễn Ánh diệt xong triều Tây Sơn lên ngôi Vua (Hoàng đế), niên hiệu Gia Long.
Sau khi lên ngôi Hoàng đế, Vua Gia Long đã trả thù Nhà Tây Sơn cực kỳ dã man. Ông cũng bức hại một số cận thần theo ông từ thuở ban đầu, như Nguyễn Văn Thành, Đặng Trần Thường, Đỗ Thanh Nhân, Lê Văn Câu,… Hình ảnh Nguyễn Ánh cũng gần giống như hình ảnh Việt Vương Câu Tiễn, nghĩa là chỉ có thể sống chung với nhau thời loạn, chứ không thể sống chung với nhau thời bình.
Dẹp xong quân Tây Sơn, Vua Gia Long phái một đoàn sứ thần do Lê Quang Định làm Chánh sứ sang Nhà Thanh xin phong vương và đổi tên nước là Nam Việt. Sau đó, lấy tên nước là Việt Nam từ năm 1804.
Đến đây, Gia Long quản lý một quốc gia từ Bắc chí Nam. Gia Long chia cả nước làm 23 trấn, 4 doanh. Từ Ninh Bình trở ra gọi là Bắc Thành gồm 11 trấn. Ở giữa đất nước gọi là các trấn độc lập: Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Nghĩa, Bình Định, Phú Yên, Bình Hòa, Bình Thuận. Đất Kinh kỳ đặt 4 doanh: Trực Lệ Quảng Đức doanh (Thừa Thiên), Quảng Trị doanh, Quảng Bình doanh, Quảng Nam doanh. Sự phân chia này có phần phức tạp và khó xác định.
Vua Gia Long không lập ngôi Hoàng hậu, chỉ có Hoàng phi và Cung tần.Gia Long có 2 vợ chính và nhiều vợ khác, có 13 hoàng tử và 18 công chúa.Ngày 3-2-1820 (tức ngày 19 tháng Chạp năm Canh Thìn), Vua Gia Long từ trần, thọ 59 tuổi (kể cả tuổi mụ); ở ngôi vua 18 năm, được suy tôn là Thế tổ Cao Hoàng đế.
Vua Gia Long mất trong lúc Pháp chưa sang xâm lược Việt Nam, nhưng những gì mà ông đã làm là dọn đường cho Pháp xâm lược Việt Nam.
Công bằng mà nói, Gia Long là một ông vua thông minh, đầy cá tính, giỏi trận mạc, có ý thức mở mang bờ cõi. Nhưng cũng có nhiều tội lỗi, quan hệ một cách vô nguyên tắc với Nhà Mãn Thanh xâm lược, đón rước người Xiêm, rồi đến người Pháp can thiệp vào công cuộc nội bộ của nước ta, xâm lược nước ta, mà lịch sử đã phê phán là một ông vua “rước voi về giày mả Tổ”. Bộ luật Gia Long phản ánh tinh thần hẹp hòi, tàn nhẫn của Nguyễn Ánh đối với nhân dân mình.
Mọi luận điệu đề quá cao vai trò của Nguyễn Ánh, là ông vua “không ai sánh bằng” đều không đúng với hiện thực lịch sử.
------
1.Nguyễn Huệ (Quang Trung) lên ngôi Hoàng đế từ năm 1788 (Mậu Thân) đến năm 1792 (Nhâm Tý) thì mất.
2. Lịch sử Việt Nam, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 1971, tập 1, tr.340