Mới cập nhật

Nỗi lòng người cung nữ qua “Cung oán ngâm khúc” của Nguyễn Gia Thiều

ui“Ngày sáu khắc tin mong nhạn vắng
Đêm năm canh tiếng lắng chuông rền.
Lạnh lùng thay giấc cô miên
Màn đêm tịch mịch bóng đèn thâm u”.

 

Nguyễn Gia Thiều thấu lòng cung nữ
Phận hồng nhan nhiều dữ ít lành.
Thâm cung chốn ấy lạnh tanh
Quạ kêu quang quác một mình mình lo.

Chốn phồn hoa so đo nhiều thứ
Nơi sinh thành mệt lử tấm thân.
Vào ra nhòm ngó mấy lần
Vẫn không thấy bóng quân vương đi vào.

Nhiều lúc muốn “phá rào” mà thoát
Nhưng ác thay lính gác bốn bề
Chán chường mặt mũi ủ ê
Càng hy vọng lắm càng tê tái nhiều.

Trần gian ơi bao điều trông thấy
Chốn thâm cung biết mấy buồn vui.
Đắng cay chua chát ngọt bùi
Thâm cung bí sử chôn vùi giai nhân.

Nguyễn Gia Thiều người nhìn thấu rõ
Chốn tà cung vò võ năm canh.
Ông thương cho kiếp mỏng manh
Oán đời làm héo bao cành hoa xuân!

Praha, Séc, Đêm 27-7-2001
Đức Vượng (Cử nhân Ngữ văn)
---------------------------------------
Lời Tác giả: Nguyễn Gia Thiều là một trong số các nhà thơ Việt Nam mà tôi rất ngưỡng mộ. Tôi đã đọc tập thơ “Cung oán ngâm khúc” của Nguyễn Gia Thiều không biết bao nhiêu lần. Mỗi lần đọc là một lần hứng thú. Vào đêm 27-7-2001, tại thủ đô Praha, Cộng hòa Séc, tôi đang nằm suy ngẫm sự đời, bỗng nhớ đến “Cung oán ngâm khúc” của Nguyễn Gia Thiều, liền bật dậy làm bài thơ Nỗi lòng người cung nữ qua “Cung oán ngâm khúc” của Nguyễn Gia Thiều. Tôi viết bài thơ này theo thể song thất lục bát, một thể thơ mà Nguyễn Gia Thiều đã trình bày trong “Cung oán ngâm khúc”, cố gắng phản ánh đúng thân phận người cung nữ ở chốn cung đình. Rất tiếc là tôi không mang theo tập thơ “Cung oán ngâm khúc” sang Praha, cho nên khi làm bài thơ này, tôi hoàn toàn dựa vào trí nhớ.

Nguyễn Gia Thiều (Ôn Như Hầu - 1741-1798), người làng Liễu Ngạn, tổng Liễu Lâm, huyện Siêu Loại, phủ Thuận Thành (nay là huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Giang). Ông sinh trưởng trong một gia đình đại quý tộc lâu đời. Thân phụ là Nguyễn Gia Ngô, một võ quan cao cấp trong triều. Thân mẫu là Trịnh Thị Ngọc Tuân, tức quận chúa Quỳnh Liên, con gái chúa Trịnh Cương. Vì gia đình bên ngoại thuộc họ nhà Chúa, nên Nguyễn Gia Thiều từ bé đã được vào học trong Phủ Chúa. Ông rất thông minh, học rộng, biết nhiều, tinh thông âm nhạc, hội họa, kiến trúc, trang trí.

Thơ của Nguyễn Gia Thiều viết bằng chữ Hán có tập “Ôn Như”; viết bằng chữ Nôm có tập “Cung oán ngâm khúc”. Ngoài ra, Ông còn có nhiều bài thơ khác. Tổng cộng, Ông viết khoảng bốn tập thơ. Ông đã chứng kiến những cảnh đau lòng diễn ra trong Phủ Chúa, nhất là thân phận của các cung nữ. Trong “Cung oán ngâm khúc”, Ông đã giáng đòn nặng vào chế độ cung nữ và bọn vua chúa ăn chơi trác táng. Thơ Nguyễn Gia Thiều là một bầu tâm sự thất vọng về cái xã hội đương thời và cảm thấy cuộc đời không có lối thoát, mặc dù được sống trong nhung lụa.

Thơ của Nguyễn Gia Thiều rất điêu luyện, chọn lọc, khúc chiết, tính từng chữ để viết theo lối đối ngẫu, song thất lục bát, nhưng vẫn giữ được cái vẻ lịch sự của thơ. Vì vậy, có người gọi thơ của Ông là “thơ cung đình”.